Liên kết web
Số lượt truy cập

26

2022129

Tin hoạt động

Biến đổi gia đình ở Hungary - Rajkai Zsombor Tibor - Đại học Kyoto, Nhật Bản

09/07/2015
Dựa trên các nghiên cứu gần đây về biến đổi gia đình, bài viết phân tích và tìm kiếm lời giải cho những thắc mắc xung quanh sự khác biệt trong quan niệm về hôn nhân - gia đình, sự quay trở lại của các vai trò giới truyền thống và sự trái ngược rõ ràng giữa các giá trị truyền thống với các hành vi nhân khẩu học thực tế. Các vấn đề mà tác giả nêu lên trong bài viết có thể là những gợi ý cho các nghiên cứu về biến đổi gia đình ở Việt Nam xét về mặt giá trị và bối cảnh xã hội. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Gia đình ở Hungary: từ truyền thống đến hiện đại

John Hajnal (1965), nhà nhân khẩu học người Hungary gốc Anh, phân biệt hai loại hình cơ bản của xã hội châu Âu truyền thống – một Tây Âu và một Đông Âu – xét về hình thái, cấu trúc và chức năng gia đình. Theo ông, loại thứ nhất được cấu thành bởi các gia đình cơ bản, nơi chỉ có một người con (thường là con trai đầu lòng) được ở với cha mẹ, thừa hưởng toàn bộ gia sản và mọi người thường kết hôn khá muộn. Loại thứ hai được cấu thành bởi các gia đình mở rộng, nơi mà tài sản gia đình được chia đều cho các người con và người ta thường kết hôn khá sớm. Hajnal cho rằng đường ranh giới giữa Đông và Tây bắt nguồn từ đường biên giới ảo giữa Saint Petersburg ở Nga và Triest ở Italia. Hungary nằm khá sát đường biên giới này, nhưng nó được đặc trưng bởi kiểu hình Đông Âu hơn là kiểu hình Tây Âu.

Từ cuối thập niên 60 của thế kỷ XIX, Hungary đi theo con đường hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Với sự hình thành một tầng lớp trung lưu mới có vẻ ngoài của các gia đình tư sản, Hungary dường như giống với những xã hội Tây Âu khác. Tuy nhiên, về thực chất, sự chuyển đổi không hoàn toàn từ một xã hội truyền thống sang chế độ tư bản chủ nghĩa khiến Hungary trở thành một xã hội có cấu trúc kép (gồm cả tầng lớp nông dân và tư sản) vào những năm 1930. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hungary theo đuổi con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và điều này đã đem lại những tác động mới trong các quan hệ gia đình. Trong những năm 1950, đô thị hóa tăng tốc một cách đáng kể, thúc đẩy sự hình thành các gia đình hạt nhân thay thế cho những gia đình mở rộng. Sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động là nguyên nhân cho việc hình thành những mối quan hệ rất khác so với những gì quan sát được từ các gia đình nông dân và tư sản trước đây. Có thể nói, trong suốt 40 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, gia đình được xem như một đơn vị xã hội cơ bản của Hungary, ngoại trừ những năm đầu thập niên 50 (thế kỷ XX), khi chính phủ Hungary toan thử làm yếu đi các mối quan hệ gia đình và đẩy mạnh các mối quan hệ xã hội ngoài gia đình.

2. Xu hướng hậu hiện đại: quan niệm khác biệt giữa gia đình và hôn nhân tăng lên

Từ sau thay đổi chính trị năm 1989, biến đổi xã hội dễ nhận thấy nhất liên quan đến cái gọi là phi tiêu chuẩn hóa cuộc sống cá nhân và kèm theo đó là sự đa dạng hóa các lối sống. Tại Hungary, xuất hiện ngày càng nhiều các cặp chung sống không kết hôn (có hoặc không có con), các gia đình không muốn có con, các bà mẹ đơn thân không muốn kết hôn với cha của đứa trẻ, các cặp sống chung một vài ngày trong tuần (Living Apart Together – một kiểu sống chung không hoàn toàn, trong đó hai người đều có nhà/căn hộ riêng, chỉ đến sống với nhau vài ngày trong tuần), cũng như các cặp đôi đồng tính, v.v. Khái niệm hôn nhân và gia đình ngày càng tách rời trong nhận thức mỗi người. Dưới đây là những dữ liệu cơ bản cho thấy những biến đổi về nhân khẩu học ở Hungary.

