Liên kết web
Số lượt truy cập

41

2861383

Tin hoạt động

Công bố báo cáo “Đặc điểm di biến động của người hoạt động mại dâm nhìn từ góc độ giới tại 3 thành phố Việt Nam”

09/07/2015
Ngày 14 tháng 3 năm 2012, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã công bố báo cáo “Đặc điểm di biến động của người hoạt động mại dâm nhìn từ góc độ giới tại 3 thành phố Việt Nam”.

Báo cáo là kết quả của cuộc nghiên cứu khảo sát do Viện Gia đình và Giới tiến hành từ tháng 8 năm 2011 đến tháng 9 năm 2011 tại Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh - những thành phố có lượng người hoạt động mại dâm tương đối cao so với các địa phương trong cả nước - với nghiên cứu định lượng gồm 388 nam, nữ đang hoạt động mại dâm (189 nam, 199 nữ) và nghiên cứu định tính gồm 7 thảo luận nhóm và 19 phỏng vấn sâu. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ của Chương trình chung quốc gia về bình đẳng giới giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc. Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM), chỉ đạo thực hiện nghiên cứu này. PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Gia đình và Giới - chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp cuộc khảo sát và viết báo cáo.

Lễ công bố do ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH làm chủ tọa, với sự tham gia của ông Florian Froster, trưởng đại diện của IOM tại Việt Nam, lãnh đạo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và đại diện chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tại các thành phố diễn ra khảo sát, đại diện các bộ/ban/ngành, tổ chức quốc tế, cơ quan và tổ chức nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam…

Nghiên cứu nhằm có được sự hiểu biết tốt hơn về tình hình mại dâm tại Việt Nam thông qua việc tìm hiểu mối quan hệ giữa hoạt động mại dâm, di biến động và giới, bao gồm các nguy cơ và khả năng dễ bị tổn thương liên quan đến mối quan hệ này.

Theo báo cáo, kinh tế là lý do chủ yếu khiến nam, nữ bước vào hoạt động mại dâm, di cư và là rào cản đối với việc tái hòa nhập với cộng đồng của họ. Yếu tố cá nhân (thu nhập, công việc phù hợp, đáp ứng nhu cầu tình dục …) chi phối hoạt động mại dâm ở nam giới nhiều hơn, trong khi đó, nữ giới thường bị ảnh hưởng của yếu tố gia đình (giúp đỡ gia đình, khủng hoảng gia đình …). Nhóm nam và nữ cũng có sự khác biệt về khuôn mẫu di biến động, do đó, họ gặp phải những tổn thương khác nhau (bạo lực, kỳ thị…). Tuy nhiên, họ đều gặp nhiều tổn thương về mặt sức khỏe và xã hội trong quá trình làm việc (tiếp cận dịch vụ y tế, mắc những bệnh lây truyền qua đường tình dục).

Nhóm nghiên cứu cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường thực hiện hoạt động phòng ngừa và giảm hại đối với việc phòng chống mại dâm do tính bất hợp pháp của hoạt động này; song song với đó, cung cấp dịch vụ xã hội, dự phòng lây nhiễm HIV, thông tin chăm sóc sức khỏe thông qua nhiều hình thức đa dạng… Đồng thời thúc đẩy sự hỗ trợ của chính quyền trong việc cung cấp kỹ năng nghề và nâng cao khả năng tiếp cận vốn, trong đó điều quan trọng là đảm bảo giữ bí mật việc làm trước đây của những người hoạt động mại dâm.

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các phát hiện và đề xuất từ báo cáo, đặc biệt nhấn mạnh tới việc quan tâm đến hoạt động mại dâm nam trong các văn bản pháp luật, công tác phòng, chống, giảm hại đối với hoạt động mại dâm; đồng thời chia sẻ khuyến nghị với các đối tác trong việc cùng hợp tác để có những nghiên cứu tòan diện hơn đối với nhóm đối tượng này. Đánh giá của các đại biểu khẳng định rằng, nghiên cứu đã góp phần vào việc phát triển các chương trình, cải thiện chính sách và chiến lược liên quan đến mại dâm và khuyến nghị cho các nghiên cứu và chương trình hành động trong tương lai.

Theo ông Florian Froster, Tổ chức di cư quốc tế đánh giá cao kết quả và đóng góp của nghiên cứu này đối với hoạt động kiểm soát mại dâm trong mối liên hệ với tính di biến động; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam đối với các nghiên cứu khác cùng chủ đề trong tương lai.

T.M.H.