Liên kết web
Số lượt truy cập

23

2861424

Tin hoạt động

Các biện pháp tiếp cận gia đình có hoàn cảnh thiệt thòi

09/07/2015
Myfanwy McDonald Viện Nghiên cứu Gia đình Australia Bài viết được xây dựng dựa trên những phát hiện từ cuộc nghiên cứu về các trở ngại khi tiếp cận các gia đình và trẻ em thiệt thòi của Cortis, Katz và Patulny năm 2009 tại Australia và qua đó cung cấp những gợi ý nhằm tăng cường sự tham gia của các gia đình thiệt thòi trong các chương trình/hoạt động/dịch vụ chăm sóc gia đình và trẻ em. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Tầm quan trọng của việc tăng cường sự tham gia của các gia đình có hoàn cảnh thiệt thòi trong các chương trình/hoạt động/dịch vụ chăm sóc gia đình và trẻ em

Theo Vinson (2007), “thiệt thòi” là “một loạt những khó khăn cản trở các cơ hội trong cuộc sống và ngăn cản con người tham gia một cách đầy đủ vào xã hội”. Thu nhập thấp cũng là một “thiệt thòi”; tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu thì “thiệt thòi” có nhiều nghĩa hơn là nghèo đói về mặt kinh tế đơn thuần.

Theo Saunders (2008), “thiệt thòi” bao hàm sự loại trừ và tước đoạt về mặt xã hội. Theo đó, tác giả ủng hộ quan điểm cho rằng thiệt thòi không chỉ bao gồm sự thiếu hụt về nguồn lực tài chính mà còn là sự thiếu hụt về khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, các quan hệ xã hội và sự tham gia vào cộng đồng.

Hoàn cảnh thiệt thòi có tác động tiêu cực lên các chức năng gia đình và sự phát triển của trẻ (Brooks-Gunn & Duncan, 1997; Evans, 2004). Theo một nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe Trẻ em Cộng đồng (Centre for Community Child Health, 2009), tình trạng căng thẳng triền miên do nghèo đói có thể có tác động đến khả năng nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh. Trẻ lớn lên trong nghèo đói có nguy cơ bị chậm lớn hoặc thất học.

Nghiên cứu của Gross và các cộng sự (2003 và 2009), Melhuish (2003), Webster-Stratton (1998) cho rằng việc tham gia vào các chương trình hỗ trợ cha mẹ và trẻ em có chất lượng có thể giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của tình trạng thiệt thòi lên các gia đình trẻ. Nghiên cứu của Cortis và các cộng sự (2009) thì cho rằng việc tiếp cận các gia đình có hoàn cảnh thiệt thòi là không mấy dễ dàng.

Hai tác giả Crozier & Davies (2007) cho rằng những khó khăn mà các gia đình phải đối mặt khi tham gia các dịch vụ, chương trình hỗ trợ là:

- Địa điểm cung cấp dịch vụ quá xa - đây là một rào cản đối với các gia đình không có phương tiện cá nhân;

- Dịch vụ xa lạ, thậm chí là đáng sợ đối với các gia đình chưa từng sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng có trải nghiệm tiêu cực với dịch vụ đó; và

- Không biết có dịch vụ hoặc không biết họ có quyền được sử dụng/tiếp cận dịch vụ (Carbone, Fraser, Ramburuth, và Nelms, 2004).

Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản được xây dựng dựa trên những bài học từ nghiên cứu và thực tiễn dành cho các nhà cung cấp dịch vụ khi tiếp cận các gia đình và trẻ em có hoàn cảnh sống thiệt thòi và cách biệt với xã hội.

