Liên kết web
Số lượt truy cập

43

2858796

Hoạt động Khoa học

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

06/01/2017
Trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” (KX-16/19) do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện, trong các ngày 9-11/11/2016 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đã tổ chức các hội thảo khoa học về lý luận và phương pháp nghiên cứu của 03 đề tài cấp Bộ trọng điểm thuộc Chương trình cấp Bộ nói trên do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì thực hiện. Đến dự Hội thảo có đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình KX-16/19, các Chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình, đại diện Ban Quản lý khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các thành viên chính tham gia các đề tài thuộc Chương trình, các nhà nghiên cứu và giảng dạy từ các viện nghiên cứu và các trường đại học tại Hà Nội.

Ngày 9/11/2016: Chủ đề “Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu về hôn nhân”

Hội thảo thuộc Đề tài “Những đặc điểm cơ bản của hôn nhân ở Việt Nam hiện nay và những yếu tố ảnh hưởng” (KHXH-GĐ/16-19/02) do GS.TS. Nguyễn Hữu Minh làm Chủ nhiệm.

GS.TS. Nguyễn Hữu Minh đã nêu rõ mục tiêu, nội dung nghiên cứu của đề tài, đó là: xác định các đặc điểm của sự hình thành hôn nhân; các đặc điểm sắp xếp nơi ở sau kết hôn; nhận diện những trải nghiệm hôn nhân của các cặp vợ chồng, đặc biệt trong giai đoạn đầu chung sống; đánh giá chất lượng một số khía cạnh của hôn nhân; đánh giá tác động của các điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội đến hôn nhân hiện nay; dự báo xu hướng biến đổi đặc điểm hôn nhân ở nước ta trong thời gian tới và đề xuất những định hướng chính sách cho vấn đề hôn nhân.

Đề tài sẽ tập trung nghiên cứu về đặc điểm hôn nhân ở nước ta hiện nay, như: tình trạng hôn nhân, số lần kết hôn, vấn đề hôn nhân cận huyết; tìm hiểu và lựa chọn bạn đời: ý nghĩa của hôn nhân trong cuộc sống, môi trường và hình thức tìm hiểu, tiêu chí lựa chọn bạn đời, người quyết định hôn nhân, và cách thức quyết định hôn nhân; về tuổi kết hôn và nơi ở sau khi kết hôn: tuổi kết hôn trung bình lần đầu, tuổi kết hôn sớm, các loại hình sắp xếp nơi ở hiện tại, các loại hình sắp xếp nơi ở ngay sau khi kết hôn, quan niệm về sống chung/sống riêng; về trải nghiệm và chất lượng hôn nhân: cách ứng xử giữa vợ và chồng, đời sống cảm xúc của vợ chồng, các biến cố xảy ra trong đời sống vợ chồng và cách ứng phó, sự hài lòng/không hài lòng trong hôn nhân, chia sẻ thời gian và hoạt động giữa vợ và chồng…

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo viên trình bày các tham luận:

(1) Một số cách tiếp cận nghiên cứu hôn nhân - GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới;

(2) Khuôn mẫu cư trú sau hôn nhân từ tiếp cận sinh thái học văn hóa và hàm ý đối với nghiên cứu khuôn mẫu cư trú sau hôn nhân ở Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn;

(3) Một số vấn đề về phương pháp đo lường chất lượng hôn nhân - PGS.TS. Phan Thị Mai Hương, Viện Tâm lý học;

(4) Đánh giá, đo lường chất lượng hôn nhân (qua tìm hiểu một số nghiên cứu trên thế giới) - TS. Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu Con người;

(5) Một số vấn đề phương pháp nghiên cứu hôn nhân cận huyết cần quan tâm ở Việt Nam  - TS. Nguyễn Đức Mạnh, Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Ngày 10/11/2016: Chủ đề “Tiếp cận lý thuyết và thang đo trong nghiên cứu giá trị gia đình”

Hội thảo thuộc đề tài “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay” (KHXH-GĐ/16-19/10) do TS. Trần Thị Minh Thi làm chủ nhiệm.

