Liên kết web
Số lượt truy cập

20

2861357

Tin hoạt động

John Stuart Mill với phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ

09/07/2015
John Stuart Mill (1806-1873) là một trong những người ủng hộ phong trào giải phóng phụ nữ mạnh mẽ nhất. Tư tưởng đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông. Bài viết trình bày những tư tưởng J. S. Mill về vai trò và vị trí của nữ giới trong xã hội, những đóng góp của ông đối với phong trào đòi bình quyền cho nữ giới. Nghiên cứu tư tưởng của J. S. Mill về vấn đề giải phóng phụ nữ là một cách tiếp cận không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn góp phần khẳng định tầm quan trọng của sự nghiệp vì sự tiến bộ của phụ nữ hiện nay.

1. Cuộc đời và sự nghiệp của J. S. Mill

John Stuart Mill (1806-1873), còn gọi là J. S. Mills, sinh tại Pentonville, London, nước Anh. Là một nhà triết học, nhà kinh tế học chính trị, đồng thời là nhà cải cách nhiệt thành, sự nghiệp và hoạt động của John Stuart Mill để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử châu Âu.

Năm 1851, John Stuart Mill thành hôn với Harriet Taylor (1807-1858) là nữ triết gia và là người bênh vực, biện hộ cho quyền của nữ giới. Bà là một người cộng tác thường xuyên cho mảng thơ ca, bài phê bình sách, và những mẩu chuyện văn học của The Monthly Repository – một tờ báo có tư tưởng cấp tiến, ủng hộ bình quyền phụ nữ. H. Taylor có ảnh hưởng đáng kể đối với tư tưởng và sự nghiệp của J. S. Mill và đã hỗ trợ J. S. Mill rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ quyền bình đẳng cho nữ giới.

John Stuart Mill nổi tiếng là một trong những người ủng hộ vấn đề giải phóng phụ nữ sớm nhất và mạnh mẽ nhất. Trong toàn bộ sự nghiệp triết học chính trị của J. S. Mill, vấn đề giải phóng phụ nữ là một trong những chủ đề nổi bật. Tư tưởng đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ được thể hiện đều đặn trong mỗi tác phẩm đặc sắc của ông, từ những chú thích trong Cơ sở của sự đại diện (Rationale of Representation, 1835), đến một trích đoạn trong Tư tưởng cải cách nghị viện (Thoughts on Parliamentary Reform, 1859), và tiếp tục thể hiện ở tác phẩm chính trị nổi tiếng là Chính thể đại diện (Representative Government, 1861). Nhưng có lẽ, tác phẩm tiêu biểu nhất mà J. S. Mill đã dành tâm huyết đấu tranh cho quyền lợi nữ giới là cuốn Sự áp bức phụ nữ (The Subjection of Women, 1869).

Sự áp bức phụ nữ được xuất bản năm 1869 đã gây một tiếng vang lớn. Nhà nghiên cứu Jose Harris đánh giá Sự áp bức phụ nữ là “tiếng nổ của một quả bom hẹn giờ vào đấu trường giới tính”, là “kinh thánh của phong trào nữ giới” (Richard Reeves, 2008). Các ấn bản đều được bán hết trong năm đầu tiên xuất bản và ngay lập tức được dịch sang nhiều ngôn ngữ như tiếng Pháp, Đan Mạch, Đức, ý, Ba Lan và Nga. Cuốn sách được coi là một trong những tác phẩm của tác giả là nam giới sớm nhất về đề tài phụ nữ.

Ngay khi còn trẻ, J. S. Mill đã không đồng ý với quan điểm của cha mình là James Mill (1) khi cho rằng phụ nữ không cần bầu cử. Và sau này, chính Harriet đã truyền thêm cho J. S. Mill nhiệt tâm để khẳng định quyền lợi về xã hội và chính trị cho phụ nữ. Hầu như trong mỗi trang văn của Sự áp bức phụ nữ đều có sự hiện diện của Harriet. Điều này lý giải phần nào sự đóng góp của bà vào lý luận của J. S. Mill về vấn đề phụ nữ. Nhưng quan trọng hơn có lẽ vì Harriet chính là một kiểu mẫu của người phụ nữ và người vợ mà J. S. Mill hướng đến.

