Liên kết web
Số lượt truy cập

15

2012910

Tin hoạt động

Kết quả từ Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam

10/06/2015

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Kết quả "Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình với phụ nữ tại Việt Nam", là nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Phối hợp chung giữa Liên hiệp quốc và Chính phủ Việt Nam về Bình đẳng Giới, do Tổng cục Thống kê tiến hành với trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự hỗ trợ về kinh phí của Quỹ phát triển Mục tiêu thiên niên kỷ do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ (MDG-F) cùng với văn phòng của Cơ quan phát triển và hợp tác quốc tế Tây Ban Nha (AECID) tại Việt Nam năm 2009-2010. Đây là một cuộc nghiên cứu lần đầu tiên được tiến hành trên phạm vi cả nước nhằm thu thập những thông tin chi tiết về mức độ phổ biến và các loại hình bạo lực đối với phụ nữ, các hậu quả về mặt sức khỏe của bạo lực gia đình, các yếu tố rủi ro, phòng ngừa bạo lực, cách xử trí của phụ nữ khi gặp phải bạo lực gia đình cũng như các dịch vụ trợ giúp mà họ đã sử dụng. Kết quả của nghiên cứu này tạo điều kiện cho các cơ quan Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự nâng cao nhận thức và xây dựng những chính sách và chương trình nhằm ngăn ngừa và giải quyết vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ một cách hiệu quả hơn.

Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình với phụ nữ tại Việt Nam là một nghiên cứu định tính và định lượng trên diện rộng đầu tiên về chủ đề này được tiến hành tại Việt Nam. Thông qua khảo sát này, Việt Nam đã có được một bức tranh toàn cảnh, một cơ sở dữ liệu mang tính đại diện quốc gia về tình hình bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Kết quả từ Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình với phụ nữ tại Việt Nam là một Báo cáo dài 220 trang bao gồm phần Báo cáo chính với 10 chương và phần Phụ lục.

Phần đầu của Báo cáo, chương 1 và 2, là phần giới thiệu và phương pháp nghiên cứu, trình bày bối cảnh văn hóa, kinh tế và xã hội và những thông tin chung về bạo lực với phụ nữ Việt Nam; khung lý thuyết và các định nghĩa về bạo lực; mục tiêu và tổ chức nghiên cứu.

Báo cáo sử dụng các định nghĩa của Liên hiệp quốc và WHO về bạo lực với phụ nữ là "bất kỳ hành vi bạo lực trên cơ sở giới nào dẫn đến, hoặc có thể dẫn đến tổn hại về thể xác, tình dục hoặc tâm thần hoặc gây đau khổ cho phụ nữ, kể cả việc đe dọa có những hành vi như vậy, áp bức hoặc độc đoán tước bỏ tự do, dù diễn ra ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư"(Liên hiệp quốc, 1993), bao gồm, song không chỉ giới hạn ở ba hình thức bạo lực: tâm lý và tình cảm, thể xác và tình dục (UN, 1995; WHO, 2002). Bạo lực tâm lý và tình cảm được xác định bằng những hành động hoặc đe dọa hành động, như chửi bới, kiểm soát, hăm dọa, làm nhục và đe dọa nạn nhân. Hình thức bạo lực này có thể bao gồm các thủ đoạn cưỡng bức. Bạo lực thể xác được định nghĩa là một hoặc nhiều hành động tấn công có chủ ý về thể xác bao gồm nhưng không chỉ giới hạn trong các hành vi như: xô đẩy, tát, ném, giật tóc, cấu véo, đấm, đá hoặc làm cho bị bỏng, được thực hiện với khả năng gây đau đớn, thương tích hoặc tử vong. Bạo lực tình dục được định nghĩa là việc sử dụng sức mạnh, cưỡng bức hoặc đe dọa về tâm lý để ép buộc người phụ nữ tham gia quan hệ tình dục ngoài ý muốn của mình, cho dù hành vi đó có thực hiện được hay không.

Báo cáo cũng đề cập tới những khái niệm và định nghĩa về bạo lực gia đình theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam.

