- Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
- Hội thảo khoa học: "Bộ chỉ số gia đình hạnh phúc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn"
- Tọa đàm khoa học "Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu khoa học xã hội"
- Hội nghị Đối thoại giữa Chi ủy, Lãnh đạo viện với đảng viên, viên chức và người lao động Viện nghiên cứu Gia đình và Giới 6 tháng đầu năm 2024
- Chi bộ Viện nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức sinh hoạt chuyên đề: Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Cuộc thi “Nét đẹp và giá trị gia đình Việt Nam” hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2024
- Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đi thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ
- Tổng mục lục Tạp chí 2023
- Viện nghiên cứu Gia đình và Giới phát động phong trào thi đua và ký Giao ước thi đua năm 2024
- Chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ : “Đầu tư vào Phụ nữ - Đẩy nhanh tiến độ phát triển”
37
2858668
Nghiệm thu đề tài cấp cơ sở năm 2018 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
03/04/2020Năm 2018, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới triển khai hệ đề tài cơ sở về “Lịch sử Gia đình Nông thôn Việt Nam giai đoạn 1976-1986”. Đây là hệ đề tài thuộc hướng nghiên cứu về lịch sử gia đình Việt Nam, tiếp nối hệ đề tài về “Lịch sử gia đình nông thôn Việt Nam giai đoạn 1960-1975” đã thực hiện năm 2017. |
Nhiệm vụ chung của các đề tài là nhằm nhận diện những đặc điểm và khuôn mẫu hôn nhân-gia đình đồng bằng sông Hồng trong một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, tập trung ở một số chủ đề: lựa chọn bạn đời; tổ chức cuộc sống những năm đầu sau kết hôn; phân công lao động giữa vợ và chồng; quyền quyết định giữa vợ và chồng; và một số khía cạnh của đời sống tâm lý tình cảm vợ chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1976-1986. Hệ đề tài được triển khai thực địa tại Nam Định và Thái Bình, với lượng mẫu là 400 người kết hôn trong giai đoạn 1976-1986 tại mỗi địa bàn. Các đề tài đã thực hiện các phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm để tìm hiểu thêm thông tin định tính về chủ đề nghiên cứu. Các câu hỏi hồi cố được sử dụng trong khảo sát định tính và định lượng về chủ đề nghiên cứu.
Trong khuôn khổ các hoạt động khoa học năm 2018, ngày 28 và 29/11/2018, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức nghiệm thu 10 đề tài cơ sở được thực hiện năm 2018 trong hệ đề tài về lịch sử gia đình Việt Nam. Thành viên Hội đồng nghiệm thu gồm các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực gia đình và giới trong và ngoài Viện.
1. Đề tài “Quyền quyết định giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Vũ Thị Cúc làm chủ nhiệm được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về logic trình bày vấn đề nghiên cứu. Kết quả đề tài cho thấy trong giai đoạn 1976-1986, mô hình quyền quyết định của vợ và chồng trong 5 năm đầu kết hôn có xu hướng quay trở lại với khuôn mẫu truyền thống đề cao vai trò của người đàn ông trong gia đình. Một điểm khác là so với mô hình quyết định truyền thống trước đây người chồng là người quyết định cuối cùng các công việc quan trọng của gia đình, tuy nhiên không còn sự “độc quyền” mà đã có sự tham gia của người vợ cùng quyết định với tỷ lệ cao “hai vợ chồng cùng quyết định chính”. So sánh với kết quả nghiên cứu của thời kỳ trước (1960 – 1975), kết quả đề tài cho thấy có sự khác biệt nhất định khi vai trò quyết định chính của người cha, người chồng trong gia đình chứ không còn của người vợ.,,
2. Đề tài “Việc lựa chọn bạn đời ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Nguyễn Hà Đông làm chủ nhiệm được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc bởi kỹ thuật phân tích bài bản và hàm lượng thông tin phong phú. Kết quả đề tài cho thấy, khuôn mẫu hôn nhân ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986 tiếp tục theo xu hướng chuyển dịch từ hôn nhân do cha mẹ, gia đình sắp đặt sang mô hình hôn nhân tự nguyện trên cơ sở tình yêu. Quá trình này được biểu hiện ở sự gia tăng tính tự chủ, độc lập, khả năng quyết định hôn nhân của cá nhân trong bối cảnh kinh tế xã hội có những thay đổi nhất định. Việc lựa chọn bạn đời trong giai đoạn 1976-1986 cũng có khuynh hướng cá nhân rõ rệt hơn khi hướng tới thỏa mãn nhu cầu của cá nhân hơn là đáp ứng nhu cầu của gia đình. Một số đức tính như ngoan ngoãn, hiền lành, khỏe mạnh, chăm chỉ, chịu khó được coi trọng nhiều hơn so với các đặc trưng của gia đình như lý lịch trong sạch, gia đình nề nếp, con nhà khá giả,... Kết quả nghiên cứu còn cho thấy có sự khác biệt giới trong việc lựa chọn bạn đời cũng như lý do kết hôn ở thời kỳ này. Khuôn mẫu hôn nhân và các tiêu chí lựa chọn bạn đời của thời kỳ này là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa khuynh hướng cá nhân (thỏa mãn nhu cầu cá nhân) và tập thể (đáp ứng nhu cầu của cha mẹ, duy trì ảnh hưởng của gia đình).