2. Tư tưởng J. S. Mill về bình quyền cho phụ nữ

Vai trò và vị trí của nữ giới trong xã hội

Trong thời đại của John Stuart Mill, người phụ nữ có vai trò xã hội rất mờ nhạt. Thông thường, họ bị đánh giá rất thấp về vị trí và năng lực. Thành kiến truyền thống nhìn nhận phẩm chất của phụ nữ luôn tồi tệ hơn so với nam giới. Do đó, họ bị cấm và không được khuyến khích trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ không có nhiều cơ may thăng tiến trong xã hội. Những nghề nghiệp chuyên môn, đặc biệt những việc liên quan đến chính trị, đều khép kín đối với phụ nữ. Một số ít ngành nghề phụ nữ có thể tham gia thì không được coi trọng như việc dạy học cho trẻ em, v.v. Phần lớn nữ giới ít được đến trường, mà chủ yếu được cha mẹ mời gia sư dạy học ở nhà.

Người phụ nữ thường bị phụ thuộc vào thân thế của cha hoặc chồng, như sự định giá cho địa vị xã hội. Đối với phụ nữ, sự lệ thuộc vào người chồng là chuyện hiển nhiên, không thể thay đổi. Xã hội quy định sẵn cho họ một số mệnh chung là kết hôn và tuân theo những ràng buộc. Hầu hết những quy ước ràng buộc của xã hội Anh thế kỷ XIX đều có lợi cho nam giới, và đều vì lợi ích của người chồng. Bởi thứ nhất, một người phụ nữ đã kết hôn sẽ không có tài sản gì, mà chỉ nhờ cậy tài sản của chồng; bất kỳ của cải nào mà người phụ nữ được thừa kế lập tức sẽ thuộc sở hữu của chồng. Thứ hai, nếu có cách để người vợ bảo vệ tài sản của mình, thì họ cũng vẫn không được phép sử dụng tài sản này; trong khi đó nếu người chồng dùng bạo lực chiếm đoạt tài sản từ vợ, thì anh ta cũng không bị trừng phạt hoặc bị buộc trả lại. Thứ ba, chồng và vợ được gọi chung là một người về mặt pháp lý, nhưng điều đó chỉ có nghĩa là những gì của vợ thì sẽ là của chồng (nhưng không phải ngược lại). Thứ tư, con cái của người vợ được pháp luật thừa nhận là con của chồng; người phụ nữ không có quyền hành gì với chúng, trừ khi được sự ủy quyền của chồng; khi chồng chết, người vợ không trở thành giám hộ của các con, trừ khi người chồng di chúc lại cho phép vợ có quyền giám hộ. Thứ năm, nếu người vợ từ bỏ chồng họ sẽ không được phép mang theo thứ gì, thậm chí cả con cái; và nếu người vợ có đủ bản lĩnh để làm vậy thì người chồng vẫn có thể dùng quyền lực để cưỡng bức họ quay trở về (Joan A. Price, 2000).

Các tác phẩm văn học thế kỷ XIX có nội dung liên quan đến mối quan hệ nam - nữ đã chỉ ra rằng vai trò của người phụ nữ là làm hài lòng người đàn ông. Người vợ mặc trang phục gì và hình thức như thế nào cũng chỉ để đáp ứng những yêu cầu của người chồng. Như Mary Wollstonecraft (1759-1797), một nhà văn Anh, đã lên án rằng xã hội dạy cho người phụ nữ cách biểu lộ những vui thú, chứ không phải biểu lộ óc thông minh của họ (Joan A. Price, 2000). Người phụ nữ được dạy bảo “đức hạnh” khuất phục những “bề trên” của họ.

Đối với J. S. Mill, quan điểm coi phụ nữ đương nhiên bị lệ thuộc vào nam giới là một cách nhìn nhận cực kỳ nguy hiểm và sai lầm. Đồng tình với M. Wollstonecraft, ông cho rằng nguồn gốc dẫn đến áp bức phụ nữ chính là do sự chuyên quyền trong gia đình và trong xã hội. Và biểu hiện chuyên quyền của người chồng đối với người vợ, của nam giới đối với nữ giới tất yếu dẫn đến sự đánh giá sai lạc về bản chất, về vai trò của người phụ nữ. Và J. S. Mill e ngại biểu hiện đó đang ngày càng có tính phổ biến trong thời đại mình.

