Liên kết web
Số lượt truy cập

1053

2079663

Tin hoạt động

Hội thảo: Góp ý báo cáo thường niên năm 2009 Viện Gia đình và Giới

09/07/2015
Nhằm hoàn thiện báo cáo thường niên về gia đình và giới năm 2009 trong khuôn khổ chương trình "Một số vấn đề cơ bản về gia đình và giới ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020", ngày 26 tháng 2 năm 2010, Viện Gia đình và Giới đã tổ chức hội thảo góp ý báo cáo thường niên năm 2009.

Đến dự Hội thảo gồm toàn bộ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện. Hội thảo đã được nghe các tác giả là những nghiên cứu viên lâu năm phụ trách các lĩnh vực nghiên cứu trình bày 5 báo cáo chuyên đề và đóng góp ý kiến cho từng báo cáo. Các báo cáo được trình bày trong Hội thảo gồm: 1) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, tác giả PGS TS Lê Ngọc Văn; 2) Một số vấn đề giới ở lĩnh vực lao động - việc làm và giáo dục - đào tạo, TS Ngô Thị Tuấn Dung; 3) Một số vấn đề về người cao tuổi Việt Nam hiện nay, tác giả Ths Lê Ngọc Lân; 4) Một số vấn đề nghiên cứu về phụ nữ, tác giả Ths Nguyễn Thị Thanh Tâm và 5) Những vấn đề cơ bản về trẻ em, tác giả Ths Đặng Bích Thuỷ.

Nhìn chung, các ý kiến cho rằng các báo cáo đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của lĩnh vực nghiên cứu gia đình, giới, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, những dấu ấn riêng của năm 2009 trong các lĩnh vực này lại chưa được thể hiện rõ nét trong báo cáo. Hội thảo cũng cho rằng việc xác định được vấn đề nổi bật, đặc trưng của gia đình và giới trong 1 năm là rất khó, những vấn đề mới cũng ít khi xuất hiện hằng năm. Vì thế, có đề xuất là cần khoanh vấn đề của các lĩnh vực nghiên cứu này trong phạm vi 5 năm để so sánh với thời gian trước đó.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng đóng góp ý kiến cụ thể cho từng báo cáo. Đối với báo cáo "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu gia đình Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, toàn cầu hóa", đánh giá về tác động của chính sách đến gia đình, có những ý kiến đóng góp như sau: cho rằng sự tác động của Nhà nước đến gia đình hiện đang trong quá trình mâu thuẫn giữa chính sách đề ra và thực tế thực hiện; có những vấn đề gia đình cần tác động thì trên thực tế chính sách tác động là không đáng kể, như vấn đề chăm sóc trẻ em dưới 18 tháng tuổi; có những vấn đề gia đình chưa thực sự cần thì chính sách lại tác động đến quá nhiều như vấn đề gia đình văn hóa; báo cáo đã đề cập đến vai trò quan trọng của nhà nước trong việc tạo điều kiện và tiền đề cần thiết giúp gia đình thích ứng được với những tác động của biến đổi kinh tế, tuy nhiên cần có lý giải cụ thể về vai trò này của Nhà nước và làm rõ sự khác biệt vai trò của nhà nước trong giai đoạn hiện nay so với trước đây.

Về báo cáo "Một số vấn đề giới ở lĩnh vực lao động - việc làm và giáo dục - đào tạo", có ý kiến cho rằng nội dung giáo dục đào tạo đã chỉ ra 3 vấn đề cơ bản là khác biệt giới trong tiếp cận dịch vụ giáo dục - đào tạo, xu hướng tách biệt giới của nguồn nhân lực và khuôn mẫu, định kiến giới trong nội dung giáo dục. Báo cáo sẽ tốt hơn nếu nội dung lao động - việc làm cũng chỉ ra được các vấn đề cơ bản như phần giáo dục - đào tạo. Vấn đề giới trong lao động trẻ em cần nhấn mạnh về mức độ ảnh hưởng của lao động trẻ em đối với em nam và em nữ. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng những chính sách giới ở Việt nam còn có những biểu hiện mang tính hình thức, vì vậy cần phân tích hiệu quả, hoạt động thực tế của hệ thống chính sách, và nghiên cứu khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn.

Báo cáo "Một số vấn đề về người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay" được góp ý là cần chú ý đến mối quan hệ giữa nhà nước và gia đình trong đối xử, chăm sóc người cao tuổi trong xã hội hiện đại. Hiện tại Việt Nam chưa có chính sách xã hội toàn diện đối với người cao tuổi, mới chỉ chú ý đến người cao tuổi cô đơn, nghèo đói, cần chú ý phân tích vai trò của xã hội dân sự trong chính sách phát huy vai trò người cao tuổi và đề xuất dịch vụ xã hội cho người cao tuổi có nhu cầu.

Báo cáo "Một số vấn đề nghiên cứu về phụ nữ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI" được góp ý là cần chú ý đến vấn đề quản lý mại dâm, cần xem xét các chính sách chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ người bán dâm trong xã hội hiện đại.

Báo cáo "Những vấn đề cơ bản của trẻ em" đã đề cập đến 4 vấn đề cơ bản: bất bình đẳng trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe và giáo dục; nghèo đói trẻ em; lao động trẻ em; bạo lực đối với trẻ em. Có ý kiến cho rằng nghèo đói là vấn đề cốt lõi của 3 vấn đề còn lại, vì thế, báo cáo có thể đặt trọng tâm phân tích vào 3 vấn đề cơ bản với khía cạnh nghèo đói xuyên suốt các vấn đề này. Trong 10 năm tới, sự tham gia của trẻ em, tiếng nói của trẻ em, cơ hội tiếp cận của trẻ em là những vấn đề cơ bản của trẻ em cần quan tâm. Còn có ý kiến cho rằng báo cáo đã có so sánh tỷ lệ trẻ em đi học của nhóm giàu và nhóm nghèo, cần chú ý đến chính sách trợ giúp để trẻ em nghèo học hết phổ thông trung học vì cấp học này là tiêu chí quan trọng để trẻ tham gia học nghề.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh - chủ nhiệm chương trình thay mặt nhóm viết báo cáo tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội thảo. Báo cáo thường niên năm 2009 sẽ được hoàn thiện dựa trên những góp ý hữu ích này.

Trần Thị Hồng