Liên kết web
Số lượt truy cập

17

2034889

Tin hoạt động

Nghịch lý hôn nhân ở Đông á - Emiko Ochiai

09/07/2015
“Các xã hội không bền vững: Sự thua cuộc của chủ nghĩa gia đình ở Đông á” là tựa đề một bài viết của Emiko Ochiai được đăng tải trên tạp chí Historical Social Research, số 2, quyển 36, năm 2011. Theo tác giả bài viết, mức sinh ở một số xã hội Đông á đã giảm tới mức kỷ lục. Câu hỏi đặt ra ở đây là: (1) Phải chăng Đông á đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học lần thứ hai như ở châu Âu? và (2) Liệu chủ nghĩa cá nhân có phải là nguyên nhân cho những thay đổi như vậy không? Có và không là câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất, bởi những thay đổi về mặt dân số gần đây đang diễn ra ở Đông á có những điểm tương đồng như ở châu Âu và Bắc Mỹ, tuy có những khác biệt đáng kể về mặt bản chất. Khác với ở châu Âu, nơi mà sống chung đã thay thế cho hôn nhân, hôn nhân ở Đông á là một thiết chế không hề bị sứt mẻ của trách nhiệm và nghĩa vụ hơn là sự lựa chọn của cá nhân. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc phần 2 của bài viết.

Thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học lần thứ 2 ở châu Âu được đánh dấu bởi những thay đổi rõ rệt, bao gồm mức sinh giảm, tỉ lệ ly hôn tăng, độ tuổi kết hôn lần đầu tăng, tỉ lệ không kết hôn tăng, tỉ lệ các cặp chung sống như vợ chồng tăng và số lượng trẻ sinh ngoài giá thú tăng. ở Đông á, mức sinh đạt mức thấp kỷ lục trong lịch sử, và những thay đổi liên quan đến hôn nhân – gia đình có vẻ ngoài giống hệt châu Âu, nhưng thực chất lại rất khác biệt.

Tỉ lệ ly hôn ở Đông á tăng lên đáng kể. Năm 1980, tỉ lệ ly hôn của Nhật Bản đạt mức 1,5% và năm 2002 lên đến 2,3%, bằng với mức của các nước châu Âu như Anh, Đức, Thụy Điển và Pháp. Năm 2003, tỉ lệ ly hôn của Hàn Quốc là 3,5%, gần với mức của Mỹ (3,6%).

Tuy nhiên, khác với ở châu Âu, nơi hôn nhân đã trở thành một lựa chọn trong cuộc sống và tỉ lệ kết hôn đã giảm đi đáng kể, tỉ lệ kết hôn ở Đông á không hề suy giảm. Xét tỉ số giữa kết hôn và ly hôn, khu vực châu Âu, Bắc và Nam Mỹ chiếm thế thượng phong, trong khi khu vực Đông á duy trì ở mức 0,45 đối với Đài Loan, 0,39 đối với Hồng Kông và 0,36 đối với Hàn Quốc (Bảng 1). Hôn nhân ở Đông á tuy đã có những biến đổi nhất định, nhưng kết hôn vẫn là khá phổ biến, và một khi đã kết hôn, các cặp ít có xu hướng ly hôn hơn so với các cặp ở Tây Bắc Âu hoặc Bắc và Nam Mỹ.

ở Đông á, độ tuổi kết hôn lần đầu và tỉ lệ không kết hôn đã tăng lên một cách rõ rệt. Năm 2005-2006, tuổi kết hôn lần đầu ở các xã hội này là 30-31 đối với nam và khoảng 27-28 đối với nữ, gần với mức của Tây Âu. Tỉ lệ không kết hôn được tính đối với những người từ 50 tuổi trở lên chưa kết hôn lần nào trong đời. ở Nhật Bản, tỉ lệ này tăng lên đáng kể đối với cả nam và nữ, cụ thể là cứ 1 trong số 6 nam giới và 1 trong số 13 nữ giới chưa từng trải nghiệm cuộc sống hôn nhân. Con số này là thấp hơn so với Thụy Điển nhưng lại cao hơn các xã hội khác ở châu Âu.

1. Sống chung và sinh con ngoài giá thú

ở châu Âu, độ tuổi kết hôn lần đầu và tỉ lệ không kết hôn tăng lên đồng thời với sự gia tăng mô hình sống chung và sinh con ngoài giá thú. Nói cách khác, người châu Âu kết hôn muộn hơn nhưng vẫn có quan hệ tình dục hoặc chung sống như vợ chồng, và điều đó tạo ra một hình thái mới về người bạn đời (Giddens, 1992).

