Liên kết web
Số lượt truy cập

96

2042679

Tin hoạt động

Phân tích về bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam

16/06/2015

Lời Tòa soạn: Bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại (CSEC) là vấn đề được quan tâm trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Để có cơ sở cho việc hoạch định chính sách đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nạn nhân của bóc lột tình dục vì mục đích thương mại trong điều kiện hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB & XH) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã tiến hành nghiên cứu về thực trạng CSEC tại 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam vào tháng 12-2010. Mặc dù phạm vi nghiên cứu thực địa còn hạn chế, các phát hiện của nghiên cứu đã cho thấy thực trạng đáng báo động về mại dâm trẻ em, buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục, du lịch tình dục trẻ em, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em đang diễn ra ở Việt Nam, bao gồm cả trẻ em trai và trẻ em gái, ở cả thành phố lớn lẫn nông thôn. Nghiên cứu đã đề xuất các khuyến nghị với 5 chủ đề chính về khung chính sách, sự phối hợp, hệ thống luật pháp, an sinh xã hội và phòng ngừa, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi xã hội nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nạn bóc lột tình dục vì mục đích thương mại. Tòa soạn xin giới thiệu tới bạn đọc nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu này.

Từ khóa: Trẻ em; Mại dâm; Tình dục; Buôn bán; Du lịch; Bóc lột tình dục; Mại dâm trẻ em; Du lịch tình dục; Buôn bán trẻ em; Mục đích thương mại.

 

Nghiên cứu Phân tích về bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam do UNICEF Việt nam và Cục phòng chống tệ nạn xã hội (DESP), Bộ LĐ-TB & XH khởi xướng để điều tra tình hình CSEC ở Việt Nam nhằm cung cấp thông tin cập nhật về CSEC cho Chính phủ, tiến tới xây dựng các chương trình và hành động chống bóc lột tình dục trẻ em và hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của nạn bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại.

Báo cáo nghiên cứu này được xuất bản tháng 8-2011, dài 162 trang, bao gồm Báo cáo chính và các Danh mục bảng, các khái niệm, tài liệu tham khảo. Nội dung chính của Báo cáo có 5 phần: Phần 1- Giới thiệu chung, giới thiệu các mục tiêu và phương pháp nghiên cứu, đánh giá tình hình quốc gia và tình hình trẻ em năm 2010; Phần 2 - Các phát hiện chính của nghiên cứu, gồm có các nội dung: mại dâm trẻ em, buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục, du lịch tình dục trẻ em và khiêu dâm trẻ em; Phần 3 - Các vấn đề đan xen - phân tích điều kiện và các tác động của CSEC; Phần 4 - Phân tích nguyên nhân; Phần 5 - Các khuyến nghị.

Dưới đây xin giới thiệu các nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu này.

Các Mục tiêu chính của Nghiên cứu này được DSEP (Bộ LĐ-TB&XH) và UNICEF đề ra nhằm:

- Thu nhập thông tin về quy mô, bản chất của CSEC ở Việt Nam.

- Điều tra phân tích về kinh nghiệm của nạn nhân là trẻ em.

- Tạo cơ hội phù hợp cho trẻ em và những người cung cấp thông tin chính được tham gia vào nghiên cứu.

- Xem xét toàn cảnh và cách thức của những người phạm tội CSEC.

- Thăm dò xu hướng mới nổi, khả năng trong tương lai.

- Phân tích nguyên nhân và kiểm tra các yếu tố nguy cơ góp phần vào CSEC.

- Rà soát pháp luật và khung chính sách về CSEC.

- Đánh giá những thiếu hụt trong cung cấp dịch vụ thông qua quá trình bảo vệ trẻ em liên tục.

- Khuyến nghị hành động giải quyết nạn CSEC và cải thiện bảo vệ trẻ em.

Nghiên cứu này đưa ra và trả lời những câu hỏi chính về thương mại tình dục trẻ em như sau: Ai là nạn nhân? Nạn nhân sống ở đâu? Nạn nhân chịu những hình thức bóc lột gì? Điều gì khiến họ dễ bị tổn thương? Kẻ bóc lột tình dục là ai? Ai đang xử lý? Có những can thiệp gì? Chúng ta học được gì? Chúng ta cần những can thiệp gì? Chúng ta có thể bảo vệ trẻ em tốt hơn và chống lại CSEC như thế nào?

