- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
23
2861033
Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012: Các kết quả chính
30/06/2015Lời Tòa soạn: Từ năm 1986, sau gần 30 năm thực hiện “đổi mới”, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội; đồng thời công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành quả quan trọng. Các quyền của trẻ em ngày càng được đảm bảo. Tuy nhiên, trên thực tế, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em phải lao động sớm có xu hướng tăng. |
Để có được cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động trẻ em (LĐTE), góp phần thực hiện mục tiêu toàn cầu về xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất vào năm 2016, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua Chương trình quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em (IPEC), năm 2012 Tổng cục Thống kê (GSO) đã tiến hành cuộc điều tra toàn quốc về LĐTE. Việc cho ra đời cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về LĐTE thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống LĐTE, đặc biệt là hình thức LĐTE tồi tệ nhất.
Từ khóa: Trẻ em; Lao động; Hoạt động kinh tế; Lao động trẻ em; Điều tra quốc gia 2012.
“Điều tra quốc gia về Lao động trẻ em 2012 - Các kết quả chính” là một Báo cáo dài 56 trang, do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO - IPEC/SIMPOC; bản quyền thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục thống kê; xuất bản lần đầu năm 2014. Báo cáo gồm 4 chương chính. Chương 1 của Báo cáo giới thiệu về cuộc điều tra; làm rõ các khái niệm về trẻ em và LĐTE; luật pháp, chính sách quốc gia về bảo vệ và chăm sóc trẻ em và vấn đề LĐTE. Trong chương 2, Báo cáo trình bày một số đặc trưng cơ bản của trẻ em từ 5-17 tuổi. Chương 3 và 4 phân tích số liệu để làm rõ các vấn đề về trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và LĐTE.Dưới đây là các nội dung chính của báo cáo này.
Giới thiệu và khái niệm
Cuộc điều tra quốc gia về Lao động trẻ em 2012 được kết hợp với cuộc điều tra Lao động - Việc làm hàng năm và được tiến hành trong khoảng thời gian 3 tháng (tháng 3, 4, 5) với quy mô mẫu là 50.640 hộ gia đình trên toàn, khảo sát 6 vùng kinh tế - xã hội và hai thành phố trung tâm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cuộc điều tra đã thu thập thông tin của 41.459 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 17 tuổi.
Mục tiêu của cuộc điều tra này là thu thập thông tin về thực trạng trẻ em làm việc và LĐTE trong cả nước, bao gồm: xác định qui mô, phân bố và những đặc điểm của trẻ em làm việc và LĐTE; các nguyên nhân và hệ quả của LĐTE.
Với bối cảnh của Việt Nam, khi kinh tế hộ gia đình còn chiếm tỷ trọng lớn, thị trường lao động chưa phát triển, thì trẻ em trong những lứa tuổi nhất định có thể tham gia làm một số công việc với lượng thời gian nhất định mà không ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng sức khỏe, học tập và sự phát triển của trẻ em. Tuy vậy, một bộ phận trẻ em đã và đang tham gia vào những công việc có thời gian kéo dài, các công việc có nguy cơ thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và cơ hội học tập của trẻ đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa, can thiệp để bảo vệ trẻ em, tạo môi trường lành mạnh cho mọi trẻ em phát triển toàn diện.
Vì vậy, Báo cáo cho rằng cần phân biệt khái niệm trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và LĐTE. Trẻ em tham gia hoạt động kinh tế bao gồm trẻ em nhóm 5 - 17 tuổi tham gia các hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, không phân biệt sản xuất để tiêu dùng hay để bán, được trả lương hay không trả lương, thỉnh thoảng hay thường xuyên làm việc, công việc hợp pháp hay không hợp pháp nhưng làm việc ít nhất một giờ đồng hồ vào bất kỳ ngày nào trong tuần tham chiếu. Các hoạt động kinh tế không bao gồm các công việc nội trợ của hộ gia đình và hoặc công việc vặt ở nhà trường mà trẻ em làm.
Không phải tất cả trẻ em tham gia hoạt động kinh tế đều là lao động trẻ em. Để xác định LĐTE, các quốc gia thường lấy độ dài thời gian làm việc làm thước đo chính. Do vậy, trong cuộc điều tra này, những đối tượng sau đây được coi là lao động trẻ em:
1. Trẻ em từ 5 - 11 tuổi: tham gia hoạt động kinh tế từ 1 giờ trở lên vào bất kỳ ngày nào trong tuần tham chiếu hoặc từ 5 giờ trở lên trong cả tuần tham chiếu.
