Liên kết web
Số lượt truy cập

32

2861086

Tin hoạt động

Hội thảo khoa học quốc tế: Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh

09/07/2015
Trong hai ngày 7 và 8 tháng 11 năm 2013, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gia đình Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập từ cách tiếp cận so sánh” trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tham dự, chủ trì Hội thảo và có bài phát biểu quan trọng.

Đến dự Hội thảo còn có đại biểu từ các ban chức năng và các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đại biểu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Hà Nội và các địa phương khác. Về phía khách quốc tế có các đại biểu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ trong sự phát triển và hạnh phúc của cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự ổn định và phát triển lành mạnh của gia đình là nhân tố đóng góp vào sự ổn định và phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Trong những năm qua, các hoạt động nghiên cứu về gia đình ở Việt Nam đã được đẩy mạnh. Kết quả của các nghiên cứu này đã góp phần phát hiện và lý giải những vấn đề mới xuất hiện của gia đình, chỉ ra những đặc điểm và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới. Đó là cơ sở để hình thành nên những luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật, các nghị định, các chính sách xã hội nhằm phát huy vai trò to lớn của gia đình trong việc bảo đảm hạnh phúc và phát triển cho các thành viên gia đình cũng như cho sự ổn định và phát triển xã hội. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản luật pháp, chính sách và triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, hoạt động triển khai và thực thi chính sách gia đình vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và gặp không ít khó khăn. Vì vậy GS.TS Nguyễn Xuân Thắng hy vọng các báo cáo trình bày tại Hội thảo sẽ góp phần nhận diện rõ hơn những xu hướng phát triển mới của gia đình Việt Nam và có đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện chính sách về gia đình.

Khoảng 50 báo cáo đã được gửi đến Hội thảo, trong đó có 8 báo cáo của các học giả quốc tế, nêu ra những vấn đề đáng quan tâm về các khía cạnh khác nhau trong đời sống gia đình Việt Nam và so sánh với những xu hướng phát triển của gia đình ở các nước trên thế giới. Chủ trì phiên họp chung là GS.TS. Trịnh Duy Luân, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Emiko Ochiai, Đại học Kyoto, Nhật Bản. PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã trình bày về vấn đề gia đình Việt Nam và một số vấn đề đang đặt ra hiện nay; GS.TS. Pfefferkorn Roland, Đại học Strasbourg, Pháp: Biến đổi gia đình ở các xã hội phương Tây: hướng đến bình đẳng giới; GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh: Phân hóa chức năng giáo dục gia đình trong quá trình biến đổi cấu trúc xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo tiếp tục đi sâu vào 4 chủ đề lớn: Cấu trúc và chức năng gia đình (PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì phiên họp); Giá trị gia đình (PGS.TS. Loes Schenk Sandbergen, Đại học Amsterdam, Hà Lan và PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì phiên họp); Tính đa dạng của gia đình (PGS.TS. Ki Soo Eun, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc và TS. Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội chủ trì phiên họp); Chính sách và hành động đối với sự phát triển gia đình (PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và GS. Pfefferkorn Roland, Đại học Strasbourg, Pháp chủ trì phiên họp).

Những tham luận và phát biểu trong Hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề nghiên cứu gia đình Việt Nam hiện nay cần quan tâm như: Liệu có phải những gì đang diễn ra đối với gia đình ở các nước phát triển sẽ là hình ảnh tương lai của gia đình Việt Nam nhìn từ góc độ lý thuyết hiện đại về gia đình? Biến đổi gia đình Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại có những đặc thù gì so với các nước? Liệu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có làm mất đi những giá trị mang bản sắc của gia đình Việt Nam? Đâu là những giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, trong phát biểu bế mạc đã khẳng định thành công của Hội thảo đối với việc đánh giá đầy đủ hơn những thành tựu và thách thức trong việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam từ khi Đổi mới đến nay, góp phần nhận diện rõ hơn những xu hướng phát triển mới của gia đình Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu đầu vào quan trọng cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ trì được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án nghiên cứu luận cứ cho việc xây dựng gia đình Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đào Hồng Lê