Liên kết web
Số lượt truy cập

28

2860935

Tin hoạt động

Hội thảo quốc tế “Nhà ở khu dân cư nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh và những giải pháp hướng đến môi trường sống bền vững”

03/09/2015
Với mục tiêu đánh giá tình trạng nhà ở của người dân các khu dân cư nghèo; chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế; đề xuất những giải pháp hướng đến môi trường sống tốt hơn trong tương lai, Khoa Xã hội học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHKHXH&NV) đã phối hợp cùng tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (RLS – Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế “Nhà ở khu dân cư nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh và những giải pháp hướng đến môi trường sống bền vững” trong hai ngày 1 và 2 tháng 10 năm 2014 tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo lần này là một hợp phần trong dự án 3 năm “Nâng cao năng lực cho cộng đồng và chính quyền địa phương trong tham gia và nâng cao môi trường sống khu vực dân cư nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh” đã và đang được nhóm nghiên cứu trường ĐHKHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với sự tài trợ của tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung, triển khai giai đoạn 2012-2014.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và hoạch định chính sách đô thị đến từ Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam. Về phía Việt Nam, nhiều đại biểu đến từ các cơ quan lập pháp, tổ chức chính quyền, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ ở các tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Bình Dương, Cần Thơ và thành phố Hồ Minh đã chia sẻ các quan điểm và góc nhìn của mình tại hội thảo. Có thể xem Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, các giảng viên, sinh viên cũng như người dân hiện đang sinh sống ở các khu vực dân cư nghèo thảo luận về tình trạng nhà ở hiện tại của người nghèo, chia sẻ những thách thức và sáng kiến nhằm cải thiện môi trường sống của họ.

Hội thảo diễn ra trong 5 phiên chính với 16 báo cáo bao gồm: các vấn đề chung về nhà ở cho người nghèo (4 báo cáo); các nghiên cứu về nhà ở cho người nghèo (3 báo cáo); Các chương trình, dự án can thiệp về nhà ở (3 báo cáo); chính sách nhà ở cho người nghèo (3 báo cáo); và kết quả thảo luận về nghiên cứu, can thiệp và chính sách đối với vấn đề nhà ở cho người nghèo (3 báo cáo).

Các đại biểu tham dự hội thảo đã có nhiều ý kiến phản hồi xác đáng về hoạt động nghiên cứu khoa học, các chương trình dự án can thiệp và đặc biệt là góp ý cho hoạt động hoạch định chính sách nhà ở cho người nghèo. Nhiều vấn đề bức thiết liên quan đến chất lượng sống của người dân khu dân cư nghèo; những khó khăn khiến chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp khó đi vào thực tế; cơ chế để người nghèo tiếp cận hoặc hưởng các ưu đãi từ chính sách nhà nước về nhà ở; văn hóa sở hữu nhà và thuê nhà … cũng được đề cập trong hội thảo.

Qua hơn một ngày rưỡi hội thảo, tổng cộng đã có gần 100 lượt ý kiến phát biểu với hình thức trao đổi, đóng góp ý kiến đề xuất, phân tích bình luận và cả đặt câu hỏi cho các báo cáo viên. Một số khái niệm quan trọng như “nghèo đa chiều”; chuẩn nghèo, cách tiếp cận đồng tham gia, quá trình hoạch định và thực thi chính sách xã hội “từ trên xuống” và “từ dưới lên” được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc và sôi nổi tại hội thảo.

Hội thảo tiếp tục gợi ra nhiều câu hỏi cần đến sự quan tâm của giới khoa học, nhà công tác xã hội, nhà quản lý đô thị cũng như nhà hoạch định chính sách, ví dụ như các câu hỏi về cách thức thu hút sự tham gia của người dân ngay từ đầu vào quá trình hoạch định chính sách; cách thức để có được sự phối hợp giữa các bên: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và người dân; cách thức giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu phát triển hạ tầng cơ sở và bảo tồn môi trường sống nhân văn cho người dân; hay cách thức để người nghèo giảm bớt những thiệt hại và tổn thương trong tiến trình phát triển.

Anh Thư