Liên kết web
Số lượt truy cập

19

2861006

Tin hoạt động

Hội thảo Tổng quan chính sách và mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam

30/06/2015
Ngày 28 tháng 3 năm 2014, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tổng quan chính sách và mô hình chăm sóc y tế cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam ” do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp tổ chức.

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương như: Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các tổ chức quốc tế: Plan International, UNWomen…; đại diện các viện nghiên cứu và trường đại học: Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Dân tộc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); và một số tổ chức khác cùng đại diện các cơ quan truyền thông.

Mục đích của Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến các chính sách và các mô hình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống tại Việt Nam, đồng thời đánh giá hiệu quả của các chính sách, các mô hình và đưa ra các đề xuất để chính sách tổng thể có thể kết nối với các chương trình, dịch vụ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân tộc thiểu số ở nước ta.

Bác sĩ Trần Hùng Minh - Đại diện của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam - phát biểu khai mạc và giới thiệu các nội dung chính của Hội thảo.

Tiếp đến là bài trình bày về mô hình “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em người dân tộc thiểu số thông qua thúc đẩy các hành vi có lợi” của bà Nguyễn Mai Trang - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD). Đây là dự án được tiến hành từ năm 2011 đến năm 2015 ở ba tỉnh: Đăk Lăk, Điện Biên và Yên Bái. Giai đoạn đầu (tính đến 2013), dự án tập trung vào việc can thiệp truyền thông thay đổi hành vi và bổ sung khoảng trống của các dự án về cung cấp dịch vụ: xây dựng năng lực lãnh đạo; truyền thông qua nhiều kênh phù hợp với đối tượng đích; can thiệp dựa vào cộng đồng. Đánh giá một số chỉ số đến giữa kỳ cho thấy thành công cơ bản của dự án là đã cải thiện đáng kể tỷ suất tử vong mẹ (từ 579 xuống còn 60/100.000 trẻ đẻ sống).

Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền - Quĩ Dân số Liên hiệp quốc - trình bày về mô hình “Đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản 18 tháng”. Đây là một giải pháp nhân lực hiệu quả cho cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp phụ nữ làm mẹ an toàn trong bối cảnh thiếu nhân lực, đặc biệt là cán bộ y tế chăm sóc thai sản và sơ sinh ở các trạm y tế xã ở miền núi cao. Mô hình này được đánh giá là đã góp phần cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng chính sách chính thức của Bộ Y tế cho đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản.

Mô hình “Nhà chờ đẻ ở Cao Bằng” được bà Hoàng Thị Bằng – Tổ chức Y tế Thế giới và bà Trần Thu Hà - Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) giới thiệu tại Hội thảo. Nhà chờ đẻ cho sản phụ giúp cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là đối với vùng có khó khăn về tiếp cận dịch vụ y tế. Tuy nhiên trong quá trình vận hành đã có nhiều trở ngại với mô hình này do thiếu sự giám sát từ Bộ, ngành y tế, thiếu cơ sở vật chất… Các đại biểu tham dự cũng đã chỉ ra những trở ngại khác có thể gặp phải như vấn đề trách nhiệm trong tai biến sản khoa, kinh phí, giám sát và kiểm tra trong quá trình vận hành mô hình này.

Ông Trần Văn Thống, đại diện Tổ chức Plan International, trình bày mô hình “Cải thiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho người dân tộc thiểu số ở 7 tỉnh”. Mô hình này tập trung vào việc giáo dục nhóm cha mẹ/sinh hoạt câu lạc bộ sức khỏe thôn thông qua việc thành lập và duy trì sinh hoạt hàng tháng của CLB này và tiến hành các hoạt động truyền thông cho bà mẹ/phụ nữ có thai về chăm sóc thai sản và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Bên cạnh đó còn tiến hành lồng ghép với các chiến dịch truyền thông được triển khai từ cấp thôn. Đánh giá giai đoạn thực hiện từ 2011 – 2013, tại một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Bắc Kạn đã cho thấy kết quả khá khả quan.

Với bài phát biểu “Tổng quan về chính sách và mô hình chăm sóc sức khoẻ cho người dân tộc thiểu số”, bác sĩ Trần Tuấn đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đã khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối giữa Nhà nước với các tổ chức xã hội dân sự trong việc cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp và nhìn nhận rõ ràng hơn về những thuận lợi, khó khăn cùng những thách thức trong giai đoạn tiếp theo để có những chương trình can thiệp, những đề xuất chính sách cụ thể, hướng đến mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta tiếp cận hiệu quả hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Đặng Thanh Nhàn