Quan điểm chính thống của thời đại Victoria, phụ nữ đơn giản chỉ là những cá thể tầm thường, mang thân phận tầm gửi. Và rồi, sự yếu đuối, thiếu hiểu biết, không có tài chính của phụ nữ dường như lại trở thành cơ sở hợp lý để tước bỏ quyền chính trị của họ. Về cơ bản, J. S. Mill không phủ nhận phụ nữ được trang bị về cuộc sống cộng đồng ít hơn nam giới. Nhưng ông khẳng định rằng, điều này là kết quả của sự áp bức phụ nữ, chứ không phải là nguyên nhân để mà áp bức họ.

Đứng riêng một bên chiến tuyến, J. S. Mill đã chống lại những định kiến phân biệt giới tính đương thời. ở góc độ lý luận, ông đã trả lại cho phụ nữ vị trí và vai trò mà họ xứng đáng có được. J. S. Mill đã sử dụng học thuyết về phẩm chất tự nhiên làm cơ sở cho thuyết nam nữ bình quyền. Trong tác phẩm Sự áp bức phụ nữ, ông cho rằng hoàn toàn sai lầm khi “quy định sinh ra là nữ hoặc nam, da đen hoặc da trắng, tầng lớp bình dân hoặc quý tộc thì sẽ quyết định thân phận, địa vị của người đó suốt cả cuộc đời” (J. S. Mill, 1984). Theo lập luận của J. S. Mill, không thể căn cứ vào giới tính, chủng tộc, ngoại hình để đánh giá năng lực và phẩm chất của con người.

Lời kêu gọi của J. S. Mill cho bình đẳng nam nữ cũng chính là tiếng nói ủng hộ các quyền tự do cá nhân chính đáng của nữ giới. Và các quyền tự do cá nhân đó sẽ hướng phụ nữ hành động theo những cảm xúc cá nhân về bổn phận, hành động theo luật pháp và những chuẩn mực xã hội bởi chính lương tri họ. Tự do sẽ mang lại cho người phụ nữ món quà về “sự ý thức trong việc sẽ điều khiển vận mệnh của chính mình bằng chính trách nhiệm đạo đức cá nhân” (J. S. Mill, 1984).

Không chỉ đem lại lợi ích cho nữ giới, việc giải phóng và sự giáo dục dành cho chính họ còn đem lại những lợi ích tích cực cho nam giới. Việc tăng cường tính cạnh tranh giữa hai phái sẽ cho kết quả là sự phát triển trí tuệ của tất cả. Bằng cách giải phóng phụ nữ, J. S. Mill tin rằng họ sẽ có thể giao kết tốt hơn với chồng về khả năng trí tuệ, do đó sẽ cải thiện được mối quan hệ giữa hai giới.

J. S. Mill cho rằng xã hội đã không quan tâm đến khả năng của phụ nữ, không cho họ cơ hội thể hiện. Nếu xã hội tạo ra sự bình đẳng thì mọi người sẽ thấy được những lợi ích từ cá nhân phụ nữ. Tự do và công bằng cho phụ nữ sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Vì “sức mạnh xã hội chỉ có được khi đem lại tự do cho một nửa tổng số tài năng trí tuệ của nhân loại” (J. S. Mill, 1984). Các ý tưởng và tiềm năng của một nửa dân số sẽ được giải phóng, tạo ra hiệu lực rất lớn cho sự phát triển toàn nhân loại.