(1) Ngay từ đầu những năm 1980, tỷ lệ chết ở Hungary đã vượt trội so với tỉ lệ sinh, dẫn đến sự sụt giảm về dân số. Từ đỉnh điểm 2,35 năm 1975, tỷ lệ sinh giảm dần và cuối cùng giữ ở mức trên dưới 1,3 vào cuối những năm 1990.(1) Cùng với những thay đổi trên, những thay đổi về cơ cấu tuổi đã đưa Hungary vào nhóm dẫn đầu trong số những nước có dân số già. Nếu năm 1949 tỉ lệ những người trong độ tuổi dưới 20 (33,3%) cao hơn hẳn tỉ lệ những người trong độ tuổi trên 60 (11,7%) thì đến năm 2001 tỷ lệ này chỉ cao hơn chút xíu (23,1% những người trong độ tuổi dưới 20 và 20,4% những người trong độ tuổi trên 60). Theo dự đoán, tỷ lệ những người trên 60 tuổi (33,5%) sẽ vượt qua tỷ số những người dưới 20 tuổi (18,6%) vào năm 2050.(2)

(2) Mặc dù tỷ lệ ly hôn duy trì ở mức 2,5 kể từ giữa những năm 1980, tỷ lệ kết hôn đã giảm dần từ 9,85 năm 1975 xuống còn 3,55 năm 2010.(3) Số người kết hôn muộn tăng lên đáng kể ở cả nam và nữ. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng lên từ 24,8 (1970) lên 32 (2007) ở nam và từ 20,9 (1970) lên 29,7 (2007) ở nữ.(4) Tuổi trung bình của các phụ nữ làm mẹ lần đầu cũng tăng lên từ 25,43 (1970) lên 29,07 (2009).(5)

(3) Từ năm 1970 đến năm 2005, tỷ lệ các cặp kết hôn hoặc sống chung giảm từ 89,8% xuống còn 83,2% trong tổng số các gia đình trong khi tỷ lệ bố mẹ đơn thân tăng từ 10,1% lên 16,7%. Một thay đổi đáng kể nữa là tỷ lệ các cặp kết hôn và các cặp sống chung. Trong khi tỷ lệ các cặp kết hôn giảm từ 87,7% (1970) xuống 71,0% (2005), tỷ lệ các cặp sống chung tăng từ 2,1% (1970) lên 12,2% (2005).(6)

(4) Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất phải kể đến là tỷ lệ trẻ sinh ngoài giá thú. Năm 1970 tỷ lệ này là 5,43%, đến năm 1980 đã là 7,13%, năm 1990: 13,14%, năm 2000: 29,04% và năm 2010: 40,84%.(7)

Những biến đổi xã hội và gia đình nói trên không chỉ là thực tế ở Hungary mà còn ở các nước Tây Âu và một số nước Đông á. Những biến đổi này được gọi dưới cái tên “thời kỳ quá độ nhân khẩu học lần thứ hai”. Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng kể giữa các xã hội châu Âu và Đông á xét về khía cạnh biến đổi gia đình. Đó là khoảng cách ngày càng lớn giữa nhận thức chung về gia đình và hôn nhân (có đăng ký) ở châu Âu. Tỷ lệ trẻ sinh ngoài giá thú tăng nhanh là minh chứng sống động cho khoảng cách này. ở Liên minh châu Âu, tỷ lệ trẻ sinh ngoài giá thú trung bình là 31,6% vào giữa những năm 2000, cao nhất là Estonia với 57,8% và thấp nhất là Cộng hòa Síp với 3,3%.(8) Trong khi đó, ở Nhật Bản, tỷ lệ này chỉ khoảng 2%. Có thể nói, ngay cả ở một nước bảo thủ nhất như Cộng hòa Síp, tỷ lệ trẻ sinh ngoài giá thú vẫn cao hơn chút ít so với ở Nhật Bản. Hôn nhân và gia đình đối với người Nhật Bản vẫn là hai thực thể chưa thể tách rời. Dưới đây là minh họa cho những khác biệt trong quan niệm về hôn nhân và gia đình của các xã hội châu Âu và Đông á:

Các nước châu Âu: Gia đình ạ Hôn nhân (có đăng ký).

