Liên kết web
Số lượt truy cập

28

2857226

Tin hoạt động

Báo cáo chung Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ 2

09/07/2015
Tiếp nối thành công của cuộc Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất năm 2003, vào năm 2008 Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng cục Thống kê tiến hành cuộc điều tra lần thứ hai. Điều tra Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ hai cho phép đo lường những thay đổi theo thời gian và phân tích các xu hướng phát triển của thanh thiếu niên Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Báo cáo chung Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần thứ hai.

Từ 2003 đến 2008, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê đã thực hiện 2 cuộc Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam (sau đây gọi tắt là SAVY 1 và SAVY 2). Để đo lường sự thay đổi qua thời gian và để phân tích các xu hướng phát triển của thanh thiếu niên Việt Nam, SAVY 2 đã được tiến hành 5 năm sau SAVY 1. Quá trình chuẩn bị cho SAVY 2 đã được Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê và các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật như UNFPA, UNICEF, WHO, CDC, VNAIDS bắt đầu từ cuối năm 2008 nhưng đến tháng 4 năm 2009 việc thu thập thông tin thực địa mới được tiến hành. Kết quả của SAVY 2 cho phép so sánh sự thay đổi và xu hướng phát triển quan trọng trong kiến thức, thái độ, hành vi, lối sống và điều kiện sống của thanh thiếu niên. Cũng như SAVY 1, SAVY 2 tạo ra nguồn dữ liệu cho các chương trình và chính sách của quốc gia dựa trên các số liệu và bằng chứng về thanh thiếu niên. SAVY 2 nhằm các mục tiêu cụ thể như sau:

- Cung cấp dữ liệu để xây dựng các chỉ số về phát triển cho vị thành niên và thanh niên trong tương lai, đánh giá mức độ giải quyết các vấn đề đối với vị thành niên và thanh niên; đồng thời giúp các ngành xây dựng hệ thống giám sát quốc gia về vị thành niên và thanh niên trong lĩnh vực có liên quan;

- Cung cấp những thông tin chi tiết nhằm mục đích so sánh và đánh giá sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng nam, nữ; thành thị, nông thôn; nhóm thanh niên đã lập gia đình và chưa lập gia đình; giữa các nhóm thanh niên có trình độ học vấn khác nhau... Từ đó giúp các nhà quản lý xây dựng chính sách quốc gia về sức khoẻ cũng như các vấn đề khác của vị thành niên và thanh niên;

- Cung cấp số liệu phục vụ các nhà nghiên cứu, lập kế hoạch và hoạch định chính sách phục vụ mục tiêu cải thiện chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ và các chương trình phục vụ đối tượng vị thành niên và thanh niên Việt Nam.

SAVY 2 được tiến hành với 10.044 vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi 14-25 sống ở khắp 63 tỉnh/thành trên toàn quốc. So với SAVY 1, mẫu nghiên cứu đã được mở rộng cả về số lượng và không gian (SAVY 1 được tiến hành với 7.584 thanh thiếu niên trong độ tuổi 14-25 ở 42 tỉnh, thành phố). Vì SAVY 1 được xem là khá thành công, SAVY 2 đã kế thừa phần lớn thiết kế và các bước của quá trình thực hiện của SAVY 1. Với sự trợ giúp của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý và lập kế hoạch cho SAVY 2 đã cân nhắc kỹ các vấn đề và yếu tố cần giữ lại hoặc cần sửa đổi.

SAVY 2 cung cấp những thông tin toàn diện, đầy đủ, chính xác về lối sống, lao động, học tập, việc làm và sức khỏe của thế hệ thanh thiếu niên ngày nay. Đồng thời, SAVY 2 giúp cho các nhà hoạch định chính sách có được những bằng chứng khoa học để xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp với thanh thiếu niên trong bối cảnh đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế. SAVY 2 cũng là nguồn dữ liệu hữu ích, có giá trị để giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà xây dựng và quản lý chương trình khai thác và sử dụng trong việc xây dựng các chiến lược, chương trình và các can thiệp phù hợp với thanh niên, nhất là trong giai đoạn đất nước đang chuẩn bị các chiến lược và chương trình phát triển kinh tế xã hội cho 10 năm tới.

