Liên kết web
Số lượt truy cập

20

1932595

Chi tiết tạp chíSố 2 - 2017

Tọa đàm: Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam

Tác giả: Vân Nương

Trang: 96

Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam”. Đồng chủ trì tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Đặng Thị Bích Liên, GS. TS Nguyễn Hữu Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới và TS. Trần Tuyết ánh- Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, việc triển khai nghiên cứu hạnh phúc của người Việt Nam và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc không chỉ khẳng định cam kết với quốc tế mà còn góp phần minh chứng bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cung cấp những tri thức nền tảng trong việc hình thành quan niệm, sự lựa chọn hạnh phúc của người dân. Điều này cũng giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chiến lược phát triển, quản lý sự phát triển xã hội một cách bền vững. Nội dung cuộc tọa đàm tập trung vào bốn nhóm vấn đề sau: 1- Lý luận, các quan điểm học thuật về hạnh phúc và sự cần thiết nghiên cứu hạnh phúc ở Việt Nam. 2- Quan niệm về hạnh phúc từ các hướng tiếp cận về tôn giáo, dân tộc và giới ở Việt Nam. 3- Giải pháp thiết thực, khả thi xây dựng tiêu chí gia đình, xây dựng hạnh phúc gia đình ở Việt Nam hiện nay. 4- Vấn đề về an sinh xã hội, tác động của văn học nghệ thuật đối với hạnh phúc của người Việt Nam. Tham luận “Hạnh phúc và sự cần thiết nghiên cứu hạnh phúc ở Việt Nam” do PGS. TS Lê Ngọc Văn - Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới trình bày nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu hạnh phúc ở Việt Nam hiện nay. Nghiên cứu khoa học về hạnh phúc sẽ hiểu được quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam là như thế nào, khác gì với những đặc trưng về hạnh phúc của các nước khác. Theo cách tiếp cận văn học, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của văn học đối với hạnh phúc con người thông qua việc giúp cân bằng lại mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với con người và với đời sống vật chất bên ngoài họ. ở khía cạnh tôn giáo học, GS. TS Hồ Sỹ Quý trình bày về hạnh phúc trong quan niệm của một số nhóm tôn giáo. Trong bài tham luận của GS. TS Lê Thị Quý, các tiêu chí của gia đình Việt Nam hạnh phúc được đưa ra phân tích trao đổi, trong đó GS Quý cho rằng, hạnh phúc gia đình chính là cơ hội phát triển bình đẳng cho các thành viên trong gia đình. TS Đặng Thị Hoa phân tích các quan niệm về hạnh phúc của người dân tộc thiểu số. TS. Hồ Bất Khuất trình bày tham luận với chủ đề: “An sinh xã hội- nền tảng hạnh phúc gia đình và sự phát triển bền vững”. Cũng cùng chủ đề này, nhà nghiên cứu Ngô Quang Hưng bàn luận về Nền tảng hạnh phúc gia đình. Theo đó, ông nhấn mạnh: Tình yêu là nền tảng hạnh phúc. Bài tham luận của TS. Lê Thị Bích Hồng tập trung vào chủ đề: Xây dựng gia đình hạnh phúc trong tình hình hiện nay. Sau phần trình bày tham luận, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nhà báo đối với việc xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam.

Tiến độ thực hiện đề tài “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá” (Mã số ĐTĐL.XH-03/15)

