Liên kết web
Số lượt truy cập

56

2857625

Tin hoạt động

Hội thảo: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, xã hội đương đại và vấn đề giới - nghiên cứu trường hợp trưng bày phụ nữ đơn thân

09/07/2015
Nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi, tìm kiếm các cơ hội hợp tác giữa cộng đồng, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và bảo tàng trong các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới đặc biệt là những vấn đề xã hội đương đại của phụ nữ, sáng ngày 17/5/2011, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và Phát triển văn hóa (A&C) tổ chức Hội thảo “Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, xã hội đương đại và vấn đề giới - nghiên cứu trường hợp trưng bày phụ nữ đơn thân”.

Tham dự Hôi thảo có bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; lãnh đạo các ban TW Hội LHPN Việt Nam; đại diện lãnh đạo và một số bà mẹ đơn thân xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu về giới ở Việt Nam như GS. Lê Thị Nhâm Tuyết, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển; PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới; TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội...

Thay mặt Ban tổ chức, Ths. Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo. Báo cáo chỉ rõ mong muốn của Bảo tàng là “gắn kết nhiều hơn với các vấn đề phụ nữ trong văn hóa và phát triển, tăng cường tiếng nói của người dân, cộng đồng trong các hoạt động bảo tàng đặc biệt là của nhóm phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi; mở rộng quan hệ và kết nối với các tổ chức trong nước và quốc tế góp phần đưa tiếng nói của phụ nữ vào vận động xã hội; từng bước xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thành một đơn vị có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao nhận thức giới cho công chúng về các vấn đề giới, văn hóa và phát triển”

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của gần 40 đại biểu, trong đó có 18 ý kiến trao đổi của các đại biểu về những cảm xúc khi tham quan gian trưng bày “Chuyện những bà mẹ đơn thân”. Vượt ra khuôn khổ của trưng bày, Hội thảo hướng tới một tầm nhìn rộng lớn hơn về việc lựa chọn chủ đề, ý tưởng trưng bày; về phương pháp tiếp cận nghiên cứu - sưu tầm - trưng bày; về phương pháp truyền thông cũng như cơ hội hợp tác...

Về lựa chọn chủ đề ý tưởng trưng bày

Đánh giá về trưng bày phụ nữ đơn thân, các đại biểu đều nhất trí cao rằng đây là một đề tài hay mà Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lựa chọn đưa ra trưng bày. Các ý kiến đưa ra đều nhận thấy ở Bảo tàng một sự đổi mới về nội dung, cách tiếp cận cũng như hình thức trưng bày. “Sau 4 năm đóng cửa để chỉnh lý trưng bày, trưng bày của Bảo tàng rất khác với cách trưng bày cũ…,thấy bảo tàng phụ nữ có những thay đổi về cách tiếp cận, rất thực tế. Cách tiếp cận này đã đem lại sức sống cho bảo tàng” (Bà Trần Thu Thủy, Phó Ban Quan hệ Quốc tế TW Hội LHPN Việt Nam). Những sự thay đổi trong cách tiếp cận mới này “giúp cho bảo tàng chuyển từ bảo tàng chết sang bảo tàng sống ” (Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc).

Các ý kiến cũng chỉ ra rằng trong xã hội hiện nay còn có rất nhiều chủ đề như: phụ nữ có HIV, phụ nữ di cư, phụ nữ tàn tật, đồng tính, phụ nữ độc thân, phụ nữ lấy chồng nước ngoài, giáo viên nữ vùng cao, nữ công nhân...mà chúng ta cần nghiên cứu lựa chọn trưng bày thêm và cách làm thế nào để chúng ta nói lên tiếng nói sống động nhất về nghị lực, sức mạnh của người phụ nữ cũng như những đóng góp của họ trong xã hội nhằm góp phần thay đổi chính sách lập pháp và hành pháp hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Để mở rộng và lôi cuốn công chúng đến với Bảo tàng, ngoài các ý tưởng trưng bày, Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng Bảo tàng cần phải kết hợp với các dự án, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ có cùng một đề tài nghiên cứu để từ đó phát triển thành các ý tưởng trưng bày.

Phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, trưng bày

Phương pháp tiếp cận đối tượng/ chủ thể nghiên cứu là một nội dung lôi cuốn được sự quan tâm của các đại biểu bởi đây cũng là cách mà các nhà nghiên cứu vẫn thường làm để có được thông tin. Bà Đào Mai Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển cho rằng: “Cách tiếp cận của chúng ta không nên tiếp cận theo hướng họ là nạn nhân. Nên để mọi đối tượng tìm thấy mình trong đó”. Hay “vấn đề tiếp cận đó có toàn diện chưa? Họ là nạn nhân hay là những người chủ động và có sự chuẩn bị. Như vậy sẽ toàn diện hơn. Nếu chúng ta trưng bày cùng một vấn đề đương đại nhưng ở những địa bàn khác nhau sẽ rất thú vị. Như vậy sẽ giúp chúng ta có những giải pháp và ứng phó một cách toàn diện” (Lê Thị Lan Phương, Đại học Melbourne, Australia).

