- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
46
2857533
Sách "Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân, gia đình giữa các thế hệ người Việt Nam hiện nay". Tác giả: GS. Lê Thi. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2009
09/07/2015Trong cuộc sống thường ngày, việc nam nữ kết hôn, lập gia đình diễn ra rất đa dạng, phong phú về hình thức, phức tạp về nội dung và luôn biến động. Quá trình này mang ý nghĩa triết học có tính văn hoá của các thế hệ người Việt Nam. Những yếu tố văn hoá này đã tác động đến từng cá nhân, nhiều khi còn mạnh hơn các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Hôn nhân gia đình là những thiết chế hết sức quan trọng đối với cuộc sống của từng cá nhân, dòng họ và đối với toàn xã hội, do những chức năng vô cùng to lớn, trọng đại mà nó được giao phó. |
Mục tiêu của cuốn sách là tìm hiểu những quan niệm nhận thức về hôn nhân gia đình của các thế hệ hiện nay để giúp chúng ta có cách nhìn mới về vấn đề này trong hoàn cảnh đổi mới của Việt Nam. Kết quả khảo sát đã cho thấy rõ sự đồng thuận và sự khác biệt của các thế hệ người Việt Nam trong quan niệm nhận thức về hôn nhân gia đình hiện nay.
Sách gồm 4 chương. ở chương I, tác giả đã đưa ra một số khái niệm cơ bản như khái niệm thế hệ, khái niệm nhận thức và quan niệm về hôn nhân gia đình. Đặc điểm khác nhau giữa 3 thế hệ: trẻ, trung niên và cao tuổi. Những sự kiện kinh tế chính trị văn hoá quan trọng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các thế hệ Việt Nam hiện nay. Các chương II, III và IV trình bày kết quả khảo sát thực tế về quan niệm nhận thức của các thế hệ Việt Nam về hôn nhân gia đình hiện nay. Cuộc khảo sát được tiến hành cuối năm 2007, đầu năm 2008 tại hai điểm của thành phố Hà Nội gồm phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng và xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngoài ra còn 2 điểm ở tỉnh Hưng Yên là xã Mễ Sở, huyện Văn Giang và thị trấn Văn Giang. Cuộc khảo sát gồm phỏng vấn định lượng 400 người và các phương pháp định tính qua các cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm về hôn nhân gia đình.
Kết quả khảo sát tại 4 điểm thuộc đồng bằng sông Hồng về quan niệm và nhận thức về hôn nhân gia đình của các thế hệ Việt Nam hiện nay tập trung vào ba nội dung chính: a) Những vấn đề đặt ra khi kết hôn; b) Quan niệm về tổ chức cuộc sống gia đình sau khi kết hôn và c) Quan niệm về hạnh phúc gia đình và giải pháp xây dựng hạnh phúc gia đình.
Những nội dung nổi bật của cuốn sách bao gồm:
1/ Quan niệm chung của cả ba thế hệ, ở thành phố và nông thôn, cả nam và nữ là rất coi trọng vấn đề hôn nhân và gia đình. Hôn nhân là cơ sở để đôi nam nữ xây dựng và củng cố gia đình, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm đôi bên, đặc biệt bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái họ sinh ra. Vì vậy, số đông người cả ba thế hệ phản đối việc sống thử, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
2/ Về lựa chọn bạn đời, thế hệ trẻ ngày càng có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc, tìm hiểu nhau, họ tự tìm hiểu là chính, mà không phải do sự mối lái của gia đình, cha mẹ hay họ hàng giới thiệu. Họ quyết định việc kết hôn và cố tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cha mẹ. Như vậy đã có sự thay đổi về quyền lực của cha mẹ đối với con cái xoay quanh việc kết hôn. Quyền tự do cá nhân của thế hệ trẻ đã được khẳng định trong việc lựa chọn bạn đời.
