Liên kết web
Số lượt truy cập

18

2034437

Tin hoạt động

Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách

09/07/2015
UNFPA Già hóa dân số được coi là một trong những vấn đề ưu tiên trong Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 ở Việt Nam. Cũng giống như việc gia tăng dân số, dân số già hóa cũng gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội.

Vì vậy, ông Bruce Campbell, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng để các chính sách và chương trình quốc gia được thiết kế và thực hiện rộng rãi đáp ứng được nhu cầu về chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội cho nhóm dân số cao tuổi thì Việt Nam cần phải có các chính sách và chiến lược thực tế và phù hợp được xây dựng dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu định tính và định lượng. Những nghiên cứu này phải phân tích mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế, cũng như các nhu cầu về dịch vụ xã hội dành cho người cao tuổi, là vấn đề được đặt ra trong buổi Gặp gỡ báo chí về Già hóa Dân số ở Việt Nam do UNFPA tổ chức ngày 12-5-2011. Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách” do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khởi xướng trong khuôn khổ chương trình Kế hoạch Một Liên hợp quốc nhằm mục tiêu cung cấp những thông tin và phân tích kỹ lưỡng, toàn diện về các vấn đề có liên quan đến già hóa dân số cũng như những gợi ý chính sách giải quyết vấn đề già hóa dân số trong những năm tới.

Báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách”, do TS. Giang Thanh Long hoàn thành, UNFPA xuất bản tháng 7 năm 2011, dài 60 trang gồm bốn phần. Sau phần Giới thiệu tóm lược mục tiêu, phạm vi, phương pháp nghiên cứu và số liệu sử dụng trong Báo cáo, Phần II trình bày một số đặc điểm của già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam với những phân tích cụ thể về xu hướng và mức độ già hóa dân số ở Việt Nam trong thời gian tới, cùng với thực trạng về cuộc sống gia đình, sức khỏe, hoạt động kinh tế và thu nhập và các chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi. Trong chương này, báo cáo đặc biệt chú ý phân tích hệ thống hưu trí, trợ cấp và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để chỉ ra một số thách thức lớn về tính bền vững và hiệu quả trong việc “phá vỡ” vòng xoáy già - yếu - nghèo. Trong phần III, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề của các chính sách, chương trình dành cho người cao tuổi ở Việt Nam trong thời gian gần đây cũng như các chiến lược quốc gia trong thời gian tới nhằm giải quyết những vấn đề của già hóa dân số. Cuối cùng, phần IV, là một số khuyến nghị chính sách để chuẩn bị thích ứng với dân số già hóa, hướng đến “già hóa thành công”.

Mục tiêu chính mà Báo cáo đề ra là cung cấp những bằng chứng thực tế, khoa học cho việc xây dựng chính sách về dân số và phát triển trong giai đoạn 2011-2020 trong đó tập trung vào phân tích thực trạng già hóa và dân số cao tuổi cũng như các chính sách quốc gia về dân số cao tuổi. Phân tích của báo cáo này dựa chủ yếu vào số liệu thứ cấp từ các cuộc điều tra có quy mô và tính đại diện khác nhau, trong đó ưu tiên các số liệu mang tính đại diện quốc gia như Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở và Điều tra mức sống dân cư (hộ gia đình) Việt Nam, v.v. Ngoài ra, báo cáo cũng sử dụng một số thông tin từ các cuộc điều tra quy mô nhỏ hơn để minh họa cho một số nội dung phân tích.

Bài viết tập trung giới thiệu: (i) những đặc điểm nổi bật của quá trình già hóa dân số, (ii) sức khỏe, đời sống gia đình, lao động, việc làm, (iii) chế độ an sinh xã hội của người cao tuổi ở Việt Nam và (iv) những vấn đề về chính sách được trình bày trong Báo cáo này.

