- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
30
2861445
Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học
09/07/2015Cuốn sách: “Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học” do nhóm biên tập: Lương Văn Hy, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Phan Thị Yến Tuyết xuất bản năm 2010 là một tập hợp gồm 60 công trình nghiên cứu nhân học của các tác giả trong và ngoài nước với những chủ đề đa dạng. |
Ngoài những chủ đề như lễ nghi, tôn giáo, quan hệ dân tộc là những chủ đề truyền thống của dân tộc học Việt Nam, sách đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống đô thị như lao động giúp việc nhà, công nhân nữ, hay những vấn đề gắn liền với toàn cầu hóa như những yếu tố tác động đến cách tiêu thụ xe máy, công nhân Việt Nam ở nước ngoài và khi về nước, hôn nhân xuyên quốc gia, chứng vô sinh, HIV/AIDS, v.v. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả một số công trình trong quyển 1 của cuốn sách.
Trong hai thập kỷ vừa qua, ngành Việt Nam học đã phát triển mạnh ở Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản và một số nước châu Âu, trong đó, Nhân học là ngành có đóng góp lớn, với rất nhiều các công trình nghiên cứu của các nhà nhân học trong và ngoài nước. Các công trình này đã góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu những động thái thay đổi văn hoá, xã hội, kinh tế, môi trường và quản lý ở Việt Nam đương đại, bao gồm cả những vấn đề phát triển như di dân, đô thị, giới, sức khoẻ, lao động và tác động của toàn cầu hoá. Những đóng góp này phản ánh một chiều hướng quan trọng của nhân học thế giới từ gần một thế kỷ nay. Đó là chiều hướng nghiên cứu những vấn đề phát triển ở những nước đang phát triển, những vấn đề ở các nền văn hoá xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp, vấn đề toàn cầu hoá, cụ thể hơn là một chiều hướng nghiên cứu đi vào những vấn đề như di dân từ nông thôn ra đô thị và xuyên quốc gia, văn hoá quản trị ở những tổ chức kinh tế, truyền thông hiện đại và quảng cáo, sức khoẻ, v.v.
Tuy nhiên, do những công trình nhân học thường được viết bằng những ngôn ngữ khác nhau và ít khi có những công trình viết bằng tiếng Việt, có thể các nhà nhân học không biết về những công trình của nhau. Để kết nối và tập hợp những công trình nghiên cứu nhân học này, nhóm các tác giả Lương Văn Hy, Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp và Phan Thị Yến Tuyết đã xuất bản bằng tiếng Việt 60 bài trong tổng số 81 bài tham luận tại Hội thảo Nhân học quốc tế năm 2007 trong cuốn Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: những cách tiếp cận nhân học.
Sách gồm 2 quyển, tập hợp 60 công trình nghiên cứu nhân học của các tác giả trong và ngoài nước với những chủ đề đa dạng. Ngoài những chủ đề như lễ nghi, tôn giáo, quan hệ dân tộc là những chủ đề truyền thống của dân tộc học Việt Nam, các nghiên cứu đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống đô thị như vấn đề lao động giúp việc nhà, công nhân nữ, hay những vấn đề gắn liền với toàn cầu hóa như những yếu tố tác động đến cách tiêu thụ xe máy, công nhân Việt Nam ở nước ngoài và khi về nước, hôn nhân xuyên quốc gia, chứng vô sinh, HIV/AIDS, v.v. Nhiều phương pháp nghiên cứu nhân học cũng như nhiều nguồn dữ liệu khác nhau (từ những dữ liệu sử học, những tư liệu điện ảnh, truyền thông, triển lãm bảo tàng, âm nhạc và văn hóa dân gian đương đại, đến những dữ liệu từ cuộc điều tra định lượng, phỏng vấn sâu và quan sát tham dự) đã được áp dụng,
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu ba nội dung được đề cập tại Phần 2, Quyển 1 của cuốn sách này. Đó là các vấn đề: quyền lực ở Việt Nam, cách tiếp cận trong nghiên cứu về xâm hại tình dục và các tổ chức phi quan phương trong làng – xã vùng châu thổ Bắc Bộ.
