Liên kết web
Số lượt truy cập

91

2025140

Hoạt động Khoa học

Hội thảo khoa học “Giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển”

03/04/2020
Trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (Chương trình Gia đình), được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), ngày 16/3/2018, tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Đề tài “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, làm chủ nhiệm, đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển”.

Tham dự Hội thảo ngoài lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (cơ quan chủ trì đề tài) còn có đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình Gia đình, các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình. Đồng thời, hội thảo còn có sự tham dự đông đảo của các nhà quản lý, nhà khoa học thuộc các bộ, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế và trong nước,  có nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề hôn nhân, gia đình.

 

Trong những thập niên qua, gia đình ở nhiều quốc gia trên thế giới đã có những thay đổi về quy mô, cơ cấu, chức năng, tính chất, trong đó, nhiều giá trị gia đình đang có những biến đổi theo hướng cá nhân hóa, hiện đại hóa. Nhằm tìm hiểu những đặc điểm giá trị của gia đình Việt Nam hiện nay và xu hướng biến đổi trong thời gian tới, trong hai năm 2016-2017, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã triển khai đề tài “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” thuộc Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”. Hội thảo khoa học “Giá trị gia đình Việt nam trong bối cảnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay và xu hướng phát triển”nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của giá trị gia đình Việt Nam; đồng thời trao đổi, thảo luận nhằm có thêm  những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, quản lý và hoạch định chính sách để hoàn thiện các phân tích và đề xuất chính sách.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thay mặt Lãnh đạo Viện cảm ơm sự góp mặt đông đảo các đại biểu tham dự; đồng thời nêu rõ mục đích của buổi hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách của các Bộ, Ban ngành về kết quả nghiên cứu của đề tài. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần bổ sung cho những phát hiện đã có của đề tài, trên cơ sở đó gợi mở những đề xuất về mặt chính sách cho việc củng cố mối quan hệ hôn nhân, gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Trong báo cáo đề dẫn, TS. Trần Thị Minh Thi đã chỉ ra rằng hôn nhân và gia đình Việt Nam đang trải qua sự chuyển đổi quan trọng, từ mô hình truyền thống đến những đặc điểm hiện đại và cởi mở hơn, những đổi thay trong giá trị và chuẩn mực đã tác động mạnh mẽ đến thái độ và cách ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội ngày nay. Việc tồn tại cùng lúc các mức độ khác nhau của các giá trị truyền thống và hiện đại trong bối cảnh cái mới chưa hoàn thiện và cái cũ chưa mất hoàn toàn là khuôn mẫu chung của nhiều khía cạnh hôn nhân và gia đình Việt Nam. Sử dụng các lí thuyết hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa; chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân trong bối cảnh của Đổi mới, hội nhập và phát triển, nghiên cứu này góp phần làm rõ những giá trị cơ bản của gia đình và yếu tố ảnh hưởng đến giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó chỉ ra một số xu hướng biến đổi giá trị cơ bản của gia đình trong thời gian tới. Các nội dung chính của nghiên cứu bao gồm: i) Ý nghĩa của hôn nhân và gia đình: truyền thống và hiện đại; tính cá nhân và tập thể, khác biệt giới (thời gian, hoàn cảnh tìm hiểu bạn đời, tiêu chuẩn chọn lựa bạn đời, quyết định hôn nhân, thủ tục và nghi lễ cưới; các yếu tố của gia đình bền chặt; trật tự các điều quan trọng trong cuộc sống, vv); ii) Giá trị kinh tế (trụ cột kinh tế gia đình, việc làm của gia đình, quan niệm đối với việc đi làm bên ngoài của phụ nữ và công việc nội trợ; ý nghĩa của tài sản và sự giàu có); iii) Giá trị con cái (số con, giới tính của con, vấn đề sinh con trai, ý nghĩa của con cái, giáo dục, nuôi dạy con trai và con gái, vv); iv) Giá trị về hạnh phúc gia đình và v) Giá trị của các mối quan hệ trong gia đình. Qua hội thảo này, TS. Trần Thị Minh Thi mong muốn các nhà khoa học và các nhà quản lý sẽ có những bình luận, đánh giá, góp ý cởi mở để Ban chủ nhiệm đề tài và các nhà nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các kết quả nghiên cứu. 

 

Hội thảo gồm 2 phiên họp:

 

Phiên 1: Một số chiều cạnh giá trị tinh thần, tình cảm gia đình Việt Nam hiện nay (TS. Trần Thị Minh ThiTS. Trần Tuyết Ánh,  Vụ trưởng vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì). Các báo cáo trình bày trong phiên họp này đã tập trung phân tích, làm rõ một số khía cạnh về giá trị hôn nhân, gia đình và tình cảm; các giá trị về hạnh phúc; quan điểm về chung thủy trong đời sống vợ chồng, các giá trị của con cái trong gia đình Việt Nam hiện nay; các yếu tố ảnh hưởng; những chiều cạnh truyền thống và hiện đại của giá trị gia đình Việt Nam hiện nay; dự báo một số khuôn mẫu giá trị gia đình trong thời gian tới; cũng như khuyến nghị một số chính sách nhằm phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam hiện nay. Phiên họp có các bài trình bày của ThS. Trần Quý Long, ThS. Nguyễn Hà Đông và Th.S. Phan Huyền Dân.

 

Phiên 2: Một số chiều cạnh về giá trị kinh tế, quan hệ liên thế hệ và cộng đồng (GS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Phó Ban chủ nhiệm Chương trình và TS. Trần Thị Minh Thi chủ trì). Các diễn giả đã trình bày sâu các nội dung như giá trị kinh tế của gia đình; các mối quan hệ của gia đình với dòng họ, cộng đồng và Tổ quốc; mối quan hệ liên thế hệ của gia đình Việt Nam hiện nay,v.v…Phiên họp có các bài trình bày của  TS. Trần  Thị Hồng, PGS. TS. Trần Thị An, ThS. Trịnh Thái QuangTS. Trần Thị Minh Thi

 

Trong các phiên thảo luận sôi nổi, Hội thảo nhận được sự đánh giá cao của các học giả, nhà khoa học, nhà quản lý từ các cục, vụ, viện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổ chức Allianz Mission tại Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD), Viện Xã hội học, Hội Xã hội học Việt Nam, v.v.. về sự nghiêm túc, bài bản trong nghiên cứu và những kết quả bước đầu rất thú vị về các khía cạnh của giá trị gia đình Việt Nam.Những ý kiến trao đổi của các đại biểu là nguồn tham khảo hữu ích nhằm gợi mở, hoàn thiện các kết quả phân tích.

 

Tổng kết hội thảo, TS. Trần Thị Minh Thi một lần nữa trân trọng cảm ơn các đại biểu tới dự hội thảo và đã có những phát biểu rất thú vị và bổ ích. Hội thảo có sự phối hợp giữa các nhà nghiên cứu với các nhà quản lý, xây dựng chính sách và thực hành xã hội về gia đình, giới và trẻ em. Kết quả của hội thảo góp phần bổ sung các phát hiện đã có của Đề tài, trên cơ sở đó gợi mở những đề xuất về mặt chính sách cho việc củng cố giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

 

2018

Nguyễn Xuân Khoát


Các tin cũ hơn.................................................