Báo cáo chung về kết quả SAVY 2 do PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi (Viện Xã hội học) và PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh (Viện Gia đình và Giới) thực hiện. Báo cáo dài 194 trang, được chia thành 2 phần. Phần 1 là những giới thiệu về phương pháp, mục đích nghiên cứu và cơ cấu tổ chức cuộc điều tra. Phần 2 gồm 11 chương, trong đó tập trung vào các chủ đề liên quan đến cuộc sống của vị thành niên và thanh niên Việt Nam như: Gia đình và các yếu tố nhân khẩu học, Giáo dục, Việc làm, Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, HIV/AIDS, Sử dụng chất gây nghiện, Tai nạn và thương tích, Sức khỏe thể chất, Sức khỏe tinh thần, và Thông tin đại chúng và truyền thông.

Sau đây xin giới thiệu tóm tắt một số kết quả chính trong Báo cáo SAVY 2:

Gia đình và các yếu tố nhân khẩu học

Nghiên cứu chỉ ra rằng, về cơ bản, vị thành niên và thanh niên có mối quan hệ rất gắn bó với các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của gia đình là không hề thay đổi đối với vị thành niên và thanh niên giữa hai lần điều tra. Tuy thế, vị thành niên và thanh niên có xu hướng ít tâm sự về các khó khăn của mình với các thành viên trong gia đình hơn. Vị thành niên và thanh niên, nhất là nam, cũng ít khi tâm sự với cha mẹ hay anh chị em về các vấn đề liên quan đến tình yêu, tình dục, hôn nhân, và kế hoạch hoá gia đình.

So với những người cùng trang lứa thời SAVY 1, vị thành niên và thanh niên Việt Nam thuộc SAVY 2 có điều kiện sống tốt hơn, thể hiện ở tỷ lệ các hộ gia đình có sở hữu các tài sản quan trọng, đặc biệt là những tài sản giúp cho giới trẻ tiếp cận thông tin như TV, đầu VCD/DVD, máy tính, internet, điện thoại cố định và điện thoại di động, và những tài sản giúp việc đi lại dễ dàng hơn như xe máy, ô tô, hay những tài sản giúp cải thiện điều kiện sống khác như quạt điện, tủ lạnh.

Giáo dục

Kết quả phân tích tại Chương 2 cho thấy vị thành niên và thanh niên có sự gắn kết với nhà trường tốt, có nhận định tích cực về môi trường học tập và thầy cô giáo. Chỉ có 9% người được hỏi có mức độ gắn kết yếu với nhà trường so với 91% có mức độ gắn kết tốt. So với SAVY 1, mức độ thôi học trong vị thành niên và thanh niên ở SAVY 2 đã thấp hơn rất nhiều, đặc biệt ở độ tuổi dưới 15. SAVY 2 có tỷ lệ học thêm cao hơn đáng kể so với SAVY 1, học sinh ở đô thị và người Kinh/Hoa có tỷ lệ học thêm tương ứng cao hơn học sinh ở nông thôn và người dân tộc thiểu số.

Việc làm

Trong toàn mẫu nghiên cứu của SAVY 2 có 53% người đã từng đi làm kiếm tiền, và tỷ lệ này tăng dần theo độ tuổi ở cả nông thôn và đô thị, người Kinh/Hoa và người dân tộc thiểu số. So với SAVY 1, tuổi trung bình đi làm lần đầu của vị thành niên và thanh niên đã tăng thêm 1 tuổi (từ 16,5 tuổi ở SAVY 1 lên 17,4 tuổi ở SAVY 2). Người dân tộc thiểu số có tuổi trung bình đi làm lần đầu thấp hơn người Kinh/Hoa gần 1,5 năm. Việc phải đi làm khi tuổi còn trẻ có ảnh hưởng không tốt tới học tập. So với SAVY 1, tỷ lệ thanh thiếu niên đang đi học nhưng vẫn phải đi làm kiếm tiền ở SAVY 2 tăng lên đáng kể. Đa số vị thành niên và thanh niên cho rằng tìm việc làm hiện nay là khó hoặc rất khó. Tỷ lệ này giảm dần theo mức tăng của trình độ học vấn, điều này cho thấy thị trường ngày càng đòi hỏi lao động có trình độ cao hơn. Điều đáng báo động là tỷ lệ người đã đi làm và làm lao động giản đơn gia tăng ở SAVY 2 so với SAVY 1. Tỷ lệ người làm việc lao động giản đơn tăng tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn. Điều này đặt ra những thách thức to lớn đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng những đòi hỏi của thời buổi hội nhập kinh tế toàn cầu.