Các nước Đông á: Gia đình = Hôn nhân (có đăng ký).

Giống như các nước châu Âu, Hungary đi theo xu hướng “Gia đình ạ Hôn nhân (có đăng ký)”. Đi kèm với xu hướng này là sự xuất hiện của một số lượng lớn những gia đình đa màu sắc, nơi một cặp đôi có thể có con riêng, con chung và chung sống không cần kết hôn.

3. Sự quay trở lại của các vai trò giới truyền thống

Như phần lớn các nước phương Tây, Hungary đang chuyển nhanh thành một xã hội mang nhiều đặc điểm của thời hậu hiện đại. Tuy nhiên, xét về vai trò giới, có thể thấy rõ một xu hướng đối lập: Đó là sự quay trở lại của các giá trị truyền thống trong đó nhấn mạnh vai trò của nam giới như một trụ cột về kinh tế trong gia đình trong khi vai trò của nữ giới là đảm trách các công việc nội trợ và chăm sóc con cái.

Trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa (1949-1989), một trong những mục tiêu mang tính lý tưởng của chính phủ Hungary là đem lại quyền tự do cho phụ nữ trong các mối quan hệ gia đình và việc tham gia (bắt buộc) của phụ nữ vào thị trường lao động được xem như một công cụ hữu hiệu nhất. Trong những năm 1950, tỷ lệ hoạt động nghề nghiệp của phụ nữ tăng lên nhanh chóng và duy trì ở mức cao trong ba thập niên tiếp theo. Cũng trong thời kỳ này, tỷ lệ các phụ nữ ở nhà nội trợ giảm đi nhanh chóng – chỉ còn khoảng 4% vào cuối những năm 1980.

Tuy nhiên, kể từ sau những biến đổi về mặt chính trị năm 1989, thành tựu nói trên của chính phủ xã hội chủ nghĩa đã dần bị thoái trào. Tỷ lệ việc làm của phụ nữ giảm đi đáng kể trong hai thập kỷ 1990 và 2000. Từ sau năm 1991, nhiều công ty nhà nước đã bị giải thể và đây có thể là nguyên nhân cho sự sụt giảm trong tỷ lệ việc làm của phụ nữ Hungary. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác có thể kể đến chính là sự trở lại của các giá trị giới truyền thống.

Tỷ lệ những người thích phụ nữ làm việc hơn phụ nữ ở nhà nội trợ đã giảm đáng kể trong cả hai giới (Pongrácz, 2001). ở nam giới, tỷ lệ này giảm từ 62% (1991) xuống còn 48% (2000), trong khi ở nữ giới, tỷ lệ này giảm từ 55% xuống còn 51%. Bên cạnh đó, tỷ lệ những người cho rằng vị thế của phụ nữ làm nội trợ và phụ nữ tham gia thị trường lao động là như nhau tăng lên. ở nam, tỷ lệ này là 43% (1991) và 65% (2000), trong khi ở nữ là 33% (1991) và 62% (2000). Những biến chuyển trong nhận thức phản ánh đúng thực trạng gia tăng trong tỷ lệ phụ nữ ở nhà nội trợ (từ 4% năm 1990 lên 14% năm 1998)(9).

