Liên kết web
Số lượt truy cập

27

2023358

Tin hoạt động

Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam

09/07/2015
United Nations Viet Nam, MDG Achievement Fund, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ở nhiều nước trên thế giới, lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ) là một nghề đã được công nhận và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng tại một số nước, nghề này không được đề cập trong pháp luật lao động quốc gia hoặc có nhưng còn rất lỏng lẻo. Tại Việt Nam, những qui định pháp luật liên quan công việc nghề LĐGVGĐ còn hạn chế, trong khi nhu cầu đối với công việc này là rất lớn và đang nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến điều kiện sống và làm việc của người LĐGVGĐ, mối quan hệ giữa họ và người chủ sử dụng lao động.

Nhằm xác định thực trạng LĐGVGĐ và việc thực hiện pháp luật hiện hành về LĐGVGĐ ở Việt Nam, trên cơ sở đó các cơ quan hoạch định chính sách có bằng chứng đáng tin cậy để xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động giúp việc gia đình, tổ chức ILO và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với Viện Gia đình và Giới (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành nghiên cứu “Việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình” tại hai đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Viện Gia đình và Giới là cơ quan trực tiếp thực hiện tổ chức nghiên cứu và viết báo cáo. Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về Bình đẳng giới. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Báo cáo nghiên cứu này.

 

Báo cáo nghiên cứu “Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam” do United Nations Viet Nam, MDG Achievement Fund và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xuất bản năm 2012, với độ dài 142 trang, gồm 5 phần: Phần I: Giới thiệu về bối cảnh nghiên cứu, mục tiêu, nội dung, phương pháp và hạn chế của nghiên cứu này. Phần II: Định nghĩa và khung pháp lý về LĐGVGĐ. Phần III: Tổng quan nghiên cứu về LĐGVGĐ trên thế giới và Việt Nam; Phần IV: Thực trạng LĐGVGĐ qua nghiên cứu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; và Phần V: Kết luận và khuyến nghị. Bài viết tập trung giới thiệu những nội dung chính của báo cáo, gồm: 1) Vài nét về cuộc nghiên cứu; 2) Định nghĩa và khung pháp lý về LĐGVGĐ; 3) Nghiên cứu về LĐGVGĐ trên thế giới và Việt Nam; 4) Thực trạng LĐGVGĐ qua nghiên cứu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; 5) Khuyến nghị.

1. Vài nét về cuộc nghiên cứu

Nghiên cứu “Việc làm bền vững đối với lao động giúp việc gia đình ở Việt Nam” được tiến hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 3 và 4/2011. Nghiên cứu kết hợp phương pháp định lượng và định tính với số lượng mẫu là 600 lao động giúp việc gia đình và 393 người sử dụng lao động, 20 đại diện của tổ chức tuyển dụng, 26 phỏng vấn sâu và 4 cuộc thảo luận nhóm. Mẫu nghiên cứu về người lao động và người sử dụng lao động được tiếp cận trên cơ sở lựa chọn có chủ đích và chỉ tập trung vào nhóm LĐGVGĐ là người Việt Nam hiện đang làm việc cho các gia đình người Việt Nam. Các kết quả của nghiên cứu này chỉ phản ánh các đặc điểm của LĐGVGĐ và các vấn đề xã hội liên quan ở khu vực thành thị và mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động đã được thiết lập ít nhất 6 tháng trở lên.

2. Định nghĩa và khung pháp lý về lao động giúp việc gia đình

“Việc làm bền vững” theo định nghĩa của ILO là công việc mang đến cho người lao động thu nhập thích đáng, an toàn tại nơi làm việc, họ được hưởng đầy đủ chế độ an sinh xã hội, có triển vọng tốt hơn cho sự phát triển và hội nhập xã hội, tự do thể hiện ý kiến, được bình đẳng về cơ hội, về sự đối xử giữa lao động nam và lao động nữ... Tóm lại, khái niệm này nhấn mạnh đến sự an toàn trong việc làm, tức là đòi hỏi công việc phải liên tục, ổn định trong quan hệ lao động và đào tạo.