Cũng như ở SAVY 1, thanh thiếu niên ở SAVY 2 tỏ ra khá năng động. Có 38% thanh thiếu niên trong mẫu SAVY 2 đã từng xa gia đình liên tục trên 1 tháng ( SAVY 1 là 30% ). Tuổi trung bình lần đầu xa gia đình của những người đã từng xa gia đình trên 1 tháng là 17,3 tuổi (SAVY 1 là 16,7). Đa số những người đã từng xa gia đình trên 1 tháng là do "đi kiếm sống" và "đi học". Với mục đích kiếm sống, nam di cư nhiều hơn nữ, thanh niên nông thôn di cư nhiều hơn thanh niên đô thị. Điều này cho thấy  thanh niên di cư là bộ phận quan trọng của quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên cả nước.

Sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục

Liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, các phân tích số liệu cho thấy tuổi bắt đầu có kinh ở nữ và mộng tinh/xuất tinh ở nam ở SAVY 2 có xu hướng giảm, nam nữ thanh niên ở đô thị bắt đầu có sự kiện này sớm hơn nam nữ ở nông thôn. Cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới, tuổi quan hệ tình dục lần đầu trung bình của thanh niên có xu hướng giảm từ 19,6 tuổi (20 cho nam và 19,4 cho nữ) ở SAVY 1 xuống còn 18,1 tuổi (18,2 cho nam và 18 cho nữ) ở SAVY 2.

Kiến thức về mang thai ở thanh thiếu niên ở cả hai cuộc điều tra còn rất hạn chế và điều này dường như không có tiến bộ đáng kể nào giữa hai kỳ điều tra. Thanh thiếu niên chủ yếu biết được thông tin về mang thai hay kế hoạch hóa gia đình qua các nguồn thông tin đại chúng. Mức độ biết các thông tin này từ nhà trường, gia đình, nhân viên y tế/dân số hay các cơ sở tư vấn sức khỏe sinh sản còn rất khiêm tốn.

Sử dụng các chất gây nghiện

Theo kết quả nghiên cứu, thanh thiếu niên ở SAVY 2 tỏ ra sử dụng rượu bia nhiều hơn thanh thiếu niên ở SAVY 1. 60,5% nam và 22% nữ ở SAVY 2 cho biết họ đã từng say rượu/bia. Tỷ lệ say rượu/bia không khác nhau đáng kể ở nông thôn và đô thị, song tỷ lệ này tăng theo độ tuổi. Không có sự liên hệ rõ rệt giữa hiện tượng bị say rượu, bia trong tháng qua và các hành vi đánh đập xảy ra trong gia đình trong 12 tháng qua, mặc dù có xu hướng mắng chửi nhau nhiều hơn trong số những người có say trong tháng qua. Cũng không tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa việc bị say trong tháng qua với các hành vi bị chấn thương hoặc bị tai nạn trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, có một tỉ lệ đáng kể những thanh niên bị say từ 2 lần trở lên trong tháng qua đã từng lái xe máy sau khi uống rượu (gần 80%) trong khi tỉ lệ những thanh niên chưa từng bị say trong tháng qua từng lái xe máy sau khi uống rượu chỉ có 46%. Không có bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ giữa tình trạng nghiện rượu của thành viên gia đình với việc thanh niên từng uống bia, rượu.

Không có sự khác nhau nhiều về tỷ lệ thanh thiếu niên có hút thuốc giữa hai kỳ điều tra. Mối liên hệ giữa việc hút thuốc của vị thành niên với môi trường gia đình cũng không rõ ràng.

Tai nạn, thương tích có chủ định và không có chủ định

So sánh với kết quả SAVY 1, tỉ lệ thanh thiếu niên bị tai nạn, thương tích cần phải điều trị trong vòng 12 tháng qua trong cuộc khảo sát SAVY 2 có giảm đi chút ít (6,6% so với 7,4% ở điều tra SAVY 1). Đại bộ phận các vụ tai nạn, thương tích lần gần nhất là xảy ra trên đường/phố (73%). Những địa điểm khác có tỉ lệ cao bị tai nạn là tại nhà (9,5%) và nơi làm việc (9,0%). Cũng đáng lưu ý là đối với các trường hợp bị tai nạn, thương tích tại nhà thì tỉ lệ đối với nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên (10,8% so với 8,6%) nhưng tai nạn tại nơi làm việc thì ngược lại, tỉ lệ nam thanh niên bị cao hơn rõ rệt so với nữ thanh niên (11,9% so với 4,4%). Có khoảng 1/4 số thanh niên còn có những lúc đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, trong số đó chiếm phần chủ yếu là nam thanh niên tuổi trẻ (đặc biệt là ở độ tuổi vị thành niên 14-17 tuổi). Trong số này, chỉ tính riêng trong 6 tháng trước cuộc khảo sát có khoảng 89% khẳng định đã có lúc lái xe hoặc ngồi sau xe không đội mũ bảo hiểm (tỉ lệ nam cao hơn nữ).