Những hình thức khẳng định bình quyền cho nữ giới

Đồng thời với sự thừa nhận bình đẳng nam - nữ, J. S. Mill cũng đã đưa ra những hình thức khẳng định quyền bình đẳng ấy. Trước hết, J. S. Mill muốn xóa bỏ khoảng cách về giới tính ngay trong phạm vi gia đình. Trong quan hệ hôn nhân - gia đình, phụ nữ hoàn toàn có quyền bình đẳng với người chồng về địa vị và về các quyền.Xem hôn nhân là nút buộc đầu tiên cần tháo gỡ, J. S. Mill đã viết: “Vấn đề không phải hôn nhân nên là gì, mà một vấn đề rộng hơn rằng phụ nữ nên là gì. Việc xác định hôn nhân là mối quan hệ giữa hai con người ngang bằng nhau, hay là mối quan hệ giữa bề trên và kẻ dưới, giữa người bảo vệ và kẻ phụ thuộc sẽ giúp giải quyết dễ dàng mọi vấn đề khác” (J. S. Mill, 1984). Mối quan hệ vợ - chồng trong hôn nhân trở thành một trong những luận điểm trung tâm trong tác phẩm nổi tiếng Sự áp bức phụ nữ.

J. S. Mill cho rằng hôn nhân chính là nơi ẩn nấp của sự áp bức phụ nữ, là bức tường vô hình kiềm tỏa tự do của họ. Ông cho rằng người phụ nữ kết hôn không phải chỉ là tìm một người bảo vệ cho cuộc đời phụ thuộc của mình. Họ khao khát một điều lớn hơn, đó là hạnh phúc trong mối quan hệ ngang hàng với chồng. Và hôn nhân không phải là một công việc thuần túy mang tính vụ lợi, vì lợi ích kinh tế. Đã đến lúc hôn nhân cần phải là kết quả của một tình yêu và người phụ nữ cần được hưởng sự công bằng trong hôn nhân.

Vậy nên, J. S. Mill lập luận, tự do cho phụ nữ bắt đầu trước hết từ sự thay đổi nhận thức ở nam giới. Nói cách khác, sự thay đổi hôn nhân, trong tư tưởng J. S. Mill, không phải đến từ sự loại bỏ hôn nhân mà từ sự làm mới hôn nhân. Quan hệ chồng - vợ không nên là mối quan hệ bề trên - kẻ dưới hay chính - phụ, mà nên là mối quan hệ ngang hàng, mối quan hệ tâm giao. Đứng trên lập trường hiện đại, tư tưởng của J. S. Mill về hôn nhân dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, sự chia sẻ trách nhiệm là không thể phủ nhận.

Ngay từ những năm 1830, J. S. Mill đã viết cho Harriet và bày tỏ về mối quan hệ huyết thống trong gia đình. J. S. Mill thừa nhận một sự thật rằng trẻ em phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Vậy nên, chúng sẽ được chăm sóc tốt hơn nếu cha mẹ luôn bên nhau. Đối với J. S. Mill, cuộc sống gia đình là nền tảng quan trọng trong giáo dục đạo đức cho trẻ nhỏ. Gia đình là nơi tác động một cách căn bản đến sự hình thành phẩm chất và tính cách của trẻ em. Vậy nên, ông không ủng hộ kiểu gia đình chuyên quyền, gia trưởng bởi đó sẽ là nguy cơ làm hỏng tính cách của những đứa trẻ, và là một bài học vỡ lòng về sự gia trưởng đối với trẻ nhỏ. Trong quan niệm của J. S. Mill, chỉ khi gia đình được xây dựng dựa trên nền tảng sự bình đẳng giữa người cha và người mẹ thì mới có thể tạo thành “một cuộc sống thường nhật của con người, và theo một ý nghĩa cao cả nhất là một môi trường nuôi dưỡng đạo đức” (J. S. Mill, 1984).

Nếu xem việc khẳng định lại vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình là bước thứ nhất trong tiến trình giải phóng họ, thì việc tạo điều kiện về giáo dục cho phụ nữ là bước thứ hai trong tiến trình đó. J. S. Mill và Harriet đồng ý rằng một trong những biện pháp quan trọng nhất hướng tới sự giải phóng phụ nữ chính là cải thiện giáo dục để phụ nữ có cơ hội phát triển như nam giới, phụ nữ có cơ hội được thể hiện và hoàn thiện bản thân ngang bằng với nam giới. Vì thế, trong việc ủng hộ mở rộng giáo dục cho mọi người thì J. S. Mill luôn ưu tiên chủ trương mở rộng nền giáo dục đối với phụ nữ. Năm 1869, ông đã cho tiến hành và đánh giá bài kiểm tra môn kinh tế chính trị của trường nữ sinh mới do Emily Davies (1830 - 1921) thành lập ở Hitchin, sau này trở thành trường Griton College, Cambridge.