Hai xu hướng đối lập nói trên – sự đa dạng trong lối sống và khoảng cách ngày càng lớn trong nhận thức về hôn nhân và gia đình cũng như sự quay trở lại của các giá trị truyền thống liên quan đến vai trò giới – đã tạo nên nét đặc trưng của xã hội Hungary thời kỳ chuyển đổi. Sự đối lập này không chỉ liên quan đến vai trò giới mà còn liên quan đến xu hướng quay trở lại của các giá trị gia đình truyền thống và sự xuất hiện của những yếu tố mang tính cá nhân xét về hành vi nhân khẩu học (phi tiêu chuẩn hóa đời sống cá nhân và đa dạng hóa các lối sống cá nhân).

4. Hành vi nhân khẩu học hậu hiện đại và các giá trị truyền thống

Một trong số những điều khó hiểu nhất đối với các nhà nghiên cứu về gia đình ở Hungary là làm thế nào giải thích sự trái ngược rõ ràng giữa các giá trị gia đình truyền thống tìm thấy trong các khảo sát về gia đình và các hành vi nhân khẩu học thực tế.

Trong bài viết của mình, M. Neményi và O. Tóth, hai nghiên cứu viên cao cấp của Viện Xã hội học, Viện Khoa học Hungary (Institute of Sociology of the Hungarian Academy of Sciences), cho rằng trong khi Hungary đang có xu hướng tương tự như ở các nước Tây Âu xét về biến đổi nhân khẩu học trong gia đình (hiện đại hóa), có thể đồng thời thấy sự tồn tại của các quan điểm ủng hộ mạnh mẽ những giá trị truyền thống tập trung vào gia đình và con cái. Thuật ngữ khác biệt trong nghiên cứu của họ là nói đến rằng trong khi Hungary đang trên con đường hiện đại hóa lối sống phương Tây, con đường hiện đại hóa của nó khác hẳn với phương Tây (differential), bởi thay đổi trong hành vi nhân khẩu học không nhất quán với các giá trị gia đình tìm thấy trong các khảo sát về giá trị. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng có sự biến đổi trong quan điểm tập trung vào con cái và gia đình truyền thống do những biến đổi trong hành vi nhân khẩu học, mặc dù với tốc độ khá chậm. Nói cách khác, theo các nhà nghiên cứu Hungary, ở đây tồn tại một sự tụt hậu về văn hóa, khi mà những biến đổi về mặt nhân khẩu học diễn ra trước những biến đổi về mặt giá trị.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, những năm 1990 đánh dấu sự tái xuất hiện của các giá trị truyền thống trong nhận thức về vai trò giới. Trên thực tế, điều này đối lập với những giả thuyết được đưa ra trong học thuyết về sự tụt hậu văn hóa. Do vậy, Cs. Dupcsik(10) và O. Tóth (2008) quyết định tìm kiếm một câu trả lời hợp lý hơn nhằm mô tả sự khác biệt giữa hành vi thực tế thời hậu hiện đại và các quan niệm về giá trị gia đình truyền thống. Câu trả lời mà họ tìm được có vẻ lạ lùng. Họ cho rằng các giá trị quan sát được trong nhiều cuộc khảo sát về gia đình không phải là những giá trị thực sự, mà là do sự thiếu hụt về ngôn ngữ (hay khả năng diễn đạt). Theo các tác giả thì “chỉ có một số rất ít người lớn Hungary có hiểu biết thực sự về các giá trị giới và gia đình truyền thống và thử sống bằng những giá trị truyền thống đó (...). Số còn lại đồng tình với những nhận định truyền thống chỉ bởi chúng là những phương án gần nhất. Điều đó chứng tỏ họ thiếu ngôn ngữ - cũng có thể mong muốn và khả năng – để có thể diễn đạt và miêu tả những biến đổi trong gia đình hiện nay.” (Dupcsik và đồng nghiệp. 2008: 325).