Ngược lại, ở châu á, việc sống chung hoặc sinh con ngoài giá thú không có dấu hiệu tỉ lệ thuận với sự gia tăng độ tuổi kết hôn lần đầu và tỉ lệ không kết hôn. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất về nhân khẩu học giữa Âu và á. Một khảo sát ở Nhật Bản cho thấy 52,2% nam giới và 44,7% nữ giới không có bạn khác giới. Tỉ lệ này thậm chí tăng nhẹ kể từ những năm 1990 (NIPSSR, 2005). Như vậy, có thể thấy, ở Nhật Bản, độ tuổi kết hôn và tỉ lệ không kết hôn tăng lên có thể là do thiếu đối tượng chứ không phải là do sự thay đổi hình thái các mối quan hệ.

Trong một vài năm trở lại đây, số lượng các cặp chung sống như vợ chồng đã dần tăng lên. Kết quả thu được từ cuộc khảo sát của Văn phòng Nội các năm 2009 về tỉ lệ những người đã từng sống chung theo từng nhóm tuổi tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore và năm 2005 theo cùng chủ đề tại Hoa Kỳ, Pháp và Thụy Điển cho thấy, trái ngược với châu Âu và Bắc Mỹ, đặc biệt là Thụy Điển, số lượng người ở ba nước Đông á chọn giải pháp sống chung là không nhiều, mặc dù đã lan rộng, khởi điểm từ Nhật Bản, sau đó đến Singapore và Hàn Quốc. Vì có những khác biệt lớn trong các tỉ lệ giữa nam và nữ đã từng chung sống như vợ chồng ở Hàn Quốc, tác giả cho rằng người trả lời là nữ có thể đã giấu giếm trải nghiệm của họ (Kojima, 2010a).

Sinh con ngoài giá thú vẫn còn là một việc cực kỳ hiếm gặp ở Đông á. Tỉ lệ sinh con ngoài giá thú ở Nhật Bản năm 2005 là 2%, Hàn Quốc là 1,5%, Đài Loan là 4% và Singapore là 1,3% (Suzuki, 2010). ở châu Âu, số trẻ sinh ngoài giá thú đã chiếm hơn một nửa số sinh ở Tây Bắc Âu, và thậm chí gia tăng nhanh chóng ở Nam Âu (20,7% ở Italia, 28,4% ở Tây Ban Nha và 31,6% ở Bồ Đào Nha), một điều trái ngược với Đông á (Suzuki, 2010). Thay vào đó là số lượng đang tăng lên của hiện tượng được gọi là “cưới chạy”. ở Nhật Bản, con số các cuộc hôn nhân do mang thai tăng lên nhanh chóng kể từ nửa sau thập kỷ 1990, và tỉ lệ các cặp có con trước 9 tháng kể từ sau đám cưới là 10,6% năm 1980, 20,9% năm 1999, 25,6% năm 2005 và 25,3% năm 2009 (MHLW, 2010). Sự lệch pha giữa nhu cầu tình dục trước hôn nhân và các chuẩn mực xã hội hà khắc có thể là lý do cho việc gia tăng số lượng các cặp “cưới chạy”.

Sống chung là có thể, nhưng không được tiết lộ; có thai trước khi kết hôn là có thể, nhưng sinh con ngoài giá thú là điều cấm kỵ: như vậy, vẫn có một bức tường rất lớn ngăn cách giữa hôn nhân và các mối quan hệ khác. Khác với ở châu Âu, nơi mà việc chung sống như vợ chồng đang dần thay thế hôn nhân, thì thiết chế hôn nhân ở Đông á tuy thế lại rất vững chắc. Đây có thể coi là một dấu hiện của tính hiện đại bị kìm nén.

2. Hôn nhân với người nước ngoài và tỉ suất giới tính khi sinh cao

Khi nói đến những biến đổi nhân khẩu học ở Đông á, không thể không nói đến hôn nhân với người nước ngoài. Trong nghiên cứu của mình, Kojima Hiroshi (2010) cho rằng đây là một trong những yếu tố hình thành nên “thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học lần thứ hai kiểu Đông á”. Việc gia tăng các cuộc hôn nhân với người nước ngoài trong xã hội Đông á một lần nữa lại do Nhật Bản khởi xướng, kể từ những năm 1980. Nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nữ giới ở khu vực nông thôn, một số chính quyền địa phương tại Nhật đã khởi động các dự án môi giới hôn nhân do chính phủ điều hành, trong đó khuyến khích nam giới kết hôn với phụ nữ đến từ các nước châu á như Philippines, Sri Lanka, v.v. Nói cách khác, thay cho các cuộc hôn nhân trên cơ sở tình yêu thuần túy là các cuộc hôn nhân do mai mối, một phương thức kết hôn truyền thống, với người nước ngoài. Rất nhanh chóng, các công ty môi giới hôn nhân đã nhảy vào cuộc. Vào những năm 2000, hôn nhân với người nước ngoài tăng lên mạnh mẽ ở khu vực nông thôn và vùng công nghiệp (Liew, Ochiai và Ishikawa, 2010).