Tác giả: Hương Trầm

Trang: 95

Đề tài “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá” là một nhiệm vụ quan trọng do Chính phủ Việt Nam giao cho Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới chủ trì nghiên cứu và PGS.TS Lê Ngọc Văn làm chủ nhiệm. Đề tài thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 10/2015 đến tháng 03/2018). Mục tiêu tổng quát của đề tài là xác định khái niệm hạnh phúc của người Việt Nam và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam thích ứng với chuẩn quốc tế, đồng thời mang những đặc trưng riêng của người Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của đề tài gồm: 1. Làm rõ quan niệm về hạnh phúc trong điều kiện của đất nước và con người Việt Nam hiện nay; 2. Phân tích thực trạng về hạnh phúc của người Việt Nam hiện nay; 3. Xác định chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam phù hợp với điều kiện Việt Nam và có khả năng so sánh quốc tế, trước hết là so sánh với các quốc gia có trình độ phát triển gần với Việt Nam; 4. Nghiên cứu tạo cơ sở cho việc định hướng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, đề tài xây dựng 04 nội dung: Nội dung 1: Xây dựng cơ sở lý luận, phương pháp luận và khung phân tích về hạnh phúc và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc; Nội dung 2: Thực trạng quan niệm và sự lựa chọn hạnh phúc của người Việt Nam hiện nay qua điều tra thực nghiệm trên phạm vi toàn quốc; Nội dung 3: Xây dựng chỉ số đánh giá hạnh phúc của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (qua kết quả phân tích quan niệm, thực trạng hạnh phúc và nhu cầu của người Việt Nam); Nội dung 4: Định hướng chính sách phát triển kinh tế - xã hội mang lại hạnh phúc cho người dân. Bên cạnh đó, đề tài còn liên kết nghiên cứu với các tổ chức trong nước và quốc tế như: Liên kết với các tổ chức trong nước, đề tài phối hợp cùng 03 Vụ/Viện. Cụ thể: Viện Xã hội học là cơ quan phối hợp chính trong thực hiện điều tra, thu thập thông tin định tính và định lượng ở các điểm nghiên cứu. Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan phối hợp chính trong tổ chức và biên soạn các chuyên đề. Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan phối hợp chính trong thực hiện tổ chức các hội thảo. Liên kết với tổ chức quốc tế, đề tài hợp tác cùng Trung tâm dữ liệu Hạnh phúc Thế giới (World Database of Happiness) thuộc Đại học Rotterdam, Hà Lan. Hiện tại, cơ sở dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu Hạnh phúc Thế giới có khoảng hơn 2.400 nghiên cứu về đánh giá cuộc sống và đó chính là một phần trong cơ sở dữ liệu thế giới về hạnh phúc. Đến thời điểm hiện tại, đề tài đã hoàn thành đúng theo kế hoạch nội dung 1 và nội dung 2. Trong đó có một số hoạt động nổi bật như: hoàn thành khảo sát tại05 tỉnh/thành (Ninh Bình, Sơn La, Đắc Lắc, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang) với tổng mẫu là 2.500 phiếu hỏi và 192 phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm. 03 hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đắc Lắc. Đề tài đang tiếp tục triển khai nội dung 3 và nội dung 4 theo đúng tiến độ. Đến tháng 3/2018, đề tài sẽ tổ chức nghiệm thu với mục tiêu đảm bảo đáp ứng theo đúng yêu cầu hợp đồng đã ký kết.

Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (1987-2017) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba

Tác giả: M.K

Trang: 93-94

Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới với tên gọi đầu tiên là Trung tâm Nghiên cứu khoa học về Phụ nữ được chính thức thành lập tháng 3 năm 1987 theo quyết định số 95/KHXH-QĐ của Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Đây là cơ quan đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về phụ nữ và nó đã đánh dấu về mặt thể chế sự ra đời của một chuyên ngành khoa học mới ở Việt Nam là Nghiên cứu về phụ nữ. Được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 25 tháng 3 năm 2017, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (NCGĐ&G) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1987-2017) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba. Tham dự buổi lễ, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.VS. Nguyễn Duy Quý - Nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (tên gọi trước đây của Viện Hàn lâm); PGS.TS. Bùi Nhật Quang, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Đức Cường, Nguyên Phó Chủ tịch Khoa học xã hội Việt Nam (tên gọi trước đây của Viện Hàn lâm); Các đồng chí lãnh đạo, đại diện cho các cơ quan tham mưu giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm, lãnh đạo các Viện chuyên ngành, các Trung tâm trực thuộc Viện Hàn lâm. Về phía các cơ quan ban ngành thuộc Trung ương có bà Lê Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS. Trần Tuyết ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam; TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Đỗ Thanh Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Lò Thị Thu Thủy, Phó trưởng ban, Ban Tôn giáo dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Về phía các cơ quan nghiên cứu và đào tạo ngoài Viện Hàn lâm có đại diện của Viện Xã hội học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Hội Xã hội học Việt Nam; Học viện Dân tộc (ủy ban Dân tộc); Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương); Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân); Khoa Xã hội học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn); Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền); Khoa gia đình và công tác xã hội (Đại học Văn hóa); cùng các Viện và Trung tâm thuộc Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Về phía các đại biểu quốc tế, có đại diện Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện Cơ quan phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) tại Việt Nam; Đại diện Đại học Việt Nhật; và nhiều đại diện các cơ quan nghiên cứu giảng dạy và đào tạo khác cùng các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về gia đình và giới. Về phía Viện NCGĐ&G có sự hiện diện của GS. Lê Thi, người sáng lập đồng thời là vị lãnh đạo đầu tiên cùng toàn thể các thế hệ lãnh đạo và viên chức đã và đang công tác từ khi thành lập Viện đến nay. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, GS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện NCGĐ&G đã khái quát lại quá trình thành lập, các giai đoạn phát triển và thành tựu nghiên cứu của Viện. Với những nỗ lực đóng góp trong 30 năm qua, Viện đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (2017), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007) và Cờ thi đua cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2010, 2011, 2013, 2016). Tại Lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Viện NCGĐ &G; trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhì cho GS.TS. Nguyễn Hữu Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc. Phát biểu tại buổi Lễ, Giáo sư Chủ tịch đã nhiệt liệt chúc mừng và khẳng định phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng chính là sự đánh giá cao những kết quả, đóng góp của Viện NCGĐ&G trong nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực gia đình và giới trong suốt 30 năm qua. Đối với cá nhân GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Giáo sư Chủ tịch nhấn mạnh, Huân chương Lao động Hạng Nhì là phần thưởng rất cao quý không chỉ đối với GS.TS. Nguyễn Hữu Minh mà đồng thời là niềm vui của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Viện NCGĐ&G. Bên cạnh đó, Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng nêu ra một số vấn đề Viện cần tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm xây dựng Viện trở thành cơ quan nghiên cứu hàng đầu về phụ nữ, giới và gia đình. Nhân dịp này, Viện cũng đã nhận được nhiều bó hoa tươi thắm và những lời chúc mừng từ phía cơ quan Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành có liên quan và các đơn vị trong Viện Hàn lâm. Phát biểu kết thúc Lễ kỷ niệm, GS.TS. Nguyễn Hữu Minh trân trọng cảm ơn những lời chúc mừng và sự đánh giá rất tích cực của các vị đại biểu và các vị khách quý về thành tựu mà Viện đã đạt được trong suốt 30 năm hình thành và phát triển. Đây là dấu mốc quan trọng để cán bộ Viện cùng nhau ôn lại những khó khăn và chia sẻ những thành công đã được. Những thành quả này là nền tảng vững chắc để Viện NCGĐ&G tiếp tục có những đóng góp và thành công hơn nữa trong nghiên cứu về phụ nữ, gia đình và giới, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy về bình đẳng giới trong gia đình và toàn xã hội.