3. Đề tài “Đời sống tâm lý-tình cảm giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Bùi Thị Hương Trầm làm chủ nhiệm đã mô tả về những khó khăn trong cuộc sống vợ chồng 5 năm đầu kết hôn, những cách thức vượt qua khó khăn và những cách thức thể hiện sự gắn kết. Khó khăn về kinh tế là khó khăn mà hầu hết các gia đình gặp phải trong 5 năm đầu sau kết hôn vào giai đoạn 1976-1986. Về cách thức vượt qua khó khăn: mỗi gia đình đều tự cố gắng vượt qua, ít nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người khác do tâm lý chung của các gia đình trong giai đoạn này đều xuất phát từ khó khăn chung của bối cảnh kinh tế xã hội. Kết quả phân tích còn chỉ ra rằng quan niệm xã hội và bối cảnh sống thời kỳ này được phản ánh qua những tương tác giữa vợ và chồng. Nghiên cứu về đời sống tâm lý-tình cảm giữa vợ và chồng trong giai đoạn 1976-1986 gặp phải những thách thức lớn khi sử dụng phương pháp hồi cố, đặc biệt là những thông tin liên quan đến đời sống tình dục vợ chồng. Vào thời điểm thu thập thông tin, người trẻ nhất là 50 tuổi và người cao tuổi nhất là 82 tuổi, vì vậy, việc chia sẻ những thông tin về chủ đề tình dục không thực sự tự nhiên và thoải mái.
4. Đề tài “Sự trợ giúp lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình mở rộng ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do CN. Phan Thị Thanh Mai làm chủ nhiệm đã cung cấp những nét khái quát về sự trợ giúp trong gia đình, dòng họ ở nông thôn giai đoạn này. Kết quả phân tích cho thấy trong bối cảnh đất nước còn nghèo, nền kinh tế còn bao cấp nên hầu như không có sự giúp đỡ về vật chất giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng. Sự hỗ trợ chủ yếu được thể hiện ở việc giúp công trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hay trong quá trình xây sửa nhà cửa. Bên cạnh đó, những trợ giúp về tinh thần là hình thức khá điển hình của các thành viên trong gia đình mở rộng ở giai đoạn này. Kết quả nghiên cứu còn ghi nhận các sự trợ giúp chủ yếu là từ bố mẹ hai bên, anh chị em ruột trong gia đình.
5. Đề tài “Mối quan hệ anh chị em ruột trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Nguyễn Thị Hồng Hạnh làm chủ nhiệm đã mô tả cụ thể hơn về mối quan hệ giữa anh chị em ruột trong gia đình ở một số chiều cạnh như gặp gỡ, hỗ trợ làm ăn, hỗ trợ xây sửa nhà cửa và hỗ trợ trong chăm sóc con cái. Các phân tích trong nghiên cứu này đã chỉ ra rằng bối cảnh kinh tế xã hội thời kỳ này gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế hộ gia đình bị kìm hãm cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến sự trợ giúp của anh chị em ruột trong gia đình. Do đó, sự trợ giúp của anh chị em trong gia đình thiên về sức người hơn sức của đối với hầu hết các công việc trợ giúp. Khoảng cách và mức độ gặp gỡ, liên lạc của anh chị em cũng có liên hệ khá chặt chẽ với các hình thức tương trợ, nếu anh chị em sống càng gần, gặp gỡ giao lưu càng thường xuyên thì việc trợ giúp càng nhiều. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần cho khoảng trống trong nghiên cứu về chủ đề mối quan hệ anh chị em ruột trong các nghiên cứu gia đình.