Bạo lực gia đình nói chung và bạo lực do chồng gây ra đối với vợ theo quan niệm truyền thống là những vấn đề mang tính riêng tư và nhạy cảm tại Việt Nam. Phụ nữ thường giấu kín, e ngại khi đề cập, chia sẻ hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ do bị kỳ thị, thiếu cơ chế hỗ trợ và ứng phó nhạy cảm, thiếu sự hỗ trợ từ phía các thành viên gia đình và cơ quan chức năng hoặc lo sợ hậu quả đối với chính bản thân họ và con cái của họ. Vì thế, cho đến nay, mức độ bạo lực gia đình mà phụ nữ Việt Nam phải hứng chịu vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ.

Vì vậy, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này và nhằm thay đổi thái độ để cho bạo lực gia đình không còn là một vấn đề cần phải giấu giếm và những nạn nhân phụ nữ có thể tìm kiếm sự trợ giúp và hỗ trợ cần thiết là một nhiệm vụ mang tính cấp thiết.

Nghiên cứu đặt ra 4 mục tiêu trực tiếp như sau:

(1) Ước tính tỷ lệ, tần suất và phân loại các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

(2) Đánh giá mức độ hậu quả về sức khỏe và các vấn đề khác có liên quan tới bạo lực gia đình.

(3) Xác định những yếu tố có thể bảo vệ hoặc đặt người phụ nữ vào nguy cơ bị bạo lực gia đình.

(4) Thu thập thông tin và so sánh những chiến lược và dịch vụ mà người phụ nữ sử dụng để đối phó với bạo lực gia đình, các quan niệm về bạo lực gia đình đối với phụ nữ và kiến thức của phụ nữ về các quyền hợp pháp của họ.

Phạm vi, đối tượng và đặc biệt là phương pháp nghiên cứu trong báo cáo này được chú trọng giới thiệu do đặc thù nhạy cảm của vấn đề nghiên cứu.

Nghiên cứu tại Việt Nam đã sử dụng phương pháp của Nghiên cứu đa quốc gia của WHO về Sức khỏe phụ nữ và Bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Đây là một phương pháp với nhiều ưu điểm, sử dụng bộ câu hỏi đã được thử nghiệm kỹ càng và phương pháp luận đảm bảo tính so sánh của dữ liệu giữa các bối cảnh khác nhau, và đã được hiệu chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.

Báo cáo cũng nêu rõ những nguyên tắc về an toàn và đạo đức, do WHO xây dựng dành cho nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ, mà nghiên cứu đã tuân thủ nghiêm ngặt và áp dụng trong tất cả các khâu khảo sát.

Nghiên cứu bao gồm phần định lượng (khảo sát trên qui mô dân số) và phần định tính (phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm trọng tâm).

Trong phần định lượng, 4.838 phụ nữ, đại diện cho phụ nữ từ 18-60 tuổi trên cả nước đại diện cho 6 vùng địa lý và kinh tế của Việt Nam, được phỏng vấn trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 2 năm 2010, sử dụng hình thức phỏng vấn trực tiếp theo bảng hỏi điều tra, được tiến hành trong môi trường đảm bảo tính riêng tư.

Phần nghiên cứu định tính được thực hiện tháng 4 năm 2010, tại 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Huế và Bến Tre, đại diện cho ba miền Bắc, Trung và Nam. Tại mỗi tỉnh tổng số có 30 cuộc phỏng vấn sâu được tiến hành với đối tượng là phụ nữ bị bạo lực, những người cung cấp thông tin chủ chốt từ Hội Phụ nữ, cơ sở y tế, trưởng thôn/bản và lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương cũng như phụ nữ và nam giới trong cộng đồng. Tại mỗi tỉnh, bốn buổi thảo luận nhóm trọng tâm cũng đã được tổ chức với sự tham gia của người dân, hai trong số đó dành cho phụ nữ và hai dành cho nam giới ở các độ tuổi khác nhau.

Phần 2 của Báo cáo, từ chương 3 đến chương 8, là những kết quả của Nghiên cứu. Mỗi chương đề cập một chủ đề khác nhau. Với mỗi chủ đề, kết quả của phần định tính và định lượng được trình bày cùng nhau, bổ sung cho nhau, tập trung vào các vấn đề chính dưới đây.

Về bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra

Kết quả về tỷ lệ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra, bao gồm: bạo lực thể xác và tình dục, bạo lực tinh thần, kinh tế và các hành vi kiểm soát, được trình bày trong Báo cáo theo hình thức bạo lực, mức độ nghiêm trọng của bạo lực và mức độ chồng chất (bị nhiều loại bạo lực cùng một lúc) của các loại hình bạo lực khác nhau.