2. Trẻ em từ 12 - 14 tuổi: tham gia hoạt động kinh tế trên 4 giờ vào bất kỳ ngày nào trong tuần tham chiếu hoặc trên 24 giờ trong cả tuần tham chiếu.
3. Trẻ em từ 15 - 17 tuổi: tham gia hoạt động kinh tế trên 7 giờ vào bất kỳ ngày nào trong tuần tham chiếu hoặc trên 42 giờ trong cả tuần tham chiếu.
4. Trẻ em từ 5 - 17 tuổi, tham gia làm các công việc cấm sử dụng lao động vị thành niên theo quy định của Thông tư số 09/TL-LB ngày 13 - 4 - 1995 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế quy định chi tiết các điều kiện lao động có hại và các công việc cấm sử dụng lao động vị thành niên.
Một số đặc trưng cơ bản của trẻ em từ 5-17 tuổi
Ước tính từ cuộc điều tra cho thấy dân số trung bình năm 2012 của Việt Nam là 88.687.810 người. Trong tổng dân số, nhóm 5 - 17 tuổi, có 52,8% ở nhóm 5 - 11 tuổi, 22,5% ở nhóm 12 - 14 tuổi và 24,7% ở nhóm 15 - 17 tuổi.
Cuộc điều tra đã thu thập các thông tin về tình hình đi học, nguyên nhân bỏ học, việc sử dụng thời gian không đi học của trẻ em; thông tin về việc sử dụng thời gian và loại hình công việc/hoạt động của trẻ em không đi học nhằm tìm hiểu sự tham gia vào các hoạt động kinh tế của trẻ em.
Vào thời điểm điều tra ước tính có 1.716.767 trẻ em nhóm tuổi 5 - 17 không đi học, chiếm 9,6% tổng số. Trừ nhóm 5 tuổi thuộc độ tuổi mẫu giáo, thì tỷ lệ không đi học tăng lên theo độ tuổi: 1,6% ở nhóm 6 - 11 tuổi; 7,3% ở nhóm 12 - 14 tuổi và 26,5% ở nhóm 15 - 17 tuổi.
Báo cáo cũng chỉ ra sự khác biệt khá rõ rệt về nguyên nhân không đi học trong số trẻ em này.
Đối với nhóm 6 - 11 tuổi, nguyên nhân hàng đầu đối với số hiện không theo học là không muốn đi học (32,7%), không có tiền đi học (12,1%). Ngoài ra, trong nhóm này thì có tới 27,5% số không đi học là do khuyết tật hoặc ốm đau.
Đối với nhóm 12 - 14 tuổi, nguyên nhân không thích đi học và không có quyết tâm đi học chiếm trên 61%, tuy nhiên những lý do kinh tế bắt đầu xuất hiện, có đến 13,5% không đi học do muốn/hoặc phải làm việc kiếm tiền.
Đối với nhóm 15 - 17 tuổi, nguyên nhân quan trọng nhất là không thích đi học (chiếm 38,6%), đặc biệt có trên 20% trẻ em không đi học vì lý do muốn/hoặc phải làm việc kiếm tiền.
Kết quả phân tích cho thấy trên 80% số trẻ em không đi học sử dụng phần lớn thời gian trong ngày của mình để làm việc hoặc phụ giúp công việc của hộ gia đình. Tuổi càng lớn thì càng phải làm việc nhiều hơn và nghỉ ngơi, vui chơi ít đi. Trẻ em gái cũng phải làm việc nhiều hơn và có thời gian vui chơi giải trí và các hoạt động khác ít hơn trẻ em trai. Không có sự khác biệt về xu hướng sử dụng thời gian của trẻ em không đi học giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Trẻ em tham gia hoạt động kinh tế
Trong cuộc điều tra này, trẻ em tham gia họat động kinh tế bao gồm trẻ em tham gia vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, không phân biệt sản xuất để tiêu dùng hay để bán, được trả lương hay không trả lương, thỉnh thoảng hay thường xuyên làm việc, công việc hợp pháp hay không hợp pháp có thời gian làm việc ít nhất một giờ đồng hồ vào bất kỳ ngày nào trong tuần tham chiếu.
Ước tính từ cuộc điều tra, trong tổng số 18,3 triệu trẻ em 5 - 17 tuổi có khoảng 2,83 triệu trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, chiếm gần 15,5% dân số nhóm tuổi này. Tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của nhóm tuổi này ở khu vực thành thị là 7,56%; và khu vực nông thôn là 18,62%. Tỷ lệ của khu vực nông thôn cao gấp 2,5 lần khu vực thành thị.
