Liên kết web
Số lượt truy cập

14

2023962

Tin hoạt động

Hội thảo ban hành Bộ chỉ số về giới trong truyền thông

03/09/2015
Ngày 29/10/2014, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo công bố Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Tham dự Hội thảo có đại diện của các tổ chức quốc tế như Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO), đại diện các cơ quan hữu quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội nhà báo Việt Nam, đại diện các cơ quan báo chí, đại diện các cơ sở đào tạo báo chí...

Mục đích của việc xây dựng Bộ Chỉ số này nhằm đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, tạo điều kiện để các tổ chức truyền thông có thể đánh giá một cách hiệu quả việc thực hiện bình đẳng giới và khuyến khích các tổ chức truyền thông làm cho các vấn đề bình đẳng giới được phổ biến công khai và rộng rãi hơn, công chúng có thể nhận biết được, cũng như phân tích những chính sách và việc thực hiện những chính sách đó để có hành động cần thiết tạo sự chuyển biến cho hoạt động bình đẳng giới. Bộ chỉ số này được xây dựng bởi nhóm chuyên gia của Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở Việt hóa Bộ chỉ số về Giới trong truyền thông do Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục liên hiệp quốc ban hành năm 2012.

Nội dung của Bộ chỉ số được chia thành hai lĩnh vực trọng tâm của giới và truyền thông. Lĩnh vực A - Các hành động tăng cường bình đẳng giới trong các tổ chức truyền thông, với 5 tiểu nhóm: Cân bằng giới ở cấp ra quyết định; Bình đẳng giới tại công sở và điều kiện làm việc; Bình đẳng giới trong các hiệp hội, câu lạc bộ và tổ chức nhà báo, các tổ chức nghiệp vụ và quản lý khác; Các tổ chức truyền thông thúc đẩy quy tắc đạo đức nghề nghiệp/quy định thực hiện bình đẳng giới trong nội dung truyền thông; Cân bằng giới trong giáo dục và đào tạo.  Lĩnh vực B - Phản ánh giới trong  nội dung truyền thông, chia làm 2 tiểu nhóm: Tin tức và Thời sự; Quảng cáo. Theo nhóm chuyên gia, Bộ chỉ số tập trung vào các loại hình tin tức, thời sự, quảng cáo do đây là các loại hình được phát sóng hàng ngày, có ảnh hưởng lớn tới công chúng. Mỗi tiểu nhóm đều đề cập cụ thể đến các nội dung: đối tượng thực hiện; đối tượng, lĩnh vực tác động; mục tiêu chiến lược; các chỉ số; các phương tiện kiểm chứng.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trao đổi, tập trung chủ yếu vào việc giải thích, làm rõ các thuật ngữ, từ ngữ trong Bộ chỉ số và kế hoạch thực hiện, áp dụng Bộ chỉ số của Bộ Thông tin và Truyền thông. Phúc đáp lại các ý kiến trao đổi, nhóm chuyên gia và đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ chỉ số được xây dựng dựa trên Bộ chỉ số sẵn có của UNESCO. Nhóm chuyên gia đã cố gắng nghiên cứu các văn bản pháp luật về báo chí, các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới để điều chỉnh, cụ thể hóa phù hợp với báo chí truyền thông Việt Nam trên cơ sở tôn trọng những nội dung cơ bản của Bộ chỉ số mà UNESCO ban hành. Tuy nhiên, việc chuyển ngữ phù hợp và lượng hóa chính xác các chỉ số gặp nhiều khó khăn. Nhóm chuyên gia mong rằng trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, Bộ chỉ số sẽ tiếp tục được điều chỉnh và hoàn thiện. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch tập huấn Bộ chỉ số cho các đơn vị báo chí với 2 đợt. Đợt thứ nhất dành cho lãnh đạo các cơ quan báo chí. Đợt thứ hai dành cho các nhà báo. Hiện nay, Bộ chí số đã được áp dụng thí điểm ở Đài tiếng nói Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch tiếp tục thí điểm ở một số cơ sở báo chí và cơ sở đào tạo báo chí khác.

Cũng tại Hội thảo, đại diện UNWomen đã có bài trình bày về một số vấn đề giới trong truyền thông qua kết quả nghiên cứu ở một số quốc gia trên thế giới. Những thông tin trong bài trình bày cho thấy vấn đề bất bình đẳng giới trong truyền thông đang tồn tại ở cả hai lĩnh vực: bất bình đẳng giới trong các tổ chức truyền thông và định kiến giới trong các sản phẩm truyền thông.

Trần Thị Hồng