Định nghĩa đầu tiên về người lao động giúp việc gia đình được đưa ra tại cuộc họp các chuyên gia do ILO tổ chức năm 1951. Theo đó, người giúp việc gia đình được định nghĩa là “người làm công làm việc tại nhà riêng, theo các hình thức và thời gian thanh toán tiền công khác nhau. Người này có thể do một hoặc nhiều người thuê và người chủ không được tìm kiếm lợi nhuận từ công việc này”. Đến năm 2011, theo Điều 1 của Công ước số 189, “công việc giúp việc gia đình” được quy định là công việc được thực hiện trong một hoặc nhiều hộ gia đình hoặc cho một hoặc nhiều hộ gia đình; còn “người lao động giúp việc gia đình” là người thực hiện công việc gia đình trong mối quan hệ lao động việc làm.

Định nghĩa này của ILO năm 2011 không hàm ý rằng nó mang tính phổ biến trên thế giới. Và vì vậy các quốc gia có thể áp dụng các cách tiếp cận chính sách và luật pháp khác nhau đối với vấn đề này. Thuật ngữ “lao động giúp việc gia đình” dùng để chỉ rất nhiều loại công việc khác nhau liên quan đến 2 lĩnh vực quan trọng là: chăm sóc gia đình và công việc gia đình. Nhìn chung các định nghĩa về lao động giúp việc gia đình thường đề cập đến ba yếu tố cơ bản là: đặc trưng của nơi làm việc hay phạm vi làm việc; công việc thực hiện; vị thế pháp lý của người sử dụng lao động.

Pháp luật lao động Việt Nam đã đề cập tới thuật ngữ giúp việc gia đình trong Bộ luật Lao động tại các điều 2, 5, 28, 139, 166, tuy nhiên, lại chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa “lao động giúp việc gia đình” hay “người lao động giúp việc gia đình” hoặc định nghĩa “người sử dụng lao động giúp việc gia đình” và “công việc giúp việc gia đình”.

Trong nghiên cứu này lao động giúp việc gia đình được xác định là những người được trả tiền công trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện các công việc cho gia đình cho người khác từ công việc nhà, việc chăm sóc các thành viên trong gia đình, đến việc thực hiện các công việc tạo ra lợi nhuận cho gia đình. Các hoạt động này có thể diễn ra trong hoặc ngoài gia đình.

3. Nghiên cứu về lao động giúp việc gia đình trên thế giới và Việt Nam

Nghiên cứu ở nước ngoài chỉ ra rằng lao động giúp việc gia đình là một trong những nghề lâu đời và quan trọng với hàng triệu người lao động trên thế giới, đặc biệt đối với những phụ nữ có học vấn thấp. Tuy nhiên, loại hình lao động này thường bị đánh giá thấp, bị coi là công việc thấp hèn và thường chỉ có những người nông thôn, học vấn thấp và phụ nữ mới làm. Loại hình lao động này chưa được luật pháp điều chỉnh một cách rõ ràng, đặc biệt là thiếu các chế tài phù hợp.

Một số khó khăn của lao động giúp việc gia đình thường được đề cập trong các nghiên cứu là: tiền công thấp và thời gian làm việc dài; không có đào tạo việc; không có lịch làm việc cố định thường xuyên; không được tham gia các hoạt động xã hội; không có bảo hiểm xã hội; không có cam kết hợp đồng lao động; bị lạm dụng sức lao động và quấy rối tình dục,v.v..

