Liên kết web
Số lượt truy cập

17

2025352

Tin hoạt động

Báo cáo Phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam 2010

09/07/2015
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em. Đây là cam kết rất rõ ràng của Việt Nam đối với trẻ em, và sau đó đã được thực hiện bằng sự đầu tư và ưu tiên cho trẻ em trong những năm qua. “Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010” là kết quả nghiên cứu của UNICEF, được xây dựng với sự cộng tác chặt chẽ của Chính phủ Việt Nam. Nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người và được thực hiện với ý định sẽ trở thành một tài liệu tham khảo có tính cập nhật và toàn diện cho tất cả các bên tham gia trong công tác thúc đẩy an sinh cho trẻ em, cũng như hỗ trợ việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chiến lược nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em Việt Nam. Thông điệp quan trọng nhất của nghiên cứu này là kêu gọi giảm sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận các dịch vụ đối với trẻ em. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những nội dung chính của nghiên cứu phân tích này.

Báo cáo “Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010” là mốc quan trọng trong quá trình nghiên cứu, ghi chép tài liệu, phân tích và tìm hiểu về tình hình trẻ em Việt Nam. Báo cáo đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu và nghiên cứu đáng tin cậy để tham khảo nhằm thực hiện một phân tích toàn diện và khách quan về tình hình trẻ em Việt Nam. Báo cáo “Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010” dài 320 trang, ngoài phần Giới thiệu chung và phần Tài liệu tham khảo, bao gồm 7 chương chính: (1) Bối cảnh phát triển của quốc gia; (2) Bối cảnh thể chế và quản trị quốc gia; (3) Quyền được sinh tồn và chăm sóc sức khỏe của trẻ em; (4) Quyền được học tập và phát triển; (5) Quyền được tôn trọng và bảo vệ; (6) Quyền tham gia; (7) Khuyến nghị.

Trong phần Giới thiệu, Báo cáo chú trọng đến phương pháp luận tổng thể mà Phân tích này áp dụng - cách tiếp cận dựa trên quyền con người, sử dụng Công ước Quyền trẻ em (CRC) và Công ước về Xóa bỏ các Hình thức Phân biệt đối xử đối với Phụ nữ (CEDAW) và các chuẩn mực pháp luật quốc tế, hiệp ước và công ước khác. Giá trị của cách tiếp cận này là nó phân tích các vấn đề ở cấp độ sâu hơn, tìm hiểu những nguyên nhân về cơ cấu hoặc gốc rễ, nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến việc hưởng quyền của trẻ em. Theo cách tiếp cận này, cần phải xác định và đánh giá năng lực thực hiện của tất cả các bên chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo quyền trẻ em được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện đầy đủ.

Dựa trên cách tiếp cận về quyền con người, Báo cáo đã có một phân tích tương đối toàn diện về tình hình của tất cả trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang sống ở Việt Nam và tập trung vào những đối tượng khó khăn nhất trong việc tiếp cận như: trẻ em dân tộc thiểu số đang sống ở các vùng nông thôn xa xôi; trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ lang thang, trẻ di cư, trẻ làm trái pháp luật); và các trẻ khác. Báo cáo cũng lưu ý đặc biệt đến các hành vi và giá trị liên quan đến gia đình, truyền thống và văn hoá Việt Nam có ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền trẻ em.

Báo cáo đã chỉ ra những hạn chế và trở ngại trong quá trình chuẩn bị phân tích. Một trong số đó là do thực tế thời gian và nguồn lực rất hạn chế, không thể có được sự tham gia và đóng góp của trẻ em vào Phân tích này.

Các mục tiêu chính của “Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010” được đề ra là:

- Tập hợp các kiến thức, ý tưởng và phân tích trên cơ sở các bằng chứng liên quan tới trẻ em Việt Nam.

- Đóng góp vào nghiên cứu quốc gia, thiết lập chính sách, pháp luật và ngân sách vì lợi ích của trẻ em.