6. Đề tài “Sự tham gia của người phụ nữ trong các hoạt động cộng đồng ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Nguyễn Đức Tuyến làm chủ nhiệm đã cho thấy góc nhìn đa chiều về sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động cộng đồng ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986 dưới tác động của các yếu tố cá nhân, yếu tố gia đình, yếu tố xã hội. Trong giai đoạn này, tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động cộng đồng tương đương so với nam giới, tuy nhiên, tỷ lệ giữ các chức vụ và mức độ tham gia của phụ nữ thấp hơn so với nam giới. Các phân tích của đề tài đã chỉ ra rằng nguyên nhân là do tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại, phụ nữ trình độ thấp hơn so với nam giới. Phụ nữ được cho là trách nhiệm gắn liền với công việc gia đình hơn là tham gia vào các hoạt động cộng đồng hoặc có trách nhiệm cao hơn đối với các hoạt động cộng đồng.
7. Đề tài “Tổ chức cuộc sống những năm đầu sau kết hôn trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Lê Thị Hồng Hải làm chủ nhiệm đã cung cấp một cái nhìn khách quan về gia đình Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử. Kết quả của nghiên cứu này một lần nữa khẳng định ở nhà chồng sau kết hôn là mô hình cư trú phổ biến ở nông thôn đồng bằng sông Hồng Việt Nam. Việc quyết định lựa chọn mô hình cư trú phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, số lượng nhân khẩu của gia đình, về sự hòa nhập cuộc sống giữa con dâu/ con rể, về sự trợ giúp nương tựa lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái.
8. Đề tài “Phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Trần Thị Thanh Loan làm chủ nhiệm đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc với khả năng nghiên cứu bài bản, bố cục báo cáo chặt chẽ, nội dung phân tích sâu sắc. Kết quả đề tài cho thấy, sự phân công lao động giữa vợ và chồng trong gia đình nông thôn miền Bắc ở giai đoạn 1976-1986 đã có sự thay đổi so với giai đoạn 1960-1975 nhưng sự thay đổi diễn ra tương đối chậm. Điều này là do bối cảnh xã hội có tác động mạnh mẽ khi người đàn ông trở về gia đình sau chiến tranh lại tiếp tục tham gia các công việc ngoài gia đình, các công việc đại diện cho gia đình. Khuôn mẫu giới vẫn thể hiện rõ nét và có ảnh hưởng đến phân công lao động trong gia đình ở giai đoạn này. Với việc áp dụng các kỹ thuật phân tích hồi quy đa biến, đề tài đã chỉ ra một số yếu tố có khả năng tác động đến phân công lao động trong gia đình giữa người vợ và người chồng thời kỳ 1976-1986 như học vấn, nghề nghiệp, mô hình chung sống sau hôn nhân và hai vợ chồng sống xa nhau.
9. Đề tài “Hoạt động kinh tế của hộ gia đình ở khu vực nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Trần Quý Long làm chủ nhiệm. Kết quả đề tài cho thấy, trong giai đoạn lịch sử 1976-1986, hoạt động kinh tế hộ gia đình nông thôn chủ yếu là hoạt động nông nghiệp, các hoạt động kinh tế công nghiệp khá yếu ớt. Trong thời kỳ này, kinh tế hộ gia đình là cơ sở đảm bảo cho kinh tế tập thể tồn tại và có những đóng góp không nhỏ vào việc phát triển nông nghiệp của đất nước. Vai trò kinh tế của hộ gia đình ở khu vực nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986 được khẳng định là đơn vị kinh tế tự chủ. Các hình thức kinh tế hợp tác không làm mất vai trò của kinh tế hộ, biến cá thể thành tập thể. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác còn trở thành môi trường để hỗ trợ cho sự phát triển đầy đủ hơn của các hộ gia đình ở những công việc mà hộ không làm được hoặc làm kém hiệu quả.