Trong các hình thức khẳng định quyền bình đẳng của nữ giới, J. S. Mill xem bình đẳng cho phụ nữ trong chính trị là hình thức quan trọng nhất. Thông qua bình đẳng giới về quyền chính trị, J. S. Mill muốn cổ vũ và khuyến khích phụ nữ hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Theo lập luận của J. S. Mill, giành được quyền bầu cử sẽ là chìa khóa mở ra những cơ hội khác, những cánh cửa mới cho phụ nữ. Vậy nên, “chiến dịch” giải phóng phụ nữ của J. S. Mill tập trung chủ yếu vào vấn đề đòi quyền bầu cử. Trong cuốn “Chính thể đại diện”, ông nhấn mạnh: “Hãy cho phụ nữ được có quyền bầu cử, và rồi họ sẽ chịu tác động của quan điểm danh dự về mặt chính trị” (J. S. Mill, Chính thể đại diện, bản dịch Nguyễn Văn Trọng và Bùi Văn Nam Sơn, 2008).

Cuối thế kỷ XIX, quyền bầu cử của nữ giới ở Anh vẫn bị phủ nhận là vì khả năng cá nhân của họ không được thừa nhận. Các nhà chính trị e ngại rằng phụ nữ không tính toán khi bỏ phiếu, mà chỉ đơn thuần làm theo mệnh lệnh của mối quan hệ với những người đàn ông thân thích. Nhưng trong tác phẩm Chính thể đại diện J. S. Mill khẳng định rằng: “Nếu có vậy thì cũng cứ để như vậy. Nếu họ tự mình suy nghĩ thì thật là rất tốt, nếu họ không làm thế thì cũng chẳng hại gì. Tháo xiềng xích cho con người là điều ích lợi cho họ, ngay cả khi họ không muốn bước chân đi nữa”.

Trong tác phẩm Chính thể đại diện, khi bàn về việc mở rộng quyền bầu cử, ông không tính đến sự khác biệt giới tính. J. S. Mill viết: “Tôi cho rằng đối với quyền chính trị thì sự khác biệt này cũng không thích đáng giống như sự khác biệt về chiều cao hay màu tóc”. Theo ông, mọi người đều có cùng sự quan tâm đến thể chế chính trị; và có nhu cầu được góp tiếng nói trong vấn đề ấy để đảm bảo lợi ích cá nhân. Thế nên, nam giới hay nữ giới không có sự khác biệt nào về vị trí trong các vấn đề chính trị. “Nếu có sự khác biệt nào, thì đó là phụ nữ đòi hỏi có tiếng nói nhiều hơn nam giới, vì rằng họ có cơ thể yếu ớt hơn nên phụ thuộc vào luật pháp và xã hội nhiều hơn trong việc được bảo hộ” (J. S. Mill, Chính thể đại diện, bản dịch Nguyễn Văn Trọng và Bùi Văn Nam Sơn, 2008).

3. Đóng góp của J. S. Mill đối với phong trào đòi bình quyền cho nữ giới

Tại thời điểm xuất bản, tác phẩm Sự áp bức phụ nữ bị xem là một sự “lăng nhục” đối với quan điểm chuẩn mực truyền thống châu Âu về vị trí của người đàn ông và phụ nữ. Thế nhưng, sự thực là tác phẩm đã cung cấp những luận cứ chi tiết và sự hùng biện đam mê đối với vấn đề bất bình đẳng xã hội và bất bình đẳng pháp lý khi phụ nữ bị áp đặt bởi một nền văn hóa gia trưởng. Hơn thế, tác phẩm này được xem là cương lĩnh của phong trào nữ quyền hiện đại, và là một quyển sách bút chiến mạnh mẽ nhất bằng tiếng Anh.

Tư tưởng bình đẳng giới của J. S. Mill, ở bình diện lý luận, chính là sự mở rộng tiếp nối từ chủ nghĩa tự do của ông. Sự áp bức phụ nữ (1869) là tác phẩm đầu tiên của một nhà triết học dành riêng để tranh luận về vấn đề bình đẳng giới. Điều này được thực hiện với tất cả sức thuyết phục và sức hấp dẫn độc đáo của của J. S. Mill. Vì lẽ đó, nó vẫn được những người đấu tranh cho nữ quyền ở khắp mọi nơi hết sức quý trọng.

