Liên kết web
Số lượt truy cập

29

2789912

Hoạt động Khoa học

Hội thảo khoa học: Một số vấn đề lý luận và phương pháp trong nghiên cứu tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu ở Việt Nam

06/01/2017
Ngày 14 tháng 11 năm 216, trong khuôn khổ Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quản lý, đề tài “Gia đình trung lưu ở Việt Nam với các quá trình phát triển kinh tế -xã hội - văn hóa”, do Hội Xã hội học Việt Nam chủ trì, đã tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và phương pháp trong nghiên cứu tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu ở Việt Nam”.

Đến dự hội thảo có Phó chủ nhiệm chương trình, Thư ký chương trình và chủ nhiệm các đề tài thuộc chương trình; đại diện cơ quan chủ trì đề tài - Hội Xã hội học Việt Nam – có Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội, các ủy viên Thường vụ và ủy viên BCH Hội; các giảng viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền …; các nhà nghiên cứu từ Viện Xã hội học, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Hội Khoa học Kinh tê Việt Nam ...

Ngoài báo cáo đề dẫn của chủ nhiệm đề tài, Hội thảo được nghe 4 tham luận trình bày về những vấn đề liên quan tới tầng lớp trung lưu, gia đình trung lưu và cách đo lường. Cụ thể là các báo cáo: 1)Tầng lớp trung lưu: lịch sử - hiện tại và xu hướng biến đổi (GS.TS. Nguyễn Đình Tấn); 2) Phương pháp xác định và đo lường tầng lớp trung lưu ở Việt Nam (TS. Đỗ Thiên Kính); 3) Đo lường sự phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam theo cách tiếp cận kinh tế học (TS Lê Kim Sa); 4) Vai trò và quan hệ tương tác của gia đình trung lưu với phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa (PGS.TS. Nguyễn Xuân Mai).

Sau phần báo cáo các tham luận, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đã có ý kiến trao đổi sôi nổi về những vấn đề liên quan đến lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay. Đã có những tranh luận liên quan đến cách tiếp cận để đo lường tầng lớp trung lưu: một chiều hay đa chiều, các ngưỡng thu nhập và phân nhóm nghề nghiệp… Các ý kiến đều thống nhất cho rằng việc xác định và đo lường tầng lớp trung lưu, đặc biệt là gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay là không dễ dàng và cần sử dụng tiếp cận đa chiều trong đo lường, xác định tầng lớp trung lưu và gia đình trung lưu. Có gợi ý nên dựa trên lý thuyết phân tầng xã hội của Max Weber để xác định và đo lường gia đình trung lưu theo 5 chiều cạnh: của cải, quyền lực chính trị, uy tín xã hội, năng lực thị trường, và cơ hội cuộc sống (life chance). Đặc biệt, khi lựa chọn các chỉ báo định lượng, nên sử dụng những chỉ báo mà thế giới đã làm để có thể so sánh với các kết quả nghiên cứu của đề tài.

Hội thảo đã thực sự là dịp để các nhà khoa học trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức về lý luận và phương pháp nghiên cứu một chủ đề khá rộng và phức tạp - Tầng lớp trung lưu và Gia đình trung lưu ở Việt Nam.

Hà Nội. 2016

Lê Hồng Hải