Liên kết web
Số lượt truy cập

8

2938884

Tin hoạt động

Một thế giới đang già hóa: Báo cáo dân số toàn cầu năm 2008 (An aging world 2008 – International Population Reports)

09/07/2015
Báo cáo "Một thế giới đang già hoá" được Viện Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ về Người cao tuổi và Tổng cục Dân số Hoa Kỳ xuất bản năm 2009. Nguồn số liệu sử dụng trong báo cáo được phân tích và trích dẫn từ nguồn số liệu của Tổng cục Dân số Hoa Kỳ, Liên hiệp quốc, Văn phòng thống kê dân số của Uỷ ban châu Âu cũng như các cuộc Tổng điều tra dân số của các quốc gia khác cùng với nguồn số liệu được tổng hợp trong các tạp chí khoa học chuyên ngành. Mục tiêu của báo cáo là nhìn lại các số liệu thống kê dân số học trong vài thập kỷ qua để chỉ ra quá trình phát triển dân số của người cao tuổi, kết hợp với việc phân tích các đặc trưng kinh tế - xã hội của từng khu vực hay lãnh thổ để dự báo các xu hướng phát triển dân số trong tương lai.

Báo cáo gồm 11 chương, ngoài chương giới thiệu và chương kết luận, từ chương 2 đến chương 10 chỉ ra các xu hướng phát triển dân số trong bối cảnh dân số thế giới đang đối mặt với sự già hoá. Các xu hướng đó là: dân số thế giới đang già hoá trong khi quy mô dân số giảm; tuổi thọ trung bình nâng lên; tỷ lệ người từ 80 tuổi trở lên có xu hướng gia tăng; các căn bệnh không lây nhiễm của người cao tuổi trở thành mối quan ngại lớn liên quan đến tình trạng sức khoẻ và tuổi thọ con người; cấu trúc gia đình đang biến đổi; khuôn mẫu việc làm và hưu trí đang có sự điều chỉnh; hệ thống bảo hiểm xã hội dần dần được cải thiện; nhiều thách thức kinh tế nảy sinh. Ngoài ra, để có sự so sánh nhất quán, báo cáo tập trung phân tích nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên (ở một số quốc gia, một bộ phận dân số dưới 65 tuổi đã được coi là người cao tuổi).

Bản báo cáo chỉ ra dân số thế giới hiện đang đối mặt với tốc độ già hoá nhanh chóng và rộng khắp bởi tỷ lệ sinh suy giảm, hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho con người được cải thiện cùng với tuổi thọ trung bình được nâng lên, đồng thời, điều này cũng đưa đến nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Số liệu thống kê cho thấy từ giữa năm 2008, dân số từ 65 tuổi trở lên trên toàn thế giới là 506 triệu người, chiếm 7% tổng dân số thế giới. Trên thế giới mỗi tháng có thêm 870.000 người tham gia nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên. Dự báo đến năm 2040, dân số từ 65 tuổi trở lên có khoảng 1,3 tỷ người, chiếm 14% tổng dân số thế giới.

Các nhà dân số học đã sử dụng chỉ số già hoá (aging index) để đo mức độ "già" của dân số ở mỗi quốc gia. Chỉ số này đo lường tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên trên 100 trẻ em dưới 15 tuổi và được tính bằng công thức [65+/0-14] x 100. Riêng ở châu á, chỉ số này năm 2008 là 26 và dự báo sẽ tăng lên đến 84 vào năm 2040.