Quan điểm không coi các giá trị tìm thấy trong các cuộc khảo sát về giá trị là những giá trị thực sự mà coi những biến đổi trong hành vi nhân khẩu học như là biểu hiện ngầm của các giá trị thực sự của Dupcsik và Tóth là khá tương đồng với quan điểm của Chang Kyung-Sup, người đề xướng học thuyết tính hiện đại bị kìm nén (2010). Theo Chang, hiện tượng trong xã hội Hàn Quốc - tương tự với hiện tượng tìm thấy ở Hungary - là sự không thống nhất của những biến đổi (mang tính chất) cá nhân chủ nghĩa thời hậu hiện đại trong hành vi nhân khẩu học và sự tồn tại của các giá trị gia đình truyền thống. Tuy nhiên, khác với Dupcsik và Tóth, Chang coi các giá trị gia đình truyền thống là những giá trị thực sự, và những biến đổi nhân khẩu học hậu hiện đại là việc cá nhân hóa nhằm tránh các rủi ro. Chang cho rằng giới trẻ Hàn Quốc hiện nay trì hoãn hôn nhân không phải bởi họ theo đuổi các giá trị thời hậu hiện đại dựa trên chủ nghĩa cá nhân theo kiểu phương Tây mà bởi họ cảm thấy không thể đối mặt với những kỳ vọng của một loạt các hệ tư tưởng gia đình trái ngược nhau cùng tồn tại trong xã hội Hàn Quốc (sự đa dạng của các hệ tư tưởng gia đình(11)).

Thật không dễ xác định liệu quan điểm của Dupcsik và Tóth về ưu thế của các biến đổi nhân khẩu học qua các giá trị đo được hay quan điểm của Chang Kyung-Sup về ưu thế của các giá trị đo được qua các biến đổi nhân khẩu học là cách tiếp cận vấn đề chính xác. Cả hai quan điểm đều chính xác xét trong từng bối cảnh xã hội riêng biệt. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong quan điểm của các tác giả có thể lại là những gợi ý cho các nghiên cứu về biến đổi gia đình ở Việt Nam xét về mặt giá trị và bối cảnh xã hội.

5. Gắn kết gia đình là nền tảng của một xã hội bền vững

Hầu hết các nhà nghiên cứu xã hội ở Hungary đồng tình với quan điểm cho rằng Hungary vẫn tiếp tục là một xã hội có thiết chế gia đình mạnh mẽ trong đó sự gắn kết của gia đình là nền tảng cho sự bền vững của xã hội. Cuộc khảo sát của á. Utasi(12) năm 2002 là một trong những nghiên cứu tiêu biểu đại diện cho chủ đề này.

Trong các năm 1986 và 2001, Utasi đã tiến hành một cuộc khảo sát bằng bảng hỏi tập trung vào ba câu hỏi sau:

(1) Bạn sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của ai khi bạn bị ốm?

(2) Bạn sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của ai khi bạn cần một khoản tiền nhất định?

(3) Bạn sẽ nói chuyện với ai khi bạn cảm thấy buồn hoặc phiền muộn?

Hai câu hỏi đầu liên quan đến cái gọi là khía cạnh phương tiện, trong khi câu hỏi thứ ba liên quan đến cái gọi là khía cạnh cảm xúc của sự gắn kết. Người trả lời được lựa chọn các phương án trả lời bao gồm các thành viên gia đình (vợ/chồng, con trai, con gái, bố, mẹ, anh, chị, và họ hàng), bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, linh mục, bác sỹ, bác sỹ tâm lý, người khác (không có trong danh mục các phương án trả lời) hoặc không ai cả. Kết quả khảo sát cho thấy các thành viên gia đình và họ hàng là những người được tìm kiếm trước nhất trong cả ba trường hợp. Trong trường hợp bị ốm, 90% số người được hỏi trả lời họ sẽ tìm đến một trong các thành viên của gia đình họ - chủ yếu là vợ/chồng, tiếp đến là mẹ, con gái và con trai – trong cả hai năm 1986 và 2001. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tỷ lệ người trả lời sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của vợ hoặc chồng khi bị ốm đã giảm từ 53,4% (1986) xuống còn 44,0% (2001), trong khi tỷ lệ người trả lời sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của con gái hoặc con trai lần lượt tăng từ 10,8% lên 13,3% và từ 4,4% lên 8,7%. Theo Utasi, sự thay đổi này là do số lượng các cặp kết hôn hoặc sống chung giảm đi. Ngoài ra, tỷ lệ những người cảm thấy không thể trông cậy vào ai khi bị ốm đã tăng nhẹ từ 0,8% (1986) lên 1,9% (2001).