Trong số 1.678 trường hợp đã từng kết hôn có 4,1% trả lời đã từng bị chồng/vợ đánh đập. Nạn nhân bị đánh đập chủ yếu rơi vào nữ thanh niên, với tỉ lệ là 5,8% so với 1,0% nam thanh niên bị vợ đánh đập. Đáng ngạc nhiên là nếu so với kết quả của SAVY 1 thì tỉ lệ nữ thanh niên bị chồng đánh đập hoàn toàn không giảm đi (SAVY 1 là 5,8%). Và cũng đáng ngạc nhiên là tương tự với kết quả của SAVY 1, tỉ lệ người vợ đã từng bị chồng đánh đập ở khu vực thành thị cao hơn ở khu vực nông thôn (8,4% so với 5,3%), thậm chí cao hơn so với kết quả của SAVY 1 (6,8% ở khu vực thành thị). Chỉ báo này cho thấy vấn đề bạo lực gia đình vẫn còn rất cần được quan tâm hiện nay.

Sức khoẻ tinh thần

SAVY 2 cho thấy thanh thiếu niên có cái nhìn lạc quan về cuộc sống trong tương lai, không có sự khác biệt đáng kể về mức độ lạc quan giữa nữ và nam, giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các nhóm thanh niên có trình độ học vấn khác nhau, cũng như giữa những người theo các tôn giáo khác nhau. Mặt khác, SAVY 2 cũng cho thấy có một tỷ lệ không nhỏ trong số họ còn có lúc cảm thấy tự ti (29,9%), có cảm giác thất vọng, chán chường về tương lai (14,3%). Cuộc sống gia đình, môi trường học tập, sự hài lòng với công việc, việc có hay không sử dụng chất gây nghiện... là những yếu tố có ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của thanh thiếu niên.

Nhìn chung, giới trẻ Việt Nam luôn kỳ vọng vào tương lai, tự tin, đánh giá cao bản thân, thấy mình có ích đối với gia đình, có vai trò trong xã hội và điều này hầu như không thay đổi ở cả hai cuộc điều tra. Nếu được tạo điều kiện phát triển thuận lợi, tinh thần lạc quan này sẽ là động lực thúc đẩy thanh niên lao động và học tập hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo cáo đưa ra kết luận rằng thanh thiếu niên ở SAVY 2 so với SAVY 1 sống trong điều kiện tốt hơn rất nhiều. Có nhiều biểu hiện tích cực trong các lĩnh vực của cuộc sống như giáo dục, việc làm, tiếp cận thông tin về SKSS. Gia đình vẫn là chỗ dựa chắc chắn cho thanh thiếu niên. Cũng như ở SAVY 1, thanh thiếu niên Việt Nam lạc quan về tương lai. Sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng của đất nước đã mang đến cho thanh niên nhiều cơ hội, giúp họ có nhiều niềm tin vào tương lai. Tuy nhiên cũng có nhiều thách thức to lớn đối với họ như: lao động ngày càng đòi hỏi tay nghề, trình độ cao; dễ dàng tiếp xúc với những hành vi nguy cơ cao cho sức khỏe; một bộ phận nhỏ thanh thiếu niên vẫn thiếu hiểu biết về một số kỹ năng sống, có hành vi có nguy cơ cao đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của họ cũng như đối với phúc lợi cuộc sống nói chung của họ và gia đình.

Báo cáo là nguồn thông tin bổ ích về đời sống xã hội, thái độ và hoài bão của thanh thiếu niên Việt Nam hôm nay. Các kết quả thể hiện trong báo cáo là những dữ liệu nền tảng cho các chương trình và chính sách quốc gia về phát triển thanh thiếu niên trong tương lai.

Đào Hồng Lê (giới thiệu)