Tại Việt Nam, theo Điều tra quốc gia về Lao động Việc làm năm 2010, tỷ lệ người làm thuê các công việc trong hộ gia đình chiếm 0,4% tổng số lao động đang làm việc và lao động nữ chiếm 90,8% (Tổng cục thống kê, 2011). Nhìn chung, những đặc điểm về LĐGVGĐ ở Việt Nam khá tương đồng với những đặc điểm chung của LĐGVGĐ của các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt về đặc trưng giới tính, thỏa thuận lao động, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội. Riêng về tình trạng trả lương cho LĐGVGĐ không đúng thời hạn và thấp hơn so các loại hình lao động khác không phải là vấn đề nổi cộm như ở một số quốc gia. Tuy nhiên, các khoảng trống được chỉ ra trong các nghiên cứu về LĐGVGĐ tại Việt Nam chủ yếu ở khía cạnh như: thông tin thực tiễn về tình trạng sức khỏe, việc chăm sóc sức khỏe người lao động; tình trạng bạo lực, lạm dụng của người giúp việc, cũng như những nguy cơ bị thiệt hại về tinh thần và vật chất mà gia đình người sử dụng lao động phải đối mặt khi sử dụng LĐGVGĐ.

4. Thực trạng lao động giúp việc gia đình tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Đây là nội dung trọng tâm của Báo cáo được rút ra từ dữ liệu của cuộc khảo sát tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây là một số phát hiện chính.

Đặc điểm của người LĐGVGĐ và người sử dụng LĐGVGĐ: Người LĐGVGĐ ở cả hai thành phố đều có trình độ học vấn phổ biến ở bậc trung học cơ sở trở xuống, chủ yếu đến từ nông thôn, có mức sống nghèo, và không được đào tạo nghề. Có sự tham gia của các nhóm dân tộc, tôn giáo khác nhau và sự tham gia chủ yếu của nữ giới cho thấy khác biệt giới trong lực lượng LĐGVGĐ. Nam giúp việc gia đình không đảm nhận công việc chăm sóc và làm việc nhà mà chỉ giúp việc chăm sóc người ốm tại bệnh viện và việc kinh doanh cho hộ gia đình. So với nữ giới, nam giới có độ tuổi trẻ hơn, học vấn cao hơn, trong tình trạng độc thân nhiều hơn. Nhóm lao động giúp việc kinh doanh có độ tuổi trẻ hơn, trình độ học vấn cao hơn. “Có thu nhập tốt hơn” là lý do chính để người lao động lựa chọn công việc LĐGVGĐ. Các gia đình sử dụng người giúp việc có số nhân khẩu bình quân cao hơn các gia đình nói chung trên toàn quốc và phần lớn có mức sống khá. Đa số nữ giới là người ký kết hợp đồng và là người giao việc chính cho người lao động giúp việc, đặc biệt là ở nhóm giúp việc nhà, giúp việc chăm sóc - lĩnh vực việc làm vốn được cho là của riêng nữ giới.

Về việc tuyển chọn người LĐGVGĐ và thực trạng quản lý LĐGVGĐ: Người LĐGVGĐ thường được lựa chọn trên 3 tiêu chí quan trọng là: chân thật, chăm chỉ, khỏe mạnh. “Họ hàng, người quen” là kênh tìm người lao động giúp việc chủ yếu và đáng tin cậy của đại đa số các gia đình. Trung tâm giới thiệu việc làm là kênh cung ứng lao động nhanh chóng nhưng người sử dụng lao động thường mất lòng tin đối với các trung tâm này về việc cung cấp người lao động giúp việc không đúng yêu cầu hoặc không đảm bảo thông tin tin cậy về nơi xuất thân.

Thỏa thuận lao động: Đại đa số người sử dụng lao động và người lao động sử dụng hình thức thỏa thuận miệng, đặc biệt ở nhóm học vấn thấp. Nội dung thỏa thuận chủ yếu gồm: công việc phải làm, tiền lương, phương thức trả lương. Các nội dung ít được đề cập là: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và chế độ thai sản. Phần lớn các thỏa thuận diễn ra vào thời điểm trước khi bắt đầu công việc. Tình trạng người lao động giúp việc phải làm công việc không đúng với thỏa thuận ban đầu mà không có sự thỏa thuận lại không nhiều. Có hiện tượng người lao động giúp việc được trả lương chậm hơn so với thỏa thuận nhưng không có tiền đền bù. Việc thiếu những thỏa thuận bằng văn bản khiến người lao động thường phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng sức lao động.