Đối với câu hỏi liên quan đến sự trợ giúp về tài chính, khảo sát của Utasi cho thấy tỷ lệ những người trông đợi sự giúp đỡ từ phía các thành viên gia đình tăng từ 43,5% (1986) lên 48,9% (2001), trong khi tỷ lệ những người hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề tài chính bằng cách vay ngân hàng giảm từ 42,3% xuống còn 22,5%. Tỷ lệ những người trông đợi con cái sẽ giúp đỡ về mặt tài chính tăng lên, lần lượt từ 6,6% lên 9,0% đối với con gái và từ 4,1% lên 6,5% đối với con trai, trong khi tỷ lệ những người trông đợi vào mẹ giảm từ 14,3% xuống còn 11,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ những người trông cậy vào bạn đời khi gặp khó khăn về tài chính là thấp một cách đáng ngạc nhiên và không mấy thay đổi qua các năm 1986 và 2001 (từ 3,2% lên 3,9%). Theo Utasi, sự giảm sút đáng kể trong tỷ lệ những người tìm đến các ngân hàng khi gặp khó khăn về tài chính là do trong những năm 1990, các ngân hàng đã siết chặt các điều khoản cho vay hơn trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa trước đó.

Cuối cùng, liên quan đến câu hỏi thứ ba, khảo sát của Utasi cho thấy tỷ lệ những người tìm đến các thành viên gia đình khi buồn bực đã tăng nhẹ từ 67,8% (1986) lên 68,0% (2001), tiếp theo là tỷ lệ những người tìm đến bạn bè (từ 14,5% lên 14,6%). Trong các thành viên gia đình, bạn đời là người được chọn chia sẻ nhiều hơn cả (43,0% năm 1986 và 40,7% năm 2001), trong khi tỷ lệ những người chia sẻ với mẹ khi buồn bực giảm từ 9,5% xuống còn 6,0%. Ngược lại, tỷ lệ những người tìm đến con cái để chia sẻ tăng lên từ 4,5% lên 9,0% đối với con gái và từ 2,1% lên 3,6% đối với con trai.

Từ những kết quả nói trên, Utasi đi đến kết luận cho rằng chính phủ Hungary kể từ sau năm 1989 đã thất bại trong việc củng cố sự bền vững xã hội và không ai khác, gia đình là người thay thế đảm trách vai trò này. Gia đình, vì thế, tiếp tục là nền tảng cơ bản hỗ trợ sự bền vững của xã hội ở Hungary thời kỳ hậu xã hội chủ nghĩa.

Cách Utasi mô tả sự gắn kết của gia đình trong bối cảnh xã hội Hungary hiện đại rất gần với khái niệm gia đình chủ nghĩa như một điều kiện xã hội của Dupcsik và Tóth. Trên thực tế, trong các nghiên cứu của mình, Dupcsik và Tóth phân biệt hai hình thái lý thuyết về gia đình chủ nghĩa như sau (2008):

(1) Gia đình chủ nghĩa như một hệ tư tưởng: Nhấn mạnh đến gia đình và các quan hệ gia đình trong phạm trù giá trị con người. Nó thực hiện chức năng giáo dục về sự bền vững và hành vi thúc đẩy xã hội. Gia đình chủ nghĩa, theo nghĩa này, là sự đối lập với cá nhân chủ nghĩa và vị kỷ chủ nghĩa “dị thường”.

(2) Gia đình chủ nghĩa như một điều kiện xã hội: Mô tả các xã hội với mức độ đáng tin cậy thấp, nơi các cộng đồng và xã hội dân sự còn non yếu. Gia đình được xem như nơi duy nhất mà con người có thể nương tựa. Theo nghĩa này, gia đình chủ nghĩa là tương đồng với cá nhân chủ nghĩa hoặc vị kỷ chủ nghĩa.