Trong phần Giới thiệu, Báo cáo chú trọng đến phương pháp luận tổng thể mà Nghiên cứu này áp dụng - cách tiếp cận dựa trên quyền con người, sử dụng Công ước Quyền Trẻ em (CRC) với các quyền chính đáng được bảo vệ khỏi nạn bóc lột tình dục theo Điều 19, 34 và 35. Nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu đa chiều để có các số liệu định tính, định lượng, gồm: nghiên cứu toàn diện tài liệu, gặp gỡ các đối tác liên quan, đánh giá thực địa, thảo luận nhóm tập trung, phỏng vấn sâu, khảo sát định tính và quan sát tại chỗ.

Đánh giá thực địa được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lào Cai, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Thông tin định tính được thu thập qua phỏng vấn và thảo luận nhóm 566 người, và quan trọng hơn là có sự tham gia của 104 trẻ em, trong đó có 51 em là nạn nhân CSEC. Thông tin định lượng thu được từ số liệu thống kê về CSEC của 22/63 tỉnh thành phố có số liệu về CSEC trong 5 năm từ 2006 đến 2010. Tuy nhiên, Báo cáo cho rằng độ tin cậy của các số liệu này có thể không cao.

Các phát hiện chính của nghiên cứu

Trước hết, Báo cáo lưu ý rằng các phát hiện của nghiên cứu có tham khảo số liệu định lượng từ các nguồn chính thức, tuy nhiên do thiếu hệ thống thu thập số liệu về CSEC nên đó không phải là con số cuối cùng. Thêm nữa, do hạn chế về thời gian và kinh phí nên điều tra chỉ thực hiện ở 5 tỉnh thành phố, nhưng điều này không có nghĩa là CSEC chỉ có ở 5 tỉnh này, và các phát hiện này cũng không đại diện cho tình hình quốc gia.

Các phát hiện chính về bốn hình thức chủ yếu của CSEC ở Việt Nam như sau:

Mại dâm trẻ em

Mại dâm trẻ em là hình thức CSEC phổ biến nhất so với buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục, du lịch tình dục và khiêu dâm trẻ em. Nghiên cứu nhận thấy cả trẻ em gái và trẻ em trai đều có nguy cơ bị rơi vào hình thức bóc lột này, tuy việc trẻ em gái tham gia mại dâm có thể thấy rõ hơn. So với 5 năm trước đây trẻ em tham gia mại dâm ở độ tuổi nhỏ hơn. Bộ LĐ-TB&XH ước tính 14% gái mại dâm dưới 18 tuổi (2003-2008). Thực tế nghiên cứu cho thấy độ tuổi thường thấy nhất ở trẻ em mại dâm là 14-15 tuổi. Hầu hết nạn nhân trẻ em hoạt động mại dâm là do bị ép buộc, dụ dỗ hoặc tự quyết định và đều liên quan đến hoàn cảnh gia đình riêng. Khách hàng của mại dâm trẻ em là người Việt Nam và người nước ngoài. Cả phụ nữ và nam giới đều tham gia hoạt động tình dục với trẻ em và làm môi giới mại dâm trẻ em. Pháp luật Việt Nam chống lại nạn mại dâm. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật qui định trẻ em độ tuổi 16-18 sẽ bị xử phạt hành chính vì hoạt động mại dâm.

Buôn bán trẻ em nhằm mục đích tình dục

Theo Báo cáo, mặc dù buôn bán người là lĩnh vực được nghiên cứu nhiều nhất trong 4 vấn đề về CSEC ở Việt Nam nhưng buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục không dễ xác định vì số liệu về nạn buôn bán người không tách bạch độ tuổi, giới tính hay mục đích bị buôn bán của nạn nhân. Dù thiếu số liệu định lượng tin cậy, nhưng cùng với các thông tin định tính hữu ích của nhiều nghiên cứu những năm gần đây, thông tin thực địa tại 5 địa bàn đưa ra các chứng cứ cho thấy nạn buôn bán cả trẻ em trai và trẻ em gái qua biên giới, quốc tế, và trong nước vì mục đích tình dục đang xảy ra ở Việt Nam. Phần lớn trẻ bị bán sang các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Camphuchia và Lào. Một số bị bán sang Malaysia, Singapore, Thái lan… vì mục đích mại dâm. Trong Báo cáo cũng chỉ rõ các thủ đoạn và lộ trình buôn bán trẻ em. Điều đáng quan tâm là trẻ em thường quen biết với kẻ buôn bán và nạn nhân của nạn buôn bán dễ có nguy cơ trở thành kẻ buôn người. Ngoài ra, nạn bắt cóc, dùng thuốc gây mê hay bạo lực trong các vụ buôn bán trẻ em cũng đáng lo ngại. Trong phần này, Báo cáo nghiên cứu cũng đưa ra các nhận xét đánh giá các chương trình, chính sách và dịch vụ quốc gia, quốc tế giải quyết nạn buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục. Nghiên cứu đề xuất rằng Chương trình hành động quốc gia về phòng chống tội phạm mua bán người cần có sự chú ý hơn nữa và nguồn lực hơn nữa để ngăn chặn sự đi lại của trẻ em vì mục đích tình dục trong lãnh thổ Việt Nam.

