Liên kết web
Số lượt truy cập

52

2857507

Tin hoạt động

Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới trong pháp luật về lao động”

09/07/2015
Trong hai ngày, 10-11/6/2010, tại Hải Phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho hai bản dự thảo báo cáo nghiên cứu gợi ý chính sách về bình đẳng giới trong luật pháp Việt Nam: 1) Chính sách pháp luật lao động nhìn dưới góc độ bình đẳng giới; và 2) Đánh giá việc thực hiện các công ước quốc tế về phân biệt đối xử trong việc làm, nghề nghiệp và trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho công việc có giá trị ngang nhau tại Viện Nam.

Khai mạc Hội thảo, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới cho biết: Hai nghiên cứu này là một hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện trong khuôn khổ Dự án Ô "Chương trình hợp tác chung giữa chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về bình đẳng giới". Hai nghiên cứu này đã được các chuyên gia về giới thực hiện với sự tài trợ của ILO. Hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà lập chính sách và những cán bộ thực hiện các chính sách về lao động tại cơ quan, xí nghiệp trước khi chính thức công bố báo cáo.

Bà Jonna Naumanen, Cán bộ chương trình về Giới của ILO đã phát biểu chào mừng Hội thảo. Bà cho biết: Phụ nữ hiện nay đã đảm nhiệm nhiều công việc xã hội, theo các báo cáo nghiên cứu, phụ nữ vẫn bị nhận lương thấp hơn, giờ làm cao hơn nam. Ở khu vực việc làm phi chính thức, phụ nữ chiếm số đông, làm nhiều giờ, năng suất cao nhưng họ không được quan tâm và việc bảo trợ cho họ rất kém. Do vậy, để đảm bảo quyền bình đẳng trong việc làm, trước tiên cần phải đảm bảo sự bình đẳng trong thị trường lao động, nâng cao vị trí và vai trò của phụ nữ cũng như đảm bảo các quyền lợi mà họ được hưởng. Xuất phát từ lý do đó, ILO tài trợ để thực hoànhiện 2 báo cáo để đánh giá về thực trạng bình đẳng giới của phụ nữ trong các chính sách pháp luật, đánh giá việc thực hiện các công ước quốc tế về bình đẳng giới trong việc làm và trả công, đưa ra các khuyến nghị về chính sách, luật pháp để đảm bảo bình đẳng cho lao động nữ.

Trình bày báo cáo: "Đánh giá việc thực hiện các công ước quốc tế về phân biệt đối xử trong việc làm nghề nghiệp và trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho mọi công việc có giá trị ngang nhau", các tác giả đã tập trung xem xét, phân tích thực trạng nội luật hóa các quy định của Công ước quốc tế số 100, Công ước quốc tế số 111, và Công ước CEDAW trong pháp luật Việt Nam.

Các tác giả cho biết, Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong việc thực hiện các cam kết của mình đối với công ước quốc tế. Những nỗ lực đó thể hiện rõ ở việc ngày càng hoàn thiện hệ thống chính sách luật pháp nhằm tạo ra những cơ sở pháp lý đầy đủ, bền vững cùng những thiết chế hiệu quả đảm bảo cho bình đẳng giới trong việc làm. Trong khuôn khổ pháp luật, người lao động nữ không bị phân biệt đối xử về giới tính trong lĩnh vực việc làm như tuyển dụng lao động, sử dụng lao động, đảm bảo việc làm và trả lương.

Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng luật vẫn tạo ra sự bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực nêu trên. Điều này được thể hiện rất rõ ở các cơ hội tuyển dụng, đảm bảo việc làm, điều kiện lao động, tập huấn nâng cao trình độ tay nghề, thăng tiến, hưu trí của nữ thường thiệt thòi hơn nam giới...

Trong tuyển dụng, mặc dù hầu hết các doanh nghiệp không còn đề ra chỉ tiêu phân biệt giới, nhưng do phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn nam giới, nên phụ nữ thường vào làm những nghề có thu nhập thấp, nam giới thường vào làm những nghề có thu nhập cao hơn. Vấn đề thăng tiến, cơ hội học tập thường được các doanh nghiệp lựa chọn theo các tiêu chí trình độ học vấn, quá trình làm việc liên tục, sự đóng góp công sức cho doanh nghiệp... nam giới thường dễ đạt được các tiêu chí này, còn phụ nữ, do yếu tố sức khỏe, yếu tố gia đình, trách nhiệm giới tính trong nuôi con nhỏ nên khó được cất nhắc, phát triển. Tuổi về hưu của phụ nữ trước nam giới 5 năm (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) là một vấn đề có tính hai mặt: một mặt nó phù hợp với những phụ nữ lao động trực tiếp, vì ở tuổi 55 sức khỏe của phụ nữ bị giảm sút nghiêm trọng, việc nghỉ hưu sớm là một việc làm phù hợp; mặt khác nó hạn chế sự thăng tiến của phụ nữ ở những năm cuối và làm lương hưu của phụ nữ kém hơn nam giới...

