Tin hoạt động

Diễn đàn tham vấn về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam

09/07/2015
Ngày 30 tháng 3 năm 2012, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn tham vấn “Tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam: Thành tựu và định hướng tương lai”.

Tại diễn đàn, các diễn giả và đại biểu thảo luận về tình hình thực hiện Công ước CEDAW tại Việt Nam; những thành tựu và thách thức trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người sau hơn 25 năm thực hiện chính sách Đổi mới tại Việt Nam, trong đó có các quyền cơ bản như quyền dân sự và chính trị, quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền của nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, dân tộc thiểu số và người khuyết tật); chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc giám sát và báo cáo thực hiện Công ước; nêu bật vai trò và đóng góp của ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em của ASEAN trong việc thực hiện Công ước CEDAW ở cấp quốc gia và khu vực.

Đặc biệt, tại Diễn đàn, đại diện của UN Women trình bày báo cáo của Liên Hiệp Quốc về “Công ước CEDAW, quyền phụ nữ và tuổi hưu tại Việt Nam”. Trên cơ sở những chuẩn mực, những điều khoản, những đề xuất chung của Công ước CEDAW liên quan đến tuổi nghỉ hưu; xu hướng toàn cầu về chấm dứt phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác đối với phụ nữ; kết quả nghiên cứu về sự khác biệt giới trong tuổi nghỉ hưu tại Việt Nam, Báo cáo cho rằng “từ quan điểm CEDAW và quyền con người của phụ nữ, sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu cho phụ nữ là sự không thể biện hộ được và nên bị xóa bỏ”.

Trong bài phát biểu của mình, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nhận định tuy đã có nhiều nỗ lực đang kể trong việc triển khai thực hiện Công ước CEDAW, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Tình trạng bạo lực gia đình và sự phân biệt trên cơ sở giới tính trong các Luật và thực hành vẫn tồn tại và một số nhóm phụ nữ vẫn đang chịu tình trạng bất bình đẳng, ví dụ như sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu. Phụ nữ vẫn được trả lương thấp hơn nam giới và họ tập trung trong khu vực phi chính thức, nhất là các lao động gia đình không được trả công. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí ra quyết định và trong các tổ chức công thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ và những khuyến nghị của ủy ban CEDAW... Do đó vẫn cần phải có nhiều nỗ lực để thúc đẩy bình đẳng giới, triển khai hiệu quả và hiệu lực các chính sách và luật pháp hiện tại.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định thời gian tới, “Việt Nam sẽ nỗ lực chuyển những quy định trên giấy sang hiện thực”.

Chương trình CEDAW sẽ tiếp tục được thực hiện trong Kế hoạch chung Liên Hiệp Quốc 2012-2016 đã được Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Việt Nam ký ngày 27 tháng 3 năm 2012. Trong vòng 5 năm tới, Chương trình CEDAW sẽ tập trung vào nâng cao năng lực của các tổ chức chính phủ - vốn là các cơ quan có chức trách để giải quyết vấn đề bình đẳng giới và là người hưởng lợi để thúc đẩy tính giải trình của chính phủ.n

P.T.H.