Du lịch tình dục trẻ em

Tuy du lịch không phải là nguyên nhân của CSEC, nhưng những kẻ phạm tội coi dịch vụ du lịch là hình thức tiếp cận trẻ em nhằm mục đích tình dục. Thực tế, một số người nước ngoài đã bị bắt giữ khi tham gia quan hệ tình dục với trẻ em khi đến Việt Nam. 76% trẻ em được phỏng vấn cho biết các em có tiếp khách mua dâm là người nước ngoài. Khách hàng người nước ngoài đến từ mọi nơi trên thế giới, gồm châu á, châu Âu, châu Mỹ, châu úc và châu Phi. Người nước ngoài phạm tội tình dục với trẻ em Việt Nam gồm những người hoạt động trong mạng lưới có tổ chức và những người tham gia hoạt động tình dục trẻ em khi có cơ hội. Báo cáo cho biết du lịch tình dục thường xảy ra ở các thành phố lớn, nhưng có bằng chứng cho thấy tội phạm này đang nảy sinh ở nhiều khu vực mới, gồm cả vùng núi và vùng xa. Nhiều báo cáo từ Sapa (Lào Cai) và Châu Đốc (An Giang) cho rằng nhiều trẻ em vùng này đang tham gia hoạt động mại dâm. Người nước ngoài phạm tội chủ yếu là nam giới, độ tuổi từ 40-60 và làm nhiều nghề khác nhau.

Khiêu dâm trẻ em

Theo Báo cáo, sản xuất và truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm mang tính thương mại đang xảy ra ở Việt Nam và trẻ em dễ có nguy cơ rơi vào hình thức bóc lột này. Sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số được cho là liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng của CSEC khi những kẻ phạm tội sử dụng internet và điện thoại di động để dụ dỗ trẻ em, truyền bá tranh ảnh tình dục về trẻ em và gửi thư có nội dung xấu cho trẻ để khai thác. Trẻ em dễ bị dụ dỗ, ép buộc tham gia “phô bày cơ thể” và “tán gẫu về tình dục qua mạng” với những người quen biết hoặc không quen biết trên mạng internet. Một số trẻ em được trả tiền khi tham gia. Tranh ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em được bán cho bên thứ 3 và nạn nhân không biết được việc bị bóc lột, khai thác tranh ảnh sau này. Nghiên cứu cho rằng cần tăng cường thực thi các qui định và pháp luật về việc sản xuất, buôn bán văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em và tạo môi trường trực tuyến an toàn cho trẻ em.

Các điều kiện và các vấn đề của CSEC

Trong phần này, Báo cáo đưa ra các chứng cứ cụ thể về các điều kiện của trẻ em là nạn nhân của CSEC như: số lượng khách hàng, thu nhập, bạo lực, sử dụng bao cao su, sử dụng ma túy, mang thai và những tác động của chúng tới tình trạng thể chất và tâm lý của trẻ.

Báo cáo chỉ ra rằng trẻ em là nạn nhân của mại dâm, buôn bán vì mục đích tình dục có nhiều điều kiện quấy rối giống nhau. Đa số nạn nhân trẻ em được nhóm nghiên cứu phỏng vấn cho biết các em phải tiếp hơn 5 khách/ ngày (68% người trả lời), trẻ ít tuổi hơn phải tiếp nhiều khách hơn và có một số em phải tiếp nhiều khách một lúc, (78%) trẻ em là nạn nhân bị nhiều hình thức bạo lực thân thể và tinh thần do khách hàng hoặc chủ nhà chứa gây ra, gần 1/2 số trẻ em gái nạn nhân của CSEC có thai 1 lần hoặc hơn (17/35 em), trong đó 9 em đã phá thai 1 lần hoặc hơn. Việc dùng bao cao su được một số coi trọng, nhưng một số khác thi thoảng không dùng, điều này nhiều khi phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng và chủ chứa. Một số em bị ép sử dụng ma túy. Do vậy, trẻ em là nạn nhân của CSES chịu nhiều tổn thương nặng nề, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe sinh sản, các bệnh lây qua đường tình dục, bao gồm cả HIV. Các chấn thương tâm lý cũng thường gặp ở các trẻ em này và thường để lại hậu quả lâu dài.