Bạo lực thể xác do chồng gây ra

Kết quả nghiên cứu chỉ ra một thực trạng là có 32% phụ nữ từng kết hôn đã phải chịu bạo lực thể xác trong đời và 6% đã từng trải qua bạo lực thể xác trong vòng 12 tháng trở lại đây. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy bạo lực thể xác - được đo lường bởi tỷ lệ bạo lực hiện tại (bạo lực trong vòng 12 tháng trước thời điểm khảo sát) - bắt đầu sớm trong mối quan hệ và giảm dần theo độ tuổi. Có sự khác biệt giữa các khu vực và trình độ học vấn. Với phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn thì tỷ lệ bị bạo lực thể xác cao hơn so với phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn và trong số những phụ nữ bị bạo lực nhiều hơn thì mức độ nghiêm trọng của những hành vi bạo lực cũng cao hơn. Trong số những phụ nữ đã từng mang thai, tỷ lệ bị bạo lực thể xác trong ít nhất một lần mang thai là 5% và tỷ lệ bị bạo lực khi đang mang thai cao nhất ở những phụ nữ chưa từng đến trường học.

Bạo lực tình dục do chồng gây ra

Thông thường, phụ nữ gặp khó khăn hơn khi tiết lộ những trải nghiệm bạo lực tình dục so với những trải nghiệm bạo lực thể xác và việc nói về bạo lực tình dục trong hôn nhân được xem như một chủ đề không phù hợp. Mặc dù vậy, trong các buổi phỏng vấn có 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục trong đời và 4% trong 12 tháng qua. Điểm đáng chú ý là bạo lực tình dục hiện tại không thay đổi nhiều ở những nhóm tuổi khác nhau (tới 50 tuổi) và trình độ học vấn của phụ nữ.

Bạo lực tinh thần và kinh tế do chồng gây ra.

Trong các hình thức bạo lực thì bạo lực tinh thần và kinh tế cũng không kém phần quan trọng so với bạo lực tình dục và thể xác và thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn bạo lực tình dục và thể xác. Tuy trong khuôn khổ một cuộc khảo sát thì khó có thể xác định những loại hình bạo lực này và câu hỏi đặt ra chỉ bao phủ một số giới hạn các hành vi lạm dụng có thể xảy ra đối với phụ nữ nhưng kết quả chỉ ra rằng tỷ lệ bị bạo lực tinh thần rất cao: 54% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã phải chịu bạo lực tinh thần trong đời và 25% cho biết đã bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua. Tỷ lệ bị bạo lực về kinh tế trong đời là 9%.

Kết hợp bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần do chồng gây ra

Tỷ lệ bạo lực thể xác và tình dục là chỉ tiêu quan trọng về bạo lực do chồng gây ra và được sử dụng để so sánh quốc tế. Các chỉ tiêu về tỷ lệ bạo lực hiện tại và trong cuộc đời tương ứng là 9% và 34%. Tỷ lệ bạo lực trong cuộc đời khác nhau theo vùng và giữa các nhóm dân tộc và thay đổi từ 8% đến 38%.

Khi kết hợp ba loại bạo lực chính: thể xác, tình dục và tinh thần do chồng gây ra đã có hơn nửa số phụ nữ (58%) trả lời từng bị ít nhất một trong ba loại bạo lực này trong cuộc đời. Tỷ lệ này trong 12 tháng qua là 27%.

Cơ sở dữ liệu của nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ chặt chẽ giữa ba loại bạo lực và đánh giá sự đan xen chỉ ra rằng luôn có một phụ nữ vừa bị bạo lực tình dục hoặc thể xác vừa bị lạm dụng tinh thần (Xem hình trang bên).

Bạo lực đối với phụ nữ do đối tượng khác không phải là chồng gây ra

Trong nghiên cứu về bạo lực gia đình, tìm hiểu về bạo lực do những người khác không phải người chồng gây ra giúp xác định các hình thức của bạo lực gia đình đối với phụ nữ bởi các thành viên khác trong gia đình. Kết quả về phạm vi bạo lực tình dục và thể xác đối với phụ nữ không phải do chồng gây ra kể từ năm 15 tuổi cùng với những trải nghiệm về lạm dụng tình dục trước tuổi 15 (khai thác hồi cứu) còn cung cấp cơ hội để xác định bạo lực gia đình và bạo lực bởi chồng đối với phụ nữ quan trọng như thế nào so với các trải nghiệm bạo lực giữa người này với người khác trong cuộc đời người phụ nữ.