Theo Báo cáo, do đặc thù của nền kinh tế phát triển ở giai đoạn thấp, tuổi bắt đầu tham gia HĐKT của trẻ em khá sớm, phổ biến từ 12 tuổi trở lên. Việc tham gia hoạt động kinh tế có ảnh hưởng đến tình hình học tập của trẻ, với khoảng 41,6% trẻ em tham gia HĐKT không đi học (trên 2% chưa từng đi học). Số liệu điều tra cho thấy thời gian làm việc của trẻ em khá dài, với khoảng 27,4% trẻ em làm việc trên 42 giờ/tuần. Trên 70% trẻ em hoạt động kinh tế trong trong nông nghiệp, 74% trẻ em làm việc dưới hình thức là lao động hộ gia đình không hưởng lương. Trẻ em tham gia vào khoảng 120 công việc cụ thể, tuy nhiên có 15 công việc thu hút trên 82% tổng số trẻ em hoạt động kinh tế, trong đó chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Địa điểm làm việc của trẻ em chủ yếu là tại nhà, trên cánh đồng, các địa điểm khác (doanh nghiệp, đường phố, nhà hàng khách sạn, công trường xây dựng, văn phòng, mỏ đá…) chiếm tỷ lệ thấp.
Mức thu nhập của hộ gia đình có trẻ em tham gia hoạt động kinh tế khá cao, với khoảng 38% hộ có mức thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, khoảng gần 1/3 trẻ em cho biết phải làm việc và khoảng 1/4 lựa chọn làm việc và học nghề, ngoài ra thu nhập cao cũng là một động lực, khi các em có mức tiền lương khá cao.
Lao động trẻ em
Theo số liệu của cuộc điều tra, có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm LĐTE, chiếm 9,6% dân số trẻ em và khoảng 62% tổng số trẻ em hoạt động kinh tế, trong đó 40,2% là trẻ em gái. Gần 85% số LĐTE sinh sống ở khu vực nông thôn và 60% trong nhóm từ 15 - 17 tuổi. Tuổi bắt đầu làm việc của trẻ em khá sớm, phổ biến ở độ tuổi từ 12 tuổi trở lên, trong số đó gần 55% không đi học (trên 5% chưa từng đi học). Cũng tương tự như trẻ em hoạt động kinh tế, tỷ lệ còn đang đi học của lao động trẻ em gái cao hơn của nam.
Khoảng 67% LĐTE làm việc trong nông nghiệp, 15,7% trẻ em trong khu vực công nghiệp - xây dựng và 16,7% trẻ em làm việc trong khu vực dịch vụ. ở nông thôn, LĐTE chiếm tỷ lệ rất cao trong nông nghiệp với khoảng 74%, trong khi ở thành thị có sự tham gia khá đồng đều của LĐTE ở cả 3 nhóm ngành kinh tế với 32,5% trẻ em làm việc trong công nghiệp - xây dựng, 38,3% làm việc trong nhóm ngành dịch vụ và 28,5% còn lại làm việc trong nông nghiệp. Báo cáo cho biết có sự khác biệt về khu vực kinh tế tham gia của LĐTE theo tuổi. Khi dưới 15 tuổi, LĐTE chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp với tỷ lệ 75%; bước sang tuổi 15 - 17, một bộ phận trẻ em chuyển dịch sang làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng làm cho tỷ lệ làm việc trong nông nghiệp của nhóm tuổi này chỉ còn 60%.
Theo điều tra, 38,2% hộ gia đình có LĐTE có mức thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng (62,1% thuộc nhóm 15 - 17 tuổi). Nếu so sánh với thu nhập của hộ có trẻ em tham gia HĐKT, thì nhóm hộ có LĐTE có thu nhập cao hơn; tuy nhiên sự chênh lệch là không đáng kể. Vì vậy, Báo cáo cho rằng hoàn toàn có thể vận động và thiết kế các chương trình hỗ trợ để trẻ em có thể tham gia hoạt động kinh tế nhưng không biến thành LĐTE.
