Liên kết web
Số lượt truy cập

9

2938887

Tin hoạt động

Hội nghị Cấp cao về các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020

09/07/2015
Ngày 8 tháng 12 năm 2010, tại Hà Nội, đã diễn ra "Hội nghị Cấp cao về các giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020" do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Mục tiêu của Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị trong việc đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cấp uỷ đảng, hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội từ Trung ương đến cơ sở nhiệm kỳ 2011-2015 và những nhiệm kỳ tiếp theo, đúng như mục tiêu đã được đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-QĐ ngày 27 tháng 11 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho biết: Bình đẳng giới vừa là mục tiêu lâu dài, vừa là mục tiêu quan trọng của sự phát triển. Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới chính là nhằm đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng của cả hai giới nam và nữ trong hệ thống chính trị. Ngoài ý nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả của việc thực hiện tốt mục tiêu, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, thì bình đẳng giới còn bao hàm trong đó nội dung kinh tế, chính trị, xã hội hết sức sâu sắc và rộng lớn.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức Hội nghị này, bà Suzzette Mitchell, Trưởng đại diện Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Hội nghị được tổ chức rất đúng thời điểm và vô cùng quan trọng, bởi vì Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XI và hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Bà Suzzette Mitchell cho rằng, khi Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình thì việc duy trì những thành quả về bình đẳng giới càng trở thành một vấn đề vô cùng quan trọng. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới lần đầu tiên được xây dựng thực sự là một bước ngoặt trong việc tiếp tục thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam trình bày một số nội dung chính và các kiến nghị, đề xuất của Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Chiến lược đặt trọng tâm ưu tiên vào 7 mục tiêu cụ thể sau: Thứ nhất, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Thứ hai, giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm. Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động. Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Thứ tư, đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Thứ năm, bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá và thông tin. Thứ sáu, bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Thứ bảy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận những nội dung như: Xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trong các cấp uỷ đảng, Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm cụ thể hoá, ràng buộc trách nhiệm, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp uỷ đảng, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, những người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể xã hội từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu (dài hạn, ngắn hạn) trong đó chú trọng đề ra các chỉ tiêu ưu tiên ở từng cấp, ngành, địa phương trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; Xây dựng chiến lược quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị trước mắt cũng như lâu dài, xác định các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp để đạt được các chỉ tiêu; Xem xét khả năng thành lập một Bộ hoặc/và một bộ phận chuyên trách về công tác bình đẳng giới trong các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị; và Những giải pháp đột phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

P.V

Các tin cũ hơn.................................................