Liên kết web
Số lượt truy cập

25

2073761

Tin hoạt động

Hội thảo khoa học “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập”

09/07/2015
Nhân dịp Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, ngày 26 tháng 3 năm 2012 tại Hà Nội, Viện Gia đình và Giới đã tổ chức Hội thảo khoa học “Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập” để tổng kết tình hình nghiên cứu về gia đình Việt Nam trong thời gian qua, xác định những vấn đề trọng tâm cần tiếp tục nghiên cứu nhằm có được những đánh giá chính xác về gia đình ở Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý từ các cơ quan, ban, ngành của Trung ương, các Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế như Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và các viện chuyên ngành, Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ban Gia đình và Xã hội - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đại diện các cơ quan nghiên cứu như Viện Xã hội học - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Khoa Xã hội học - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa Xã hội học - Học viện Báo chí Tuyên truyền; và đại diện từ các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu gia đình, giới và phụ nữ.

Hội thảo được tổ chức thành một phiên họp chung và 4 tiểu ban xoay quanh các vấn đề chung trong nghiên cứu gia đình, tính đa dạng của gia đình, mối quan hệ và các giá trị trong gia đình. Tại phiên họp của Chủ đề 1 “Những vấn đề chung về nghiên cứu gia đình”, Hội thảo đã được nghe và thảo luận những vấn đề cơ bản của gia đình Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020; vấn đề về lý luận và thực tiễn nghiên cứu gia đình Việt Nam; vấn đề gia đình nông thôn Việt Nam và hiện đại hoá trong thời kỳ Đổi mới.

Chủ đề 2 về “Tính đa dạng của gia đình” tập trung chủ yếu về sự biến đổi trong hôn nhân và gia đình ở vùng nông thôn, miền núi như: Biến đổi của gia đình nông thôn ven đô ở Nam Bộ trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá; vấn đề di cư, giới và biến đổi gia đình; hành trình làm quen và hoà nhập khi làm cô dâu xứ người của phụ nữ Việt Nam di cư sang các nước Đông á để kết hôn; quan hệ giới ở gia đình dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam; và sự hài lòng về đời sống gia đình ở nông thôn.

Trong Chủ đề 3 “Mối quan hệ gia đình”, Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò của mạng lưới họ hàng trong hoạt động kinh tế ở nông thôn Việt Nam; cách vận dụng lý thuyết và phương pháp trong nghiên cứu gia đình; cách thức ứng xử giữa cha mẹ và con cái trong các gia đình ở vùng đồng bằng sông Hồng; quan hệ vợ chồng trong gia đình người Việt công giáo ở Bắc Bộ; và vấn đề ly hôn ở Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI.

Chủ đề 4 “Giá trị gia đình” tập trung thảo luận về các quan niệm về hôn nhân và hạnh phúc gia đình; những đặc trưng của gia đình Việt Nam trong truyền thống; những vấn đề lý luận và thực tiễn trong biến đổi giá trị giáo dục của gia đình; và những vấn đề xã hội bức thiết đối với thiết chế hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay.

Hội thảo đã có phiên họp chung để chia sẻ những kết quả thảo luận ở từng tiểu ban. Có thể nói, trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, các báo cáo và các ý kiến thảo luận tại Hội thảo lần này đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản về thực trạng và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam; đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn về gia đình cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.n

H.P.