10. Đề tài “Sự tham gia của hộ gia đình vào hoạt động kinh tế của hợp tác xã ở nông thôn miền Bắc giai đoạn 1976-1986” do Th.S. Phan Huyền Dân làm chủ nhiệm đã cung cấp những nét khái quát cơ bản về sự tham gia vào hoạt động kinh tế hợp tác xã của hộ gia đình. Kết quả đề tài chỉ ra rằng sự tham gia của hộ gia đình vào các hoạt động kinh tế của hợp tác xã ở các mức độ khác nhau. Cụ thể như đối với các chủ trương và cơ chế do nhà nước quy định thì tham gia ở mức lắng nghe thông tin và làm theo sự hướng dẫn của HTX. Tuy nhiên, đối với các hoạt động sản xuất của HTX ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất của HGĐ thì sự tham gia của HGĐ ở mức cao hơn “2. Tham gia ý kiến” và đôi khi ở mức “3. Tham gia phối hợp”. Đề tài đã nêu ra những bài học kinh nghiệm về cơ chế quản lý kinh tế nói chung, và quản lý kinh tế nông thôn nói riêng. Trong đó, thực tiễn diễn ra ở cấp cơ sở, trong đó bao gồm phản ứng của người dân chính là nền tảng để hình thành tư duy, và tiếp theo là xây dựng chính sách và là những bài học mang tính kim chỉ nam cho giai đoạn Đổi mới ở Việt Nam ở giai đoạn tiếp theo.
Đánh giá chung về tiến độ và kết quả của các đề tài, PGS. TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, khẳng định rằng, cho dù còn có những khó khăn nhất định trong triển khai nghiên cứu, các đề tài đã đảm bảo rất tốt tiến độ đề ra. Đây là hệ đề tài chung công cụ nghiên cứu, mẫu nghiên cứu nên sự phối hợp giữa các đề tài là cực kỳ quan trọng để đảm bảo được tiến độ và chất lượng chuyên môn đồng đều. Nhờ chủ động lên kế hoạch triển khai xây dựng công cụ nghiên cứu, thực địa sớm ngay từ đầu năm 2018 nên toàn bộ các đề tài có đủ thời gian, thông tin hoàn thành báo cáo cũng như các sản phẩm theo yêu cầu với chất lượng chuyên môn tốt. Các đề tài cho thấy nhiều phát hiện quan trọng và lí thú về đặc điểm hôn nhân và gia đình Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước, góp phần bổ sung những khoảng trống về những nghiên cứu thực nghiệm về đặc điểm hôn nhân, gia đình và các mối quan hệ giữa gia đình với cộng đổng, đoàn thể, chính quyền trong xã hội nông thôn miền Bắc Việt Nam thời kỳ 1976-1986. Viện trưởng cũng khẳng định lại ý nghĩa quan trọng của việc triển khai nghiên cứu hồi cố về lịch sử gia đình nhằm tiếp cận và khai thác kịp thời nhóm khách thể nghiên cứu kết hôn trong giai đoạn 1976-1986 khi trí nhớ và sức khỏe của họ vẫn còn khả năng cung cấp các thông tin về hôn nhân và gia đình thời kỳ này. Dựa trên các kết quả nghiên cứu về lịch sử gia đình nông thôn Việt Nam thời kỳ 1960-1975 và 1975-1986, Viện sẽ có những kế hoạch để biên soạn và xuất bản sách trong thời gian tới.
Các tin cũ hơn.................................................
- Sinh hoạt khoa học bằng Tiếng Anh (03/04/2020)
- Hội thảo khoa học: Báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu khoa học năm 2018 Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (03/04/2020)
- Hội thảo khoa học: “Đặc điểm cơ bản của hôn nhân hiện nay ở Việt Nam và yếu tố ảnh hưởng” (03/04/2020)
- Hội thảo khoa học “Giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển” (03/04/2020)
- Hội thảo khoa học: Thực trạng và các yếu tố tác động đến bạo lực gia đình hiện nay (03/04/2020)
- Lễ Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhiệm kỳ mới (04/04/2020)
- Đề tài cấp Bộ: “Những đặc điểm cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng” (Mã số: KHXH-GĐ/16-19/02) (03/04/2020)
- Hoạt động nghiệm thu đề tài cấp cơ sở 2016 của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (03/04/2020)
- Đề tài: “Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xã hội và kinh tế đến bạo lực gia đình hiện nay” (26/05/2017)
- Đề tài cấp Bộ: “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” (26/05/2017)