Liên kết web
Số lượt truy cập

32

2861440

Tin hoạt động

Hội nghị Tổng kết hoạt động Nhóm điều phối Chương trình giới giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc năm 2011

09/07/2015
Ngày 23 tháng 2 năm 2012, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết hoạt động Chương trình giới giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hiệp quốc (LHQ). Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Cơ quan Phụ nữ LHQ tại Việt Nam là hai tổ chức đồng chủ trì Nhóm điều phối Chương trình giới (PCG) 2008-2011.

Chương trình đã thu hút 3 cơ quan quốc gia (Bộ LĐTBXH, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 12 cơ quan LHQ (One UN) và khoảng 16 tổ chức đối tác trong nước thực hiện. Năm 2011 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình.

Về phía Chính phủ Việt Nam, có ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng thường trực Bộ LĐTBXH, và về phía tổ chức Liên hiệp quốc, có bà Suzette Mitchell, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ Liên hiệp quốc tại Việt Nam tham dự và đồng chủ tọa hội nghị .

Hội nghị đã thu hút đông đảo đại diện các tổ chức đối tác chủ chốt của Chương trình, bao gồm các tổ chức, viện nghiên cứu quốc gia, các tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế và các cơ quan truyền thông.

Các đại biểu đã được cập nhật thông tin, trao đổi và nêu ý kiến xoay quanh một số kết quả hoạt động chính (những nỗ lực, thành tựu, thách thức và bài học kinh nghiệm...) của Chương trình Bình đẳng giới và Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.

Nhóm điều phối Chương trình giới trình bày khái quát 4 báo cáo, bao gồm:

- Báo cáo về các kết quả chính của Chương trình giới năm 2011, do đại diện nhóm thư kí Chương trình trình bày.Trong báo cáo này, một loạt hoạt động quan trọng được đề cập như: các hỗ trợ kĩ thuật cho xây dựng Chiến lược, Kế hoạch hành động và Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, xây dựng văn bản qui phạm pháp luật (nghị định, thông tư), các nghiên cứu, đánh giá về các chủ đề liên quan đến BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể là thực hiện nghiên cứu về du lịch, giới, dân tộc và phát triển bền vững, phụ nữ di cư và tiền gửi; nam tính; báo cáo đánh giá quốc gia về giới (do PCG phối hợp với WB, AUS AID/DFID thực hiện); hướng dẫn xây dựng Kế hoạch lồng ghép giới của các bộ ngành/địa phương giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch hành động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015; hoạt động xếp hạng về giới, xây dựng chiến lược lồng ghép giới trong kế hoạch Một LHQ cho giai đoạn 2012-2016 tại Việt Nam, v.v...

Một số hoạt động quan trọng khác cũng được tiến hành song song như duy trì các hội nghị mạng  lưới, nhóm đối tác hành động về giới (GAP), tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách quốc gia về giới, diễn đàn chấm dứt bạo lực (25/11 hàng năm); một số phiên họp thảo luận về các chủ đề đa dạng như vấn đề đồng tính nữ, giới và di cư, ASEAN và quyền con người, bạo lực và buôn bán phụ nữ, trẻ em, giới và biến đổi khí hậu, sửa đổi Hiến pháp từ quan điểm về quyền con người và giới, v.v…

Những thách thức chính trong thực hiện chương trình bao gồm tiến độ triển khai còn chậm, do chậm tiếp cận ngân sách chương trình, những khó khăn khi đánh giá và đo lường kết quả, hoặc vận dụng quan điểm giới trên thực tế, cơ chế tham gia, liên kết, điều phối giữa các bên liên quan, nguồn nhân lực...

- Báo cáo về kết quả việc thực hiện lồng ghép giới trong các nhóm điều phối chương trình khác của LHQ, do bà Suzette Mitchell trình bày, đề cập đến hoạt động thúc đẩy lồng ghép giới (vận động, nâng cao nhận thức, đào tạo, xây dựng và thực thi luật pháp…) ở một số lĩnh vực phát triển cụ thể: phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, phòng, chống thảm họa thiên tai, giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản, HIV/AIDs, hoàn thiện luật pháp, tiếp cận pháp lí, cải cách tư pháp, quản trị địa phương, nâng cao năng lực giám sát thực hiện Công ước CEDAW, nâng cao tính minh mạch, trách nhiệm giải trình và xã hội dân sự... Đáng chú ý là đã hỗ trợ xây dựng được khung giám sát và đánh giá thực hiện 2 Luật BĐG và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

- Báo cáo đánh giá về việc thực hiện điều phối Chương trình chung về bình đẳng giới giữa Chính phủ và Liên hiệp quốc giai đoạn 2010-2011 do bà Hoàng Thu Hiền, Trưởng nhóm thư kí Chương trình, trình bày. Báo cáo nêu một số mặt tích cực, những thách thức và khuyến nghị, ví dụ, về cải thiện cơ chế hoạt động, tiếp tục hỗ trợ kĩ thuật nâng cao năng lực lồng ghép giới cho các cơ quan trung ương và địa phương...

- Báo cáo về những kết quả, thành tựu của Chương trình PCG (về thay đổi nhận thức xã hội, nâng cao kiến thức kĩ năng LGG, điều phối chung định hướng chính sách và ưu tiên, nghiên cứu và xây dựng cơ  sở dữ liệu, tài liệu giảng dạy, truyền thông...), nêu một số khuyến nghị nhằm thực thi hiệu quả các chính sách, đặc biệt là chính sách bảo vệ, đảm bảo quyền bình đẳng đối với một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương...

Hội nghị cũng được nghe 2 báo cáo của 2 Bộ/ngành tham gia Chương trình, cụ thể:

- Báo cáo về Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia, do ông Đỗ Anh Kiếm, đại diện Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình bày. Tác giả khái quát về căn cứ pháp lí, xây dựng các công cụ chỉ tiêu, lĩnh vực thống kê quốc gia, qui trình thực hiện, trách nhiệm, các chế độ báo cáo, điều tra của các bộ/ngành... để tổng hợp nên chỉ số phát triển giới ở cấp quốc gia...

- Báo cáo về thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, do ông Phạm Quốc Nhật, đại diện Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình bày, khái quát quá trình thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình, và các hoạt động thuộc hợp phần dự án của Chương trình chung do Bộ đã thực hiện. Báo cáo nêu một số kết quả chính về việc hoàn thiện cơ sở pháp lí (văn bản  thông tư, nghị định liên quan…), công tác truyền thông - giáo dục, xây dựng và triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở, hoàn thiện khung giám sát thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, những khó khăn cũng như định hướng công tác chính cho giai đoạn sắp tới...

Nhìn chung, các đại biểu đã cập nhật kết quả hoạt động năm 2011, cũng như nắm bắt  khái quát bức tranh tổng thể về những hoạt động phối hợp thực hiện Chương trình giới của Chính phủ và LHQ tại Việt Nam trong 3 năm qua. Một số kết quả chính đạt được là đáng khích lệ, là tiền đề quan trọng để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

NTTD