- Góp phần làm tài liệu tham khảo cho việc xây dựng các kế hoạch quốc gia, các chương trình và các quá trình khác.

- Đánh giá và phân tích việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam, dựa trên số liệu định tính và định lượng sẵn có của thống kê quốc gia và các phân tích từ nhiều nguồn quốc tế và trong nước.

Chương 1 của Báo cáo phân tích Bối cảnh phát triển của quốc gia. Chương này đưa ra những thông tin cơ bản về nhiều lĩnh vực của Việt Nam; tổng quan về quá trình cải cách “Đổi mới”; các xu hướng phát triển kinh tế xã hội hướng tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG); vấn đề về nghèo ở trẻ em.

Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam, với những thành công nhanh chóng về kinh tế và tiến bộ đáng kể về xã hội trong hai thập kỉ qua, đã trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực châu á- Thái Bình Dương trong việc đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể cho trẻ em trong một khoảng thời gian rất ngắn, với mức giảm tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và giảm tỉ lệ nghèo đói chưa từng có. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mục tiêu đề ra cho trẻ em chưa được thực hiện, đặc biệt là ở các lĩnh vực: vệ sinh, vệ sinh môi trường, dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em, chất lượng và quản lý giáo dục… Một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên ở Việt Nam vẫn phải sống trong điều kiện nghèo khổ và bị tách ra khỏi xã hội. Dân tộc thiểu số vẫn là những người nghèo nhất, được hưởng lợi ít nhất từ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Vấn đề bất bình đẳng giới vẫn có một số thách thức. Những thách thức này bao gồm tỷ lệ tử vong bà mẹ cao, đặc biệt ở khu vực vùng núi và vùng sâu vùng xa, buôn bán phụ nữ, bạo lực gia đình, mất cân bằng trong tỷ lệ giới tính khi sinh và tỷ lệ nạo phá thai cao.

Một trong những điểm đáng lưu ý của chương này là chỉ rõ những hạn chế lớn trong các phương pháp và kỹ thuật đo lường nghèo trẻ em ở Việt Nam (tập trung vào những trẻ em sống trong các hộ gia đình được xác định là nghèo theo chuẩn nghèo tiền tệ của quốc gia). Dựa vào Công ước Quyền trẻ em, gần đây Việt Nam đã xây dựng phương thức tiếp cận nghèo trẻ em đa chiều, đặc trưng cho Việt Nam, tập trung vào kết quả tác động tới trẻ em và lấy trẻ em làm trung tâm. Cách tiếp cận này dựa vào các lĩnh vực nghèo như giáo dục, sức khỏe, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, lao động trẻ em, giải trí, hòa nhập xã hội và bảo vệ. Cách tiếp cận đa chiều này cho phép đo lường nghèo trẻ em ở các cấp độ tổng hợp, bằng cách tính toán Tỷ lệ Nghèo Trẻ em và Chỉ số Nghèo Trẻ em.

Sử dụng cách tiếp cận này, khoảng 1/3 số trẻ em dưới 16 tuổi là nghèo. Số lượng này xấp xỉ 7 triệu trẻ em. Không có sự khác biệt nào đáng kể giữa nam và nữ, nhưng có sự khác biệt lớn giữa khu vực thành thị-nông thôn và sự khác biệt giữa các vùng miền. Cách đo lường đa chiều này và nghèo về tiền tệ xác định được các nhóm trẻ em khác nhau, cho thấy hai cách này đưa ra hai bức tranh khác nhau về nghèo trẻ em. Các chính sách dựa vào việc kết hợp cả hai cách đánh giá nghèo sẽ đảm bảo chắc chắn hơn việc xác định được đối tượng trẻ em nghèo, dù theo quan điểm nghèo về mặt tiền tệ hay nghèo đa chiều.