Khi xem xét vấn đề quyền lực ở Việt Nam, Erik Harms cho rằng các ý niệm về quyền tại Việt Nam là một quá trình phức tạp và nó dao động giữa hai ý niệm lý tưởng là “nội” và “ngoại”. Hai khái niệm này gắn bó với nhau và tác động lẫn nhau. “Quyền lực” được đặt trong quá trình này không chỉ là quyền lực chính trị mà còn là một loại “quyền lực xã hội” có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài lĩnh vực quản lý nhà nước, các ý niệm về sự chính thống, uy thế, quyền lực xã hội ở các cấp độ khác nhau trong đời sống xã hội ở Việt Nam có thể được hiểu qua việc những thành viên trong xã hội thương thảo, sử dụng, vi phạm và cuối cùng tái sản sinh những lý tưởng văn hoá vốn được diễn đạt qua sự đối ngẫu giữa nội và ngoại. Để trình bày những luận điểm trên, tác giả xây dựng một lý thuyết dựa trên cơ sở văn hoá Việt Nam. Lý thuyết này dùng cấu trúc thân tộc Việt để liên kết mô hình cấu trúc luận với cách tiếp cận để giải thích những cách hành xử trong xã hội và sự chủ động của con người. Tác giả đã sử dụng rất nhiều ví dụ trong lịch sử Việt Nam cho thấy rằng việc quản lý quan hệ giữa nội và ngoại có một vai trò quan trọng trong việc gây dựng nên uy thế chính trị và quyền lực: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, triều đại Tây Sơn trong lịch sử vừa biết thu hút sự ủng hộ của nhiều dân tộc khác nhau ở ngoài những trung tâm quyền lực truyền thống và sau đó là tập trung quyền lực; mối quan hệ giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài trong thế kỷ 17 và 18; sự học hỏi và áp dụng các “mô hình Trung Quốc” vào cách tổ chức xã hội của dân tộc Việt trong triều đại nhà Nguyễn trong tương quan với những khái niệm bản địa về uy thế và tính chính thống. Một ví dụ khác trong bài viết là xem xét mối quan hệ giữa nội và ngoại trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Từ những phân tích này, tác giả cho rằng sự dao động giữa nội và ngoại tại địa bàn thành phố giống như sự dao động trong hệ thống thân tộc truyền thống và mối quan hệ này liên kết hai mô hình không gian và thời gian. Bên nội rất sâu về mặt thời gian nhưng hẹp trong lĩnh vực không gian. Bên ngoại thì ngược lại, không có lịch sử nhưng mở rộng ra đến một không gian hình như không có giới hạn. Người nào biết kết hợp hai cực này sẽ vượt qua giới hạn của thời gian và không gian. Người đó sẽ vừa có một nguồn gốc sâu xa vừa có mối quan hệ mở rộng, có thể vừa nhớ nguồn, lưu giữ, bảo tồn truyền thống vừa hoà nhập vào thế giới hiện đại. Một người như thế sẽ đạt được quyền lực xã hội. Việc hoà hợp giữa nội và ngoại là một cách thu hút quyền lực.
Do tính chất và tầm quan trọng của vấn đề, làng và quan hệ dòng họ người Việt được nhiều công trình nghiên cứu quan tâm. Tác giả Ngô Văn Lệ dựa trên nhiều công trình nghiên cứu về làng và quan hệ dòng họ người Việt ở Bắc Bộ và sự trải nghiệm của bản thân tác giả trong những năm sinh sống ở một làng quê Bắc Bộ và những năm công tác tại các tỉnh phía Nam nêu lên những nguyên nhân về sự khác biệt về làng và quan hệ dòng họ người Việt Nam Bộ trong bối cảnh chung của văn hoá Việt, tập trung vào những nét đặc trưng nhất làm nên sự khác biệt giữa làng Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ. Theo đó, các làng Việt Nam Bộ được hình thành muộn hơn các làng Việt Bắc Bộ và ngay từ khi hình thành đã có vai trò của Nhà nước. Quá trình hình thành làng và sự can thiệp của Nhà nước đã làm cho những nét văn hoá truyền thống của làng Việt Bắc Bộ không được thể hiện ở làng Việt Nam Bộ, như: không có hương ước, không có làng tên Nôm, có ít hoặc hầu như không có tổ chức phi quan phương. Khác với làng Việt Bắc Bộ, dân cư các làng Việt Nam Bộ chủ yếu cư trú trên diện rộng và hầu như không tồn tại chế độ công điền, công thổ khiến những người dân cư ở đây có tính năng động xã hội. Hình thức cư trú này đã tác động đến lối sống của người nông dân