Về tiền lương và các khoản hỗ trợ: So sánh với tiền lương trung bình của một số loại hình lao động khác thì mức lương của các nhóm LĐGVGĐ không thấp hơn. Ví dụ, mức lương của loại hình giúp việc chăm sóc là 1.992.000 đồng/tháng; giúp việc kinh doanh là 1.972.000 đồng/tháng, của lao động giúp việc nhà là 1.959.000 đồng. Giúp việc theo giờ có tiền lương dao động từ 20.000-30.000 đồng/giờ. Giúp việc tại bệnh viện trung bình là 3.800.000 đồng/tháng. Ngoài lương, họ cũng được nhận thêm nhiều khoản hỗ trợ khác, tính trung bình, lao động giúp việc sống cùng nhận được tiền hỗ trợ là 337.000 đồng/tháng, lao động giúp việc không sống cùng là 114.000 đồng/tháng và lao động giúp việc tại bệnh viện là 91.000 đồng/tháng. Sự hỗ trợ tùy thuộc chủ yếu vào sự quan tâm của người sử dụng lao động. Tình trạng người lao động giúp việc bị trừ lương do vi phạm thỏa thuận làm việc như: làm việc không đúng yêu cầu và nghỉ quá thời gian qui định, làm hỏng đồ của gia đình chủ có xảy ra nhưng không nhiều.

Điều kiện làm việc và điều kiện sống: Thời gian làm việc của LĐGVGĐ không sống cùng và giúp việc tại bệnh viện tương đối rõ ràng. Thời gian làm việc trung bình của lao động giúp việc sống cùng nhà chủ, ban ngày là 10,3 tiếng và ban đêm là 0,4 tiếng. Lao động giúp việc không sống cùng, trung bình là 4,6 giờ. Lao động giúp việc tại bệnh viện, đa số phải làm thường xuyên cả ban ngày và ban đêm: trung bình ban ngày là 14 tiếng, ban đêm khoảng 4 tiếng. Trong mối quan hệ lao động, phần chủ động luôn thuộc về phía người sử dụng lao động, phần lớn người lao động giúp việc không có thời gian thử việc, và họ có thể bị từ chối không thuê khi không đạt yêu cầu. Có khoảng 1/3 LĐGVGĐ có mâu thuẫn với gia đình chủ mà nguyên nhân chủ yếu là về cách thức làm việc, cách ứng xử và tiền lương. Cách giải quyết bất đồng chủ yếu là thương lượng trực tiếp giữa gia đình chủ và người lao động giúp việc.

Người lao động giúp việc sống cùng gia đình chủ mặc dù có nơi ở tốt hơn, nhưng hơn một nửa trong số họ không được đảm bảo tính riêng tư về điều kiện sinh hoạt. Không có tình trạng phân biệt đối xử về chế độ ăn uống đối với người lao động giúp việc sống cùng. Để trách sự phức tạp và đảm bảo định mức công việc, một số ít gia đình chủ ngăn cấm người lao động giúp việc trò chuyện với những người xung quanh.

Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp: Đa số các gia đình chủ ứng xử tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cho người LĐGVGĐ khi họ bị ốm/thương tích, đặc biệt với những người sống cùng chủ nhà như: chi tiền mua thuốc, hỏi han chăm sóc khi bệnh nhẹ hoặc đưa đi khám và trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khi bệnh nặng. Người lao động giúp việc chăm sóc người bệnh tại bệnh viện có nhiều nguy cơ gặp rủi ro về sức khỏe và ít được gia đình chủ quan tâm khi bị ốm hay bị thương tích. Số lượng gia đình chủ chi trả bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho người lao động giúp việc rất khiêm tốn với khoảng 5 trường hợp. Đa số chủ lao động cũng như các trung tâm giới thiệu việc làm không muốn nhận nữ LĐGVGĐ tiếp tục làm việc khi họ mang thai.