Tốc độ già hoá dân số cũng diễn ra khác nhau ở các khu vực trên thế giới. Nếu ở các quốc gia phát triển, tỷ lệ người cao tuổi đứng ở mức ổn định thì ở các quốc gia đang phát triển, mặc dù đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hoá dân số đang gia tăng đáng kể. So sánh giữa các khu vực trên thế giới, châu Âu được coi là lục địa "già" nhất và vùng phụ cận sa mạc Sahara (châu Phi) là khu vực "trẻ" nhất, quốc gia được coi là "già" nhất trên thế giới là Nhật Bản với trên 21% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Trình độ học vấn và biết chữ của người cao tuổi cũng là một chỉ báo được xem xét dưới góc độ dân số học vì nó liên quan trực tiếp đến khả năng tài chính và khả năng nhận thức của họ và gián tiếp liên quan đến mức độ sử dụng các hệ thống chăm sóc sức khoẻ và tuổi thọ của người cao tuổi. Trình độ học vấn có mối tương quan chặt chẽ với nghề nghiệp và thu nhập của người cao tuổi. Đồng thời với trình độ học vấn cao, con người biết cách chăm sóc sức khoẻ tốt hơn và chủ động hơn trong việc phòng ngừa các nguy cơ bệnh tật. So sánh giữa các khu vực trên thế giới, người cao tuổi ở các quốc gia đang phát triển có trình độ học vấn kém hơn và tỷ lệ không biết chữ cao hơn. Dự báo trong tương lai trình độ học vấn của người cao tuổi ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, các vấn đề như nhận thức trong chăm sóc sức khoẻ bản thân và nhận thức vể kiểm soát khả năng tài chính cho người cao tuổi cũng sẽ là những vấn đề được sự quan tâm của xã hội.

Quá trình già hoá dân số khiến cho con người chú trọng nhiều hơn đến các vấn đề liên quan đến tuổi thọ và tình trạng sức khoẻ của người cao tuổi. Số liệu thống kê cho thấy tuổi thọ con người ngày càng được cải thiện và tỷ lệ tử vong trên toàn thế giới giảm dần so với trước đây. Hiện nay đã có 11 quốc gia có tuổi thọ trung bình trên 80 tuổi. Mặc dù tuổi thọ trung bình ngày càng tăng nhưng chất lượng cuộc sống của người cao tuổi mới là vấn đề được thảo luận nhiều hơn. Các nhà dân số học thường đặt câu hỏi là khi con người sống lâu hơn thì họ có sống khoẻ mạnh không. Số liệu thống kê cho thấy mặc dù tỷ lệ người cao tuổi tăng lên nhưng tỷ lệ người rơi vào tình trạng khuyết tật cũng có xu hướng cao hơn do họ phải đối mặt với rủi ro về sức khoẻ và bệnh tật khi bước vào độ tuổi 65.

Thống kê về tình trạng sức khoẻ của người cao tuổi cho thấy các căn bệnh không lây nhiễm ở nhóm dân số trên 65 tuổi có xu hướng gia tăng. Năm 2002, đây là nguyên nhân của 85% các trường hợp tử vong ở các nước phát triển và 44% ở các nước đang phát triển. Các căn bệnh về tim mạch như đột quỵ, đau tim, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của người cao tuổi. Đứng thứ hai là các bệnh về ung thư, trong đó, ung thư phổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 30% trong các loại ung thư của nam giới và 12% trong các loại ung thư của nữ giới. Ngoài ra, bệnh béo phì cũng là một trong nhiều nhân tố cản trở việc kéo dài tuổi thọ của con người. Thống kê về nguyên nhân tử vong và tình trạng sức khoẻ của người cao tuổi gợi ra cho các nhà hoạch định chính sách về việc cần có một chiến lược y tế cho người cao tuổi hướng đến các căn bệnh không lây nhiễm. Ngoài ra, bản báo cáo cũng dự báo sẽ có những thay đổi căn bản trong việc xây dựng và chi phí cho hệ thống y tế - chăm sóc sức khoẻ ở nhiều quốc gia do tác động của già hoá dân số.

Về sự cân bằng giới tính, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là tỷ lệ giới tính ở người cao tuổi luôn luôn thiên lệch về phụ nữ. Số liệu thống kê trên toàn thế giới năm 2008 cho thấy số phụ nữ trên 65 tuổi nhiều hơn nam giới đến 65 triệu người và điều này cũng có nghĩa rằng phần lớn người cao tuổi là phụ nữ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các khuôn mẫu về hôn nhân và cách sắp xếp cuộc sống của người cao tuổi.