Việt ở Nam Bộ. Các làng Việt Nam Bộ ngay từ khi hình thành đã sớm chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Xét trên phương diện quản lý thì sự ràng buộc các thành viên ở Bắc Bộ chặt chẽ hơn so với ở Nam Bộ. Tại Bắc Bộ, đất đai có hạn, các quan hệ dòng họ ràng buộc, những quy định hương ước đã làm cho người nông dân không năng động, khó vượt qua được sự thụ động. Do làng Việt Nam Bộ không được thiết lập trên nền tảng ruộng công nên vai trò của làng có phần nào bị hạ thấp so với làng Việt Bắc Bộ. Do những đặc trưng này, ở Nam Bộ đã sớm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá. Người nông dân Nam Bộ do những ưu đãi của thiên nhiên, không có phong cách “tích cốc phòng cơ” mà luôn gắn bó với thị trường. Sự phát triển kinh tế hàng hoá ở Nam Bộ kích thích giao lưu quốc tế làm cho hoạt động của làng Việt Nam Bộ năng động hơn so với Bắc Bộ. Được hình thành trong quá trình khai hoang, các làng Việt Nam Bộ quần tụ thành phần dân cư khá đa dạng từ nhiều tỉnh, nhiều vùng khác nhau đến khai hoang vùng đất mới tạo dựng những đơn vị cư trú. Do tập hợp cư dân ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều dòng họ khác nhau nên trong một làng số dòng họ khá nhiều, không có dòng họ nào chiếm áp đảo dân cư so với các dòng họ khác và cũng không có làng nào lấy tên họ đặt cho làng như ở các làng Việt Bắc Bộ. ở Nam Bộ, chế độ tư hữu sớm được hình thành trong khi làng lại không được thiết lập trên nền tảng ruộng công nên vai trò của làng có phần bị hạ thấp so với ở Bắc Bộ. Tuy vẫn mang tình làng nghĩa xóm nhưng tính cách và vai trò của họ không bị hoà tan trong cộng đồng. Chính điều đó làm cho quan hệ dòng họ có phần lỏng lẻo. Khác với ở Bắc Bộ, vị trí của Nho giáo ở Nam Bộ đã nhạt dần và không có ảnh hưởng chi phối đến gia đình thể hiện trong quan niệm sinh con cái, trong hôn nhân gia đình, và trong các mối quan hệ gia đình.
Xâm hại tình dục là một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu nhưng việc tìm hiểu một cách hệ thống vấn đề xã hội ẩn nhưng vô cùng nghiêm trọng này lại chưa được nghiên cứu riêng biệt. Nghiên cứu của Nguyễn Thu Hương đã góp phần làm sáng tỏ vấn đề làm thế nào để có thể tiếp cận được những phụ nữ từng bị xâm hại tình dục và với một chủ đề nhạy cảm như vậy liệu người ta có sẵn lòng kể về câu chuyện của mình không. Để thực hiện nghiên cứu của mình, tác giả sử dụng phương pháp chủ đạo là tiếp cận nghiên cứu trường hợp. Để thu thập thông tin nhạy cảm về trải nghiệm của các nạn nhân hiếp dâm cũng như cách họ ứng phó với những áp lực văn hoá - xã hội sau đó, hướng tiếp cận trường hợp được đánh giá là thích hợp hơn so với phân tích định lượng. Điểm mới trong nghiên cứu này là việc sử dụng tờ rơi làm phương tiện thu thập thông tin. Cách làm này một mặt thu hút sự chú ý của các nạn nhân hiếp dâm, mặt khác để quan sát phản ứng, thái độ của người dân trước vấn đề hiếp dâm cũng như những định kiến xã hội mà phụ nữ khi nghiên cứu về hiếp dâm thường phải đối mặt trong bối cảnh văn hoá - xã hội Việt Nam. Thông qua bài viết, tác giả mong muốn góp một tiếng nói vào các tranh luận hiện tại về cách nhận thức “truyền thống” trong nhân học về đạo đức và phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học đối với những đề tài hết sức nhạy cảm như hiếp dâm. Do tính nhạy cảm của vấn đề nghiên cứu, việc tìm kiếm và tiếp cận được với nạn nhân hiếp dâm thực sự là một câu hỏi hóc búa đối với nhà nghiên cứu. Trong Nhân học, phương pháp nghiên cứu chủ yếu là điền dã, quan sát tham gia thì với đề tài này phương pháp này khó khả thi được. Các nghiên cứu về tội phạm, nhất là nghiên cứu về hiếp dâm thường dựa vào nguồn tư liệu thứ cấp. Nghiên cứu tội phạm học, đặc biệt do các nhà xã hội học thực hiện thường dựa vào hồ sơ cảnh sát. Các nghiên cứu về tâm lý tập trung tìm hiểu tác động của việc bị hiếp dâm hay các hội chứng hậu chấn