Chương 2: Bối cảnh thể chế và quản trị quốc gia giới thiệu pháp luật, chính sách chính liên quan tới quyền trẻ em, các cơ quan nhà nước và tổ chức ngoài nhà nước (“bên chịu trách nhiệm”), và quản trị quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Công ước Quyền trẻ em (CRC). CRC là tư tưởng chủ đạo của chương này, đặc biệt là Điều 2, 3 và 4 áp dụng đối với việc thực hiện toàn bộ Công ước. Điều 2 qui định nguyên tắc không phân biệt đối xử, kêu gọi các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho mọi trẻ em được tiếp cận bình đẳng với các quyền đã được tuyên bố trong Công ước. Điều 3 qui định rằng trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em, cho dù đó là do các cơ quan nhà nước hay tư nhân, toà án, cơ quan hành pháp, hay cơ quan lập pháp tiến hành thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu. Điều 4 có tên “Điều khoản thực hiện” đòi hỏi các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp tư pháp, hành chính và các biện pháp phù hợp khác nhằm thực hiện tất cả các quyền đã được đề cập trong Công ước Quyền trẻ em.

Các nguyên tắc cơ bản của Công ước Quyền trẻ em đã được đưa vào các văn bản luật quốc gia, trong đó quan trọng nhất là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Đồng thời, Việt Nam có nhiều chương trình và chính sách quốc gia khuyến khích và bảo vệ phúc lợi của trẻ em, bao gồm các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các chương trình hành động vì trẻ em, các chính sách phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Chịu trách nhiệm chính đối với việc thực hiện quyền trẻ em có Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và một số ủy ban có chức năng trực tiếp liên quan tới trẻ em. Trong khuôn khổ của Chính phủ có Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các Bộ ngành liên quan. Cơ quan tư pháp trong đó có tòa án đóng một vai trò quan trọng về khuôn khổ pháp lý cho trẻ em. Báo cáo Phân tích đánh giá cao vai trò đang dần dần được thừa nhận của xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.

Đối với Việt Nam, gia đình vẫn là nền tảng và là đơn vị xã hội cơ bản. Hiện nay có xu hướng tiến tới gia đình hạt nhân; xuất hiện nhiều hộ gia đình do nữ giới làm chủ hộ hơn và có sự gia tăng về đổ vỡ gia đình. Vai trò về giới trong gia đình vẫn còn hiện hữu với thực tế là hầu hết quyền ra quyết định tập trung vào chủ hộ là nam giới.

Với chính sách “xã hội hóa” của Chính phủ việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, khu vực tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội có liên quan tới trẻ em và có xu hướng tập trung ở các thành phố lớn và các khu vực có mức độ phát triển kinh tế cao. Báo cáo đồng thời cũng chỉ ra sự bất bình đẳng đang gia tăng giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo, về chất lượng và số lượng các dịch vụ công được cung cấp; tình trạng kinh tế kém phát triển cũng cản trở việc cung cấp các dịch vụ công liên quan tới trẻ em ở khu vực nông thôn và các tỉnh nghèo. Ngân sách cho các quyền của trẻ em được phân bổ gộp vào trong các hạng mục ngân sách của ngành như giáo dục và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy, mặc dầu chi ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục đang tăng dần, y tế chiếm 4% và giáo dục và đào tạo chiếm gần 14% chi ngân sách trung ương trong năm 2007, so với 3% và 11% tương ứng trong năm 2000, nhưng do phí sử dụng được đưa vào áp dụng nên các hộ gia đình đang phải dành ra một tỷ trọng nhiều hơn trong tổng chi tiêu hàng tháng cho các khoản chi trả phát sinh các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chương 3: Quyền được sinh tồn và chăm sóc sức khỏe của trẻ em

Nội dung chính của chương này đề cập đến quyền được sống, một nguyên tắc phổ cập về quyền con người luôn được đề cao trong tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước Quyền trẻ em (CRC) (Điều 6); quyền được chăm sóc sức khoẻ và tiếp cận các dịch vụ y tế như đã nêu trong Điều 24 (CRV). Quyền được chăm sóc sức khoẻ của trẻ em phụ thuộc vào việc thực hiện các quyền khác, như quyền được sống, không bị phân biệt đối xử và được bình đẳng, được ăn, được giáo dục, được tôn trọng cuộc sống riêng tư, được tiếp cận thông tin, được sử dụng nước sạch và tiện nghi vệ sinh.

