Liên kết web
Số lượt truy cập

30

2861289

Tin hoạt động

Thực hành dinh dưỡng tốt vì mục tiêu phát triển của trẻ em Việt Nam

09/07/2015
Sáng 22 tháng 1 năm 2013 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu về Nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở một số địa phương của Việt Nam: Thực tiễn và Hàm ý chính sách.

Trong hơn một thập niên qua, Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Số liệu do Viện Dinh dưỡng công bố năm 2012 cho thấy rằng, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 16,8% năm 2011 và tỷ lệ còi cọc giảm từ 36,5% năm 2000 xuống còn 27,5% năm 2011. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2010, Việt Nam vẫn nằm trong số 16 quốc gia có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao trên phạm vi toàn cầu. Đề án “Sữa học đường hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ em mầm non và tiểu học giai đoạn 2013-2020” của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2012 còn cho thấy, tình trạng thiếu các vi chất cung cấp cho cơ thể như Vitamin A, Vitamin C và sắt của trẻ em Việt Nam khá cao, chỉ đạt 30-50% nhu cầu của trẻ, trong khi khẩu phần canxi trung bình cũng chỉ đáp ứng được 49% nhu cầu của trẻ. Mặc dù Việt Nam đã ban hành và thực hiện rất tốt các chính sách nhằm bảo đảm cho việc nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi, song vấn đề dinh dưỡng bổ sung cho trẻ dường như vẫn chưa được đánh giá đúng mức: Tháng 11/2012, Việt Nam mới ban hành được Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi. Trên thực tế, hiểu biết của các bà mẹ về các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung chủ yếu được hình thành từ các quan niệm và thói quen truyền thống, thông qua gia đình và bạn bè, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Báo cáo nghiên cứu về Nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở một số địa phương của Việt Nam: Thực tiễn và Hàm ý chính sách - do PGS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng, và các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày tại Hội thảo - cho thấy: Mặc dù nhận thức của các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ ở Việt Nam rất cao nhưng việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ gặp khó khăn do về yêu cầu thời gian và hoàn cảnh làm việc của bà mẹ. Hy vọng rằng Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013, sẽ là một bước tiến, nâng cao tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu ở Việt Nam. Báo cáo cũng cho thấy: Khẩu phần ăn bổ sung của trẻ từ 7 đến 24 tháng chưa đảm bảo sự đa dạng các loại thực phẩm và tính cân đối trong khẩu phần thức ăn. Tỷ lệ sữa nói chung và thực phẩm đúng tiêu chuẩn về dinh dưỡng bổ sung nhìn chung còn thấp ở một số nhóm bà mẹ. Báo cáo về tình hình dinh dưỡng Việt Nam năm 2009-2010 của Viện Dinh dưỡng và UNICEF cũng đã cảnh báo: chỉ có 51,7% trẻ em Việt Nam dưới 24 tháng tuổi được nuôi dưỡng bằng các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về chất lượng.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. Nguyễn Công Khanh - Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam kiến nghị cần phải chú trọng hơn đến việc cho trẻ ăn bổ sung an toàn và đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi vì đây là giai đoạn trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất. Các ý kiến của ông Khanh cũng tương đồng với ý kiến của bà Phạm Thị Thoa, ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng ban Gia đình – Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: cần phải có chính sách tiếp tục khuyến khích việc nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi, bên cạnh việc bảo đảm cho các bà mẹ khả năng tiếp cận thuận lợi với các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung an toàn và tốt nhất; Các chính sách cần phải hỗ trợ các bà mẹ để họ có thể đưa ra quyết định chọn lựa được các dinh dưỡng bổ sung tốt nhất và phù hợp nhất cho con mình. Nhiều đại biểu tham gia hội thảo cũng đã phát biểu ý kiến bày tỏ sự đồng tình với những phát hiện của báo cáo nghiên cứu và đóng góp thêm những gợi ý cho công tác hoạch định chính sách trong vấn đề này được hiệu quả hơn.

P.V.


Các tin cũ hơn.................................................