Nguyên nhân của nạn CSEC

Để có thể đưa ra khuyến nghị và thúc đẩy các giải pháp giải quyết nạn CSEC, nghiên cứu cho rằng cần phải xem xét chuỗi các nguyên nhân phức tạp. Việc ra các quyết định hợp lý đòi hỏi phải có sự phân tích logic các nguyên nhân của vấn đề. Nghiên cứu xếp loại các nguyên nhân theo thứ tự: nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân nổi bật và nguyên nhân cấu trúc.

Các nguyên nhân cấu trúc là những yếu tố nền tảng của nạn CSEC, góp phần tạo nguyên nhân trực tiếp và nổi bật, gồm các yếu tố kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, gắn với một mạng lưới phức tạp bao gồm các khó khăn về kinh tế, khung pháp lý yếu, thực thi pháp luật kém, hạn chế tiếp cận với các dịch vụ (giáo dục, y tế, việc làm, phúc lợi xã hội), do nhu cầu tăng cao và các yếu tố văn hóa khác. Các nguyên nhân trực tiếp của nạn CSEC liên quan đến các yếu tố gia đình và cá nhân, và được xếp hàng đầu trong chuỗi các nguyên nhân. Trẻ em có nghịch cảnh thường có nguy cơ cao trước nạn CSEC. Trong số 51 trẻ em được phỏng vấn, 93% trẻ có hoàn cảnh được đề cập nhiều nhất đó là: nghèo đói, bạo lực gia đình, lạm dụng chất kích thích, bị cha mẹ kế ngược đãi, bị lạm dụng tình dục… Ngoài ra có một số yếu tố cá nhân trực tiếp dẫn tới CSEC như thiếu nhận thức, cả tin, dễ bị lừa, áp lực từ bạn bè, chơi bời, v.v.

Khuyến nghị

Với tình hình trẻ em là nạn nhân của CSEC được cho là gây chấn động và đáng buồn, Nghiên cứu cho rằng cần phải có những giải pháp dựa vào các điểm mạnh của quá khứ và áp dụng các chính sách hiện tại để có cách tiếp cận mới giải quyết CSEC một cách thống nhất và hiệu quả.

Các khuyến nghị nêu ra trong Báo cáo này không chỉ đã xác định lộ trình hành động có bước đi cụ thể, huy động một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết trong việc bảo vệ đặc biệt đối với trẻ em là nạn nhân, mà còn đề xuất vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong cả nước, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc, cá nhân, cộng đồng và gia đình trong nỗ lực thực hiện công tác phòng ngừa và ứng phó với nạn CSEC.

Các khuyến nghị được đưa ra trong Nghiên cứu này để bổ sung thêm (không trùng lặp) với Chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em, về phòng chống mại dâm và về chống nạn mua bán người để giải quyết nạn CSEC.

Nội dung đầy đủ của 15 khuyến nghị được trình bày tại Phần 5 của Báo cáo.

Về Khung chính sách, Nghiên cứu cho rằng cần xây dựng Chương trình hành động quốc gia nhằm giải quyết CSEC để mở rộng các điều khoản qui định tại Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ trẻ em (2011-2015), Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người (2011-2015), và Chương trình hành động quốc gia phòng, chống mại dâm (2011-2015) bằng cách giải quyết cụ thể các vấn đề của CSEC. Chương trình hành động quốc gia này sẽ nhấn mạnh đến sự khác biệt và nhu cầu khác nhau của trẻ em là nạn nhân của CSEC so với người lớn tham gia mại dâm và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Về Khuôn khổ phối hợp, Nghiên cứu đưa ra 6 khuyến nghị: Xây dựng lực lượng chuyên trách về CSEC; Thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về CSEC; Nghiên cứu về các lĩnh vực CSEC; Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; Gắn kết khu vực tư nhân vào các sáng kiến có liên quan; Giải quyết nguy cơ của CSEC do công nghệ số.

Về Hệ thống pháp luật, có 3 khuyến nghị được đưa ra: Tăng cường khung pháp luật về CSEC; Xây dựng năng lực cho cán bộ tư pháp và hành pháp; Xây dựng hệ thống thu thập báo cáo chính thức về CSEC.

Về Hệ thống phúc lợi xã hội, Nghiên cứu khuyến nghị: Xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội nhằm ứng phó với CSEC; Tăng cường năng lực bảo vệ cho các gia đình; Cung cấp tiếp cận với giáo dục, việc làm và giải trí.

Về Hệ thống thay đổi hành vi, khuyến nghị nâng cao ý thức cộng đồng về CSEC và nâng cao ý thức của chính quyền các cấp về CSEC.

Cuối cùng, Báo cáo nhấn mạnh rằng bây giờ là lúc triển khai hành động thực tế để chống lại tội phạm bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại và cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho trẻ em đã bị bóc lột.

Võ Kim Hương giới thiệu