Đặc điểm của già hóa dân số

Báo cáo chỉ ra bốn đặc điểm nổi bật nhất của quá trình già hóa dân số ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

- Đặc điểm nổi bật nhất là dân số cao tuổi tăng nhanh nhất so với tất cả các nhóm dân số khác. Theo dữ liệu của Tổng Điều tra dân số 1979, 1989, 1999 và 2009, trong giai đoạn 1979-2009 tổng dân số tăng 1,6 lần, dân số trẻ em giảm gần một nửa, dân số trong độ tuổi lao động tăng 2,08 lần, còn dân số cao tuổi tăng 2,12 lần. Hệ quả của xu hướng biến đổi cơ cấu tuổi trên là chỉ số già hóa sẽ tăng lên nhanh chóng và vượt ngưỡng 100 vào khoảng 2032, tức là giai đoạn Việt Nam bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em. Điều đáng lưu ý là thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, như Thụy Điển là 85 năm, Nhật Bản là 26 năm, và Thái Lan là 22 năm, trong khi dự báo ở Việt Nam chỉ là 20 năm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi.

- Đặc điểm thứ hai của quá trình già hóa dân số ở Việt Nam là sẽ “già ở nhóm già nhất”, nghĩa là tốc độ tăng và số lượng người cao tuổi ở độ tuổi cao nhất (từ 80 tuổi trở lên) sẽ ngày càng lớn.

- Đặc điểm thứ ba được chỉ ra trong Báo cáo là tỷ số giới tính nghiêng về nữ giới khi độ tuổi ngày càng cao. Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, xét theo nhóm tuổi, tương ứng với 100 nam giới cao tuổi ở độ tuổi 60-69 thì có 131 nữ giới cao tuổi cùng ở nhóm tuổi này; tương tự, ở nhóm tuổi 70-79 có 149 nữ giới cao tuổi và từ 80 trở lên có 200 nữ giới cao tuổi. Báo cáo quan ngại rằng đây chính là biểu hiện của hiện tượng “nữ hóa dân số cao tuổi” ở Việt Nam, trong khi phụ nữ cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật, và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

- Đặc điểm thứ tư của quá trình già hóa dân số ở Việt Nam là mức độ già hóa dân số ở các tỉnh và vùng có điều kiện và trình độ phát triển kinh tế, xã hội khác nhau là rất khác nhau. Theo Điều tra mức sống hộ gia đình trong thập kỷ qua, phần lớn người cao tuổi vẫn sống ở nông thôn dù rằng quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và sống nhiều nhất ở hai vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long - những vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu của cả nước.

Đời sống gia đình, văn hóa và tinh thần

Phân tích đời sống gia đình, văn hóa và tinh thần của người cao tuổi, Báo cáo chỉ rõ xu hướng thay đổi qua số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993-2008.

Về đời sống gia đình:

- Tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái vẫn cao nhưng có xu hướng giảm xuống (từ gần 80% vào năm 1992/93 xuống 62% vào năm 2008).

- Tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn tăng từ 3,47% năm 1992/93 lên 6,14% năm 2008 và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng người cao tuổi có tăng hơn 2 lần.

- Tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần, từ 0,68% năm 1992/93 lên 1,14% năm 2008.

Về mặt giáo dục và đào tạo:

- Tỷ lệ người cao tuổi có trình độ cao (từ đại học trở lên) vẫn còn thấp.

- Trong số những người chưa từng đến trường, người cao tuổi là nữ, người cao tuổi sống ở nông thôn hoặc những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thấp hơn luôn có tỷ lệ cao hơn người cao tuổi là nam, người cao tuổi sống ở thành thị hoặc những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn.

Thực trạng này được cho cũng là một trong nhiều nguyên nhân giải thích sự khác biệt về giới, khu vực và vùng miền của người cao tuổi trong nhận thức, cũng như tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như các cơ hội kinh tế. Điều kiện sống về mặt vật chất và tinh thần của người cao tuổi còn thấp do một tỷ lệ không nhỏ người cao tuổi sống ở nông thôn và các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế và xã hội thấp.

Sức khỏe và chăm sóc sức khỏe

Sức khỏe được Báo cáo cho là tiêu chí quan trọng nhất khi phân tích thực trạng về phúc lợi của người cao tuổi. Việc phân tích tình trạng sức khỏe và chăm sóc sức khỏe của dân số cao tuổi sẽ cho biết chất lượng sống của người cao tuổi, nhu cầu về y tế và các dịch vụ có liên quan đối với hệ thống y tế nói chung cũng như việc chăm sóc sức khỏe tại gia đình và cộng đồng.

