Liên kết web
Số lượt truy cập

17

2023040

Tin hoạt động

Hội thảo “Nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 từ góc nhìn thực tiễn

09/07/2015
Nằm trong chương trình nghiên cứu khoa học của Bộ Tư pháp, đồng thời phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, ngày 12/7/2012, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ về “Nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 từ góc nhìn thực tiễn”.

Tham gia hội thảo gồm có đại diện Ban Soạn thảo, thành viên Tổ Biên tập Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Gia đình và Giới, Đoàn Luật sư, một số cơ sở đào tạo Luật và các cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan.

Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất quan điểm: việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình đã dành được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội, cũng như từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Bên cạnh ghi nhận những thành tựu to lớn của Luật, các ý kiến đánh giá cho rằng Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 còn có nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành và cần được sửa đổi. Đánh giá chung, có 7 vấn đề hạn chế sau:

1) Về sự đồng bộ, thống nhất trong pháp luật về quan hệ hôn nhân và gia đình. Trong hơn 10 năm Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực, nhiều văn bản luật có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung hoặc được ban hành mới như: Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Nuôi con nuôi 2010… Trong bối cảnh như vậy, nhiều quy định của Luật hiện hành không có tính hệ thống, không còn phù hợp hoặc chưa có sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản luật có liên quan, ví dụ: quy định về nuôi con nuôi, giám hộ, tài sản và quyền sở hữu của các thành viên trong gia đình…

2) Về áp dụng tập quán. Luật chưa cụ thể hóa nguyên tắc áp dụng tập quán khi đã có quy định của pháp luật, lợi ích của các chủ thể có được bảo hộ hay không, nếu bảo hộ thì dựa trên nguyên tắc nào. Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán trong trường hợp có nhiều tập quán về cùng một quan hệ hôn nhân và gia đình ở cùng trên một địa bàn hoặc hôn nhân có sự khác biệt về quốc tịch, tôn giáo, dân tộc. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2012 quy định việc áp dụng Luật đối với các dân tộc thiểu số nhưng trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều bất cập và về cơ bản vẫn chưa giải quyết được các vấn đề nêu trên.

3) Về chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khoản 1 Điều 11 quy định: các trường hợp chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn thì không được thừa nhận là có quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, hiện tượng chung sống như vợ chồng đã và đang tồn tại trong thực tiễn xã hội, làm phát sinh nhiều hậu quả về con, nhân thân và tài sản giữa các bên trong quan hệ sống chung. Trong khi đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhận định trong thông báo số 26/TB/TW kết luận về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX): một trong những tồn tại của gia đình chậm được khắc phục là tình trạng nam nữ chung sống không có đăng ký.

4) Về giới tính trong kết hôn. Khoản 5 Điều 10 cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Quy định này hiện đang có 3 quan điểm khác nhau. Quan điểm 1: nên cân nhắc thừa nhận việc kết hôn. Quan điểm 2: không thừa nhận hôn nhân nhưng cần quy định cụ thể về h]ậu quả chung sống giữa những người cùng giới tính (ví dụ: việc nhận con nuôi, nhân thân, tài sản…). Quan điểm 3: giữ nguyên quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính và không quy định về hậu quả của việc chung sống giữa họ. Hiện nay có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. 44 nước khác đã cho phép hai người cùng giới đăng ký sống hợp pháp dưới những tên gọi như: hôn nhân dân sự, quan hệ có đăng ký, quan hệ gia đình… với những quyền lợi tương tự như hôn nhân giữa những người khác giới. Trong lần sửa đổi Luật này, cần có thêm nghiên cứu cơ bản để thể hiện rõ ứng xử của nhà nước đối với hiện tượng xã hội nhạy cảm này.

5) Về ly thân. Luật hiện hành không quy định ly thân về mặt pháp lý, trong khi thực tiễn xã hội đã và đang tồn tại nhiều trường hợp ly thân trên thực tế. Những hậu quả về nhân thân, tài sản và con từ ly thân chưa được pháp luật công nhận cụ thể. Pháp luật về gia đình ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 đã quy định về vấn đề này. Năm 2000, vấn đề ly thân đã được đưa vào trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 nhưng chưa được Quốc hội chấp nhận. Trên thế giới, ly thân là một trong các giải pháp pháp lý được nhiều nước ghi nhận với 3 mục đích: là biện pháp giải quyết mâu thuẫn vợ chồng ngoài biện pháp cuối cùng là chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn; tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh về nhân thân, tài sản và con trong khi hôn nhân của họ chưa chấm dứt về mặt pháp luật; đảm bảo sự minh bạch, công khai trong các giao dịch dân sự.

6) Căn cứ xác lập chế độ tài sản của vợ chồng. Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật hiện hành là chế độ tài sản pháp định và không thừa nhận chế độ tài sản ước định (xác định theo thỏa thuận lập trước khi kết hôn của các bên). Quy định này chưa đảm bảo thực hiện quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt của người có tài sản được quy định trong pháp luật dân sự. Đa số các ý kiến trong hội thảo đều cho rằng cần thừa nhận chế độ tài sản ước định. Pháp luật về gia đình của Việt Nam giai đoạn Pháp thuộc cho đến năm 1959 và ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 cũng đã quy định về chế độ tài sản ước định.

7) Về đại diện trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Luật hiện hành chưa quy định cụ thể hậu quả pháp lý của giao dịch liên quan đến thành viên gia đình là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng không do người đại diện theo pháp luật xác lập hoặc không có sự đồng ý của người đại diện. Luật cũng chưa quy định về hậu quả pháp lý của việc một bên cha/mẹ tự mình thực hiện các hành vi đại diện cho con mà chưa có sự thỏa thuận đối với bên cha/mẹ kia. Kinh nghiệm một số nước cho thấy: trong trường hợp giao dịch đã được xác lập và đem lại lợi ích cho người được đại diện thì không nhất thiết phái hủy bỏ giao dịch, không phụ thuộc vào ý chí của người đại diện.

Bên cạnh 7 vấn đề bất cập trên, các ý kiến tại hội thảo cũng đề cập tới nhiều vấn đề cụ thể như: độ tuổi kết hôn, mang thai hộ, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, vấn đề xác định cha, mẹ, con… Nhìn chung, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã được rà soát lại tương đối toàn diện và chi tiết.

Để chuẩn bị chuyển từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang sửa đổi cơ bản, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện sớm hơn công tác Tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và kế hoạch báo cáo Chính phủ về những vấn đề lớn trong sửa đổi Luật, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ đưa Dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) vào Chương trình điều chỉnh xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Bùi Thị Hương Trầm