- Trong nghiên cứu, 10% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực thể xác bởi một người khác không phải là chồng kể từ khi 15 tuổi, tuy nhiên có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng với khoảng dao động từ 3% đến 12%. Người gây bạo lực chủ yếu là các thành viên nam trong gia đình (chiếm 65% phụ nữ bị bạo lực thể xác không phải do bạn tình gây ra).

- Khoảng 2,3% tổng số phụ nữ cho biết từng bị bạo lực tình dục kể từ sau 15 tuổi. Hầu hết phụ nữ cho biết rằng người gây bạo lực là người lạ và bạn trai và hiếm khi là các thành viên gia đình.

- Có khoảng 3% tổng số phụ nữ cho biết từng bị lạm dụng tình dục trước khi đến tuổi 15. Hầu hết phụ nữ nói rằng người lạm dụng là người lạ và một số trường hợp là thành viên gia đình và "người khác".

Một phát hiện quan trọng là khi so sánh bạo lực do chồng gây ra và bạo lực không phải do chồng gây ra, thì điều có thể thấy rõ là phụ nữ tại Việt Nam có khả năng bị bạo lực do chồng cao gấp ba lần so với bạo lực do một người khác gây ra.

Hậu quả của bạo lực đối với phụ nữ

Nội dung chính của phần này là về mối liên hệ giữa bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng gây ra và một số các chỉ số về sức khỏe tâm thần, thể chất và sinh sản trong đời cho một người phụ nữ cũng như hậu quả của bạo lực đối với con cái họ trong độ tuổi từ 6-11. Những phát hiện chính của nghiên cứu là:

- 26% phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực tình dục hoặc bạo lực thể xác cho biết họ đã từng bị thương tích do hành vi bạo lực đó gây ra. Trong đó, 60% cho biết rằng họ bị thương tích nhiều hơn một lần và 17% bị thương tích nhiều lần.

- Phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực thể xác, hoặc bạo lực tình dục, đánh giá tình trạng sức khỏe của mình 'kém' hoặc 'rất kém' nhiều hơn so với những phụ nữ không bị bạo lực. Họ cũng có xu hướng gặp phải những khó khăn trong đi lại và trong thực hiện những hoạt động thường ngày, bị đau và mất trí nhớ, căng thẳng tinh thần và có suy nghĩ muốn tự tử, sảy thai, nạo thai và thai chết lưu.

- Phụ nữ có con từ 6 đến 11 tuổi đã từng bị bạo lực do chồng gây ra cho biết rằng con cái họ cũng có những vấn đề về hành vi (ví dụ như ác mộng, đái dầm, hành vi hung hăng và kết quả học tập kém) so với những con cùng độ tuổi của những phụ nữ không bị bạo lực.

Bạo lực đối với trẻ em, khía cạnh liên thế hệ của bạo lực

Theo báo cáo, khoảng 1/4 số phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết con của mình đã từng bị bạo lực về thể xác do chồng gây ra. Hình thức bạo lực thể xác trẻ em phổ biến thường là tát, xô, đẩy trẻ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy bạo lực đối với trẻ em có mối liên hệ chặt chẽ với bạo lực đối với phụ nữ do cùng một đối tượng gây ra. Khả năng phụ nữ có chồng bạo hành trả lời rằng con của mình cũng bị đánh đập thường cao gấp hai lần so với số phụ nữ không bị chồng bạo hành và thậm chí là cao hơn nếu người chồng bạo hành vợ nghiêm trọng.

Hơn nữa, số phụ nữ bị chồng gây bạo lực thể xác cũng cho biết con cái họ đã từng chứng kiến ít nhất một lần cảnh bạo lực này. Trải nghiệm thơ ấu của người chồng là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn tới việc anh ta trở thành người gây bạo lực trong đời sống sau này.

Chiến lược đối phó của phụ nữ và phản ứng đối với bạo lực

Kết quả điều tra cho thấy là 1/2 số phụ nữ từng bị chồng gây bạo lực chưa từng nói với bất cứ ai về vấn đề mà mình phải hứng chịu cho tới khi được phỏng vấn, hoặc nếu có nói thì thường là nói với thành viên trong gia đình. Điều đáng chú ý là nhiều phụ nữ nghĩ bạo lực trong quan hệ vợ chồng là chuyện "bình thường" và rằng phụ nữ phải làm quen và chịu đựng những gì đang diễn ra vì hạnh phúc gia đình.