Báo cáo đã đưa ra những phát hiện chính như sau:

- Sự sống còn và sức khỏe của trẻ em: Tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và trẻ em nói chung đã giảm một nửa trong giai đoạn từ năm 1990 tới năm 2006 mặc dù vẫn còn những bất bình đẳng; các bệnh phổ biến ở trẻ em bao gồm viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết và suy dinh dưỡng; độ bao phủ tiêm chủng và cung cấp Vitamin A khá cao với một số sự khác biệt; tỷ lệ còi cọc cao và tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thấp là thách thức đối với việc đạt được các mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng; tình hình bổ sung vi chất dinh dưỡng tuy có mức bao phủ rộng nhưng còn khó khăn trong duy trì.

- Sức khỏe vị thành niên: các chương trình KHHGĐ quốc gia chưa chú ý đầy đủ đến thanh niên chưa kết hôn nhưng đã có quan hệ tình dục; vị thành niên và thanh niên còn có hiểu biết hạn chế về sức khỏe sinh sản (SKSS), bệnh lây truyền qua đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục, tuy hầu hết không quan hệ tình dục sớm, tỷ lệ nam giới (29%) không biết nhiều hơn nữ giới (17%); những vấn đề mới phát sinh như hút thuốc, uống rượu bia (nam hút thuốc nhiều hơn nữ), tỷ lệ tai nạn xe máy cao và các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

- Sức khỏe bà mẹ: tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm từ 85 xuống 75 trên 100.000 ca đẻ sống từ 2002 tới 2008, nhưng còn cao tới hơn 4 lần ở vùng dân tộc thiểu số và nông thôn vùng sâu, vùng xa, miền núi. Một vấn đề về SKSS mới phát sinh là sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh (112 trẻ em trai / 100 trẻ em gái năm 2008).

- Về sức khỏe sinh sản: những kỳ vọng và vai trò về giới theo truyền thống làm cho phụ nữ vẫn bị coi là phải có trách nhiệm về chăm sóc SKSS; chăm sóc và giáo dục SKSS vị thành niên chưa được nhìn nhận hay triển khai đầy đủ; phụ nữ ít được tiếp cận thông tin về dịch vụ SKSS phù hợp và hành vi của họ thường bị chi phối bởi các quan hệ gia đình và tình dục mang tính truyền thống, trình độ học vấn và điều kiện kinh tế

- HIV/AIDS: Các ca HIV dương tính đã tăng từ 96.000 năm 1999 lên 245.000 năm 2003 (có lẽ do tỷ lệ xét nghiệm HIV tăng); số hiện mắc HIV ở phụ nữ có thai tăng gấp 10 lần từ 1995 tới 2005, tuy nhiên rất ít phụ nữ có thai được thường xuyên cung cấp thông tin về HIV/AIDS trong những lần khám thai. Trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV bao gồm trẻ lang thang, trẻ em sử dụng ma túy và hành nghề mại dâm; sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS và bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn là những trở ngại lớn.

- Nước và vệ sinh: độ bao phủ nước sạch và vệ sinh đã được cải thiện (lần lượt là 89% dân số và 64% hộ gia đình). Hầu hết các trường học có nguồn nước và nhà vệ sinh (lần lượt là 80% và 73%), nhưng rất ít nơi đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia (lần lượt là 46% và 12%). Chỉ có 18% dân số có nhận thức về nhà tiêu hợp vệ sinh và 5% số học sinh thực hiện rửa tay bằng xà phòng. Chênh lệch giữa các khu vực và dân tộc còn lớn. “Nước và vệ sinh không an toàn” gây ra một nửa số ca bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam.