Tại Hàn Quốc và Đài Loan, con số các cuộc kết hôn với người nước ngoài đã bắt đầu gia tăng trong thập niên 1990, tuy có chậm hơn đôi chút nhưng chẳng mấy chốc đã vượt qua Nhật Bản. Năm 2008, tỉ lệ các cuộc kết hôn với người nước ngoài ở Nhật Bản là 5,1%, ở Hàn Quốc là 11% và ở Đài Loan là 12,2% (NIPSSP, 2010; Yamaji, 2010; Ito, 2010). Năm 2003, cứ ba cuộc kết hôn ở Đài Loan có một là kết hôn xuyên quốc gia (bao gồm cả kết hôn giữa người Đài Loan với người Trung Quốc lục địa). 28% cô dâu tại Đài Loan năm 2003 không phải là người Đài Loan.

ở Nhật Bản, yếu tố đứng đằng sau việc gia tăng tỉ lệ kết hôn với người nước ngoài là việc thiếu hụt phụ nữ để những nam giới có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn có thể kết hôn. ở Hàn Quốc và Đài Loan, bên cạnh yếu tố đó, là tỉ suất giới tính khi sinh cao. Tỉ suất giới tính cao là điều thường thấy ở Đông á và Nam á, trừ Nhật Bản, trong 30 năm trở lại đây, kể từ khi mức sinh giảm xuống. Kojima (2010) cho rằng tỉ suất giới tính cao cũng là một yếu tố hình thành nên thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học lần thứ hai kiểu Đông á. Năm 1990, tỉ suất giới tính khi sinh ở Hàn Quốc là 117 và ở Đài Loan là 110 (Suzuki, 2010). Việc giảm mức sinh đã khiến người dân trong các xã hội Đông á sử dụng các công nghệ mới để kiểm tra giới tính thai nhi và nạo phá thai có chọn lọc giới tính. Đây là một ví dụ điển hình của tính hiện đại bị kìm nén.

Đề cập đến lý do kết hôn, nam giới có vợ ngoại quốc chia sẻ nhu cầu cần có con trai để nối dõi tông đường, nhu cầu cần có người để chăm sóc cha mẹ già và đảm bảo nguồn cung ứng lao động cho các nông trại (Ochiai, 2007). Như vậy, các cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài xuất hiện ở Đông á dường như nhằm vào việc bảo lưu những lề lối của một gia đình truyền thống. Đây cũng được xem là một biểu hiện của tính hiện đại bị kìm nén.

3. Hôn nhân Đông á và xu hướng cá nhân hóa để tránh rủi ro

Ly dị, tuổi kết hôn và tỉ lệ không lập gia đình tăng lên nhưng thiết chế hôn nhân không hề sứt mẻ. Kết hôn với người nước ngoài và kết hôn di trú nở rộ nhưng là vì các mục đích truyền thống. “Hôn nhân” ở Đông á có thể mang một ý nghĩa khác so với ở châu Âu.

Đặc điểm nổi bật của hôn nhân Đông á được thể hiện trong mối quan hệ giữa tình dục và hôn nhân. Theo các khảo sát thực hiện hai năm một lần của nhóm nghiên cứu MHLW về thái độ và hành vi liên quan đến tình dục của nam và nữ giới trong độ tuổi 16-49, tỉ lệ những người đã lập gia đình không có quan hệ tình dục với vợ/chồng trong một tháng vừa qua là 40,8% năm 2010, tăng lên đáng kể so với tỉ lệ 31,9% năm 2004 (Mainichi Newspaper, 2011). Hiện tượng này được báo giới gọi với thuật ngữ “các cặp vợ chồng không tình dục”. Hôn nhân không tình dục cũng trở thành một vấn đề ở Singapore, và là một chủ đề được nhiều nhà văn khai thác (Fujii, 2010). Nếu coi tình dục là trung tâm của mối quan hệ vợ chồng, có thể thấy rằng hôn nhân ở Đông á không phải là vì bản thân mối quan hệ mà là vì những lý do khác.