Trong khi nhiều nhà tư tưởng cùng thời quan niệm phụ nữ chỉ có thể lựa chọn làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ hoặc không kết hôn, thì J. S. Mill lại bày tỏ ý định về sự công bằng cho nữ giới. Trong khi các quý ông chỉ nhìn nhận phụ nữ là cá thể của gia đình, thì J. S. Mill nhận thấy ở phụ nữ một khả năng xã hội thiết thực. Sự ủng hộ nhiệt thành của J. S. Mill cho thấy tính tiến bộ, cởi mở, hiện đại trong tư tưởng ông. Sống trong thế kỷ XIX, nhưng quan điểm của J. S. Mill thể hiện tầm nhìn của thế kỷ XX, và ngay cả thế kỷ XXI.

Không chỉ là một nhà lý luận, J. S. Mill còn tích cực vận động cho quyền lợi của phụ nữ khi ông là nghị sĩ. Ông thường sử dụng vị trí của mình trong nghị viện để yêu cầu quyền bầu cử cho nữ giới. Ông còn mạnh dạn thành lập một nhóm những người trong nghị viện ủng hộ quyền bình đẳng nữ giới. J. S. Mill là người đầu tiên đưa vấn đề quyền lợi phụ nữ lên bàn nghị sự của chính giới. Năm 1866, Đơn yêu cầu quyền bầu cử với chữ ký của 1500 phụ nữ đã được J. S. Mill đệ trình lên hạ viện Anh. Trong Dự luật Cải cách 1867, J. S. Mill đã có một sửa đổi nổi tiếng, thay từ người (man) bằng từ người (person). Dẫu không thành công ngay ở thời điểm đệ trình, nhưng đó là sự nỗ lực mạnh mẽ nhất của một nghị sĩ dám tranh đấu cho quyền bầu cử của nữ giới.

Tháng 5 năm 1870, một dự luật nghị viện nhằm nới lỏng sự giới hạn chính trị đối với phụ nữ đã được thông qua ở phiên họp thứ hai. Nhân dịp này, J. S. Mill viết thư cho một người bạn bày tỏ sự phấn khích của mình: “Tôi đang rất phấn chấn về triển vọng của chúng ta. Tôi nghĩ rằng chúng ta hầu như đã giành được chiến thắng như tôi từng nghĩ” (J. S. Mill, 1972). Viết thư cho Charles Kingsley (1819-1875), ông cũng thể hiện sự lạc quan khi tin tưởng nỗ lực giải phóng phụ nữ sẽ đạt được sự nhất trí của hạ viện, bất chấp sự phản đối của thượng viện (J. S. Mill, 1972).

Tuy nhiên, vấn đề quyền bầu cử của phụ nữ thành công chậm hơn so với những dự tính của J. S. Mill. Song, bằng những nỗ lực của mình, khi còn sống, J. S. Mill đã có đóng góp rất lớn đối với phong trào giải phóng phụ nữ. Điều kiện vật chất và giáo dục của phụ nữ đã được cải thiện từng bước. Millicent Fawcett (1847-1929) đánh giá công lao của J. S. Mill như sau: “Trước khi có những nỗ lực can thiệp của ông, quyền bầu cử của phụ nữ “chưa trở thành vấn đề chính trị của đất nước” (Richard Reeves, 2008).

Bản thân John Stuart Mill đã có tác động rất lớn đến sự thành lập và phát triển của Hội quốc gia vì quyền bầu cử của phụ nữ (Nation Society for Women’s Sufrage). Đây là một tổ chức hoạt động rất nỗ lực cho phong trào tranh đấu của nữ giới nửa sau thế kỷ XIX và J. S. Mill từng giữ vị trí Chủ tịch của Hội trong một thời gian ngắn.