Lao động trẻ em làm 97 công việc cụ thể, trong đó có 17 công việc (gồm 11 thuộc khu vực nông nghiệp; 3 thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng và 3 thuộc khu vực dịch vụ) tập trung trên 80% trẻ em tham gia làm việc. Địa điểm làm việc phổ biến là cánh đồng/nông trại/hoặc vườn cây; (2) tại nhà và (3) địa điểm làm việc không cố định. Một bộ phận lớn lao động trẻ em tham gia vào làm công việc nói trên chịu ảnh hưởng tiêu cực của công việc đến sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ em
Trong tổng số 1,75 triệu lao động trẻ em, có gần 569 ngàn em, chiếm 32,4% có thời gian làm việc bình quân trên 42 giờ/tuần. Thời gian lao động kéo dài đã ảnh hưởng đến việc tham gia học tập của trẻ em, có 96,2% số trẻ em này hiện tại không đi học.
Trong tổng số 1,75 triệu lao động trẻ em, có khoảng 1,315 triệu em, chiếm gần 75% tổng số lao động trẻ em, chiếm gần 46,5% tổng số trẻ em hoạt động kinh tế và chiếm gần 7,2% trẻ em từ 5 - 17 tuổi có NGUY CƠ làm trong các nghề thuộc nhóm nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động có hại theo quy định của Thông tư số 09/TT-LB ngày 13/4/1995. Báo cáo lấy làm tiếc là thông tin thu thập được không đủ để xác định trẻ em có tham gia những công đoạn này không hoặc môi trường, điều kiện làm việc có trùng hợp với môi trường, điều kiện quy định tại Thông tư số 09/TT-LB ngày 13/4/1995 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế. Vì vậy, chỉ có thể coi những lao động trẻ em này có NGUY CƠ tham gia làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và cần tiếp tục có các nghiên cứu, bổ sung thông tin về nhóm lao động trẻ em này.
Kết luận và kiến nghị
Báo cáo cho rằng với quy mô 2,83 triệu trẻ em hoạt động kinh tế (chiếm 9,6% dân số trẻ em), trong đó có 1,75 triệu LĐTE, với khoảng gần 1/3 trong số này làm việc trên 42 giờ một tuần thì LĐTE ở Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm giải quyết tốt hơn. Ngoài ra, gần 85% LĐTE sinh sống trong khu vực nông thôn cho thấy các biện phòng ngừa lao động trẻ em cần hướng vào khu vực nông thôn và việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông thôn, nông nghiệp có vai trò rất lớn trong việc giảm qui mô và mức độ trầm trọng của lao động trẻ em.
Mặc dù trẻ em tham gia hoạt động kinh tế tập trung chủ yếu vào nhóm 15 - 17 tuổi, tuy nhiên vẫn có tới hơn 15% LĐTE ở nhóm 5 - 11 tuổi, đây là nhóm trẻ em nhỏ tuổi cần phải loại bỏ mọi hình thức hoạt động kinh tế được coi là cưỡng bức hoặc không kiểm soát được. Trên 2/3 LĐTE là lao động hộ gia đình không được hưởng tiền công, tiền lương, đóng góp vào thu nhập chung của hộ và việc tham gia lao động có ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng đi học của trẻ em. Do vậy các biện pháp phòng ngừa, can thiệp về LĐTE được cho rằng cần hướng vào đối tượng chính là các hộ gia đình và cha mẹ trẻ em.
Trên cơ sở những phát hiện chính trên, nhằm giải quyết các vấn đề về LĐTE, Báo cáo đưa ra một số kiến nghị trong đó nhấn mạnh lồng ghép giải quyết vấn đề LĐTE với các chính sách phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời xây dựng các gói hỗ trợ về giáo dục có điều kiện để hộ gia đình cho con em đến trường mà vẫn có nguồn thu nhập thay thế LĐTE.
Võ Kim Hương giới thiệu
Các tin cũ hơn.................................................
- Hội thảo Tổng quan chính sách và mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam (30/06/2015)
- Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu Thực trạng bao phủ về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam (30/06/2015)
- Ảnh hưởng của bạo lực về thể chất và tình dục đối với phụ nữ trên thế giới (09/07/2015)
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng công tác năm 2014 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (30/06/2015)
- Tình bạn và các khuôn mẫu phân tầng xã hội: 1988-2008 (16/06/2015)
- Hội thảo “Phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái” (09/07/2015)
- Hội thảo khoa học quốc tế: Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh (09/07/2015)
- Hội thảo tham vấn xây dựng Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020 (09/07/2015)
- Hội thảo quốc tế về khía cạnh giới trong vấn đề xuất khẩu lao động tại thành phố Hồ Chí Minh (09/07/2015)
- Phân tích về bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam (16/06/2015)