Liên kết web
Số lượt truy cập

23

2857948

Tin hoạt động

Hội thảo: Di cư vì hôn nhân của phụ nữ Việt Nam sang các nước Đông á: Hướng tới một cái nhìn đa chiều

09/07/2015
Ngày 1 tháng 7 năm 2011, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tổ chức Hội thảo “Di cư vì hôn nhân của phụ nữ Việt Nam sang các nước Đông á: Hướng tới một cái nhìn đa chiều” nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu về chủ đề di cư vì hôn nhân của phụ nữ Việt Nam sang các nước Đông á. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu về di cư quốc tế từ Việt Nam đến các nước châu á do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội và Đại học Western Ontario (Canada) phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada (IDRC), tháng 6 năm 2007 đến tháng 7 năm 2011. Dự án cũng hợp tác với các học giả của Đại học Pai Chai (Hàn Quốc) và Đại học Tổng hợp Sun Yat Sen (Đài Loan) để tìm hiểu về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam di cư sang hai nước này để kết hôn.

Trong một thập kỷ qua, hiện tượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu với nam giới Đài Loan và Hàn Quốc, đã thu hút được sự quan tâm của xã hội cũng như Chính phủ của cả nơi đi và nơi đến. Tuy nhiên, do tính nhạy cảm cũng như sự phức tạp của quá trình thu thập số liệu, nghiên cứu về chủ đề này vẫn còn khá hiếm. Cho đến nay, thông tin về các cuộc hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam với nam giới Đài Loan và Hàn Quốc chủ yếu là từ báo chí với một số câu chuyện đơn lẻ. ở nơi đi và cả nơi đến, những phụ nữ này cũng như cuộc hôn nhân của họ thường được nhìn nhận một cách tiêu cực.

Các nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo đã cố gắng cung cấp một bức tranh đa dạng về thực trạng của vấn đề. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hôn nhân quốc tế là một xu thế không thể tránh khỏi trong quá trình toàn cầu hóa. Những biến đổi về nhân khẩu và xã hội ở một số nước phát triển trong khu vực làm nảy sinh nhu cầu về một “thị trường hôn nhân”, thu hút dòng nhập cư lớn từ các nước khác. “Hôn nhân với nam giới ở một số nước phát triển hơn được một số phụ nữ Việt Nam nhìn nhận như một cơ hội tốt để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện địa vị xã hội của mình và mở rộng tầm mắt”.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người phụ nữ này và chồng của họ ít nhận được sự hỗ trợ ở cả nơi đi và nơi đến. Chính vì thế quá trình hội nhập của các cô dâu vào gia đình chồng và xã hội nơi họ nhập cư gặp nhiều khó khăn và một số trường hợp đã thất bại. Các nghiên cứu đã phân tích rằng việc đổ lỗi về sự thất bại đó cho người phụ nữ là không công bằng. Người phụ nữ có quyền ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn, và trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc của mình, họ cần được sự hỗ trợ để vượt qua những rào cản do sự thiếu hiểu biết, sự khác biệt về văn hóa và cả kỳ thị. Trong quá trình đi tìm cơ hội cuộc đời của mình họ đã đóng góp cho cả nơi đi và nơi đến bằng lao động và bằng cả trách nhiệm và tình cảm của mình.

P.V.