Liên kết web
Số lượt truy cập

59

2079949

Tin hoạt động

Hội thảo: Nghiên cứu về thống kê giới tại Việt Nam

09/07/2015
Ngày 18 tháng 11 năm 2009, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Nghiên cứu về thống kê giới tại Việt Nam" nhằm giới thiệu Báo cáo nghiên cứu thực trạng số liệu thống kê giới ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Nguyên Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Luật Bình đẳng giới đã được ban hành và đi vào cuộc sống được một thời gian. Để đánh giá tác động của Luật, các nhà hoạch định chính sách cần có những con số thống kê cụ thể về tình hình giới, từ đó đưa ra được những phương hướng và chính sách hợp lý hỗ trợ cho quá trình phát triển bình đẳng giới cũng như quá trình xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

Thống kê về giới cung cấp những chỉ số đáng tin cậy về bình đẳng giới, từ đó góp phần giám sát việc thực thi Luật Bình đẳng giới. Tuy Việt Nam hiện nay đã có nhiều cuộc nghiên cứu có những số liệu liên quan về giới, nhưng các số liệu đó chưa được thống kê, tập hợp và trình bày rõ ràng. Báo cáo nghiên cứu thực trạng số liệu thống kê giới ở Việt Nam đã phần nào khắc phục hạn chế này.

Tác giả của Báo cáo không tiến hành một cuộc điều tra riêng để lấy số liệu mà tổng hợp từ các nguồn số liệu sẵn có, bao gồm các cuộc điều tra, khảo sát, sổ sách hành chính và các số liệu thống kê về giới. Ngoài việc hệ thống hóa các dữ liệu, Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm sửa đổi thủ tục thu thập số liệu.

Báo cáo được trình bày theo 8 lĩnh vực của Luật Bình đẳng giới. Đó là: (1) Chính trị, (2) Kinh tế, (3) Việc làm, (4) Giáo dục và đào tạo, (5) Khoa học và công nghệ, (6) Văn hóa, thông tin và thể thao, (7) Y tế và chăm sóc sức khỏe, và (8) Gia đình, Báo cáo cũng sửa đôi chút trong một số lĩnh vực như dân số, nghèo đói và bạo hành gia đình nhằm thể hiện tính liên ngành và sự khác biệt nam - nữ. Ngoài ra, Báo cáo cũng dành một chương để xem xét các chỉ số tổng hợp liên quan đến bình đẳng giới như HDI, HPI, GDI và GEM.

Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao tính toàn diện của bản báo cáo, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của Báo cáo trong thời điểm hiện nay, khi các nhà hoạch định chính sách đang tiến hành rà soát và đánh giá việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Các đại biểu cho rằng, để có được kết quả tốt hơn, Báo cáo cần tách các số liệu quốc gia theo giới tính và dân tộc. Ngoài ra, Báo cáo cần thu thập thêm số liệu về sự chi phối của nam giới trong gia đình; số liệu về khoảng cách lương giữa phụ nữ và nam giới; số liệu việc làm của phụ nữ; số liệu về lãnh đạo nữ trong các hiệp hội, cơ sở kinh tế, cơ quan dân cử; số liệu lao động nữ ở các khu vực đặc thù, đặc biệt là ở khu vực phi kết cấu.

Về vấn đề bạo lực giới, Báo cáo nên có số liệu cụ thể về sự vi phạm bình đẳng giới ở địa phương và thu thập thêm những số liệu về chi phí do bạo lực gây ra, chẳng hạn như tiền thuốc hay tổn thất về thu nhập do nạn nhân phải nghỉ việc, v.v.

Tổng kết Hội thảo, bà Phạm Nguyên Cường khẳng định: Về cơ bản Báo cáo đã thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp số liệu thống kê về giới, tuy chưa thể bao quát hết mọi lĩnh vực mà chỉ đi vào những lĩnh vực cần thiết và cấp bách hiện nay.

Báo cáo chỉ ra sự cần thiết phải xây dựng một định nghĩa phù hợp với các định nghĩa quốc tế, từ đó có thể so sánh với các số liệu của quốc tế và nước khác. Báo cáo cũng chỉ ra sự cần thiết phải có một khung phân tích số liệu đồng nhất, có thể liên kết và hỗ trợ nhau giữa các nghiên cứu của các bộ ngành khác nhau hoặc các cơ quan khác nhau; và như vậy, cần phải có một sợ hợp tác chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan. Có được một sự hợp tác như vậy thì Luật Bình đẳng giới mới phát huy được hiệu quả cao và sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay mới có được những kết quả nhất định.

Sau khi nhận được các ý kiến đánh giá, góp ý, báo cáo sẽ được chỉnh sửa và được Ngân hàng Thế giới phát hành trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Đức Tuyến