Liên kết web
Số lượt truy cập

27

2789076

Tin hoạt động

Toạ đàm công bố kết quả nghiên cứu: “Di cư, sức khoẻ sinh sản và cuộc sống: Tìm hiểu những chiến lược của người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam”

09/07/2015
Ngày 10/6/2010, tại Hà Nội, Viện Gia đình và Giới đã tổ chức buổi toạ đàm công bố kết quả nghiên cứu: "Di cư, sức khoẻ sinh sản và cuộc sống: Tìm hiểu những chiến lược của người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam." Nghiên cứu do TS. Catherine Locke, trường đại học East Anglia (Vương quốc Anh) phối hợp với Viện Gia đình và Giới (Hà Nội) và Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ (TP.Hồ Chí Minh) thực hiện. Hội đồng Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế (ESRC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Anh (DFID) (Vương quốc Anh) là hai cơ quan tài trợ cho nghiên cứu được thực hiện.

Tới tham dự buổi toạ đàm có các nhà nghiên cứu từ các tổ chức nghiên cứu ở Hà Nội và các đại diện từ các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến các vấn đề đối với người di cư và chính sách về người di cư ở Việt Nam.

Đây là một đề tài nghiên cứu về những người di cư và đời sống gia đình của họ, tập trung vào những trải nghiệm của người di cư ở các đô thị Hà Nội và Hồ Chí Minh và tác động của những trải nghiệm này đến người vợ/chồng và con cái họ. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phỏng vấn lịch sử đời sống qua lời kể (life history) và thực hiện phỏng vấn 2 lần tuỳ theo sự sắp xếp của người trả lời. Bên cạnh thông tin định tính, nghiên cứu cũng thu thập thông tin về đặc điểm nhân khẩu học của người trả lời và gia đình họ bằng các bảng hỏi có cấu trúc. Có tất cả 76 người di cư nam và nữ từ nông thôn ra hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và đang có ít nhất 1 con nhỏ dưới 8 tuổi đã tham gia vào nghiên cứu. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt, được ghi âm, chuyển sang dạng văn bản và dịch sang tiếng Anh. Mục tiêu của nghiên cứu này là nâng cao những hiểu biết về việc người di cư đã trải nghiệm về đời sống hôn nhân, về việc mang thai và nuôi nấng, dạy dỗ con cái của họ như thế nào, và tất cả những điều này đã có tác động như thế nào đến chất lượng cuộc sống của họ.

Tại buổi toạ đàm, nhóm nghiên cứu gồm TS. Catherine Locke, ThS. Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Gia đình và Giới) và ThS. Nguyễn Thị Ngân Hoa  đã trình bày những kết quả nghiên cứu chính của đề tài và giới thiệu các sản phẩm của nghiên cứu bao gồm 02 báo cáo nghiên cứu và báo cáo tóm tắt chính sách thứ nhất.

Theo kết quả nghiên cứu, việc những người di cư ra đô thị để lại con cái và vợ/chồng mình ở nông thôn đều phải đối mặt với những khó khăn nhất định vì mục đích để con cái họ có một tương lai tốt đẹp hơn. Những người cha và người mẹ di cư có những chiến lược khác nhau để lý giải cho quyết định di cư của mình và cho rằng sự vắng mặt của họ trong gia đình là vì hoạt động tạo thu nhập của hộ gia đình và là để thực hiện vai trò làm cha mẹ. Những cha mẹ vắng nhà thường thực hiện vai trò làm cha mẹ của mình từ xa thông qua các hoạt động như: gửi tiền về nhà, về thăm nhà, và nhiều cách thức khác để kiểm soát việc chăm sóc con cái như hỏi thăm qua người thân, cô giáo và bản thân các em. Tuy nhiên, họ cũng rất lo lắng về sự vắng mặt của mình sẽ có ảnh hưởng về tình cảm đối với các con. Dường như, họ đã có một cách nhìn nhận mới về quan niệm làm cha mẹ qua di cư và có nhiều dự tính khác nhau để một trong hai người (bố hoặc mẹ) trở về khi con cái bắt đầu đi học.

Những người vợ và người chồng di cư có sự thoả thuận đối với các chuẩn mực xã hội về vai trò giới. Người vợ thể hiện sự phụ thuộc vào người chồng theo một cách thiên về tình cảm hơn nhưng đồng thời cũng lo sợ về sự chung thuỷ của người chồng khi sống xa gia đình. Người chồng thường đưa ra những lý do kinh tế để giải thích về quyết định di cư hoặc quyết định chung sống với người khác trong thời gian di cư của mình. Họ cũng thể hiện sự tin tưởng vào tình cảm giữa vợ và chồng. Nhiều người chồng còn cho biết họ có quyền lực để duy trì sự kiểm soát đối với vợ.

Cả nam và nữ di cư đều liên hệ sự hiểu biết của họ về ý nghĩa của việc di cư với việc thể hiện trách nhiệm xã hội của họ (là người cha/mẹ và là người chồng/vợ). Đáng chú ý là cả nam và nữ di cư đều cảm nhận sâu sắc rằng việc sống xa gia đình làm tổn hại đến mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái, vì thế, họ đều khẳng định rằng họ đã phải đấu tranh về mặt tình cảm và tâm lý khi quyết định di cư.

Quan điểm của những người di cư về mối quan hệ hôn nhân và quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi di cư và để lại vợ/chồng con ở nông thôn gợi ra một điều rằng di cư giúp cải thiện cuộc sống của những người ở lại nhưng cũng có những điều phải đánh đổi. Đó là cuộc sống thiếu thốn về vật chất của người di cư, thiếu thốn tình cảm gia đình và người thân. Các thông tin thu thập được về mối quan hệ vợ chồng, trách nhiệm đối với gia đình, tình yêu, sự cảm thông và chia sẻ đã cho thấy thêm những cung bậc trong ý nghĩa của việc sống xa nhau và sống bên nhau.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu và nhóm tác giả đã cùng nhau thảo luận về các kết quả nghiên cứu chính của đề tài và những gợi ý về chính sách đối với người di cư. Nhóm tác giả đã nhận được nhiều ý kiến nhận xét và góp ý nhằm hoàn thiện báo cáo và mở ra các hướng nghiên cứu mới cho chủ đề nghiên cứu này trong tương lai.

Phát biểu tổng kết toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, chúc mừng nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đề tài nghiên cứu và có được nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa. Các kết quả nghiên cứu từ đề tài sẽ được phổ biến và chia sẻ với các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam nhằm xây dựng các chính sách phù hợp cho những người di cư và vấn đề di cư tại Việt Nam.

Chi tiết về các kết quả và sản phẩm của đề tài có tại địa chỉ:www.uea.ac.uk/dev/faculty/Locke/Research/LinkingMRW
 

Cẩm Nhung