Liên kết web
Số lượt truy cập

198

2076852

Tin hoạt động

Hội thảo: Phổ biến kết quả khảo sát năng lực thực hiện hai Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình

09/07/2015
Ngày 17/12/2009 tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên hiệp quốc (UNIFEM) đã tổ chức Hội thảo: "Phổ biến kết quả khảo sát năng lực thực hiện hai Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình". Mục đích của Hội thảo là công bố kết quả cuộc khảo sát năng lực thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình của 15 bộ/ngành trung ương, 5 tỉnh/thành (Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Bình Dương, Đồng Nai) và một số tổ chức phi chính phủ và dân sự.

Cuộc khảo sát nằm trong trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNIFEM, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì và Viện Gia đình và Giới (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đánh giá hồi tháng 10 và 11 năm 2009. Nội dung đánh giá bao gồm năng lực thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo hai Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương; các chuyên gia thuộc Nhóm tư vấn quốc tế của UNIFEM; các chuyên gia của Viện Gia đình và Giới; các đại biểu thuộc 5 tỉnh, thành phố thực hiện cuộc khảo sát và đại diện các tổ chức trong và ngoài nước như Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển (RCGAD), tổ chức Oxfam (Bỉ), Unicef,...

Mở đầu Hội thảo, đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UNIFEM giới thiệu Chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNIFEM về Bình đẳng giới. Sau đó, đại diện Nhóm tư vấn quốc tế và Viện Gia đình và Giới trình bày tổng quan về nhiệm vụ, mục tiêu, phương pháp nghiên cứu của cuộc khảo sát này.

Tại Hội thảo, đại diện Nhóm tư vấn quốc tế đã trình bày các phát hiện chính cũng như những hạn chế liên quan đến năng lực trọng tâm (bao gồm cơ cấu tổ chức, vai trò lãnh đạo, nhận thức và trách nhiệm giải trình) và năng lực thực hiện (bao gồm việc thực hiện, giám sát, đánh giá và báo cáo). Nhóm tư vấn đưa một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy năng lực và xoá bỏ các rào cản cũng như sự thiếu hụt về các hướng dẫn thực hiện hai luật, xây dựng sự hợp tác giữa các bộ/ngành, hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia đối với hai luật này, thiết kế khung giám sát và đánh giá song hành với việc đưa ra chương trình hành động của mỗi luật. Nhóm tư vấn cho rằng cần có các biện pháp thu hẹp khoảng cách về năng lực tổ chức từ cấp trung ương đến địa phương, trong đó các Bộ chủ quản như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần thể hiện rõ vai trò tiên phong trong quá trình triển khai thực hiện hai luật này. Nhóm khuyến nghị nên tập trung vào quy trình đổi mới và xây dựng điển hình tiên tiến.

Góp ý tại Hội thảo, đại diện của Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng bản báo cáo của các chuyên gia đã phản ánh đầy đủ, chi tiết về năng lực thực hiện hai Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện nay. Tuy nhiên, báo cáo mới chỉ đề cập đến mặt hạn chế trong thực hiện, triển khai hai bộ luật mà chưa nêu những kết quả đạt được trong hoạt động bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Đại diện của Unicef cho rằng phòng chống bạo lực gia đình là một vấn đề khó, vì vậy nên xác định cụ thể các năng lực mà các tổ chức còn thiếu trong quá trình hiện hiện.

Kết thúc Hội thảo, đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định những kết quả mà các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức cấp trung ương và địa phương đã đạt được trong quá trình triển khai và thực hiện hai bộ luật. Những kết quả ban đầu này sẽ thúc đẩy hai Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình đi vào cuộc sống.

Thanh Loan