2. Các biện pháp đưa dịch vụ chăm sóc gia đình và trẻ em đến với các gia đình có hoàn cảnh thiệt thòi

Việc tiếp cận và thu hút sự tham gia của các gia đình có hoàn cảnh thiệt thòi đòi hỏi một chiến lược linh hoạt, đa dạng và liên tục (Katz, Spooner, và Valentine, 2006). Các biện pháp cũng cần được kết hợp nhuần nhuyễn, nhằm đem lại hiệu quả lâu dài (Coe, Gibson, Spencer, & Stuttaford, 2008). Vì lẽ đó, nhà cung cấp dịch vụ cần:

a) Cung cấp dịch vụ đến tận gia đình

- Đến các gia đình không thể tham gia chương trình hoặc dịch vụ trong trường hợp chương trình/dịch vụ đó mà được cho là xa lạ hoặc diễn ra ở một nơi không thuận tiện đối với các gia đình.

- Đến các địa điểm công cộng của địa phương như khu chợ phiên, nhà sinh hoạt cộng đồng, v.v. nơi các gia đình thường tụ họp chứ không chờ đợi họ tham gia chương trình hoặc dịch vụ. Đây cũng là một cách kết nối với các gia đình và phát triển các mối quan hệ với cộng đồng địa phương.

- Mục tiêu của việc này là nhằm cung cấp cho các gia đình thông tin về chương trình/dịch vụ, thông tin về nguồn lực (ví dụ như thư viện dành cho thiếu nhi, các khóa tập huấn nuôi dạy con cái, v.v.), đẩy mạnh dịch vụ tại cộng đồng, liên kết và xây dựng các mối quan hệ với cộng đồng và cuối cùng là chuyển giao dịch vụ.

Một số điểm cần quan tâm khi thực hành biện pháp này

- Các gia đình và trẻ nhỏ thường tụ tập ở đâu (công viên, khu chợ, đình, đền, chùa hay nhà sinh hoạt cộng đồng)? Thường thì họ hay ở đó vào lúc nào?

- Các ông bố thường tụ tập ở đâu (bể bơi, sân bóng, v.v.)? Những địa điểm này có thuận tiện cho việc cung cấp thông tin hoặc phát triển dịch vụ không?

- Lao động trẻ của địa phương tập trung tại các doanh nghiệp/công ty nào? Liệu có thể thông qua các doanh nghiệp/công ty đó để cung cấp dịch vụ tới họ?

- Nếu nhóm đối tượng sử dụng hạ tầng cơ sở về chăm sóc trẻ em tại địa phương, liệu nhà cung cấp có thể hiện diện thường xuyên ở đó để cung cấp thông tin và/hoặc phát triển dịch vụ trực tiếp đến cha mẹ chúng?

- Liệu các dịch vụ lưu động, ví dụ như nhà trẻ lưu động, thư viện lưu động, v.v. có phù hợp và tồn tại được?

b) Cung cấp dịch vụ theo phương thức thân thiện và không gây tổn thương

- Trên thực tế, cách tiếp cận này loại trừ việc gán nhãn tiêu cực cho các gia đình (ví dụ nên tránh sử dụng các thuật ngữ gia đình “phức tạp” hay gia đình “có vấn đề”).

- Các gia đình có thể cảm thấy bị tổn thương khi nhận dịch vụ dưới danh nghĩa “từ thiện” hoặc “phúc lợi”. Việc chuyển giao dịch vụ tới một địa điểm công cộng, ví dụ như trường học, nhà văn hóa hay trạm y tế, có thể làm giảm nguy cơ này bởi những nơi này thường được biết đến như một môi trường lành mạnh.

- Cách tiếp cận thân thiện cũng được thể hiện trong thái độ của người làm công tác xã hội. Các gia đình và trẻ đều đánh giá những người có thái độ tôn trọng và quan tâm tới họ hơn là “các vấn đề” của họ.

- Một số gia đình có cảm giác không thoải mái trong một số tình huống hoặc khung cảnh nhất định. Chẳng hạn, các phụ huynh trẻ thường rụt rè hơn trong các khóa tập huấn về cách làm cha mẹ nếu chúng được tổ chức trong các phòng học truyền thống. Họ cảm thấy thoải mái hơn khi được học tại một địa điểm bình dân và học theo phương pháp trao đổi kinh nghiệm với các phụ huynh cùng nhóm tuổi.

