Liên kết web
Số lượt truy cập

17

2024514

Tin hoạt động

Hội thảo “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Thực trạng, thách thức và giải pháp”

09/07/2015
Với mục đích cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các cơ quan truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em Việt Nam, ngày 27 tháng 10 năm 2011, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Thực trạng, thách thức và giải pháp”.

Tới dự Hội thảo có ông Chu Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bà Nguyễn Thị Thanh An, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Doãn, ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng; và đại diện của các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Chu Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ khẳng định: Thời gian qua, Đảng đã quan tâm chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Công tác này đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2010 về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho trẻ em đã đạt và vượt. Tuy nhiên, trên thực tế, một số chỉ tiêu của Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc hoặc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 có khả năng không đạt. Đặc biệt, gần đây, tình trạng tai nạn thương tích trẻ em có xu hướng tăng lên và đã cướp đi mạng sống của trẻ em cũng như để lại những hậu quả nặng nề đến cuộc sống và sự phát triển của các em.

Tiếp theo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Tai nạn thương tích trẻ em đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Trong 5 năm qua, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tại Việt Nam, bình quân mỗi ngày có khoảng 19 - 20 trẻ tử vong. Các nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em Việt Nam tử vong là do tai nạn thương tích gồm tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, do bỏng và ngã. Hầu hết trẻ em bị tai nạn thương tích do sự bất cẩn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Ngoài ra còn do môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chưa có biện pháp can thiệp.

Trình bày tại Hội thảo, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã khái quát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam và hoạt động truyền thông trong công tác này. Ông cũng nêu rõ những cơ hội và thách thức đối với việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, từ đó đề xuất 6 hoạt động cần thực hiện để bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đó là, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, chương trình hiện có; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trình ban hành các Luật, chính sách, chương trình mới; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học. Liên quan đến công tác truyền thông, ông Nguyễn Hải Hữu cho rằng mục tiêu cơ bản của truyền thông là thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách và đầu tư kinh phí và nguồn lực con người cho bảo vệ chăm sóc trẻ em; tạo phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tăng cường năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thay đổi nhận thức - hành vi - hành động của các thành viên trong xã hội trong cách tiếp cận bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Báo cáo của ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã nêu bật thực trạng tai nạn thương tích trẻ em Việt Nam. Trong giai đoạn 2001-2010, số lượng trẻ em Việt Nam bị tai nạn thương tích có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước trên thế giới (cao gấp đôi Bănglađét và Philippin, và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao). Nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ em đầu tiên là ngã, sau đó là tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, ngộ độc, bỏng và gia súc cắn. Nguyên nhân khiến trẻ em tử vong nhiều nhất là tai nạn đuối nước (50%) và tai nạn giao thông (24%). Trong các giải pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em, ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh đến việc xây dựng các mô hình ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn với trẻ em. Đối với hoạt động truyền thông phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015, cần tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục và phát triển các kỹ năng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các đối tượng chăm sóc trẻ em và cho bản thân trẻ em.

Trên cơ sở một đánh giá độc lập về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh An, đại diện tổ chức UNICEF đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm giảm tai nạn thương tích trẻ em như đầu tư cho hoạt động can thiệp trực tiếp; nâng cao hệ thống số liệu về tai nạn thương tích trẻ em; tiến hành khảo sát tìm hiểu nguyên nhân tai nạn thương tích trẻ em; và tăng cường sự tham gia, cam kết và hợp tác của các cơ quan liên quan.

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, để hạn chế tai nạn thương tích trẻ em, cần phát huy vai trò của báo chí trong công tác thông tin, giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp dân cư. Xây dựng chương trình phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng địa phương, xây dựng các mô hình ngôi nhà an toàn, trường học và cộng đồng an toàn với trẻ em.

P.T.H.