Liên kết web
Số lượt truy cập

297

2028304

Tin hoạt động

Hội thảo về thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

09/07/2015
Ngày 21/12/2011, trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức phụ nữ của Liên hợp Quốc (UN Women), ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tổ chức Hội thảo về thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo ủy ban về các vấn đề xã hội, cơ quan soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh sẽ được trình Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới), ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một số tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới,… Các báo cáo, tham luận tại Hội thảo đã điểm lại quá trình 4 năm thực hiện quy định lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Luật bình đẳng giới (2006), đồng thời nêu ra các khó khăn trong quá trình thực hiện việc lồng ghép giới từ phía các cơ quan thực hiện (các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bình đẳng giới, cơ quan thẩm tra) và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện việc lồng ghép giới đối với các dự án luật sẽ được trình Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016).

Tại Hội thảo này nhiều ý kiến cho rằng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007 – 2011) và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các cơ quan soạn thảo, thẩm định thẩm tra đã thực hiện việc lồng ghép giới trong một số dự án Luật như Luật người khuyết tật, Luật bảo hiểm y tế, Luật phòng, chống mua, bán người, Luật phổ biến giáo dục pháp luật, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật lao động (sửa đổi)…. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới của ủy ban về các vấn đề xã hội năm 2009, 2010 và 2011 cũng đã chỉ rõ tình trạng một số Bộ, ban, ngành – cơ quan chủ trì soạn thảo còn thiếu tích cực, chủ động trong việc tuân thủ quy trình, thủ tục lồng ghép giới cũng như phân tích giới, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật tới nam và nữ nên hiệu quả lồng ghép giới chưa đạt được như mong muốn; nhiều cơ quan soạn thảo chưa thực sự quan tâm và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này còn mang tính hình thức, do đó chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống các quy định pháp luật về bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình như Luật bình đẳng giới đã quy định.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo đã phân tích và chỉ rõ một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do thiếu nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào cho việc phân tích giới trong các dự án Luật; Thiếu chuyên gia pháp lý am hiểu sâu sắc về giới để lồng ghép giới vào các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng tác động của dự án Luật có hiệu quả; Các Ban soạn thảo chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động này trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã xác định một số thách thức trong việc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, đó là: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xây dựng pháp luật chưa thực sự chủ động tuân thủ quy định về lồng ghép giới theo quy định Luật bình đẳng giới và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Một số khó khăn về kỹ thuật, chuyên gia về lồng ghép giới trong quá trình lập pháp như tính khó nhận biết của vấn đề giới, khó khăn trong việc thu thập số liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho lồng ghép giới, và sự thiếu hụt chuyên gia về giới.

Để khắc phục được các khó khăn nêu trên, các chuyên gia cũng đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao việc lồng ghép giới một cách hiệu quả trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như: Nâng cao kiến thức, kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới cho các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội chuyên trách; Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để các cơ quan, tổ chức này tích cực, chủ động tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật. Các chuyên gia cũng đánh giá cao sự cần thiết phải có sự phối hợp và kết nối thường xuyên giữa các cơ quan này trong việc tham gia hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn về phân tích giới, lồng ghép giới thành công trong các dự án Luật, đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra với các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và pháp luật để hình thành một đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, ủy ban về các vấn đề xã hội đã phân tích lồng ghép giới trong 9 dự án Luật, pháp lệnh do ủy ban chủ trì thẩm tra; 02 nghị quyết do ủy ban dự thảo được Quốc hội thông qua; tiến hành lựa chọn và tham gia với các ủy ban khác thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong 08 dự án Luật; đồng thời tham gia thẩm tra dưới góc độ xã hội các dự án Luật, pháp lệnh do ủy ban thường vụ Quốc hội phân công. Nhưng hiện nay, việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật vẫn là một công việc còn khá mới mẻ trong điều kiện hoạt động Quốc hội không thường xuyên, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chưa cao. Chính vì vậy với tư cách là cơ quan được phân công phụ trách lĩnh vực bình đẳng giới trong các hoạt động của Quốc hội, và cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thẩm tra về bình đẳng giới, Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã xác định cần tích cực, chủ động thúc đẩy việc triển khai các hoạt động này để xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

 

Lâm Văn Đoan