Nỗi bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam qua ca dao, tục ngữ

Tác giả: Mai Văn Hai

Trang: 80-92

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Nghiên cứu bất kỳ một vấn đề hay hiện tượng xã hội nào người ta đều không quên mặt đối lập của nó. Việc nghiên cứu về hạnh phúc và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc cũng không là ngoại lệ. ở bài viết này, với nhãn quan xã hội học, tác giả đã tiến hành khảo sát và phân tích nỗi bất hạnh của người phụ nữ Việt Nam qua một vài thể loại của văn hóa dân gian là ca dao và tục ngữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy xuyên suốt lịch sử Việt Nam, có thể nói niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh của con người nói chung và người phụ nữ nói riêng thường sinh ra và tồn tại trong mỗi gia đình.

Quan niệm của người phụ nữ về hạnh phúc (Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Ninh Bình)

Tác giả: Bùi Thị Hương Trầm

Trang: 71-79

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hạnh phúc là một hiện tượng xã hội đa chiều và có nhiều yếu tố ảnh hưởng. Việc đánh giá cuộc sống hạnh phúc của một người thường dựa trên hai yếu tố: đầu tiên là nhận thức và hai là cảm nhận thực tế. Dựa trên số liệu của đề tài độc lập cấp Nhà nước “Hạnh phúc của người Việt Nam: quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thực hiện, Bài viết phân tích quan niệm của người phụ nữ về hạnh phúc từ các yếu tố thuộc ba lĩnh vực kinh tế - môi trường tự nhiên; gia đình - xã hội và đời sống cá nhân.

Quan niệm về hạnh phúc của người dân tộc thiểu số (Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Sơn La)

Tác giả: Đặng Thị Hoa

Trang: 59-70

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hạnh phúc có thể là điểm đến, nhưng cũng có thể là một quá trình mà mỗi con người chúng ta luôn hướng tới. Dù trong hoàn cảnh nào, với số phận nào, con người cũng vươn lên nhằm đạt tới hạnh phúc theo quan niệm riêng của mình. Các dân tộc thiểu số, trong điều kiện và môi trường sống của từng tộc người, có những điểm tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hạnh phúc. Tuy nhiên, nhìn chung, tất cả đều hướng tới những giá trị cốt lõi của cộng đồng. Đó là những quan niệm về sự hy sinh, tính cố kết trong gia đình, cộng đồng và tộc người. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về vật chất, người dân tộc thiểu số vẫn quan niệm giá trị của hạnh phúc về mặt tinh thần là hết sức quan trọng, mang tính quyết định đến suy nghĩ và niềm tin của họ về giá trị của cuộc sống hiện tại.