Về phương pháp nghiên cứu, GS. Lê Thị Nhâm Tuyết cho rằng với bất cứ vấn đề gì chúng ta “phải nghiên cứu cả một quá trình biến đổi của lịch sử, của tâm lý để thấy được sự biến đổi về nhận thức và hành vi của nhóm đối tượng này như thế nào”. Phải kết hợp nhiều phương pháp: phương pháp bảng hỏi, phỏng vấn sâu, thu thập tư liệu từ những tổ chức có liên quan để phát huy tốt nhất hiệu quả của những kết quả nghiên cứu đó. Đặc biệt là việc sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu để thu được những câu chuyện thật có tác động sâu sắc đến cộng đồng và những người xung quanh (Bà Nguyễn Cao Minh Tâm, Liên minh Vì Môi trường và Phát triển).

Về phương pháp trưng bày, TS. Khuất Thu Hồng cho rằng: “Mỗi trưng bày có những thông điệp riêng - đây là cái đọng lại sâu sắc nhất trong lòng người xem. Vậy thông điệp của triển lãm này (triển lãm phụ nữ đơn thân) là gì? Tôi mong muốn nội dung trưng bày đưa ra những thông điệp rõ ràng ở ngay dưới lời giới thiệu để thu hút, mời gọi mọi người đến tham quan. Thông điệp của triển lãm này cần đưa ra việc bảo vệ, ủng hộ, ca ngợi những người mẹ anh hùng đó”. Triển lãm nên chia sẻ nhiều thông tin/ hình ảnh mang tính hai mặt cũng như việc đưa ra những thách thức mà người phụ nữ đang đối mặt để người xem có những trải nghiệm. Một trong những điểm yếu của trưng bày là quá tham thông tin, hình ảnh... làm cho người xem khó nhớ. (Ông Đặng Nghĩa Phấn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dân số, Xã hội và Môi trường). Vậy bảo tàng nên làm như thế nào để có được những thông tin lắng đọng nhất trong lòng người xem sau khi tham quan triển lãm cũng được đưa ra trao đổi.

Hoạt động truyền thông

Một trong những vấn đề trăn trở của bảo tàng hiện nay là vấn đề truyền thông cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi. Ths. Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Nghiên cứu về Phụ nữ - Viện Gia đình và Giới cho rằng “để độc giả biết đến các hoạt động của Bảo tàng, Bảo tàng cần đưa ra chiến lược thông tin về những hoạt động của Bảo tàng trong một năm. … Đây là cách truyền thông rất hữu hiệu”.

Nhiều ý kiến khác cũng đưa ra các nội dung liên quan như: quần chúng hóa bảo tàng; gắn kết bảo tàng với cộng đồng địa phương như đưa trưng bày lưu động; phát động cuộc thi tìm hiểu về nội dung trưng bày đến với cộng đồng địa phương; mở ra nhiều hoạt động công chúng như thuyết trình của các nhà nghiên cứu, tổ chức các sự kiện văn hóa; xây dựng “Maillist” những nhà nghiên cứu giới để trao đổi thông tin và tạo ra các hoạt động như thành lập CLB những người quan tâm...

Một vấn đề nữa liên quan đến công tác truyền thông là “cần tránh cho công chúng hiểu bảo tàng là của phụ nữ, chỉ dành cho phụ nữ mà cần hướng tới đối tượng là nam giới để tiến tới sự bình đẳng giới” (Bà Đào Mai Hoa).

Triển vọng hợp tác

Đây cũng là mục đích chính của Hội thảo. Với những góc độ riêng, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm của mình về các cơ hội, khả năng hợp tác và cách làm thế nào để hợp tác hiệu quả. Bà Lê Thị Thủy, đại diện Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, người đã có nhiều năm cộng tác với BTPNVN trong các trưng bày về phụ nữ bị bạo hành gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em… chia sẻ: “Chỉ riêng chương trình phát triển của Hội LHPN Việt Nam cũng có nhiều chủ đề rất hay. Tôi mong muốn các dự án của Hội LHPN Việt Nam sau này cần dành các khoản ngân sách trong đánh giá dự án cho sự phối hợp hoạt động nghiên cứu với bảo tàng về các trưng bày liên quan”. PGS-TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Gia đình và Giới nhận xét: “Tôi tìm thấy ở đây nhiều vấn đề mới cho hướng nghiên cứu trong tương lai. Bảo tàng nên có chiến lược trưng bày nhiều chủ đề hơn, tận dụng những kết quả nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu như số liệu, hình ảnh… để cùng trao đổi và phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất những kết quả nghiên cứu đó.”

Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng Hội thảo đã thực sự là diễn đàn trao đổi cởi mở, sôi nổi và hứa hẹn triển vọng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các chương trình dự án phụ nữ trong phát triển trong các hoạt động nghiên cứu trưng bày về giới và xã hội đương đại.

Dương Thị Hằng