- Tai nạn thương tích ở trẻ em: thương tích đã trở thành nguyên nhân đáng kể gây tử vong ở trẻ em 1-19 tuổi. Nguyên nhân chính gây tử vong gồm đuối nước, tai nạn giao thông, thương tích do vật sắc nhọn, ngộ độc. Nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc và các cấp có thẩm quyền về tầm quan trọng phòng chống tai nạn thương tích vẫn còn thấp. Khuôn khổ pháp lý vẫn chưa hoàn thiện, thực thi luật pháp còn tương đối yếu.

- Một loạt các chính sách, chương trình, chiến lược quốc gia, quyết định, nghị định, tiêu chuẩn đã được ban hành, bảo đảm quyền sống được chăm sóc sức khỏe và được sống còn của trẻ em, tuy nhiên vẫn có nhiều thách thức tiềm ẩn đối với nỗ lực quốc gia.

- Tình trạng thiếu đầu tư cả về tài chính và nhân lực, sự chênh lệch về độ bao phủ và tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn giữa các dân tộc và nhóm thu nhập.

- Các dịch vụ y tế chưa thuận lợi cho người sử dụng; cha mẹ và người chăm sóc thiếu các kiến thức căn bản về thực hành y tế; ngoài ra còn có những khó khăn lớn về môi trường, như nguồn nước khan hiếm ở một số vùng nông thôn, ảnh hưởng tới các thành quả về sự sống còn và sức khỏe trẻ em.

Chương 4: Quyền được học tập và phát triển

Quyền được học tập và phát triển của trẻ em ở Việt Nam được qui định bởi Điều 28 trong Công ước Quyền trẻ em (CRC), trong đó công nhận giáo dục là một quyền căn bản và nhấn mạnh rằng việc thực hiện quyền được giáo dục cần được đảm bảo liên tục và trên cơ sở bình đẳng về cơ hội.

Chương này đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình hình giáo dục và phát triển của trẻ em ở Việt Nam, bàn luận về các vấn đề liên quan tới giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học, giáo dục cho trẻ cần sự quan tâm đặc biệt, và cuối cùng là các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí và thể thao. Một phân tích nguyên nhân - kết quả được sử dụng để phân tích sâu hơn những nguyên nhân ảnh hưởng tới quyền của trẻ em trong hệ thống giáo dục. Vai trò và năng lực của những cơ quan có trách nhiệm cũng được phân tích.

Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong lĩnh vực giáo dục, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ cải thiện hệ thống giáo dục. Ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo tăng theo tỷ lệ tăng cao và ổn định của GDP. Tỷ trọng GDP chi cho giáo dục và đào tạo là 3,2% năm 2001 và tăng lên 4,7% năm 2007. Tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tăng 13% năm 2001 lên 16% năm 2007.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong giáo dục tiểu học và trung học (như tỉ lệ nhập học đúng tuổi, tỉ lệ hoàn thành các cấp học…), bình đẳng giới vẫn còn là một thách thức. Trong khi có tới 96% học sinh trai 6 tuổi đi học lớp 1 bậc tiểu học thì tỉ lệ này ở học sinh gái chỉ có 92%. Những khác biệt khác bao gồm khoảng cách giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, trình độ học vấn của mẹ và điều kiện kinh tế hộ gia đình. Điều tra Mức sống Hộ gia đình năm 2002, 2004 và 2006 đều cho thấy các hộ gia đình chi gần 30% tổng chi phí cho giáo dục để đóng học phí.

Trẻ dân tộc thiểu số bị thiệt thòi hơn nhiều so với trẻ em người Kinh nếu đo bằng tỉ lệ nhập học bậc mầm non, tỉ lệ hoàn thành tiểu học, tỉ lệ nhập học đúng tuổi bậc trung học cơ sở, tỉ lệ chuyên cần bậc trung học cơ sở. Trẻ em khuyết tật là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, đòi hỏi phương pháp tiếp cận dựa trên quyền về không phân biệt.

