Liên kết web
Số lượt truy cập

25

2861232

Tin hoạt động

Báo cáo Phát triển Thế giới 2012: Bình đẳng giới và phát triển (The 2012 World Development Report: Gender Equality and Development)

09/07/2015
Ngân hàng Thế giới, 458 trang (tiếng Anh) Tiếp nối một số ấn phẩm chú trọng vào chính sách thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) trong phát triển, trong đó đáng chú ý có Báo cáo nghiên cứu: “Đưa vấn đề giới vào phát triển - thông qua sự bình đẳng giới về các quyền, nguồn lực và tiếng nói” ấn hành năm 2001; Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2006: Bình đẳng và phát triển, Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2012: Bình đẳng giới và phát triển tập trung chủ đề này dưới dạng một báo cáo chuyên đề, phản ánh những cam kết và duy trì nỗ lực lồng ghép giới vào chính sách và thực tiễn phát triển của Ngân hàng Thế giới.

Một nhóm chuyên gia chủ chốt gồm tác giả Ana Revenga và Sudhir Shetty, cùng các cộng sự Luis Benveniste, Aline Coudouel, Jishnu Das, Markus Goldstein, Ana María Munoz Boudet và Carolina Sánchez-Páramo... thuộc các chuyên ngành kinh tế học, giáo dục, chính sách công, giới và phát triển… đã tiến hành nghiên cứu, phân tích và xây dựng báo cáo chuyên đề quan trọng này, chủ yếu nhìn nhận, đánh giá vấn đề bất bình đẳng giới từ lăng kính kinh tế học và tiếp cận quyền con người.

Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, nhiều chính phủ, các tổ chức đa phương, đối tác phát triển các cấp (quốc gia, địa phương) trên toàn cầu… Đi kèm với Báo cáo này là một Báo cáo cấp khu vực có tiêu đề “Hướng tới bình đẳng giới ở Đông á và Thái Bình Dương”.

Về phương pháp luận, Báo cáo đã sử dụng kết hợp rất nhiều phương pháp (cập nhật và phân tích dữ liệu thống kê tách biệt giới, các tài liệu, kết quả nghiên cứu định lượng, định tính, thông tin thu nhận từ các tham vấn, hội nghị, hội thảo…). Đặc biệt, Báo cáo tham khảo kết quả một nghiên cứu định tính với tiêu đề “Quan niệm giới trong thế kỉ 21” (NHTG, 2011), với dung lượng mẫu khoảng 4.000 cá nhân nam, nữ ở các khu vực, trong đó có Việt nam. Phạm vi dữ liệu so sánh và phân tích được bao quát trong khoảng thời gian 25 năm phát triển vừa qua.

Một khung khổ khái niệm chính được các tác giả đề xuất, phân tích như: khái niệm thị trường, các thể chế chính thức - bao gồm các luật pháp, chính sách, hoạt động của nhà nước…, thể chế phi chính thức - như các niềm tin, chuẩn mực giới/xã hội, mạng lưới xã hội…, hộ gia đình, và xem xét tương quan tác động qua lại giữa chúng, qua đó có thể nhận diện và khái quát hiện trạng, nêu lên những nguyên nhân vì sao bất bình đẳng giới lại tồn tại dai dẳng và phản ánh ở những chiều cạnh/ lĩnh vực phát triển cụ thể nào trong 1/4 thế kỉ vừa qua trên toàn cầu và ở các quốc gia.

Phân tích và diễn giải vấn đề bất bình đẳng giới thông qua các mối quan hệ tương tác này được biểu thị sinh động qua sơ đồ các vòng tròn hình răng cưa, móc xích và tương tác với nhau tạo ra vòng quay phát triển, và lí giải về những tiến bộ kết quả đầu ra về bình đẳng giới. Đặc biệt, nhìn từ lăng kính kinh tế học, các tác giả tập trung xem xét những khác biệt trong tiếp cận và phúc lợi chính giữa nam và nữ, các can thiệp chính sách và giải pháp xã hội, khuyến nghị các ưu tiên chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giới và cải thiện mục tiêu phát triển nói chung.

Nội dung báo cáo

Báo cáo chính gồm Tổng quan, Mở đầu, 3 Phần nội dung chính, Tài liệu tham khảo, Phụ lục các chỉ số phát triển thế giới 2012.

Phần Lời nói đầu do Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới Robert B. Zoellick đề tựa, trong đó khẳng định thông điệp rõ ràng rằng bình đẳng giới là mục tiêu phát triển quan trọng và tăng cường bình đẳng giới là sự khôn ngoan về mặt kinh tế học (smart economics) nhờ nâng cao năng suất lao động và nhiều mục tiêu phát triển khác, trong đó có cả tương lai của các thế hệ tiếp theo, và vì chương trình của các chính sách, thể chế xã hội.

Phần Tổng quan Báo cáo giới thiệu mục đích nghiên cứu, trong đó tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng cốt lõi của bình đẳng giới đối với phát triển.

