Liên kết web
Số lượt truy cập

62

1962323

Tin hoạt động

Hội thảo tập huấn ngân sách giới

30/06/2015
Trong hai ngày 20-21/5/2014, tại Hà Nội đã diễn ra khóa tập huấn về ngân sách giới do Tổ chức Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Trung tâm phụ nữ trong chính trị và hành chính công thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Mục tiêu của khóa tập huấn là: Xây dựng sự hiểu biết chung về ngân sách giới, sự cần thiết phải lồng ghép giới ở Việt Nam; Giúp học viên làm quen với khái niệm, phạm vi và các công cụ ngân sách giới; Học hỏi kinh nghiệm quốc tế về ngân sách giới; Xác định các điểm đầu vào thích hợp cho ngân sách giới ở Việt Nam.

Tham dự khóa tập huấn là những cán bộ có kinh nghiệm làm việc trong công tác bình đẳng giới ở các bộ ngành, các cơ quan nghiên cứu thuộc chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Hội thảo được tiến hành theo phương pháp đồng tham gia, kết hợp giữa bài giảng, bài tập thảo luận và làm việc nhóm. Hội thảo được chia thành 9 phiên với những nội dung cụ thể cho từng phiên.

Phiên 1 giới thiệu chung và tóm tắt đánh giá nhu cầu của học viên với khóa học.

Phiên thứ 2 và 3 cung cấp bức tranh tổng quan về thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam và kỹ năng phân tích chính sách dưới góc độ giới. Học viên được nghe bài trình bày về “Một số vấn đề cơ bản về bình đẳng giới ở Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới  và bài trình bày về “Tổng quan khung phân tích dưới góc độ giới” do bà Navanita Sinha, chuyên gia của UN Women thực hiện. Với phương pháp làm việc nhóm, các học viên tiến hành phân tích các chính sách về giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, chương trình việc làm cho lao động nông thôn, dự án phát triển đường giao thông dưới góc độ giới nhằm chỉ ra rằng các chương trình, chính sách này đã đáp ứng về mặt giới hay chưa.

Các phiên thứ 4, 5, 6, 7 giới thiệu tổng quan về ngân sách giới (khái niệm, lý do phải có và phải quan tâm đến ngân sách giới), quy trình lập ngân sách giới, các điểm đầu vào chiến lược cho ngân sách giới, các công cụ thích hợp để lập ngân sách giới. Qua bài trình bày của các giảng viên, học viên được cung cấp thông tin về 5 bước thực hiện ngân sách giới, 7 công cụ thực hiện ngân sách giới và 4 giai đoạn của chu trình lập ngân sách giới. Đồng thời, học viên hiểu biết thêm kinh nghiệm của một số quốc gia (như Australia, Nam Phi, Mexico, Philippin, ấn Độ,…) về lập ngân sách giới. Mỗi quốc  gia đã triển khai thực hiện ngân sách giới từ những cách tiếp cận khác nhau. Học viên cũng đã được nghe trình bày về quy trình lập, phân bổ ngân sách ở Việt Nam, vấn đề lồng ghép giới vào Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2014-2016 của ngành tài chính triển khai thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020. Đây là những thông tin quan trọng để học viên tiếp tục tham gia phiên 8, 9 của Hội thảo tập huấn.

Phiên 8 và 9 của Khóa học hướng đến mục tiêu xây dựng hiểu biết về ứng dụng của ngân sách giới. Dựa trên những kiến thức đã tiếp nhận được từ các phiên trước, học viên tiếp tục làm việc nhóm về các vấn đề giới trong các lĩnh vực giáo dục, việc làm, giao thông. Sau đó, các nhóm cùng thảo luận đề xuất chỉnh sửa, bổ sung cho các chính sách về giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, chương trình việc làm cho lao động nông thôn, dự án phát triển đường giao thông đảm bảo sự đáp ứng về mặt giới.

Kết thúc khóa tập huấn, các học viên được chia theo 03 nhóm gồm nhóm bộ ngành, nhóm tổ chức quốc tế, nhóm tổ chức phi chính phủ cùng bàn thảo và đề xuất về lộ trình cho việc thực hiện ngân sách giới ở Việt Nam, những yếu tố cần thiết để thực hiện lộ trình đó (khung pháp luật/thể chế, cơ chế phối hợp, năng lực) và vai trò của từng cơ quan trong việc thực hiện ngân sách giới ở Việt Nam.

 

Trần Thị Hồng