Về hành vi đối xử: Hành vi bạo lực phổ biến nhất với người LĐGVGĐ là “mắng chửi”. Nữ giới bị “cấm tiếp xúc”, bị “đe dọa” nhiều hơn, còn nam giới có nhiều nguy cơ hơn trong việc “bị giữ các giấy tờ tùy thân”. Về nguy cơ bị quấy rối tình dục, chủ yếu là những lời tán tỉnh trăng hoa, lời lẽ thô tục, phản văn hóa, lời kích dục, hay cho xem tranh ảnh khiêu dâm, ngoài ra bị đề nghị quan hệ tình dục. Nam giới có xu hướng bị nghe những lời lẽ thô tục, phản văn hóa nhiều hơn nữ giới. Còn nữ giới có nguy cơ bị đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm, bị đề nghị quan hệ tình dục và bị ép quan hệ tình dục nhiều hơn.

Về xu hướng sử dụng LĐGVGĐ và sự phát triển nghề nghiệp, Báo cáo này nhận định rằng: ở Việt Nam nhu cầu về nguồn lao động này là rất lớn và xu hướng sử dụng LĐGVGĐ sẽ tiếp tục phát triển. Người dân có nhu cầu sử dụng LĐGVGĐ được đào tạo bài bản, có tính chuyên nghiệp và sẵn sàng trả lương cao hơn. Tuy nhiên, định kiến giới về LĐGVGĐ còn tồn tại khi đại đa số các gia đình có nhu cầu thuê người lao động giúp việc nhà là nữ giới. Mặt khác, người LĐGVGĐ có xu hướng thiếu gắn kết lâu dài với công việc và ít có nhu cầu đào tạo nghề. Họ không nắm rõ về quyền của mình, trong khi những thông tin cần thiết về nghề này còn ít đến được với người lao động, điều đó hạn chế sự chuẩn bị về mặt tâm thế cho người lao động khi lựa chọn công việc này và khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đạt được một việc làm bền vững như mong muốn.

5. Một số giải pháp

Các giải pháp nhằm vào bốn nội dung cơ bản: 1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về LĐGVGĐ cần chú ý đến tính đặc thù của lao động của nghề này, đưa ra định nghĩa rõ ràng về người LĐGVGĐ, qui định rõ về hợp đồng lao động, loại hình bảo hiểm xã hội, các hành vi bạo lực và đào tạo nghề…; 2) Tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với LĐGVGĐ; 3) Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về công việc LĐGVGĐ; về nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động. Hướng dẫn các quy định pháp luật về LĐGVGĐ, cung cấp các địa chỉ tư vấn, các đường dây nóng để được hỗ trợ khi cần thiết...; 4) Tăng cường công tác nghiên cứu về LĐGVGĐ để xây dựng hệ thống tư liệu và số liệu thống kê loại hình lao động này.

Tóm lại, Báo cáo này cho thấy LĐGVGĐ là một loại hình công việc quan trọng đối với một bộ phận không nhỏ những người dân lao động tự do và công việc này đang góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm của người lao động ở Việt Nam hiện nay. Một số vấn đề về sức khỏe và chăm sóc khỏe của người LĐGVGĐ đã được phân tích để bổ sung vào các khoảng trống trong các nghiên cứu về LĐGVGĐ trước đó. Để LĐGVGĐ là công việc bền vững như mong muốn cần thực hiện nhiều biện pháp khác nhau từ phía người lao động, chủ lao động và việc hoàn thiện chính sách về công việc LĐGVGĐ. Trong bối cảnh hệ thống thống kê lao động quốc gia còn thiếu các tư liệu về LĐGVGĐ, thì báo cáo này thực sự là một ấn phẩm hữu ích cho việc tham khảo và trích dẫn đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách về lao động việc làm, các nhà nghiên cứu và với bạn đọc quan tâm tới vấn đề này.

Hà Thị Minh Khương giới thiệu