Trình bày báo cáo : "Chính sách pháp luật lao động và các chương trình, mục tiêu quốc gia nhìn dưới góc độ bình đẳng giới", các tác giả đi sâu vào xem xét, rà soát thực trạng nhạy cảm giới trong Bộ luật Lao động và những luật pháp, chính sách liên quan; xác định những khó khăn, rào cản dựa trên cơ sở giới ở 5 lĩnh vực quan trọng: Đào tạo nghề; Lao động và việc làm; Quan hệ lao động; An toàn-vệ sinh lao động; và Bảo trợ xã hội xóa đói giảm nghèo.

Thực tế cho thấy, các luật pháp, chính sách hầu như không có sự phân biệt giới, một số chính sách luật pháp còn dành ưu tiên cho phụ nữ như chế độ thai sản, con ốm; danh mục một số công việc cấm phụ nữ vì nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ của người con, và sự ưu tiên nữ về hưu năm 55 tuổi. Tuy nhiên, quá trình thực triển khai chính sách lại gây ra sự phân biệt giới trong cả 5 lĩnh vực được nghiên cứu, và phụ nữ, đứng trên góc nhìn giới, vẫn là những người chịu thiệt thòi hơn.

Vấn đề nổi cộm ở đây là danh mục ngành nghề cấm đối với phụ nữ và chế độ thai sản. Danh mục ngành nghề cấm hiện nay cản trở phụ nữ, gây ra sự bất bình đẳng đối với họ trong việc tiếp cận những việc làm có thu nhập cao hơn. Vấn đề nghỉ thai sản và con ốm ảnh hưởng mạnh đến việc tính thời gian liên tục công tác trong chọn lựa cán bộ tham gia các khóa tập huấn, trong công tác khen thưởng, lựa chọn cán bộ vào các vị trí quan trọng...

Các đại biểu của Hội thảo đã đánh giá cao hai nghiên cứu này về việc phân tích luật pháp Việt Nam, nhận diện thực trạng bất bình đẳng giới trong việc làm, trả lương và những phát hiện đưa ra. Đồng thời, các đại biểu cho rằng: Việc giữ tuổi về hưu của nữ ở 55 tuổi hiện nay vẫn cần thiết; sức khỏe người phụ nữ hiện nay vẫn còn kém hơn nam giới và phần đông phụ nữ làm ở công tác lao chân tay, họ vẫn muốn về hưu sớm vì khó đảm nhiệm nổi các công việc được giao. Vấn đề là cần nghiên cứu sửa đổi các chính sách về lương, bổ nhiệm cán bộ để hạn chế thiệt thòi cho phụ nữ khi họ về hưu sớm. Về lâu dài, khi sức khỏe của phụ nữ được cải thiện, có thể tiến tới nâng cao tuổi về hưu của nam và nữ bằng nhau; tuy nhiên việc này cần có một lộ trình phù hợp.

Danh mục nghề cấm phụ nữ làm việc hiện nay đã có dấu hiệu hạn chế phụ nữ làm những công việc có thu nhập cao. Nhiều công việc trước đây thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe và sức khỏe sinh sản của phụ nữ  nhưng do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng không còn gây hại đến phụ nữ nữa; do vậy danh mục này cần phải xem xét, điều chỉnh và bổ sung thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, cần phải lập ra một danh mục ngành nghề khác cấm nam giới vì một số công việc ảnh hưởng đến sức khỏe và sức khỏe sinh sản của nam giới nhiều hơn phụ nữ.

Sinh đẻ là nhiệm vụ sinh học của phụ nữ, việc nghỉ đẻ là cần thiết, tuy nhiên cần có chính sách không để cho thời gian nghỉ đẻ làm hạn chế việc thăng tiến của phụ nữ (một gợi ý được đưa ra: khi chọn cán bộ tham gia công tác liên tục 2 năm để tham gia lớp đào tạo, nếu phụ nữ nghỉ đẻ trong thời gian đó vẫn được coi là đang tham gia công tác liên tục). Tiến tới, nếu phúc lợi xã hội tăng lên, cần nghiên cứu chế độ cho người bố nghỉ người vợ sinh con và chăm sóc con ốm...

Các tác giả của hai báo cáo trên đánh giá các ý kiến đóng góp là rất quý báu, giúp cho các tác giả nhìn nhận được nhiều phần về các góc cạnh của vấn đề, gợi ý một số ý tưởng và phát hiện những sai sót mà báo cáo đã mắc phải. Các tác giả ghi nhận ý kiến và sẽ cân nhắc, chỉnh sửa để báo cáo chính xác, hoàn thiện hơn khi công bố chính thức.

Nguyễn Đức Tuyến