- Một số gia đình có cảm giác khó chịu khi tham gia các hoạt động nếu chúng được tổ chức trong nhà. Họ có xu hướng tham gia tích cực hơn vào các hoạt động này nếu chúng được tổ chức tại các địa điểm công cộng ngoài trời ví dụ như vườn hoa, công viên hay nhà văn hóa.

- Các hoạt động miễn phí hoặc có chi phí thấp (ví dụ: một chuyến dã ngoại miễn phí) tỏ ra khá hiệu quả đối với một số gia đình.

- Do những khác biệt về văn hóa, các gia đình dân tộc thiểu số có thể có cảm giác ngại ngùng khi được đề nghị tham gia một số chương trình và dịch vụ chăm sóc gia đình và trẻ em.

Một số điểm cần quan tâm khi thực hành biện pháp này

- Địa điểm tổ chức các hoạt động có gắn với những gì mà cư dân địa phương coi là “có vấn đề”, không phù hợp không? Nếu có, có địa điểm nào “trung lập” hơn không?

- Cách thức tổ chức hoạt động ra sao? Thông điệp định truyền tải là gì?

- Ngôn ngữ sử dụng khi tiếp cận nhóm đối tượng mục tiêu có phù hợp và dễ hiểu không?

- Địa điểm tổ chức các hoạt động có khiến các gia đình mà chương trình hướng đến cảm thấy e ngại hoặc lo sợ không? Chẳng hạn, một chương trình được tổ chức trong thư viện có thể khiến các gia đình cảm thấy e ngại vì theo họ, thư viện là một nơi cao siêu, đòi hỏi người tham gia phải có một trình độ học vấn nhất định.

- Đối với các gia đình dân tộc thiểu số, các dịch vụ có phù hợp và dễ tiếp cận không?

c) Sử dụng chiến lược trao quyền cho các gia đình

- Việc trao quyền cho các gia đình không chỉ giúp nâng cao mức độ tham gia mà còn nâng cao chất lượng tham gia của các gia đình.

- Việc trao quyền giúp các gia đình có thể nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề của chính họ thay vì phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác.

- Một số hình thức trao quyền trong khuôn khổ các chương trình/hoạt động/dịch vụ chăm sóc gia đình và trẻ em bao gồm: (i) khuyến khích cha mẹ đóng góp ý tưởng và công sức vào việc xây dựng và thực hiện các chương trình/hoạt động/dịch vụ; (ii) khuyến khích các gia đình (cả người lớn và trẻ em) tham gia vai trò điều hành một nhóm (ví dụ: trưởng nhóm) và hỗ trợ họ thực hiện tốt vai trò đó; (iii) khuyến khích cha mẹ tìm kiếm và tận dụng các cơ hội nâng cao học vấn và các cơ hội việc làm; và (iv) áp dụng cách tiếp cận hướng tới thế mạnh của các gia đình, tức là tập trung vào các điểm mạnh thay vì điểm yếu của họ.

- Hiểu được nhu cầu, nguyện vọng của các gia đình và thực hiện các khuyến nghị của họ, nhà cung cấp dịch vụ không chỉ giúp trao quyền cho các gia đình mà còn giúp cho dịch vụ của họ trở nên hữu dụng và gần gũi hơn với các gia đình.

Một số điểm cần quan tâm khi thực hành biện pháp này

- Các gia đình có tự tin khi bày tỏ mong muốn của họ về chương trình/hoạt động/dịch vụ không?

- Các gia đình có chủ động tham gia vào việc ra quyết định trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình/hoạt động/dịch vụ không?

- Các gia đình có mạnh dạn tham gia với vai trò trưởng nhóm không?