Báo cáo đã chỉ ra một số thách thức về sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam hiện nay như sau:

- Tình trạng sức khỏe của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, trong đó tuổi càng tăng thì tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm bệnh càng dài.

- Mô hình và nguyên nhân bệnh tật của người cao tuổi đang thay đổi nhanh chóng khiến cho gánh nặng “bệnh tật kép” ngày càng rõ ràng. Mô hình bệnh tật của người cao tuổi chuyển từ bệnh lây nhiễm sang bệnh mãn tính, không lây nhiễm trở thành nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn phế cho người cao tuổi đang là thách thức lớn cho Việt Nam.

- Mức độ hiểu biết về chăm sóc sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn thấp.

- Khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa các nhóm người cao tuổi hết sức khác nhau. Nhóm người cao tuổi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm chiếm tỷ lệ cao trong dân số cao tuổi, lại rất khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Báo cáo cũng chỉ rõ các nguyên nhân của tình trạng này.

- Mặc dù tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhưng mạng lưới y tế phục vụ người cao tuổi ở Việt Nam còn rất yếu.

Hoạt động kinh tế, thu nhập và tình trạng nghèo của người cao tuổi

Trong phần này, Báo cáo chủ yếu sử dụng số liệu các cuộc Điều tra mức sống hộ gia đình để phân tích mức độ tham gia hoạt động kinh tế tạo thu nhập của người cao tuổi theo các đặc trưng khác nhau: độ tuổi, loại hình công việc, khu vực, vùng miền, cơ cấu thu nhập, v.v. Theo số liệu năm 2008, khoảng 43% người cao tuổi vẫn đang làm việc với các công việc khác nhau, nhưng hầu hết là trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp với mức thu nhập còn thấp và bấp bênh. Tỷ lệ hoạt động kinh tế giảm theo độ tuổi. Người cao tuổi ở nông thôn tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn đáng kể so với người cao tuổi ở thành thị.

Tình trạng nghèo và tính dễ bị tổn thương với nghèo của người cao tuổi theo các đặc trưng cũng được Báo cáo đặc biệt quan tâm phân tích. Các kết luận về tình trạng nghèo có thể tóm lược như sau: thu nhập bình quân đầu người của người cao tuổi chỉ bằng 59% thu nhập bình quân đầu người của cả nước; nhiều người cao tuổi cô đơn và tàn tật cũng có mức thu nhập từ trợ cấp xã hội chỉ bằng 60-70% chuẩn nghèo; người càng cao tuổi thì xác suất nghèo càng cao và tỷ lệ nghèo tăng cao hơn nhóm dân số ít tuổi hơn khi điều chỉnh đường nghèo; nam giới cao tuổi có tỷ lệ nghèo thấp hơn nữ giới cao tuổi; người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn dễ tổn thương với nghèo hơn là người cao tuổi sống ở khu vực thành thị; người cao tuổi dân tộc Kinh có tỷ lệ nghèo và mức độ dễ tổn thương với nghèo thấp hơn rất nhiều người cao tuổi thuộc nhóm dân tộc khác. Báo cáo cho rằng, giống như một số quốc gia khác trong khu vực, thách thức giải quyết vấn đề nghèo của người cao tuổi sẽ rất lớn nếu Việt Nam rơi vào tình trạng “già trước khi giàu”.

An sinh xã hội cho người cao tuổi

Báo cáo cho biết hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào các nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội (cụ thể là hưu trí và tử tuất), bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi hiện nay lại không có tính hỗ trợ đốivới phần lớn người cao tuổi, đặc biệt là nhóm người cao tuổi dễ tổn thương, vì họ không thể tham gia hệ thống hưu trí do các quy định hiện hành hoặc nhận được mức trợ cấp xã hội quá thấp. Tỷ lệ người cao tuổi đang tham gia hệ thống hưu trí và trợ cấp xã hội còn thấp và mức hưởng còn thấp và chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng thu nhập của hộ gia đình cao tuổi. Hệ thống hưu trí đóng góp vận hành theo cơ chế tài chính thực thanh thực chi như hiện nay được dự báo là sẽ nhanh chóng bất cân đối về tài chính và sự cân đối kiểu này này sẽ khiến cho quan hệ đóng - hưởng giữa các thế hệ và giữa nam và nữ trong các thành phần kinh tế khác nhau trở nên bất công bằng.

