Liên kết web
Số lượt truy cập

16

2861127

Tin hoạt động

Hội thảo quốc tế về khía cạnh giới trong vấn đề xuất khẩu lao động tại thành phố Hồ Chí Minh

09/07/2015
Trong hai ngày 28 và 29 tháng 8 năm 2013, Hội thảo quốc tế “Giới và di dân – Đánh giá chính sách xuất khẩu lao động– chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế dựa trên cách tiếp cận quyền và các chiều cạnh giới” đã được đồng tổ chức bởi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ Rosa Luxemburg Stifftung, Đức. Hội thảo quy tụ hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên, các nhà hoạt động và quản lý xã hội đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam và nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines, ấn Độ, Indonesia, Singapore, úc và Đức. Đây là dự án tiếp nối hội thảo “Giới và di dân – Tầm nhìn Châu á” (tổ chức năm 2012) được tài trợ bởi tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) Châu á với Viện Nghiên cứu Xã hội (IFG) của RLS Berlin.

Mục tiêu của hội thảo là tạo ra diễn đàn để các bên tham dự quốc tế và Việt Nam giao lưu và thảo luận các vấn đề xuất khẩu lao động, chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn có giá trị cũng như mở rộng các mẫu nghiên cứu gần đây trên quan điểm và cách tiếp cận dựa trên quyền và khía cạnh giới trong các phân tích thực tiễn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về lý luận ở phía Nam bán cầu và mở rộng việc đón nhận các lý thuyết và lý luận học thuật ở phía Bắc bán cầu.

Hội thảo đã diễn ra qua 5 phiên với 14 bài tham luận được trình bày và nhiều ý kiến thảo luận, phản biện một cách sôi nổi và sâu sắc về các vấn đề quan tâm tại hội thảo. Các nội dung chính của hội thảo bao gồm: Thực tiễn và chính sách về lao động di cư ở các quốc gia xuất khẩu lao động Châu á; Các chính sách và hành động ở các nước nhận lao động nhập cư; Các vấn đề và xu hướng của lao động di cư ở Việt Nam; và cuối cùng là Các công ước quốc tế, các chính sách quản lý di cư và bàn luận về xuất khẩu lao động ở Việt Nam.

Các diễn giả và đại biểu đã thống nhất rằng, song song với quá trình toàn cầu hóa, di dân quốc tế là hiện tượng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu điều tiết việc làm và nhân lực ở cấp độ xuyên quốc gia. Các chính sách và chương trình hành động rất cần thiết được xây dựng nhất quán nhằm dung hòa và bảo vệ quyền lợi người lao động di cư cũng như lợi ích quốc gia, cả ở nước đi và nước đến. Người lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ, là đối tượng dễ bị tổn thương, bị bóc lột và lạm dụng do thiếu thông tin bản địa, yếu tay nghề, ngoại ngữ kém và ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội có khả năng bảo vệ quyền lợi cho họ.

Riêng đối với trường hợp Việt Nam, hiện tượng di dân quốc tế phát triển mạnh từ sau  công cuộc cải cách được tiến hành vào năm 1986 với những thay đổi sâu sắc trong cấu trúc kinh tế - chính trị. Chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các vùng miền do hệ quả của các chính sách phát triển không đồng bộ đã dẫn đến làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị và thậm chí tìm kiếm cơ hội việc làm ở ngoài lãnh thổ biên giới quốc gia. Hiện nay có hơn 500.000 lao động Việt Nam sống và làm việc ở 40 quốc gia trên thế giới trong 30 ngành nghề khác nhau từ các ngành lao động phổ thông đến các ngành đòi hỏi nghiệp vụ cao với tỷ lệ nữ giới chiếm 30%. Hiện tượng di dân này một mặt  đem lại nhiều lợi ích không thể phủ nhận qua lượng kiều hối gửi về ngày càng tăng, sự thay đổi mang tính tích cực bộ mặt kinh tế ở một số địa phương, nhưng mặt khác nó cũng thể hiện rõ nhiều vấn đề phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền con người và cần có sự can thiệp trong cơ chế quản lý không chỉ ở cấp độ quốc gia mà còn ở cấp độ quốc tế, qua các hiệp ước hay thỏa thuận song phương và đa phương.

Phiên tổng kết hội thảo đã đi đến thống nhất rằng di dân quốc tế vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng phổ biến trong thời gian tới, với nhiều mô thức và hình thái khác nhau. Nghiên cứu về di dân quốc tế qua lăng kính giới cần tiếp tục chuyên sâu hơn nữa để có thể mang lại cái nhìn rõ hơn, nhận diện những vấn đề và chiều cạnh mới, qua đó góp phần tham vấn hiệu quả cho quá trình hoạch định chính sách.

Nguyễn Thị Hồng Xoan