Hầu hết phụ nữ bị bạo lực (87%) chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền. Nếu họ có tìm kiếm sự hỗ trợ thì cũng là khi bạo lực đã nghiêm trọng và người họ thường tìm đến là lãnh đạo địa phương.

Có khoảng 1/5 số phụ nữ bị bạo lực đã từng rời khỏi nhà ít nhất là một đêm. Nhưng thực tế là gần như không có một lựa chọn nào cho phụ nữ khi đó và người phụ nữ thường quay về nhà vì gia đình.

Theo số liệu khảo sát thì khoảng 60% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và tình dục do chồng gây ra nói rằng họ có nghe về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, phỏng vấn định tính cho thấy phụ nữ không nắm được chi tiết Luật và ngay cả các cấp chính quyền địa phương cũng không nắm được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Báo cáo cũng dành một phần riêng để bàn luận về ưu điểm và hạn chế của một nghiên cứu về đề tài nhạy cảm. Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất hiện nay của nghiên cứu là sử dụng rộng rãi những kết quả này nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình, để định hướng và làm cơ sở cho những chính sách, chiến lược và chương trình mục tiêu nhằm đạt được mục đích chung, đó là bảo vệ người phụ nữ khỏi bạo lực gia đình.

Những đề xuất cụ thể và những gợi ý về chính sách được trình bày trong Chương 10. Các khuyến nghị được trình bày theo bốn lĩnh vực chiến lược chính là: (1) Tăng cường hành động và cam kết quốc gia; (2) Đẩy mạnh phòng ngừa ban đầu; (3) Thiết lập những đáp ứng phù hợp (dịch vụ, chương trình v.v..); và (4) Hỗ trợ nghiên cứu, thu thập số liệu và hợp tác đa ngành.

Ngoài ra bản Báo cáo còn dành 100 trang phụ lục trình bày chi tiết thiết kế mẫu điều tra, bảng câu hỏi cùng với những kết quả thu được. Phần lớn thông tin thu thập được qua quá trình khảo sát được trình bày trong các biểu ở Phụ lục IV. Hầu hết các biểu số liệu đều được mô tả ngắn trong các chương kết quả nhưng không phải tất cả các thông tin trong biểu đều được mô tả. Vì thế, nếu ai quan tâm tìm hiểu thêm thì có thể tham khảo những biểu số liệu này.

Kết quả từ Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình với phụ nữ tại Việt Nam cho thấy bạo lực gia đình đối với phụ nữ là tương đối phổ biến, đặc biệt là bạo lực tinh thần và những tác động nghiêm trọng của bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ. Nghiên cứu cũng cho thấy bạo lực đã được bình thường hóa, người phụ nữ đã phải chịu đựng và chấp nhận bạo lực và phải giữ im lặng về những điều mà họ đang phải hứng chịu. Đây thật sự là một vấn đề xã hội cần được nhìn nhận đúng bản chất của nó.

Báo cáo này cho thấy tính cấp thiết của việc phá vỡ sự im lặng đối với các hành vi bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức của người dân về phạm vi của vấn đề và quan điểm rằng bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình là không thể chấp nhận được, đồng thời cần có những hành động cấp bách để ngăn ngừa và đối phó với vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Bước tiếp theo phụ thuộc vào hành động của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phụ nữ, phương tiện truyền thông, các nhà nghiên cứu, những người làm công tác giáo dục, cộng đồng và tất cả mọi người hoạt động trong lĩnh vực này.

Những nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo tại trang web của Tổng cục Thống kê hoặc các thư viện.

Võ Kim Hương (giới thiệu)

 

Tài liệu tham khảo

UN. 1993. Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tài liệu A/RES/48/104. New York, NY.

UN. 1995. Tuyên bố Bắc Kinh và chương trình hành động. Tài liệu trình bày tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ lần thứ tư: Hành động vì bình đẳng, hòa bình và phát triển.

WHO. 2002. Báo cáo toàn cầu về bạo lực và sức khỏe. Geneva, WHO.


Các tin cũ hơn.................................................