Đề tài góp phần xác định những giá trị cơ bản của gia đình và yếu tố ảnh hưởng đến giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó góp phần chỉ ra một số xu hướng biến đổi giá trị cơ bản của gia đình trong thời gian tới. Đề tài tập trung làm rõ cơ sở lí luận và thực tiễn của giá trị cơ bản của gia đình đồng thời phân tích một số khía cạnh cơ bản của giá trị của gia đình như ý nghĩa của hôn nhân và gia đình, quan niệm, thái độ của cá nhân về các khía cạnh kinh tế, tâm lý, tình cảm, con cái, các mối quan hê trong gia đình và những yếu tố ảnh hưởng từ chiều cạnh truyền thống và hiện đại của giá trị gia đình Việt Nam hiện nay, qua đó dự báo một số khuôn mẫu giá trị gia đình trong thời gian tới; và nêu lên một số khuyến nghị chính sách nhằm phát huy giá trị cơ bản của gia đinh Việt Nam.

Sau báo cáo của TS. Trần Thị Minh Thi, Chủ nhiệm đề tài, Hội thảo được nghe các tham luận:

(1) “Giá trị mối quan hệ vợ-chồng, cha mẹ-con cái, gia đình-dòng họ, gia đình-cộng đồng hiện nay - một số nhận thức bước đầu về lý thuyết và thang đo” - PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam;

(2) Giá trị gia đình ở Việt Nam nhìn từ khía cạnh lý luận và phương pháp luận - PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người;

(3) Giá trị kinh tế của gia đình hiện nay: khái niệm, lý thuyết, và các chỉ báo đo lường - GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;

(4) Một số chiều cạnh phương pháp luận trong nghiên cứu giá trị gia đình - GS.TS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam;

(5) Lý thuyết và thang đo ý nghĩa hôn nhân và gia đình - Th.S. Trần Quý Long, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.

Ngày 11/11/2016: Chủ đề “Một số vấn đề lý luận và phương pháp trong nghiên cứu về bạo lực gia đình”.

Hội thảo trong khuôn khổ đề tài “ảnh hưởng của các yếu tố môi trường xã hội và kinh tế đến bạo lực gia đình hiện nay” (KHXH-GĐ/16-19/04) do TS. Đặng Thị Hoa làm Chủ nhiệm.

Nghiên cứu về bạo lực gia đình là một chủ đề được nhiều nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội quan tâm trong những năm gần đây. Tình trạng bạo lực gia đình diễn ra không phụ thuộc vào vùng địa lý, tộc người hay trình độ phát triển của xã hội mà xuất hiện ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Các loại hình bạo lực gia đình cũng hết sức đa dạng và phức tạp. ở Việt Nam, vấn đề bạo lực gia đình đang trở thành một vấn nạn xã hội, hành vi bạo lực là rõ ràng, nhưng những yếu tố nào dẫn tới các hành vi bạo lực đang là vấn đề cần được làm rõ. Tính chất nghiêm trọng của bạo lực gia đình vẫn có xu hướng gia tăng và phạm vi mở rộng đến nhiều đối tượng và ngày càng phức tạp hơn. Mục tiêu của Hội thảo là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam, xác định rõ hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và đo lường thực trạng bạo lực gia đình và các yếu tố tác động đến bạo lực gia đình.

Sau báo cáo của TS. Đặng Thị Hoa, Chủ tài nhiệm Đề tài, Hội thảo được nghe các các tham luận:

(1) “Những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay” - TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

(2) “Bạo lực gia đình từ các góc nhìn văn hoá, cấu trúc và hành động xã hội” - PGS.TS. Lê Ngọc Văn, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới;

(3) “Một số lý thuyết áp dụng trong nghiên cứu về bạo lực gia đình” - ThS. Đặng Bích Thuỷ, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới;

(4) “Một số cách tiếp cận nghiên cứu về bạo lực gia đình trên thế giới” - TS. Dương Kim Anh, Học viện Phụ nữ Việt Nam;

(5) “Một số lưu ý về khung phân tích và đo lường trong nghiên cứu bạo lực gia đình” - GS. TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới.   

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học có cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lý luận và phương pháp luận về các chủ đề nghiên cứu của 03 đề tài là hôn nhân, giá trị cơ bản của gia đình hiện nay, bạo lực gia đình ở Việt Nam và trên thế giới. Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hà Nội. 2016

V.K.H