Liên kết web
Số lượt truy cập

1045

2079463

Tin hoạt động

Hội thảo: Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi

09/07/2015
Ngày 27/11/2009, tại Hà Nội, Viện Xã hội học phối hợp với Viện Gia đình và Giới, Viện Dân tộc học và Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (SIDA) tổ chức Hội thảo công bố các kết quả nghiên cứu của Dự án "Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi" VS/RDE-05. Tham dự Hội thảo gồm có: GS.TS. Trịnh Duy Luân, Viện trưởng Viện Xã hội học; PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới; PGS.TS. Phạm Quang Hoan, Viện trưởng Viện Dân tộc học; PGS.TS. Helle Rydstroom (Viện nghiên cứu Thematic, Đại học Linkoping, Thụy Điển); TS. Wil Burhoorn (Trung tâm Nghiên cứu châu á, Đại học Goteborg, Thụy Điển) và nhiều nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Trịnh Duy Luân, Viện trưởng Viện Xã hội học, nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án Gia đình nông thôn Việt Nam trong chuyển đổi. Dự án thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu Việt Nam - Thụy Điển giai đoạn 2004-2009 này được tiến hành tại 4 tỉnh: Yên Bái (2004), Tiền Giang (2005), Huế (2006) và Hà Nam (2008-2009). Các phiên họp của Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề lớn: (1) Các vấn đề về hôn nhân và quan hệ xã hội trong gia đình; (2) Các khía cạnh kinh tế, lao động của gia đình trong chuyển đổi; (3) Các khía cạnh văn hóa, giáo dục của gia đình; và (4) Tương trợ và hướng nghiệp trong gia đình.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Minh trình bày báo cáo "Khuôn mẫu nơi cư trú sau hôn nhân ở nông thôn Việt Nam". Báo cáo cho thấy: Sống chung với gia đình chồng sau khi kết hôn là mô hình phổ biến nhất của cư dân tại 4 địa phương được khảo sát. Sự bền chặt của phong tục "luân chuyển nơi ở sau khi kết hôn" ở nông thôn sẽ tùy thuộc vào năng lực của nền kinh tế đối với người trẻ để họ sớm có đủ điều kiện sống độc lập và mức độ bảo đảm hệ thống an sinh xã hội đối với người già để con cái có thể chu toàn việc chăm sóc cha mẹ mà không cần sống chung. Khuôn mẫu sống chung với cha mẹ chồng sau khi kết hôn ở nông thôn không đơn giản chỉ là sự tiếp tục chuẩn mực truyền thống mà còn là sản phẩm của những quyết định duy lý hiện đại.

Với "Mô hình tìm hiểu và quyết định hôn nhân", PGS.TS. Lê Ngọc Văn cho rằng: Xu hướng chuyển đổi mô hình hôn nhân ở nông thôn Việt Nam là quá độ từ hôn nhân sắp xếp sang hôn nhân tự nguyện. Sự chuyển đổi mô hình hôn nhân khẳng định quyền của các cá nhân trong việc tự do lựa chọn hôn nhân và xóa bỏ hôn nhân áp đặt.

Những phân tích trong nghiên cứu về "Chủ hộ gia đình trong nông thôn" của PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi cho thấy "chủ hộ" là một khái niệm đa diện, bao gồm các khía cạnh về quyền lực kinh tế và uy tín, quyền ra quyết định quan trọng, quyền đại diện cho gia đình, và phản ánh khuôn mẫu văn hóa trọng xỉ, trọng nam truyền thống. Nghiên cứu cũng khẳng định luận điểm cho rằng hộ do phụ nữ làm chủ hộ thường nghèo hơn hộ do nam làm chủ hộ không được các bằng chứng thực nghiệm hỗ trợ. Vì thế không nên lấy giới tính của chủ hộ là tiêu chí để xác định đối tượng chính sách xóa đói, giảm nghèo.

Một số nội dung như Biến đổi mô hình phân công lao động nội trợ trong gia đình nông thôn; Các yếu tố tác động đến việc sử dụng thời gian rỗi; Các hình thức tương trợ, hướng nghiệp trong gia đình và giáo dục cho con cái cũng được Hội thảo đặc biệt chú ý. Theo TS. Nguyễn Đức Vinh, việc đi học cũng như giáo dục nói chung được thừa nhận là một trong những quyền cơ bản của con người và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù tỷ lệ trẻ em bỏ học ở nông thôn chưa quá cao nhưng nếu phân hóa giàu - nghèo phát triển cùng với sự gia tăng chi phí giáo dục trong quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội hóa giáo dục thì tỷ lệ này có thể tăng lên nhanh chóng. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo ở nông thôn hiện nay để giảm bớt tình trạng thất học và bất bình đẳng trong giáo dục.

Nhìn chung, các báo cáo tại Hội thảo cho thấy gia đình Việt Nam đang trải qua những biến đổi nhanh chóng trong những năm qua. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với đất nước ta trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, các báo cáo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến trao đổi từ cuộc hội thảo. Hội thảo thực sự là một diễn đàn để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm và là một cơ hội tốt để các nghiên cứu viên trẻ học hỏi trau dồi kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn.

Thanh Nhàn