Liên kết web
Số lượt truy cập

24

2080269

Tin hoạt động

Hội thảo: Giới và chính sách, pháp luật về xã hội

09/07/2015
Để có những ý kiến đóng góp thiết thực cho 3 dự án luật mới tại Quốc hội: Dự án luật về Người khuyết tật, Dự án luật về Nuôi con nuôi và Dự án luật về Bảo hiểm xã hội, trong hai ngày 31 tháng 10 và 1 tháng 11 năm 2009, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo "Giới và chính sách, pháp luật về xã hội". Đây là một hoạt động thuộc Chương trình hợp tác giữa ủy ban với Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada và Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thu hút khoảng 60 đại biểu là nghị sỹ quốc hội, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương cùng các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới tới tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam, cho biết: Trong hai thập niên gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về phát triển xã hội. Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Đóng góp vào thành công này không thể không kể đến vai trò quyết định của việc đổi mới tư duy trong hoạch định và thực thi các chính sách xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được về bình đẳng giới, thực tế còn cho thấy nhiều vấn đề nổi cộm cần được giải quyết. Chẳng hạn, vẫn còn đó những kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng, nhất là ở khu vực nông thôn; số phụ nữ khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ giáo dục, dạy nghề ít hẳn hơn số nam khuyết tật...

Hội thảo được chia thành 3 phiên họp, mỗi phiên xem xét về một dự án luật. Phiên thứ nhất "Giới và Dự án luật Người khuyết tật" đặt trọng tâm vào việc xem xét mức độ đáp ứng các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, mức độ tuân thủ và trình tự đánh giá lồng ghép giới trong xây dựng Dự án luật Người khuyết tật và tính khả thi của Dự án luật.

Các báo cáo và ý kiến đóng góp của đại biểu trong phiên họp cho thấy nhìn chung các điều luật hiện nay không thể hiện sự bất bình đẳng giới, một số thậm chí còn thể hiện sự quan tâm đến đặc tính giới, ví dụ như các quy định ưu tiên cho phụ nữ khuyết tật. Cái còn thiếu chính là các chính sách cụ thể nhằm hạn chế sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới đối với người khuyết tật. Các điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho thấy phụ nữ khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới khuyết tật trong nhiều vấn đề như hôn nhân, việc làm, giáo dục và tiếp cận thông tin.

Các đại biểu nhất trí rằng việc xóa bỏ phân biệt đối xử đối với người khuyết tật cần có các chính sách cụ thể hơn, các nghiên cứu sâu hơn và sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan nghiên cứu và lập pháp. Nhà nước cần có những chính sách pháp luật riêng, đặc thù đối với người khuyết tật nặng cũng như phụ nữ và trẻ em khuyết tật, đặc biệt trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội để xóa bỏ những rào cản đối với sự phát triển của người khuyết tật nói chung và người khuyết tật nữ nói riêng.

Trong phiên họp thứ hai về "Giới và Dự án luật Nuôi con nuôi", các đại biểu tập trung thảo luận về việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong Dự án luật Nuôi con nuôi và xem xét tính khả thi của Dự án luật. Theo đó, việc nhận con nuôi phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em, đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho trẻ em trai và trẻ em gái và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Báo cáo và ý kiến đóng góp về vấn đề con nuôi cho thấy Dự án luật Nuôi con nuôi đã giải quyết tốt vấn đề bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ hơn và thực hiện tốt hơn vấn đề bình đẳng giới, có thể bổ sung quy định về đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận nuôi con nuôi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, tự nguyện, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.

Về con nuôi trong nước và nước ngoài, các đại biểu cho rằng nên ưu tiên người nhận nuôi con nuôi ở trong nước trước rồi mới đến người nhận nuôi con nuôi nước ngoài. Để thực hiện ý tưởng đó, Dự luật cần có những chính sách và giải pháp rõ ràng để khuyến khích nuôi con trong nước và hạn chế nuôi con nước ngoài.

Luật mới cần có những biện pháp tránh tình trạng lạm dụng, nhất là lạm dụng tình dục, của người nuôi với người được nhận nuôi, ví dụ như nam độc thân nuôi con gái nhiều tuổi. Tuy nhiên, việc này cần được cân nhắc thêm để tránh những mâu thuẫn không đáng có với các điều luật hiện hành.

Thực trạng và chính sách nghỉ hưu cũng như bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ là các vấn đề được thảo luận tại phiên họp về "Giới và Dự án luật Bảo hiểm Xã hội". Các đại biểu cho rằng nên xóa bỏ sự bất bình đẳng của nam và nữ về bảo hiểm xã hội, trước tiên nên quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhất trí rằng cần nghiên cứu sâu hơn nhằm có được những bằng chứng khoa học xác đáng về vấn đề này.

Quyền lợi của phụ nữ trong Dự án luật cũng là một vấn đề cần được cân nhắc, vì đó cũng có thể là những cản trở cho chính phụ nữ, do nó khiến chủ lao động không muốn thuê người lao động nữ. Do đó, cần đánh giá lại các điều luật hiện có và tìm ra những luận chứng khoa học cho việc kiến nghị sửa đổi luật pháp và các chính sách an sinh xã hội đặc biệt đối với nữ.

Kết thúc Hội thảo, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, của các dự luật. Theo bà, các đạo luật này cần được bàn bạc, nghiên cứu, đánh giá thêm không chỉ từ phía các nhà nghiên cứu mà còn từ phía những người dân nhằm tạo được sự bình đẳng trong chính sách xã hội và nâng cao ý thức về bình đẳng trong dân.

Đ.T.