Về khuôn mẫu hôn nhân, nam giới cao tuổi dễ có xu hướng có gia đình trong khi phụ nữ cao tuổi phần lớn là những người goá bụa. Tình trạng goá bụa có nguy cơ tăng lên khi con người bước vào tuổi 65 và nó gắn liền với những tác động tiêu cực về mặt tâm lý như trầm cảm, cô đơn và buồn chán. Một nghiên cứu thực hiện ở nhiều quốc gia năm 2007 cho thấy có 60 đến 85% nam giới trên 65 tuổi hiện đang có gia đình và thậm chí nam giới ở tuổi từ 75 trở lên cũng có đến 70% đang có gia đình. Ngược lại, chỉ có khoảng 30-40% phụ nữ 65 tuổi trở lên hiện đang có gia đình và với những phụ nữ từ 75 tuổi trở lên, tỷ lệ này là 20%.

Sự khác biệt giới về khuôn mẫu hôn nhân ở người cao tuổi là do nhiều nguyên nhân liên quan đến văn hoá cũng như tâm lý hành vi. Các nhà phân tích chỉ ra một là phụ nữ cao tuổi luôn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới; hai là phụ nữ có khuynh hướng kết hôn với đàn ông lớn tuổi hơn mình; ba là ở nhiều quốc gia và nhiều nền văn hoá, chuẩn mực văn hoá ủng hộ nam giới goá vợ tái hôn hơn là phụ nữ goá chồng tái hôn; bốn là phụ nữ nói chung có khả năng chịu đựng tốt hơn nam giới khi gặp phải những biến động trong đời sống hôn nhân. Trong tương lai, khoảng cách giới về khuôn mẫu kết hôn của người cao tuổi được dự báo là sẽ thu hẹp dần.

Tỷ lệ giới tính của người cao tuổi cũng liên quan đến cách thức sắp xếp và tổ chức cuộc sống. Tình trạng hôn nhân, mối quan hệ họ hàng, tình trạng sức khoẻ, khả năng tài chính và sở thích cá nhân là những yếu tố ảnh hưởng đến khuôn mẫu sắp xếp cuộc sống của người cao tuổi. Khuôn mẫu sắp xếp cuộc sống phản ánh mức độ hài lòng về cuộc sống, tình trạng sức khoẻ và hoạt động giao tiếp xã hội của người cao tuổi. Giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển có sự khác nhau. ở các quốc gia phát triển, người cao tuổi (chủ yếu là phụ nữ) sống đơn thân trong khi ở các quốc gia đang phát triển, người cao tuổi sống cùng con cháu do tác động của chuẩn mực văn hoá, đặc biệt lòng hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ già vẫn là một giá trị gia đình được tôn trọng ở nhiều quốc gia châu á. Ví dụ ở Bangladesh có đến 80% người cao tuổi hiện đang sống cùng con cháu. ở nông thôn Trung Quốc, mô hình gia đình nhiều thế hệ vẫn còn phổ biến. Lý giải về điều này, các nhà phân tích cho rằng mô hình người cao tuổi sống cùng con cháu ở các quốc gia đang phát triển không chỉ do chuẩn mực văn hoá quy định mà còn do hệ thống chăm sóc xã hội cho người cao tuổi vẫn còn thiếu hoặc mới được hình thành, trong khi ở các quốc gia phát triển thì hệ thống này đã tương đối hoàn thiện. Dự báo trong tương lai, mô hình chung sống nhiều thế hệ trong một gia đình sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó thì mô hình chung sống của người cao tuổi với cháu sẽ trở nên phổ biến ở các quốc gia châu Phi vùng phụ cận Sahara bởi hai nguyên nhân: một là tỷ lệ tử vong của thế hệ dân số ở độ tuổi trung niên tăng lên do tác động của HIV/AIDS và hai là số lượng thanh niên nông thôn di cư ra thành thị ngày càng nhiều.

Hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi thường bao gồm các nhà dưỡng lão và dịch vụ chăm sóc tại gia, đôi khi có cả nhà tế bần. Trong số các dịch vụ thuộc về hệ thống chăm sóc, nhà dưỡng lão trước đây là ưu tiên cao nhất nhưng sau này các dịch vụ chăm sóc tại gia có xu hướng phát triển mạnh hơn và nhu cầu sử dụng nhà dưỡng lão đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Việc sử dụng hệ thống chăm sóc và hỗ trợ cho người cao tuổi rất khác nhau giữa các nhóm xã hội và phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân, tình trạng sức khoẻ, điều kiện kinh tế của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, người cao tuổi ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển có mức độ sử dụng hệ thống chăm sóc của xã hội cao hơn nhiều so với các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Xu hướng chung của nhiều quốc gia đang phát triển là họ cần phải có những chính sách mới phù hợp với những thay đổi về đặc điểm dân số của xã hội khi tỷ lệ sinh ngày càng thấp, nghĩa là nguồn lực chăm sóc người cao tuổi chắc chắn suy giảm.