3/ Về tiêu chuẩn chọn vợ chọn chồng của thế hệ trẻ, số đông nêu rõ là tư cách đạo đức là tiêu chuẩn hàng đầu trong việc lựa chọn. Họ coi trọng người có nghề nghiệp ổn định, biết làm ăn. Họ cũng coi trọng hình dáng của người bạn đời mình chọn. Xinh gái, đẹp giai cũng là một tiêu chuẩn thường được thanh niên ở thành phố chú ý.
So với thế hệ trung niên và cao tuổi, thế hệ trẻ ngày nay không xem trọng vấn đề môn đăng hộ đối giữa hai gia đình nội ngoại. Họ quan niệm lấy vợ lấy chồng chứ không phải lấy gia đình nội ngoại. Mặc dù vậy, thế hệ trung niên và cao tuổi còn quan tâm ít nhiều đến vấn đề này.
4/ Về các thủ tục cưới xin, cả ba thế hệ đều muốn giữ lại các thủ tục truyền thống như chạm ngõ, ăn hỏi, tổ chức đám cưới, đăng kí kết hôn. Đồng thời cũng nhiều thế hệ cho rằng tổ chức cưới xin hiện nay còn rườm rà, tốn kém cần giản tiện hơn để tránh cho đôi vợ chồng trẻ và cùng cha mẹ họ phải trả nợ sau này.
5/ Về quan hệ giữa hai vợ chồng, đặc biệt ở thế hệ trẻ có nhiều tiến bộ so với thế hệ trung niên và cao tuổi. Họ sống bình đẳng với nhau, cùng làm ăn, nuôi dạy con cái, chia sẻ việc nhà. Tuy nhiên người chồng thường làm chủ hộ gia đình, nên có ưu thế hơn vợ trong việc quyết định những công việc trọng đại của gia đình, cũng như trong việc sở hữu và sử dụng tài sản lớn của gia đình. Đây là cơ sở để duy trì sự bất bình đẳng về giới, sự áp đặt quyền lực của người chồng trong những vấn đề quan trọng cũng như trong quan hệ sinh hoạt thường ngày trong gia đình.
6/ Về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Mong muốn lớn nhất của số đông cha mẹ là con cái được học hành, lớn lên có nghề nghiệp ổn định và có gia đình hạnh phúc. Nỗi lo lắng lớn nhất của họ là sợ con cái sa vào các tệ nạn xã hội đang diễn ra trong xã hội ta hiện nay. Do tư tưởng trọng nam khinh nữ ở nhiều gia đình vẫn muốn sinh được con trai, phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên. Do đó nhiều gia đình đã phá vỡ kế hoạch vì cố theo đuổi việc sinh con trai và nạo phá thai khi biết mình đang mang thai nhi nữ, khiến việc mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng.
7/ Về mối quan hệ giữa ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu, vấn đề đặt ra là nên sống chung hay nên sống riêng. Thực tế là phải có những điều kiện cần thiết mới có cuộc sống chung thuận tiện và êm đẹp. Vì vậy xu hướng chung của cả thế hệ trẻ và già là sống gần nhau, không nhất thiết phải chung sống dưới một mái nhà trong một không gian chật hẹp.
8/ Cuộc sống gia đình khó tránh khỏi có mâu thuẫn, xung đột giữa các thành viên. Việc sử dụng bạo lực vẫn tồn tại trong một số gia đình khi gặp mâu thuẫn, thường là chồng đánh vợ con, vợ mắng mỏ, chì chiết chồng con Để giải quyết xung đột mâu thuẫn, các thế hệ thường nhấn mạnh việc vợ chồng phải nhường nhịn nhau khi xảy ra xung đột "một điều nhịn chín điều lành", không giành phần thắng về mình. Đồng thời mỗi người phải tự rút kinh nghiệm, tự nhận lỗi khi phạm sai lầm, đặc biệt là tránh dùng bạo lực, bạo lực tinh thần cũng như bạo lực thân thể. Đây là điểm tồn tại đang đe dọa, phá hoại sự ổn định của gia đình, dẫn đến tỷ lệ ly hôn đang gia tăng ở nước ta trong đó phụ nữ đứng đơn ly hôn vượt trội hơn nam giới.