- Các chương trình có áp dụng phương pháp tiếp cận hướng tới thế mạnh của các gia đình không? Các cán bộ chương trình có hiểu biết như thế nào về phương pháp này? Có cần tổ chức một khóa tập huấn về phương pháp tiếp cận này không?

d) Đẩy mạnh các mối quan hệ

Các mối quan hệ sau đây có ảnh hưởng lớn tới các chương trình/hoạt động/dịch vụ chăm sóc gia đình và trẻ em:

- Mối quan hệ với các gia đình: xây dựng một mối quan hệ đáng tin cậy với các gia đình. Để xây dựng được một mối quan hệ như vậy, cán bộ chương trình cần có các phẩm chất như luôn tôn trọng, cảm thông, động viên, khích lệ và không phán xét.

- Mối quan hệ với cộng đồng: các gia đình có xu hướng tham gia nhiều hơn vào một chương trình/hoạt động/dịch vụ nếu được bạn bè, láng giềng hoặc họ hàng giới thiệu. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số.

- Mối quan hệ với các bên cung cấp dịch vụ khác: các chương trình/dịch vụ nếu hoạt động đơn lẻ sẽ không thể đáp ứng một cách đầy đủ và hiệu quả các nhu cầu của các gia đình.

Một số điểm cần quan tâm khi thực hành biện pháp này

- Mối quan hệ với các gia đình được xây dựng như thế nào?

- Mối quan hệ với các cộng đồng được xây dựng như thế nào?

Chúng tôi đến nhà và trò chuyện với các bà mẹ trẻ trước khi tổ chức khóa học... Tôi cũng cố gắng sắp xếp để các giảng viên gặp gỡ họ. Thật khó để họ đến một khóa học khi chưa biết ai với ai. Rồi chúng tôi giúp họ một số điều trong cuộc sống. Cứ thế, mối quan hệ của chúng tôi dần dần được bồi đắp (Trích: Cortis và các cộng sự, 2009, p.21).

3. Một vài ví dụ

Các biện pháp tiếp cận cần được kết hợp một cách linh hoạt nhằm đạt được hiệu quả tối ưu. Chẳng hạn, với nhóm đối tượng là các gia đình thành thị nghèo, đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa, có lối sống tách biệt và có lịch sử bất hợp tác với các chương trình đã thực hiện tại địa bàn, SDN Children’s Services (2008) đã xác định một chiến lược cụ thể nhằm tiếp cận và xây dựng lòng tin, trong đó:

- Không đòi hỏi phải ký kết vào bất cứ văn bản nào. Các dịch vụ được cung cấp miễn phí tới các gia đình mà không cần họ phải ký nhận.

- Các hoạt động của chương trình được thực hiện tại các địa điểm công cộng, tạo cảm giác thuận tiện và an toàn đối với các gia đình.

- Sử dụng càng ít văn bản càng tốt. Đối với các gia đình có trình độ học vấn thấp và/hoặc các gia đình chưa tin tưởng vào chương trình, đây được xem như một chiếc chìa khóa để họ vượt qua được cảm giác e ngại. Họ được phép đăng ký tham gia chương trình với thông tin về con cái và ghi lại số điện thoại để chương trình liên lạc với họ trong trường hợp cần thiết.

Với mục tiêu tăng cường kiến thức và sự tự tin cho các bậc cha mẹ, Đoàn công tác của thành phố Melbourne (úc, 2008), trong một chương trình của mình, đã có một cách kết hợp khác, đó là:

- Tập huấn thông qua làm mẫu: Tập huấn viên thiết lập các sân chơi cho cha mẹ và trẻ em (ví dụ chơi với cát hoặc kể chuyện), hướng dẫn và cùng chơi với trẻ những trò chơi đơn giản, qua đó giúp cha mẹ học được cách giao tiếp và cùng chơi với trẻ.

- Tạo điều kiện để nhóm đối tượng có thêm cơ hội giao tiếp xã hội và một không gian riêng cho bản thân, tạm thời tách ra khỏi gánh nặng gia đình, con cái.

- Giới hạn độ tuổi, ví dụ 15-25 tuổi, nhằm hạn chế sự bình phẩm tiêu cực của các nhóm tuổi lớn hơn.

Đào Hồng Lê (giới thiệu)