Liên kết web
Số lượt truy cập

8

2938964

Tin hoạt động

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của di dân

22/07/2015
Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của di dân DUYNV
Nhằm chia sẻ các phát hiện nghiên cứu, đồng thời nhận được ý kiến đóng góp của những người làm công tác quản lý và thực hiện chương trình, của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, ngày 26 tháng 3 năm 2010, Trung tâm Châu á - Thái Bình Dương (VAPEC) Hà Nội đã tổ chức cuộc hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu đánh giá "Tác động kinh tế và xã hội của di dân" trong khuôn khổ của dự án nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế xã hội của di dân. Đây là một dự án đặc biệt về qui mô, độ chuyên sâu và trọng tâm nghiên cứu. Các nghiên cứu thống nhất được thực hiện tại 7 quốc gia trên các lục địa khác nhau như Colombia, Fiji, Georgia, Ghana, Jamaica, Maxedonia và Việt Nam, đã phỏng vấn hàng trăm nghìn người và thu thập số liệu chi tiết của gần mười nghìn hộ gia đình. Dự án đánh giá các tác động phát triển nhiều mặt của di dân, đặc biệt tập trung vào vấn đề chính sách, với một trong những mục tiêu chính là thu thập ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách ở các giai đoạn khác nhau của dự án nghiên cứu và các ý kiến đóng góp về chính sách mới và khả thi.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.Lê Văn Sang, Giám đốc VAPEC Hà Nội giới thiệu khái quát mục tiêu của dự án, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm gần đây, di dân quốc tế của Việt Nam tăng lên đáng kể và hiện đang thu hút khá nhiều sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu nhưng những thông tin và số liệu định tính toàn diện về di dân quốc tế và các tác động của nó tới phát triển vẫn còn thiếu hụt. Trong năm 2009, VAPEC Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Kinh tế và Phát triển cộng đồng cùng một số chuyên gia nghiên cứu thực hiện triển khai dự án đánh giá "Tác động kinh tế và xã hội của di dân", với sự hỗ trợ của Mạng lưới nghiên cứu Phát triển toàn cầu (GDN). Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên dựa trên nguồn số liệu đầy đủ và toàn diện về di dân quốc tế.

Nhóm nghiên cứu thực hiện dự án tại Việt Nam gồm có: PGS.TS Đặng Nguyên Anh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia về các vấn đề kinh tế và phát triển thuộc Trung tâm Kinh tế phát triển cộng đồng; TS, Trần Thị Bích, giảng viện Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Ths. Đào Thế Sơn, giảng viên Đại học Y tế công cộng.

Với bản tham luận "Thực trạng và xu hướng di dân hiện nay", PGS.TS. Đặng Nguyên Anh cho thấy ở Việt Nam hiện nay, di cư quốc tế có 3 dòng chủ yếu là di cư với mục đích đi làm ăn, kết hôn với người nước ngoài và du học nước ngoài. Di cư Việt Nam nói chung cho thấy mức chi phí xã hội và tài chính cao, rủi ro lớn. Người di cư thiếu thông tin, thiếu sự phối hợp giữa nơi đi và nơi đến, thiếu sự hỗ trợ chính sách trong các bước của quá trình di cư... Báo cáo cũng cho thấy di cư là hệ quả của phát triển đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy phát triển (giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho các hộ gia đình...).

Qua phần trình bày của TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, TS. Trần Thị Bích, ThS. Đào Thế Sơn với những phân tích, đo lường về tác động của di dân quốc tế tới phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam tại nhiều cấp độ: quốc gia, hộ gia đình, cá nhân...cho thấy di dân quốc tế tại Việt Nam có tác động tích cực về mặt kinh tế như: tác động tới thu nhập của các cá nhân di cư và gia đình; tác động đến phân bố thu nhập; tác động tới mức sống hộ gia đình; tác động tới tăng trưởng kinh tế; tác động đến thị trường lao động; tác động về giáo dục. Cụ thể di dân quốc tế tác động đến giáo dục qua nhiều kênh khác nhau. Di dân có thể tác động đến trình độ học vấn của cả người di cư và người ở lại bằng cách thay đổi cơ hội học tập của người di cư một cách trực tiếp hoặc qua hỗ trợ về tài chính, hoặc ảnh hưởng tới khả năng và động cơ đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình. Di dân quốc tế cũng có thể tác động đến chất lượng giáo dục trong nước qua việc nâng cao tiêu chuẩn giảng dạy hoặc qua các quá trình chảy máu chất xám hoặc thu lợi chất xám. Ngoài ra, di cư quốc tế còn có những tác động nhất định về mặt sức khỏe; làm tăng cơ hội giáo dục cho phụ nữ.

Nhìn chung, hội thảo "Tác động kinh tế và xã hội của di dân" là một hoạt động khoa học quan trọng nhằm tìm hiểu vai trò của di dân quốc tế đối với sự phát triển ở các nước xuất khẩu lao động trong đó có Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần đề xuất những khuyến nghị chính sách nhằm đánh giá khách quan tác động kinh tế và xã hội của di dân trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thanh Nhàn