Mặt khác, Báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội đối với người cao tuổi còn rất hạn chế và chỉ tập trung vào một số nhóm người cao tuổi. Những nhóm dễ tổn thương hơn (tuổi cao hơn, nghèo, dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn…) có tỷ lệ nhận trợ cấp xã hội tăng lên và cao hơn các nhóm khác. Ngược lại với trợ cấp xã hội, mức độ tiếp cận với chế độ hưu trí giữa các nhóm người cao tuổi có sự khác biệt rõ rệt, trong đó nhóm ít tổn thương hơn lại có tỷ lệ hưởng hưu trí cao hơn nhóm dễ tổn thương và điều này được duy trì theo thời gian.

Ngoài ra, số liệu thể hiện rõ là hệ thống hưu trí hiện nay của Việt Nam không phải là hệ thống có tính hỗ trợ người nghèo vì chỉ hai nhóm thu nhập cao nhất đã sử dụng đến 50% chi tiêu cho hưu trí, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ sử dụng 2% chi tiêu cho hưu trí. Hệ thống hưu trí tự nguyện đã được thực hiện nhưng mức bao phủ còn rất hạn chế. Xét về hệ thống trợ cấp xã hội, sự bất bình đẳng cũng tồn tại rõ rệt vì vùng giàu hơn lại có mức hưởng an sinh xã hội trung bình cao hơn nhiều vùng nghèo hơn.

Các vấn đề chính sách cho người cao tuổi

Phân tích các vấn đề chính sách cho người cao tuổi là một nội dung được chú trọng trong bản Báo cáo này. Theo Báo cáo, dù đã được điều chỉnh và bổ sung nhưng nhiều chính sách vẫn chưa thể đáp ứng và thích ứng với thực trạng đời sống người cao tuổi cũng như những hệ quả từ biến đổi cơ cấu tuổi dân số theo hướng già hóa nhằm đảm bảo “già hóa thành công” về ba mặt: sức khỏe (giảm tỷ lệ tàn tật, thương tật và ốm đau); xã hội (giúp người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tăng cường giao lưu); và kinh tế (ổn định thu nhập, tích cực tham gia các hoạt động kinh tế mang lại thu nhập có sử dụng cả chân tay và trí óc).

Với Việt Nam, các chính sách tác động vào ba mặt nêu trên được thể hiện theo ba nhóm, đó là:

- nhóm chính sách an sinh xã hội (nhằm đảm bảo an ninh thu nhập) bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội;

- nhóm chính sách dịch vụ chăm sóc người cao tuổi (để đảm bảo sức khỏe và tinh thần);

- nhóm chính sách thể chế (nhằm tăng cường sự tham gia cộng đồng của người cao tuổi).

Báo cáo phân tích cụ thể những vấn đề chính sách nổi bật theo 3 nhóm nêu trên để chỉ ra rằng già hóa dân số đang tạo ra những sức ép lớn về chính sách đối với Việt Nam trong việc thích ứng với những yêu cầu đảm bảo cuộc sống có sức khỏe, tinh thần và thu nhập cho người cao tuổi, từ đó đưa những đề xuất cụ thể và những khuyến nghị về chính sách.

Để kết luận, Báo cáo cho rằng bên cạnh nỗ lực của chính phủ về mặt chính sách, chương trình thì điều quan trọng, quyết định nhất chính là việc giáo dục ý thức mỗi cá nhân về việc “lo cho tuổi già từ khi còn trẻ” bởi lo cho mình cũng chính là lo cho gia đình, cộng đồng và các thế hệ tương lai.

Báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách” thực sự là ấn phẩm hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn - những người quan tâm đến tăng trưởng kinh tế bền vững, vì người nghèo và vì những nhóm dân số yếu thế nhất.

Võ Kim Hương (giới thiệu)