ở Phần 1, Báo cáo khái quát thực trạng bình đẳng giới diễn ra trên toàn cầu trong 1/4 thế kỉ qua. Dựa trên các bằng chứng và các mối quan hệ nhân quả, Báo cáo tập trung làm rõ sự khác biệt giữa nam và nữ trong tiếp cận vốn con người (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phát triển các năng lực trung gian và tổng thể của phụ nữ, cả ở khu vực công và tư nhân), các cơ hội kinh tế, và nguồn lực sản xuất, khả năng thực hiện các chọn lựa hiệu quả và hành động. Đặc biệt, Báo cáo chú ý đến những vấn đề bất bình đẳng đối với phụ nữ, hoặc nam giới, nhất là những vấn đề bất bình đẳng giới tái diễn lặp đi lặp lại, tác động kéo dài xuyên thế hệ, cũng như làm nổi bật vai trò trọng tâm của các yếu tố thể chế xã hội (bao gồm chính thức và phi chính thức), hộ gia đình, các chính sách công…, đóng vai trò ảnh hưởng quyết định đến kết quả bình đẳng giới trong phát triển. Các tiến bộ bình đẳng giới phản ánh ở các chỉ số như cơ hội phát triển kinh tế, sự trao quyền, sự tự chủ phụ nữ… ở các lĩnh vực cơ bản như lao động, việc làm, thu nhập, y tế, giáo dục, chính trị-xã hội… theo phạm vi khu vực và toàn cầu.

Phân tích cho thấy nhiều tiến bộ tích cực diễn ra sau 1/4 thế kỉ, cuộc sống phụ nữ đã được cải thiện đáng kể với tốc độ và qui mô lớn trên toàn cầu, song bất bình đẳng giới nhức nhối vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, thậm chí ngay cả ở các nước giàu có nhất. Uớc tính và dẫn chứng về những cái giá - phí tổn phải trả của bất bình đẳng giới về mặt kinh tế ra sao (như về năng suất lao động, sự phát triển của thế hệ con cái tiếp theo, hoặc dẫn đến các thể chế, chính sách khiếm khuyết, dưới chuẩn, và tỉ lệ phí tổn sẽ ngày càng tăng trong thế giới toàn cầu hóa…), nếu không có biện pháp chính sách khắc phục tích cực.

Nhìn chung, Báo cáo nêu bật 4 lĩnh vực cần được ưu tiên quan tâm về mặt chính sách công như: thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới về nguồn vốn con người (chăm sóc y tế, giáo dục); về tiếp cận các cơ hội kinh tế, thu nhập và năng suất lao động (thị trường lao động tích cực); về tiếng nói, các năng lực trung gian và tổng thể trong xã hội (hàm ý là vị thế xã hội, quyền ra quyết định của phụ nữ ở gia đình và xã hội…); và khắc phục tình trạng tái diễn bất bình đẳng giới dai dẳng, xuyên thế hệ (thể hiện ở chiều cạnh năng lực, cơ hội kinh tế và vị thế, vai trò và tình trạng này là kết cục cộng hưởng của nhiều yếu tố như sự thất bại thị trường, thể chế, hộ gia đình, trong đó có chuẩn mực xã hội, tập quán cũ, chi phối mạnh mẽ đến các quan hệ gia đình, thiết chế, và xã hội nói chung …).

Phần 2 của Báo cáo có tiêu đề “Những yếu tố nào tạo ra sự tiến bộ BĐG, yếu tố nào cản trở BĐG”?

Việc nhận diện rõ ràng các yếu tố mang tính quyết định thúc đẩy hoặc cản trở bình đẳng giới là cần thiết để thiết kế và định hướng chính sách phù hợp. Bên cạnh các yếu tố bối cảnh mới và tiềm năng như sự chuyển đổi kinh tế - xã hội diễn ra nhanh chóng, quá trình mở rộng toàn cầu hóa, giao thương thương mại, đô thị hóa, công nghệ thông tin - truyền thông thì các chính sách, hành động công cộng tích cực ở cấp toàn cầu và quốc gia... đã và đang giúp thu hẹp dần khoảng cách giới ở các lĩnh vực cơ bản trên phạm vi và qui mô rộng lớn. Trong những yếu tố gây bất bình đẳng giới ở một số lĩnh vực cơ bản như đã nêu, Báo cáo này nhấn mạnh có nhiều yếu tố chi phối đến khoảng cách giới, song sự công hưởng một số yếu tố chính như sự thất bại thị trường (dựa trên phân biệt giới), các hạn chế về thể chế, chuẩn mực xã hội cũ dai dẳng…, có thể làm cho tình trạng bất bình đẳng thêm trầm trọng hơn ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc, dành ưu tiên và giải quyết đồng thời hoặc tuần tự, tùy thuộc bối cảnh, phạm vi vấn đề.

Phần 3 của Báo cáo đề cập đến vai trò và tiềm năng của các giải pháp chính sách công.

Dựa trên khái quát các bài học kinh nghiệm, các can thiệp chính sách phát triển, phân tích hiện trạng và xác định vấn đề ưu tiên, Báo cáo xác định một số nhóm chính sách công cần quan tâm đối với từng lĩnh vực đã nêu và nhấn mạnh việc thiết kế và thực hiện các nhóm chính sách công cần phải hòa hợp với môi trường thể chế, xã hội, chính trị và văn hóa của quốc gia, và có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan như Đảng chính trị, nhà nước, công đoàn, tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân… Mục tiêu chung là tích cực hướng tới một chương trình nghị sự toàn cầu về bình đẳng giới tốt hơn, trong đó bao gồm các hoạt động hỗ trợ nguồn lực tài chính, khuyến khích nghiên cứu, đổi mới và học hỏi, xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả, nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực hành động vì bình đẳng giới quốc gia ở các lĩnh vực ưu tiên.

Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2012 cung cấp các tri thức, thông tin rộng rãi và là tài liệu tham khảo tốt cho các nhà nghiên cứu giới, hoạch định chính sách, công tác phát triển và các độc giả quan tâm khác.

Tại Việt Nam, Báo cáo này được công bố ra mắt công chúng vào ngày 16 tháng 12 năm 2011. Toàn văn Báo cáo bằng tiếng Anh được đăng tải trên Website của Ngân hàng Thế giới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Ngô Thị Tuấn Dung (giới thiệu)


Các tin cũ hơn.................................................