Tin hoạt động

Hội thảo Nghiệm thu kết quả nghiên cứu “Thực trạng mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội”

09/07/2015
Sự phát triển toàn diện về kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội đã có những ảnh hưởng đáng kể tới nền tảng đạo đức, lối sống truyền thống, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Vì vậy, sự phối hợp trong công tác giáo dục học sinh giữa gia đình và nhà trường là rất quan trọng. Xuất phát từ thực tế và nhu cầu quản lý, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã quyết định thực hiện cuộc khảo sát nhằm đánh giá đúng thực trạng sự phối hợp và mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn thành phố. Viện Gia đình và Giới là đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm chuyên môn về cuộc khảo sát này.

Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2012. Trong đó, khảo sát thực địa được tiến hành từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2012 trên 24 xã/ phường thuộc 12 quận/huyện trên địa bàn thành phố, đại diện cho 2 khu vực nội thành và ngoại thành. Phương pháp định lượng và định tính được sử dụng nhằm thu thập thông tin với sự tham gia trả lời của đại diện cha mẹ học sinh, học sinh đang đi học ở nhà trường phổ thông các cấp, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giáo dục công dân và lãnh đạo nhà trường.

Ngày 28/12/2012, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Viện Gia đình và Giới tiến hành nghiệm thu và công bố kết quả nghiên cứu “Thực trạng mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tới tham dự buổi Hội thảo nghiệm thu và công bố kết quả nghiên cứu có đại diện lãnh đạo và cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng với đại diện của các các cơ quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới… và đại diện lãnh đạo và cán bộ Viện Gia đình và Giới. PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, chủ trì cuộc nghiên cứu, đã trình bày các kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài.

Kết quả nghiên cứu nhận được sự đánh giá cao về chuyên môn của các nhà phản biện khoa học đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. PGS. TS. Nguyễn Hữu Thức, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TƯ, Phản biện 1 đã nhận định rằng đề tài được tiến hành bài bản, công phu trên cơ sở phân tích số liệu định lượng, thông tin định tính. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp một bức tranh khá sinh động và sâu sắc theo hệ thống các nhóm giá trị về đạo đức, lối sống, chỉ ra mặt được và chưa được của thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường và gia đình hiện nay. Cũng theo PGS. Thức, những kiến nghị sát thực với nhà trường và gia đình nhằm gợi mở thay đổi phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nghiên cứu này thực sự có ý nghĩa đối với các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa. Th.S. Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phản biện 2, đánh giá cao cách tiếp cận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống thông qua công tác quản lý văn hóa mà cụ thể là việc tiến hành nghiên cứu này. Đối với kết quả nghiên cứu, ông Vân đánh giá cao tính nghiêm túc, giá trị khoa học và thực tiễn của nghiên cứu về vấn đề giáo dục, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Một trong những điểm đáng ghi nhận là nghiên cứu đã có sự so sánh giữa các đối tượng giáo dục, đối tượng tiếp nhận giáo dục với các yếu tố tác động độc lập như khu vực, giới tính...

Bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, đã ghi nhận và cho rằng kết quả nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác nghiên cứu mà còn đối với công tác quản lý văn hóa, gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo bà Trang, biện pháp nêu gương trong nhà trường cần được tìm hiểu sâu hơn nữa để thấy được khả năng thực chất sự tác động của biện pháp này trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở nhà trường. Việc đề xuất mô hình điểm trong phần kiến nghị là việc cần thiết cho các nghiên cứu hợp tác tiếp theo giữa Viện Gia đình và Giới và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà đại diện là Phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình.

Bên cạnh những kiến nghị sát thực về việc đổi mới một số phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong gia đình và nhà trường, kết quả nghiên cứu còn cho thấy sự phối hợp giữa các môi trường giáo dục thông qua sự kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể là điều cần thiết. Cụ thể, nhà trường và gia đình đã và đang giáo dục/ rèn luyện cho học sinh các giá trị đạo đức truyền thống như kính trọng ông bà, cha mẹ, yêu thương anh chị em, cần cù chịu khó trong công việc,… cũng như các giá trị, phẩm chất đạo đức cần thiết của con người hiện đại như sáng tạo, năng động, tinh thần sẵn sàng tiếp nhận cái mới, sẵn sàng hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau…Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là không phải tất cả các phẩm chất được học đều được học sinh đánh giá là bổ ích đối với bản thân. Điều này có thể còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường xã hội, sự quan tâm đến giáo dục xã hội của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đối với thế hệ trẻ hiện nay - đây cũng chính là khoảng trống mà đợt khảo sát này chưa có điều kiện để đánh giá toàn diện hơn.

Lỗ Việt Phương