Bên cạnh hệ thống công chăm sóc cho người cao tuổi, một nguồn lực chăm sóc khác cần quan tâm là con cái đã trưởng thành. Vì vậy, khi tỷ lệ sinh giảm xuống và số lượng các cặp vợ chồng không có con tăng lên, tất yếu dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lực chăm sóc cho người cao tuổi. Chính sách dân số của Trung Quốc là một trong những ví dụ điển hình nhất để phản ánh mối quan ngại của các nhà phân tích cũng như hoạch định chính sách. Theo đó, dưới ảnh hưởng của chính sách một con, mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc hai bên nội ngoại, nghĩa là bốn thành viên cao tuổi trong gia đình sẽ phụ thuộc vào hai thành viên trong độ tuổi lao động.

Người cao tuổi không chỉ nhận hỗ trợ của xã hội và con cháu mà còn góp phần trợ giúp cho con cháu theo nhiều cách thức khác nhau. ở các quốc gia có hệ thống hưu trí và an sinh xã hội phát triển, người cao tuổi có thể hỗ trợ cho con cháu về tài chính, nhà cửa và chia sẻ kinh nghiệm sống. ở các quốc gia đang phát triển, người cao tuổi có xu hướng nhận hỗ trợ về tài chính từ con cái nhiều hơn mức độ họ có thể giúp đỡ con cái. Tuy vậy, họ có đóng góp không kém phần quan trọng như trông nhà, chăm sóc cháu nhỏ và ở nông thôn họ thậm chí còn tham gia lao động. Nghiên cứu ở một số quốc gia châu á cho thấy 38% người cao tuổi ở Philipin và 23% ở Đài Loan có chăm sóc cháu. Trong số những người cao tuổi sống cùng với con cháu ở Thái Lan có 32% giúp chăm sóc cháu và con số này ở Singapore là 70%. Nhìn chung trên toàn thế giới, vai trò của người cao tuổi trong việc chăm sóc cháu nhỏ rất được đề cao, ở cả nước phát triển cũng như đang phát triển.

Về khả năng hỗ trợ của xã hội cho người cao tuổi, báo cáo chỉ ra mức độ phụ thuộc xã hội của người cao tuổi vào lực lượng lao động sẽ ngày càng tăng lên. Tỷ lệ này được tính bằng số lượng người cao tuổi trên 100 dân số trong độ tuổi lao động (được quy định là từ 20-64 tuổi). Tỷ lệ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phản ánh cơ cấu tuổi và nhu cầu hỗ trợ của mỗi quốc gia, vì không chỉ có người cao tuổi mà trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi cũng là những người phụ thuộc vào lực lượng lao động. Hai tỷ lệ này cộng lại sẽ có được con số tỷ lệ phụ thuộc tổng hợp đối với lực lượng lao động. Ví dụ ở Nhật Bản và Mianma có tỷ lệ phụ thuộc tổng hợp bằng nhau (67/100) nhưng ở Nhật Bản tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi là 36/100, cao hơn tỷ lệ 31/100 của trẻ em và thanh thiếu niên, trong khi ở Mianma thì tỷ lệ phụ thuộc người cao tuổi là 9/100, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ phục thuộc 58/100 của trẻ em và thanh thiếu niên.