Tại Hội nghị đầu tiên của Hội quốc gia vì quyền bầu cử của phụ nữ tổ chức năm 1869, trong bài phát biểu khai mạc, bà Clementia Taylor Chủ tịch hội đã cho rằng thành công của Hội phần nhiều đều do sự ủng hộ dũng cảm và nhiệt huyết của John Stuart Mill. Đại diện cho những người phụ nữ, bà bày tỏ: “Mỗi người phụ nữ Anh đều nợ J. S. Mill một lòng biết ơn sâu sắc” (J. S. Mill, 1988).

Còn M. Fawcett thì đánh giá: J. S. Mill chính là người tổ chức chính yếu của phong trào đòi quyền bầu cử cho nữ giới. Với vấn đề quyền bầu cử của phụ nữ, J. S. Mill đã cống hiến “những tư tưởng mạnh mẽ nhất và những năm tháng sôi nổi nhất của cuộc đời ông” (Richard Reeves, 2008). Ngày nay, đặt bên cạnh phần mộ của J. S. Mill ở Avignon là một tấm bảng khắc dòng chữ: Bằng tất cả sự kính trọng John Stuart Mill, người bảo vệ phụ nữ (En hommage de John Stuart Mill. Defenseur des Femmes).

Trong xã hội thế kỷ XXI, phụ nữ được đi bầu cử là một quyền hạn quá đỗi bình thường. Nhưng đây lại là vấn đề hết sức gai góc vào thời đại Victoria. Năm 1918, nghị viện Anh đã nhất trí thông qua một số quyền tự do cho phụ nữ đã qua tuổi 30, hoặc nếu họ đã có một bằng đại học. Năm 1928, sau 61 năm từ khi J. S. Mill đệ trình lên nghị viện điều lệ sửa đổi nổi tiếng về quyền bầu cử của phụ nữ, nghị viện Anh đã thông qua một Dự luật cho phép phụ nữ có những quyền bỏ phiếu tương tự như nam giới. Thế nên, thật xác đáng khi xem John Stuart Mill là biểu tượng của phong trào đấu tranh đòi quyền bầu cử nữ giới tại Anh.

Với tinh thần lạc quan vào tương lai, J. S. Mill tin rằng xu hướng của lịch sử sẽ khẳng định ưu thế cho phụ nữ, và khi mọi xã hội đều trở nên tiến bộ hơn thì công bằng giới sẽ được thiết lập. “Theo suốt tiến trình của lịch sử, phụ nữ sẽ bắt kịp được với nam giới” (J. S. Mill, 1984). Hy vọng của J. S. Mill hoàn toàn có cơ sở, và đã được kiểm chứng bởi thực tiễn lịch sử những thế kỷ sau này.

Hiện nay, ngày 8 tháng 3 trở thành một ngày để tôn vinh phụ nữ, đề cao vai trò của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Nó là kết quả của phong trào đấu tranh đòi quyền cho nữ giới, phát triển mạnh mẽ từ giữa thế kỷ XIX. Đến năm 1910, Đại hội Phụ nữ Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa ở Copenhagen (Đan Mạch) đã chính thức lấy 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Ngày 24/2/2011, tổ chức Liên hợp quốc đã làm lễ ra mắt Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ. Đây là một tổ chức mới nhất của Liên hợp quốc với sự tham gia của những người có uy tín trên các lĩnh vực chính trị, giải trí, kinh doanh, báo chí, âm nhạc và phim ảnh. Cơ quan này cũng là sự thể hiện nỗ lực đầy tham vọng của Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới.

Lịch sử phong trào giải phóng phụ nữ trên thế giới cho thấy rằng đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là một trong những dấu ấn đặc sắc của thời đại văn minh và tiến bộ. Xã hội hiện đại sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa những giá trị và chuẩn mực của phong trào đòi bình đẳng giới. Và hiển nhiên, trong tiến trình đó không thể không nhắc đến những giá trị tích cực của tư tưởng John Stuart Mill - một học giả có trái tim nhân ái và tầm nhìn tiến bộ.

Chú thích

(1) James Mill (1773 - 1836) là cha của J. S. Mill. James Mill là một triết gia, sử gia, nhà tâm lý học, nhà kinh tế học, nhà lý luận giáo dục, đồng thời là nhà luật học và nhà cải cách chính trị nổi tiếng.

 

Ngô Thị Như

Trường Đại học Ngoại thương