9/ Quan niệm về hạnh phúc gia đình của các thế hệ đều thống nhất về cơ bản là vợ chồng bình đẳng, sống chung thuỷ, thương yêu nhau, kinh tế đủ ăn đủ tiêu, con cái ngoan ngoãn, hai bên nội ngoại yên ấm. Đồng thời theo họ yếu tố quan trọng nhất là vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, sống bình đẳng với nhau.
10/ Giải pháp quan trọng nhất để xây dựng hạnh phúc gia đình theo họ là phải tự phấn đấu. Sự giúp đỡ của cha mẹ, họ hàng, cộng đồng thôn xóm cũng như chính quyền địa phương là thứ hai, chủ yếu để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tự phấn đấu vươn lên xây dựng gia đình hạnh phúc.
Điểm qua những nhận thức của cả ba thế hệ ở bốn điểm khảo sát, cuốn sách nhấn mạnh rằng những chuẩn mực văn hoá truyền thống tốt đẹp vẫn thể hiện khá rõ trong cuộc sống của đông đảo người dân Việt Nam, đặc biệt là việc họ xem trọng các giá trị của hôn nhân gia đình. Đồng thời giá trị cá nhân ngày càng được đề cao, người phụ nữ được chủ động hơn trong cuộc sống gia đình. ở đây có sự gắn kết giữa những giá trị của hôn nhân gia đình truyền thống với những giá trị văn hoá hiện đại, đặc trưng cho định hướng văn hoá mới của lớp trẻ hiện nay.
Từ kết quả nghiên cứu trên đây, đã có một số đề nghị như sau:
a. Tăng cường việc bồi dưỡng giáo dục cho thế hệ trẻ một số kiến thức trước khi lập gia đình và kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình sau khi kết hôn.
b. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống lại bạo lực trong gia đình.
c. Thúc đẩy cuộc vận động chống việc phân biệt đối xử giữa con trai và con gái trong gia đình và chống sự bất bình đẳng về giới trong quan hệ đối xử giữa vợ và chồng. Đồng thời kiến nghị với Nhà nước đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Nhìn một cách khái quát, tác phẩm "Sự tương đồng và khác biệt về quan niệm hôn nhân gia đình của các thế hệ người Việt Nam hiện nay" đã cung cấp cho người đọc những kiến thức bổ ích, đồng thời đã phác hoạ một bức tranh về thực tế sống động của sinh hoạt hôn nhân gia đình của các thế hệ người Việt Nam hiện nay.
Các tin cũ hơn.................................................
- Sách: Sự tiếp nối và biến đổi các mối quan hệ gia đình: Lý thuyết, Phương pháp và các phát hiện từ nghiên cứu thực nghiệm (Continuity and Change in Family Relations: Theory, Methods, and Empirical Findings) (09/07/2015)
- Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ đóng góp cho Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 (09/07/2015)
- Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới trong pháp luật về lao động” (09/07/2015)
- Toạ đàm công bố kết quả nghiên cứu: “Di cư, sức khoẻ sinh sản và cuộc sống: Tìm hiểu những chiến lược của người di cư tự do từ nông thôn ra đô thị ở Việt Nam” (09/07/2015)
- Tại sao hoạt động chăm sóc có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển xã hội (Why Care Matters for Social Develpment) (13/08/2015)
- Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của di dân (22/07/2015)
- Hội thảo khoa học “Nữ trí thức Việt Nam đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (09/07/2015)
- Tìm hiểu thực trạng và xây dựng quy trình phối hợp liên ngành về ngăn ngừa, phát hiện, xử lý và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục (22/07/2015)