thương đến cuộc sống của nạn nhân đều dựa trên nguồn thông tin thu được trực tiếp từ các cuộc phỏng vấn tiến hành ở nhà tạm lánh hay bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên, với nghiên cứu này, các phương pháp trên đều khó mà triển khai. Một vấn đề nữa cần cân nhắc là đạo đức nghiên cứu khi tiến hành các nghiên cứu về bạo lực tình dục phụ nữ. Thách thức chủ yếu của nhà nghiên cứu về bạo lực với phụ nữ là cần thiết kế một hệ phương pháp thu thập tư liệu để có thể khuyến khích nạn nhân chia sẻ. Khi lựa chọn tiếp cận nạn nhân hiếp dâm qua việc phát tờ rơi, tác giả đã nhận được nhiều phản hồi hiệu quả cho mục đích nghiên cứu của mình. Ngoài phục vụ hai mục tiêu: tiếp cận nạn nhân hiếp dâm và đồng thời nhằm tìm hiểu sâu hơn quan niệm của công chúng về vấn đề này trong bối cảnh Việt Nam, hiệu quả của tờ rơi còn thể hiện qua thái độ, phản ứng của công luận tới chính nhà nghiên cứu về một chủ đề nhạy cảm. Tham gia vào một nghiên cứu như vậy, nhà nghiên cứu không chỉ tiên liệu về các định kiến xã hội mà còn đối mặt với nguy cơ bị quấy rối hay thậm chí bị xâm hại. Trong văn hoá Việt Nam, xét đến các chuẩn hành vi cần có ở người phụ nữ, hầu hết mọi người cho đến giờ vẫn không dễ gì chấp nhận việc một cô gái chưa lập gia đình làm nghiên cứu về bạo hành phụ nữ. Định kiến xã hội cũng ngụ ý một cô gái “ngoan” không nói công khai về chủ đề này. Các công trình nghiên cứu đều thừa nhận hiếp dâm làm thương tổn các nạn nhân và cả những ai thân cận với nạn nhân, thường gọi là “thương chấn tâm lý thứ cấp”. Còn với nhà nghiên cứu, với những trải nghiệm của bản thân khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu nhận thấy mình cũng chịu những sang chấn từ những gì các nạn nhân kể: khó ngủ, hay gặp ác mộng, ngại ra ngoài ban đêm, v.v. Bài viết này đã cung cấp những phát hiện ban đầu của một nghiên cứu chiều sâu về hiếp dâm trong bối cảnh Việt Nam dưới góc nhìn của người bị hại. Những phân tích của tác giả mở ra những hướng nghiên cứu tiếp theo như: với các trường hợp người phụ nữ giữ kín chuyện bị xâm hại, cuộc sống của họ sẽ ra sao, yếu tố tâm linh có vai trò gì trong hành trình tìm kiếm sự “hồi phục”. Ngay cả những trường hợp được báo cáo thì ẩn sau đấy có hay không những động cơ cá nhân, đặt trong mối giao thoa của các hệ giá trị giới, thân tộc và tộc người trong bối cảnh xã hội chuyển đổi ở Việt Nam.
Cuốn sách tập hợp nghiên cứu nhân học đương đại rất đa dạng và phong phú về chủ đề nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, đóng góp to lớn vào việc làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong cuộc sống đương đại và trong bối cảnh toàn cầu hoá. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt những nhà nghiên cứu về nhân học, xã hội học, dân tộc học và tâm lý học.
Nguyễn Phương Thảo (giới thiệu)
Các tin cũ hơn.................................................
- Hội thảo về thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (09/07/2015)
- Hội thảo khoa học: Gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập (09/07/2015)
- Hội thảo tập huấn “Giới và biến đổi khí hậu: Từ nhận thức đến hành động” (09/07/2015)
- Hội thảo: Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh biến đổi xã hội nhanh (09/07/2015)
- Hội thảo “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Thực trạng, thách thức và giải pháp” (09/07/2015)
- Biến đổi gia đình ở Hungary - Rajkai Zsombor Tibor - Đại học Kyoto, Nhật Bản (09/07/2015)
- Hội thảo: Nghiệm thu Báo cáo Đời sống văn hóa của cư dân Hà Nội (09/07/2015)
- Hội thảo: Các vấn đề lý luận và tổng quan về xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (09/07/2015)
- Hội thảo khoa học quốc tế về Xã hội học gia đình: “Tái cấu trúc ở lĩnh vực gia đình và nhà nước trong viễn cảnh toàn cầu” (09/07/2015)
- Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam 2010 (09/07/2015)