Hai hình thái lý thuyết gia đình chủ nghĩa trên thực tế là khá trái ngược. Hình thái đầu chứa đựng những ý nghĩa tích cực của chủ nghĩa gia đình trong khi hình thái thứ hai liên quan đến một hiện tượng xã hội tiêu cực, khi các thành viên gia đình trở nên phụ thuộc lẫn nhau không phải bởi niềm tin vào các giá trị bên trong gia đình mà như là kết quả của những rào cản bên ngoài xã hội. Mặc dù hai hình thái dường như mang tính loại trừ lẫn nhau, Dupcsik và Tóth cho rằng cả hai song song tồn tại trong xã hội Hungary đương đại. Tuy nhiên, các tác giả cũng cho rằng con số những người tin vào các giá trị gia đình truyền thống là khá thấp, trong khi niềm tin(13) và sự bền vững xã hội là không đủ để có thể xóa bỏ sự phụ thuộc lẫn nhau (do các rào cản xã hội) của các thành viên gia đình. Điều này ngụ ý rằng sự coi trọng các giá trị gia đình trong xã hội Hungary đương đại là kết quả của gia đình chủ nghĩa như một điều kiện xã hội hơn là gia đình chủ nghĩa như một hệ tư tưởng. Vì thế, nếu áp dụng những ngụ ý của Dupcsik và Tóth vào nghiên cứu của Utasi, có thể nói sự bền vững của xã hội Hungary hiện tại được duy trì bởi một sự gắn kết gia đình do những rào cản xã hội bên ngoài hơn là được xây dựng trên cơ sở niềm tin bên trong của các cá nhân vào các giá trị gia đình.

Đào Hồng Lê (lược dịch)

 

Chú thích

(1) Eurostat online database.

(2) Demographic Yearbook at the Hungarian Central Statistical Office (HCSO) 2001.

(3) Eurostat online database.

(4) United Nations Population Division online database (World Marriage Data 2008).

(5) Eurostat online database.

(6) Demographic Yearbook at the Hungarian Central Statistical Office (HCSO) 2005.

(7) Eurostat online database.

(8) Eurostat 2006 (The Family in the EU25 seen through figures).

(9) Dữ liệu từ: Tóth Olga and Péter Somlai, 2005, “Families in Hungary” in Bert N. Adams and Jan Trost (eds.) Handbook of World Families, Sage Publications, 313-329.

(10) Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.

(11) Thuật ngữ này do Chang Kyung-Sup đề xướng nhằm mô tả sự tồn tại đồng thời của nhiều hệ tư tưởng gia đình đối lập trong xã hội Hàn Quốc đương đại như hệ tư tưởng gia đình Nho giáo, hệ tư tưởng gia đình phương tiện, v.v.

(12) Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khoa học Chính trị, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.

(13) ở Hungary, độ tin cậy xã hội là rất thấp (12,6) năm 2005 (Khảo sát xã hội châu Âu).

Tài liệu tham khảo

Chang Kyung-Sup. 2010. “Individualization without individualism: compressed modernity and obfuscated family crisis in East Asia” in Journal of Intimate and Public Spheres Pilot Issue: 23-39.

Dupcsik Csaba and Olga Tóth. 2008. “Feminizmus helyett familizmus” (Familism instead of feminism) in Demográfia 51(4): 307–328.

Hajnal, John. 1965. “European Marriage Patterns in Perspective” in Glass and Eversley (eds.). Population in History. Essays in Historical Demography.

Neményi Mária and Olga Tóth. 2003. “Differential modernization in Hungary” in Changing family structure in Europe Cross National Research Papers 6(5). European Research Centre, 60-65.

Pongrácz Tiborné. 2001. “A család és a munka szerepe a n#k életében” (The role of family and work in the lives of women). Szerepváltozások, 30-45.

Utasi ágnes. 2002. “Társadalmi integráció és családi szolidaritás” (Social integration and family solidarity) in Educatio 11(3): 384 403.