Việc thực hiện quyền được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của các em bị thiệt thòi, các em ở vùng nông thôn và miền núi còn rất hạn chế.

Chương 5: Quyền được tôn trọng và bảo vệ

Chương này đi sâu phân tích tình hình trẻ em có hoàn cảnh đòi hỏi sự bảo vệ đặc biệt của Chính phủ. Những trẻ em này thường không có khả năng thực hiện đầy đủ các quyền của mình về giáo dục, y tế và quyền được bảo vệ khỏi các hành vi xâm hại, bạo hành và bóc lột. Các em cũng không thực hiện đầy đủ quyền tham gia của mình. Phương pháp tiếp cận bảo vệ trẻ em của Việt Nam từ trước tới hiện nay xuất phát từ quan điểm phân nhóm các đối tượng trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống, tức là tập trung vào việc xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội và pháp luật cho mọi trẻ em dễ bị tổn thương hiện đang dần dần được nghiên cứu áp dụng.

Chương này được chia thành bốn phần. Phần đầu tiên đề cập đến các vấn đề bảo vệ trẻ em như: đăng ký khai sinh; trẻ em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ; bạo hành đối với trẻ em; trẻ em lao động trong điều kiện độc hại và nguy hiểm; trẻ em lang thang; người chưa thành niên vi phạm pháp luật; trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS; trẻ khuyết tật.

Phần thứ hai tập trung nghiên cứu các nỗ lực ở cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em, rà soát khuôn khổ pháp lý, chính sách và các chương trình hành động về bảo vệ trẻ em. Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và đã có những nỗ lực đồng bộ trong việc củng cố khung pháp lý trong nước để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt.

Phần thứ ba phân tích những nguyên nhân và yếu tố góp phần tạo nên tính chất phức tạp của tình hình bảo vệ trẻ em hiện tại. Các thách thức chính bao gồm việc thiếu hệ thống bảo vệ trẻ em vững mạnh và hiệu quả; sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội và bảo vệ chuyên nghiệp để đáp ứng đúng mức cho trẻ. Hiện có rất ít số liệu quốc gia đáng tin cậy về các vấn đề bảo vệ trẻ em khác nhau, vì vậy không nắm được cụ thể số lượng trẻ em bị xâm hại, buôn bán và bóc lột tình dục. ở một chừng mức nào đó, hoàn cảnh khó khăn mà trẻ em Việt Nam đang đối mặt là kết quả của những thay đổi về kinh tế-xã hội và những áp lực mới trong nước do sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mang lại. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh đã kéo rộng phân cách giàu-nghèo. Nó cũng đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và di cư. Những thay đổi kinh tế xã hội này cũng gián tiếp làm tăng tỷ lệ gia đình tan vỡ và số vụ ly hôn, cũng như xói mòn các giá trị. Phần cuối chỉ ra vai trò và năng lực của các bên có trách nhiệm.

Chương 6: Quyền tham gia

Chương này đề cập đến quyền tham gia của trẻ em, một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Nghiên cứu xem xét trẻ em hiện tham gia như thế nào trong gia đình, trường học, cộng đồng và các cơ sở công, đồng thời cũng phân tích những thách thức chính trong việc thực hiện quyền tham gia và chỉ ra một số vấn đề nảy sinh liên quan đến sự tham gia của trẻ em.

Trẻ em đã và đang tham gia vào nhiều hoạt động (ở gia đình, trường học và cộng đồng) và đã chứng tỏ được khả năng của mình bằng những đóng góp có giá trị cho những quá trình này. Tuy nhiên để sự tham gia của trẻ em là có ý nghĩa và được duy trì lâu dài, đòi hỏi cần có những thay đổi đột phá trong mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em.

Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng nhìn chung sự tham gia của trẻ em vẫn còn mang tính bộc phát, rời rạc và hình thức. Người lớn và thanh niên còn thiếu nhận thức và kỹ năng; hiện vẫn chưa xây dựng được một cơ chế có tính hệ thống cho sự tham gia của trẻ em hoặc để hỗ trợ việc thực hiện các quy trình có sự tham gia của trẻ em ở mọi cấp. ở một số nơi, vẫn còn thiếu các điều kiện thuận lợi để trẻ em tham gia, chẳng hạn như không nắm vững ngôn ngữ, môi trường thực tế không phù hợp, người lớn thiếu nhận thức hoặc kỹ năng về sự tham gia của trẻ em cũng như không có đủ tài liệu tham khảo cho trẻ em.

Những vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực này bao gồm sự tiếp cận với Internet ngày càng dễ dàng hơn kéo theo cả nguy cơ và cơ hội có được sự tham gia mạnh mẽ hơn, sự xói mòn dần các giá trị truyền thống lâu đời, cũng như những cơ chế tương tác trong nội bộ gia đình. Hiện tượng này có thể dẫn đến “khoảng cách giữa các thế hệ” và các khó khăn trong giao tiếp giữa các thế hệ, bao gồm sự thể hiện quan điểm của trẻ em trong tương tác với người lớn trong gia đình.

Phần cuối của Báo cáo là phần Khuyến nghị (chương 7), chỉ ra một số thách thức còn tồn tại dai dẳng và những thách thức mới nảy sinh đối với trẻ em Việt Nam cùng với những khuyến nghị ưu tiên.

Với những “thách thức dai dẳng”, phân tích này nêu hai lĩnh vực chính với những vấn đề cấp bách cần giải quyết:

- Chậm tiến bộ nhất trong việc giảm suy dinh dưỡng (thể thấp còi), tăng nuôi con bằng sữa mẹ và thúc đẩy vệ sinh cá nhân/vệ sinh môi trường.

- Cần phải có nỗ lực lớn hơn để tăng cường công bằng trong giáo dục, đặc biệt là cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS và trẻ em gái.

Những thách thức mới nảy sinh đối với trẻ em cũng không kém phần quan trọng, mặc dù Phân tích này không thể đưa ra bằng chứng ban đầu bởi vì những vấn đề này vẫn còn quá mới mẻ, chưa được nghiên cứu và chưa được hiểu đầy đủ (vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em và biến đổi khí hậu là những ví dụ).

Phân tích tình hình này đưa ra những khuyến nghị ưu tiên sau:

- Giảm sự bất bình đẳng: giữa trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em người Kinh hoặc Hoa, trẻ em vùng nông thôn so với thành thị, và giữa nhóm dân có thu nhập cao nhất và thấp nhất trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và có chất lượng. Cần phải đánh giá vai trò của khu vực tư nhân trong các dịch vụ xã hội, và vai trò của thể chế, thanh tra và giám sát của Chính phủ.

- Cải thiện chất lượng, độ tin cậy, tính chính xác và hiểu biết về dữ liệu liên quan đến quyền trẻ em.

- Thúc đẩy các cách tiếp cận liên ngành và lồng ghép trong thực hiện quyền trẻ em bao gồm cách tiếp cận đa chiều đối với nghèo trẻ em, cách tiếp cận xây dựng hệ thống đối với bảo vệ trẻ em.

- Tăng cường phân cấp quản lý; ngân sách minh bạch và đầy đủ; các cán bộ có trách nhiệm và được trang bị, đào tạo đầy đủ.

- Cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn lực trong lĩnh vực xã hội.

“Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam 2010” là một báo cáo rất hữu ích, đem đến một sự hiểu biết và một phân tích sâu sắc hơn về tình hình trẻ em ở Việt Nam, giúp các nhà hoạch định có thể lập kế hoạch và thực hiện các chương trình một cách hiệu quả và phù hợp nhằm đảm bảo sự sống còn, phát triển và bảo vệ đối với mọi trẻ em ở Việt Nam.

Võ Kim Hương (giới thiệu)