Do tốc độ già hoá dân số ngày càng tăng nên tỷ lệ người cao tuổi tham gia lực lượng lao động sẽ tăng lên trong tương lai. ở một số quốc gia như Nhật Bản, tỷ lệ người trên 65 tuổi vẫn tham gia lao động vượt quá 30% tổng lực lượng lao động. Ngoài ra, tính chung trên toàn thế giới thì nam giới cao tuổi tham gia hoạt động tích cực hơn nữ giới, một phần là do phụ nữ ít có cơ hội tham gia thị trường lao động hơn so với nam giới bởi họ ở nhà làm nội trợ hoặc tham gia vào hoạt động không được tính công. Hoạt động nông nghiệp vẫn là xu hướng chủ đạo trong các loại hình nghề nghiệp của người cao tuổi do tỷ lệ lớn người cao tuổi sống ở nông thôn và tuổi nghỉ hưu chỉ dành cho một bộ phận dân số. ở một số quốc gia phát triển, hình thức việc làm bán thời gian được nhiều người cao tuổi lựa chọn như là một cầu nối trước khi họ chính thức nghỉ hưu. Xu hướng chung ở một số quốc gia là lực lượng lao động ngày càng giảm bớt do tốc độ già hoá dân số và tỷ lệ người phụ thuộc ngày càng tăng. Vì thế, các quốc gia này đang đề xuất điều chỉnh tuổi về hưu theo xu hướng tăng lên để có thêm lực lượng lao động cho nền kinh tế.

Việc cải cách tuổi nghỉ hưu tất yếu sẽ dẫn đến những thay đổi về chế độ lương hưu và an sinh xã hội cho người cao tuổi. Chế độ lương hưu cho người cao tuổi ở các quốc gia phát triển hiện tại bao cấp cho đến 90% người lao động trong khi ở các quốc gia đang phát triển, số lượng người cao tuổi được hưởng lương hưu thấp hơn nhiều, và thậm chí chỉ giới hạn đối với những người làm việc ở khu vực chính thức. Lao động nông nghiệp hầu như không có chế độ lương hưu. Chế độ lương hưu hiện nay có xu hướng chuyển từ quan điểm "lợi ích" sang quan điểm "đóng góp". Điều này có nghĩa là hệ thống lương hưu trước đây phụ thuộc vào việc đóng thuế (theo quan điểm "lợi ích") thì đến nay sẽ phụ thuộc vào mức độ đóng góp của người lao động đối với nền kinh tế và được tính lãi suất theo thời gian (theo quan điểm "đóng góp"). Như vậy, đến khi nghỉ hưu người lao động được hưởng lương hưu dựa trên thu nhập cá nhân trong thời gian họ còn đi làm.

Hệ thống an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói của người cao tuổi thông qua chế độ trợ cấp. Các chế độ này có nhiều khác biệt về dân số được bảo hiểm, nguyên tắc xác định tiêu chuẩn và hình thức phúc lợi, do đó, không thể thực hiện so sánh chi tiết và rất khó tiến hành phân tích cho từng quốc gia cụ thể. Phổ biến nhất là chính sách trợ cấp cho người cao tuổi khi họ ở một ngưỡng tuổi nào đó (tuỳ thuộc vào từng quốc gia). Tuy nhiên chính sách trợ cấp cho người cao tuổi cũng là vấn đề gây tranh cãi khi nó đưa đến một số lợi ích trong việc cải thiện sinh kế cho người cao tuổi, cải thiện tình trạng nghèo nhưng đồng thời cũng dẫn đến những bất lợi liên quan đến hiệu quả kinh tế nếu nguồn hỗ trợ được sử dụng cho các nhóm xã hội khác. Do vậy, nhiều quốc gia hiện đang tính đến một trụ cột mới cho hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Tóm lại, "một thế giới đang già hóa" là một báo cáo dân số toàn cầu với những số liệu phân tích liên quan đến mức độ, tỷ lệ và các đặc trưng xã hội của người cao tuổi. Việc gia tăng tỷ lệ người cao tuổi trên toàn thế giới một mặt phản ánh những tiến bộ của nhân loại về y học, mức độ phát triển của xã hội cũng như các thành tựu kinh tế. Mặt khác, sự già hoá dân số cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề liên quan đến hệ thống trợ cấp hưu trí và an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ xã hội. Báo cáo cung cấp một khối lượng đáng kể các dữ liệu thống kê dân số học cùng với những phân tích gắn liền với đặc trưng kinh tế xã hội của quốc gia, lãnh thổ, khu vực và có những gợi ý về mặt chính sách để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người cao tuổi.

Phùng Thị Kim Anh (giới thiệu)


Các tin cũ hơn.................................................