Kết quả thu được từ Khảo sát về Xã hội Đông á tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan năm 2006 cho thấy một số quan niệm của các cá nhân về giá trị gia đình (Iwai và Yasuda, 2009). 70-80% người trả lời ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan và 50% người trả lời ở Nhật Bản đồng ý với nhận định “các thành viên trong gia đình phải đặt lợi ích của gia đình lên trước lợi ích của bản thân”, cho thấy xu hướng vì gia đình là rất mạnh mẽ. Tỉ lệ đồng tình với nhận định “ly dị là giải pháp tốt nhất khi vợ chồng không thể hòa hợp trong hôn nhân” là không thấp ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, nhưng tỉ lệ đồng tình với nhận định “vợ chồng muốn ly dị phải đợi đến khi con cái lớn” cũng đủ cao để ngăn cản người ta theo đuổi những quyết định mang tính cá nhân. Các trách nhiệm liên thế hệ không chỉ đến từ quan hệ cha mẹ với con cái, mà còn vì “con cái phải nỗ lực để cha mẹ có thể tự hào”. Hôn nhân ở Đông á không còn là ý muốn của cá nhân mà là trách nhiệm và nghĩa vụ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều người bất đồng với nhận định “không cần thiết phải có con khi kết hôn” và “một cặp có thể chung sống với nhau mà không cần phải có ý định kết hôn”. Kết quả “rất không đồng tình” và “không đồng tình” đối với cả hai nhận định trên là cao nhất ở Hàn Quốc, tương ứng là 77% và 66%. Hàn Quốc cũng dẫn đầu trong số nhóm đồng tình với nhận định “vợ/chồng muốn ly dị phải đợi đến khi con cái trưởng thành”. Khác biệt lớn giữa tư tưởng thủ cựu và hiện trạng tỉ lệ sinh đẻ thấp - tỉ lệ ly hôn cao cho thấy chiều sâu của mâu thuẫn giữa cá nhân và gia đình trong xã hội Hàn Quốc.

Giải thích mâu thuẫn nói trên, Chang Kyung-Sup (2010) đưa ra khái niệm “xu hướng cá nhân hóa nhằm tránh rủi ro”. Trên lý thuyết, gia đình là nguồn lực xã hội duy nhất có thể hỗ trợ các cá nhân trước nền công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa, quá trình đô thị hóa và những xu hướng cực đoan trong giáo dục. Tuy nhiên, “thiết chế gia đình yếu đi khiến các quan hệ gia đình chuyển từ nguồn lực xã hội thành những rủi ro”. Một cá nhân có thể bị buộc phải giúp đỡ các thành viên khác trong gia đình hoặc họ hàng thay vì nhận được sự giúp đỡ của họ. Vì thế, “xu hướng cá nhân hóa nhằm tránh rủi ro được định nghĩa là khuynh hướng xã hội của các cá nhân nhằm giảm thiểu những rủi ro liên quan đến gia đình trong cuộc sống hiện đại bằng cách mở rộng hoặc quay trở lại trạng thái cá nhân trong cuộc sống” (Chang, 2010). Thực tế, điều này đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu á năm 1997-1998. Vào thời điểm đó, người ta quyết định hoãn kết hôn, hoãn sinh con, hoãn ly dị để tránh mọi rủi ro. Phân tích của Kojima (2010) cho thấy nguyên nhân của việc chung sống không kết hôn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là do trình độ học vấn thấp. Suy giảm kinh tế ở Nhật Bản từ năm 1992 đến năm 2001 khiến số người tham gia vào lực lượng lao động ngay sau khi học xong trung học phổ thông gia tăng. Những người này cũng chính là những người lựa chọn giải pháp chung sống không kết hôn. ở Hàn Quốc, một số lượng lớn nam giới với học vấn vừa phải được cho là đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ có quan hệ sống chung. Nói cách khác, ở Đông á, hiện tượng sống chung gia tăng là do xã hội đã loại bỏ những người có học vấn thấp và nguồn thu nhập không ổn định, hơn là do lựa chọn của cá nhân nhằm thoát khỏi thiết chế hôn nhân.

Chang cho rằng đây “không nhất thiết là những biểu hiện của cá nhân chủ nghĩa, bởi chúng phản ánh ý nghĩa của các mối quan hệ và giá trị gia đình trong đời sống người Hàn Quốc” (Chang, 2010).Chang khẳng định những khuynh hướng này không chỉ có ở Hàn Quốc mà còn tìm thấy ở Nhật Bản và Đài Loan.

Đào Hồng Lê (lược dịch)

GS.TS. Emiko Ochiai là chuyên gia Xã hội học gia đình, Trưởng khoa Xã hội học của Đại học Tổng hợp Kyoto (Nhật Bản).