Liên kết web
Số lượt truy cập

13

2861303

Tin hoạt động

Thương tiếc Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết!

09/07/2015
Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết (1922-2012) là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phụ nữ, gia đình và bình đẳng giới và là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, tiền thân của Viện Gia đình và Giới hiện nay.

Trong gần 60 năm hoạt động khoa học, GS là tác giả, chủ biên và đồng chủ biên của hơn hai mươi cuốn sách và hàng trăm bài viết đã được trình bày ở các hội thảo khoa học trong và ngoài nước và đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Các công trình của GS đề cập đến nhiều nội dung khác nhau nhưng có một chủ đề xuyên suốt là ảnh hưởng của phong tục tập quán, chính sách xã hội, những biến động xã hội, những thay đổi văn hoá và môi trường đến sức khoẻ phụ nữ, đến vị thế xã hội, đến quyền của phụ nữ và đến hạnh phúc gia đình.

Công trình nổi tiếng trong giới khoa học ở Việt Nam và quốc tế là cuốn sách Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại. Đây là công trình khoa học về phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam được dịch và xuất bản bằng 5 thứ tiếng: Anh,Nga, Trung, Pháp và Nhật Bản.

Các tác phẩm chính GS đã viết hoặc chủ biên bao gồm: Lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam những năm 80, Giới và Phát triển, Hình ảnh phụ nữ Việt Nam trước thềm thế kỷ 21, ảnh hưởng của chính sách công đến hạnh phúc của phụ nữ: Quá khứ, hiện tại và tương lai của phụ nữ Việt Nam, Nâng cao nhận thức về quyền sức khoẻ sinh sản, quyền sức khoẻ tình dục và chất lượng cuộc sống, Chất độc da cam: Những tác động của vũ khí hoá học lên quyền sinh sản của phụ nữ và nam giới, Những hủ tục bất công trong vòng đời người phụ nữ Việt Nam và gần đây nhất là cuốn sách Đặc thù Giới ở Việt Nam và bản sắc văn hóa dân tộc - Nhìn từ góc độ dân tộc học.

Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết ra đi để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng đồng nghiệp, học trò và các độc giả, song tinh thần và sự nghiệp của giáo sư còn sống mãi qua các tác phẩm của mình. Qua các công trình nghiên cứu của Giáo sư, bạn đọc tìm thấy không chỉ các luận điểm khoa học mà còn cả tấm gương tiêu biểu phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam.

Cầu mong Giáo sư được an nghỉ nơi chín suối!

 

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới