Liên kết web
Số lượt truy cập

3582

2085812

Tin hoạt động

Cẩm nang về Nghiên cứu gia đình trên thế giới (Handbook of World Families)

05/06/2015
Biến đổi gia đình là một chủ đề đang nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội trên thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng các gia đình trên thế giới đang biến đổi theo chiều hướng không mấy tốt đẹp song cũng không ít ý kiến lạc quan cho rằng những biến đổi trong các gia đình hiện nay sẽ mang lại nhiều cơ hội và kiến thức mới cho các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong một quốc gia tồn tại nhiều loại hình gia đình khác nhau và ở các quốc gia khác nhau các mô hình gia đình là rất khác nhau. Sự khác biệt này có thể bắt nguồn từ yếu tố văn hoá, vị trí địa lý và những ảnh hưởng của phương pháp nghiên cứu so sánh các nền văn hoá. Cuốn Cẩm nang về Nghiên cứu gia đình trên thế giới là một đóng góp đáng kể giúp nâng cao hiểu biết về các loại hình gia đình và đặc điểm của các loại hình gia đình thuộc các nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Cuốn sách do hai giáo sư Bert N. Adams (Trường đại học Wisconsin, Madison, Mỹ) và Jan Trost (Trường đại học Upsalla, Thụy Điển) biên soạn và được nhà xuất bản Sage phát hành năm 2005.

Cẩm nang về Nghiên cứu gia đình trên thế giới, bao gồm 25 chương, là tập hợp các bài viết của 34 tác giả về cuộc sống gia đình ở 25 quốc gia thuộc 6 khu vực địa lý trên thế giới. Các chương được kết cấu theo một trật tự thống nhất, bắt đầu bằng phần giới thiệu chung về bối cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội. Phần phân tích và thảo luận tập trung vào các chủ đề chủ đạo trong nghiên cứu gia đình như sự hình thành gia đình, mức sinh và quá trình xã hội hoá, vấn đề giới, hôn nhân, mâu thuẫn và bạo lực trong gia đình, ly hôn và tái hôn, dòng họ, quá trình già hoá dân số và cái chết, gia đình và các thiết chế khác, v.v. Ngoài ra, do những đặc thù riêng của từng nền văn hoá, các bài viết dành một phần thảo luận những chủ đề riêng mang tính đặc thù của vùng và quốc gia. Dưới đây là các phần trong sách được sắp xếp theo vùng địa lý và thứ tự bảng chữ cái tiếng Anh.

Phần I: Châu Phi, bao gồm các gia đình ở Kenya, Nigeria và Nam Phi.

Phần II: Châu á và Nam Thái Bình Dương, bao gồm các gia đình ở Australia, Trung Quốc, ấn Độ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Phần III: Châu Âu, bao gồm các gia đình ở áo, Bỉ, Cộng hoà Séc, Phần Lan, Đức, Hungary, Bồ Đào Nha, các quốc gia vùng Scandinavi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phần IV: Châu Mỹ La tinh, bao gồm các gia đình ở Achentina, Cuba và Puerto Rico.

Phần V: Trung Đông, bao gồm các gia đình ở Iran, Israel và Kuwait.

Phần VI: Bắc Mỹ, bao gồm các gia đình ở Canada và Hoa Kỳ.

Cuốn cẩm nang chỉ ra rằng, mặc dù chịu sự chi phối của các nền văn hoá khác nhau và các yếu tố kinh tế - chính trị khác nhau, nhưng vẫn tồn tại nhiều đặc điểm tương đồng giữa các gia đình thuộc các quốc gia và các vùng địa lý khác nhau, trong đó có thể kể đến sự gia tăng tỷ lệ ly hôn và giảm tỷ lệ sinh. Trong khi tỷ lệ ly hôn tăng không nhiều thì tỷ lệ sinh lại giảm rất mạnh ở ấn Độ và các quốc gia phương Tây. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự tương đồng về vai trò giới tại nhiều nước. Phụ nữ ngày nay có nhiều cơ hội về giáo dục và việc làm nhưng vẫn không được trả lương tương xứng và trách nhiệm chăm sóc con cái và làm việc nhà vẫn là trách nhiệm chính của họ. Sự xung đột giữa các thế hệ về mong muốn của cha mẹ đối với con cái cũng là một xu hướng diễn ra ở nhiều nước. Bên cạnh những điểm tương đồng này, các gia đình ở các nền văn hoá khác nhau hoặc chịu sự tác động của các nền văn hoá khác nhau thể hiện nhiều điểm khác biệt. Các vấn đề được phân tích tập trung vào 3 trục chính: hôn nhân, ly hôn, tái hôn; tỷ lệ sinh và quá trình xã hội hoá; vấn đề giới.

1. Hôn nhân, ly hôn, tái hôn

Yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ gia đình ở các quốc gia Hồi giáo và châu Phi khu vực cận Sahara như Kenya, Nigeria, Nam Phi. Cụ thể, chế độ phụ hệ gần như gắn liền với chế độ đa thê trong lịch sử, mặc dù chế độ này đang có xu hướng giảm đi nhanh chóng trên thế giới. Một yếu tố lịch sử khác trong quan hệ gia đình là hôn nhân sắp đặt và lời hứa hôn của hai gia đình về hôn nhân của hai đứa trẻ từ khi còn nhỏ, thậm chí từ khi còn trong bụng mẹ (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, ấn Độ). Quá trình dẫn đến hôn nhân của người Đài Loan được mô tả là chịu sự chi phối và quyết định bởi quyền lực gần như tuyệt đối của cha mẹ. Hôn nhân là một quá trình bao gồm những nghi lễ và thoả thuận hơn là một sự kiện liên quan đến cuộc đời của hai cá nhân và quyết định hôn nhân hoàn toàn do gia đình quyết định chứ không phải sự lựa chọn của con cái. ở ấn Độ, nam và nữ thanh niên, đặc biệt ở khu vực nông thôn, hầu như không được thực hiện quyền lựa chọn bạn đời. Hôn nhân sắp đặt vẫn là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành gia đình ở các vùng đô thị ấn Độ ngày nay.

Nhiều tác giả cho rằng là hôn nhân không còn là một giá trị được coi trọng như trước. Tỷ lệ kết hôn ở Hungary giảm từ hơn 100.000 trường hợp/năm trong giai đoạn 1948-1949 xuống 43.000 trường hợp/năm trong giai đoạn hiện nay. Số người kết hôn ở các quốc gia phương Tây như Thụy Điển và Australia ngày càng giảm và tỷ lệ chung sống không kết hôn ngày càng tăng. Vẫn biết chung sống không kết hôn là một tình trạng không ổn định và nhiều trường hợp đã hợp thức hoá hôn nhân sau một thời gian chung sống nhưng mối quan hệ như vậy vẫn được ưa thích và duy trì. Bên cạnh việc chung sống không kết hôn, một hình thái khác thay thế hôn nhân truyền thống là quan hệ hôn nhân giữa hai người sống cách xa nhau hoặc không cùng chung sống dưới một mái nhà. Hình thái này được xem là cách để giữ cho đời sống hôn nhân bền vững.

Các nghiên cứu cũng cho thấy một biến đổi phổ biến đối với các gia đình ở nhiều quốc gia là sự gia tăng tỷ lệ ly hôn. Nghiên cứu về gia đình ở Bỉ cho thấy đất nước châu Âu này có tỷ lệ ly hôn cao nhất và cũng là nước vẫn duy trì các thủ tục pháp lý rất lạc hậu về ly hôn khi không chấp nhận ly hôn nếu không có lỗi của một trong hai bên hoặc cả hai.

Mặc dù hiện tượng tái hôn xuất hiện trong khá nhiều trường hợp, nhiều người vẫn chọn giải pháp chung sống không kết hôn sau khi ly hôn thay vì lại mạo hiểm vào một mối quan hệ khác. Nhìn chung, trên thế giới, tỷ lệ ly hôn, tái hôn và chung sống không kết hôn đều đang tăng lên. Phụ nữ đã có con cảm thấy cần và muốn tái hôn nhiều hơn. Tái hôn giữa những người có con riêng làm gia tăng số lượng các gia đình mà vợ hoặc chồng hoặc cả hai có con riêng.

2. Tỷ lệ sinh và quá trình xã hội hoá trong chăm sóc trẻ em

Tỷ lệ sinh giảm là một hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu là do trình độ học vấn của phụ nữ được nâng cao hơn và tỷ lệ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động được trả lương ngày càng gia tăng. ở Trung Quốc, tỷ lệ sinh giảm là do sự can thiệp trực tiếp của chính phủ thông qua chính sách một con. Một vấn đề được thảo luận trong nhiều nghiên cứu về tỷ lệ sinh là sự lựa chọn số con và giới tính của đứa trẻ. Truyền thống thích con trai vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc, Kenya và một số nơi khác. Điều này có liên quan đến quan điểm rằng con trai có quyền thừa kế tài sản của gia đình, chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi tuổi già và chôn cất cha mẹ khi họ qua đời.

Các nghiên cứu từ nhiều nền văn hoá khác nhau cho thấy rõ ràng cha mẹ đóng vai trò quan trọng song nhiều người khác và các định chế khác cũng tham gia vào quá trình nuôi dưỡng đứa trẻ. ở Phần Lan, việc nuôi dưỡng và xã hội hoá trẻ em không chỉ diễn ra trong gia đình và trong các mối quan hệ thân thiết mà còn có sự tham gia của nhiều tổ chức như trường mẫu giáo, trường học, trung tâm y tế, các phương tiện truyền thông, nơi làm việc của cha mẹ, v.v. Từ khía cạnh đạo đức thì việc nuôi dưỡng con cái thuộc trách nhiệm chính của cha mẹ và gia đình. ở các nước Trung Đông, con trai được nuôi dạy để chịu trách nhiệm về dòng họ và tài sản khi chúng trưởng thành. ở Iran, giữa cha mẹ và con cái luôn có mối quan hệ và gắn kết về tình cảm chặt chẽ trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, sự thể hiện tình cảm được chấp nhận chỉ đối với con gái mà không dành cho con trai. Sự kính trọng và vâng lời của con cái đối với cha mẹ là mong ước của cha mẹ ở các quốc gia vùng Trung Đông, châu Phi, Đông Nam á, châu Mỹ La tinh và nhiều nơi khác.

Các nghiên cứu cho thấy có sự xung đột giữa thế hệ cha mẹ và thế hệ con cái trong quan niệm về cách ứng xử của con cái đối với cha mẹ. Cha mẹ ở áo mong muốn con cái phải có tinh thần trách nhiệm, sống độc lập, là những cá nhân có lòng bao dung và biết cư xử. ở nhiều quốc gia, tính độc lập của con cái là điều mong muốn nhất của các bậc cha mẹ vì đối với họ, đầu tư vào con cái chính là cho tương lai của chúng chứ không phải để được nhờ cậy khi tuổi già. Nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy chính sách một con có tác động rất lớn đến cuộc sống gia đình. Trẻ em ở Trung Quốc không có anh chị em và có rất ít anh chị em họ. Chúng chỉ có ông bà và cha mẹ và điều này đã tạo ra một thế hệ những "ông vua con" trong gia đình.

Mặc dù ngày nay, ở nhiều nước, đặc biệt là các nước phương Tây, trẻ em trai và trẻ em gái đã có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng song ở một số quốc gia khác, trẻ em trai và trẻ em gái vẫn chưa được đối xử bình đẳng. ấn Độ là một ví dụ điển hình. Theo nghiên cứu của tác giả J. P. Singh, sự khác biệt trong quá trình xã hội hoá theo giới ở ấn Độ là do "nhu cầu sinh con trai ở các gia đình ấn Độ là một nhu cầu quan trọng nên trẻ em gái thường không nhận được sự quan tâm nhiều của gia đình. Trẻ em gái bị gia đình bỏ bê đến nỗi nhiều em không còn có mong muốn gì trong cuộc sống. Khi trưởng thành, chúng có xu hướng đánh mất giá trị của mình hoặc không còn quan tâm đến bản thân". Không chỉ là sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, ở nhiều nước, người cha rất ít tham gia vào công việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái và dồn trách nhiệm này cho người mẹ. ở Cuba, nhiều nam giới hầu như không cùng vợ chăm sóc và nuôi dưỡng con cái hoặc thậm chí rất ít khi gần gũi con. Người vợ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái.

3. Giới và bình đẳng giới

Các nghiên cứu đều ghi nhận rằng cơ hội việc làm và giáo dục cho phụ nữ đã được nâng cao và cải thiện ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia phát triển. Địa vị của người phụ nữ trong gia đình vì thế cũng đang tăng lên. Song, bình đẳng giới vẫn là cái đích chưa đạt được khi trách nhiệm chăm sóc con cái vẫn thuộc về phụ nữ và sự chia sẻ của người chồng đối với trách nhiệm này và các công việc gia đình khác vẫn chưa được cải thiện. Khác biệt giới vẫn tồn tại ngay cả ở các nước được coi là có chính sách bình đẳng như Thụy Điển và Israel. ở Israel, "bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong lĩnh vực việc làm, vị trí công tác và thu nhập. Phụ nữ hầu như làm việc trong ngành giáo dục, y tế, dịch vụ phúc lợi và chỉ chiếm 1/5 trong các vị trí quản lý. Rất nhiều phụ nữ làm việc bán thời gian."

Đối với thế hệ trẻ tuổi hơn, quan điểm về bình đẳng giới dường như rõ rệt hơn. ở áo, nam thanh niên sẵn sàng làm việc nhà nhiều hơn so với nhóm tuổi cao hơn. Yếu tố nhóm tuổi đóng vai trò quan trọng trong các phân tích về sự biến đổi mối quan hệ giới trong các gia đình ở áo.

Ngoài các vấn đề trên, các tác giả cho rằng bạo lực trong gia đình vẫn là một lĩnh vực cần được nghiên cứu thêm do những sai khác trong định nghĩa về bạo lực gia đình, cách chọn mẫu và do có nhiều người không tiết lộ về bạo lực xảy ra trong gia đình họ. Một vấn đề nữa cũng cần được chú ý hơn trong các nghiên cứu là việc thiếu ý thức cộng đồng như trường hợp được đề cập đến trong nghiên cứu về gia đình ở Hàn Quốc.

Tóm lại, mặc dù được thực hiện trong các bối cảnh văn hoá khác nhau nhưng với cách trình bày khoa học, các vấn đề nghiên cứu trong cuốn sách được đề cập theo một cách rất thuận tiện cho người đọc theo dõi và so sánh. Cuốn sách cho thấy một bức tranh về sự đa dạng của gia đình ở các nền văn hoá khác nhau thông qua các xu hướng biến đổi gia đình của các quốc gia và cách thức mà các nước này phản ứng trước các biến đổi. Những thông tin trong cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho những nhà nghiên cứu cần tìm hiểu những thông tin cơ bản cần thiết khi thực hiện các nghiên cứu so sánh về gia đình. Các chương sách cung cấp cho người đọc kiến thức về sự đa dạng, tính phức tạp và tính chính trị của đời sống gia đình, từ đó giúp họ nâng cao hiểu biết về cuộc sống gia đình ở nhiều quốc gia với các nền văn hoá, kinh tế, chính trị khác nhau trên thế giới. Ngoài ra, người đọc có thể học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn và có thêm lý luận về nghiên cứu gia đình phục vụ công tác nghiên cứu của mình.

Cuốn sách được coi là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các cơ quan nghiên cứu, các học giả và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu gia đình và xã hội học, các sinh viên hoặc nghiên cứu viên về nghiên cứu gia đình và nghiên cứu so sánh về gia đình.

Có thể tìm đọc cuốn sách này tại Thư viện Viện Gia đình và Giới, 6 Đinh Công Tráng, Hà Nội.

Trần Thị Cẩm Nhung (giới thiệu)