Hạnh phúc và con đường tìm kiếm hạnh phúc theo quan điểm của Phật giáo

Tác giả: Ngọc Văn và Phạm Thị Thúy

Trang: 48-58

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Là một trong những tôn giáo có mặt ở Việt Nam sớm nhất, trải qua nhiều thế kỷ, Phật giáo đã và tiếp tục được đón nhận như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của quảng đại quần chúng. Dựa trên việc tổng quan các tài liệu có sẵn và phỏng vấn sâu các nhà sư trụ trì tại một số chùa lớn ở thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá”, bài viết bước đầu đề cập đến một số quan điểm nền tảng của Phật giáo về hạnh phúc và kinh nghiệm của các nhà sư trong ứng dụng quan điểm hạnh phúc của Phật giáo vào đời sống thường ngày.

Quan niệm của người theo đạo Thiên Chúa về hạnh phúc

Tác giả: Phạm Thị Pha Lê

Trang: 39-47

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Mục đích cơ bản trong cuộc sống của mỗi con người là tìm kiếm hạnh phúc dù là người tin vào tôn giáo hay không. Đây là mong ước của mỗi người, mỗi thời đại xã hội và vấn đề này đang ngày càng được các quốc gia quan tâm. ở Việt Nam hiện nay, nhiều người đã xem tôn giáo như một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, những điều răn dạy ở trong giáo lý, kinh thánh của các tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo dựng cuộc sống cũng như kiếm tìm hạnh phúc của con người. Việc tìm hiểu quan niệm về hạnh phúc cũng như phương cách, đường đi để đạt đến hạnh phúc và việc gìn giữ hạnh phúc của người theo đạo Thiên Chúa sẽ minh chứng cho điều đó, đồng thời góp phần làm rõ thêm sự đa dạng, phong phú về quan niệm hạnh phúc của các tôn giáo nói riêng, của người dân ở Việt Nam hiện nay nói chung.

Hạnh phúc trong quan niệm của một số tôn giáo

Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Trang: 28-38

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hạnh phúc là loại giá trị mà thế giới vật chất dù ở nền văn minh nào cũng chỉ cung cấp được một phần rất bé nhỏ so với những gì cao cả, thiêng liêng, nhân bản và vĩnh hằng mà thế giới tinh thần có thể đem lại cho con người. Và điều đáng nói hơn, khi tồn tại trong xã hội với tính cách là các giá trị định hướng đời sống, các giá trị tôn giáo đã trở thành cái quy định hành vi con người, đo đếm sự thành công hay thất bại, sự cao cả hay thấp hèn… của mỗi con người. Bài viết điểm qua những nét chính trong quan niệm hạnh phúc của một số tôn giáo lớn của nhân loại.

Phương pháp xây dựng và tính toán chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam

Tác giả: Hoàng Minh Hải

Trang: 15-27

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Chỉ số hạnh phúc là chỉ số đo lường mức độ hạnh phúc trung bình của người dân, của một cộng đồng hay của một quốc gia ở mức tổng hợp và khái quát nhất. Mặc dù cho đến nay, đã có nhiều chỉ số hạnh phúc được đề xuất và áp dụng, nhưng chưa có chỉ số nào được công nhận rộng rãi trong cộng đồng khoa học. Hiện nay, việc xây dựng các chỉ số hạnh phúc vẫn được tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trước tình hình đó, Đề tài “Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, Thực trạng và Chỉ số đánh giá” đã lựa chọn cách tiếp cận xây dựng và tính toán chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam một cách độc lập, dựa trên mục tiêu nghiên cứu và thực tiễn đời sống của xã hội Việt Nam hiện nay. Bài viết này sẽ trình bày những nội dung cơ bản về phương pháp xây dựng và tính toán chỉ số hạnh phúc của người dân trên cơ sở vận dụng phương pháp luận đo lường hạnh phúc của các học giả phương Tây và cách tiếp cận xã hội học.

Hạnh phúc và sự cần thiết nghiên cứu hạnh phúc ở Việt Nam

Tác giả: Lê Ngọc Văn

Trang: 3-14

File toàn văn đính kèm: Tải về

Tóm tắt: Hạnh phúc là một giá trị văn hóa - xã hội mang tính phổ quát toàn nhân loại. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có Việt Nam, đã cam kết ủng hộ Nghị quyết lấy ngày 20 tháng 3 hàng năm là Ngày Hạnh phúc Quốc tế. Trên thế giới, từ lâu hạnh phúc đã trở thành một lĩnh vực khoa học độc lập nhưng ở Việt Nam nghiên cứu về hạnh phúc hầu như còn bị bỏ trống. Bài viết này tập trung làm rõ khái niệm hạnh phúc, sự khác biệt văn hóa về hạnh phúc, những ứng dụng của nghiên cứu hạnh phúc, sự cần thiết nghiên cứu hạnh phúc và việc đo lường hạnh phúc của người Việt Nam.