Liên kết web
Số lượt truy cập

14

2024842

Tin hoạt động

Hội thảo: Tăng cường lăng kính giới trong nghiên cứu sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam

15/11/2016
Trong hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 2016, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo: "Tăng cường lăng kính giới trong nghiên cứu sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) đồng tổ chức, thu hút sự tham gia của các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, bao gồm Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội; các cán bộ chuyên trách của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia; và đại diện của các tổ chức phi chính phủ quốc tế như Oxfam Việt Nam, Care International Việt Nam, CABI.

Hội thảo hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc áp dụng một “lăng kính giới” trong các chương trình nghiên cứu về sản xuất và thị trường nông nghiệp tại Việt Nam, qua đó nhằm mở rộng hiểu biết về các khía cạnh giới trong sản xuất và thị trường nông nghiệp tại Việt Nam, xác định các phương pháp phù hợp để lồng ghép giới vào các hoạt động dự án; và thúc đẩy chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan về các vấn đề nghiên cứu.

Hội thảo được chia thành 7 phiên làm việc, tập trung vào 7 chủ đề chính, bao gồm: (1) Giới trong nghiên cứu nông nghiệp; (2) Lồng ghép giới vào các dự án nghiên cứu ACIAR ở Việt Nam – Bài học từ Việt Nam; (3) Vấn đề giới trong phát triển chuỗi giá trị: Góc nhìn từ thực tiễn; (4) Xác định các cơ hội và thách thức về giới trong chuỗi giá trị; (5) Báo cáo về các vấn đề về giới; (6) Giới thiệu về các công cụ cơ bản và phương pháp tiếp cận để lồng ghép vấn đề giới trong suốt các giai đoạn nghiên cứu; và (7) Cơ hội, hiệp lực và các ưu tiên.

Trong phiên họp về lồng ghép giới vào các dự án nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, đã có bài trình bày về chủ đề “Phụ nữ nông dân với tăng trưởng toàn diện tại Việt Nam”, qua đó cung cấp những bằng chứng khoa học về những “khoảng trống” trong chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và gợi mở những chính sách, biện pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hoạt động nông nghiệp ở Việt Nam, tăng cường bình đẳng giới trong lĩnh vực vốn đang có nhiều định kiến giới là nông nghiệp ở Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kiến ​​thức về các khía cạnh giới trong sản xuất nông nghiệp và tác động của giới đối với nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam. Các diễn giả tin rằng, những đặc trưng về giới trong xã hội Việt Nam sẽ làm giảm hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học và khiến vấn đề bất bình đẳng giới trở nên trầm trọng hơn.

Các diễn giả cũng nhận định, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi nhanh chóng và tích cực. Mức độ hội nhập, thương mại hóa, nhu cầu sử dụng công nghệ tiết kiệm sức lao động trong nông nghiệp ngày càng tăng. Những yếu tố này không những tác động đến hình thái nông thôn và cộng đồng, mà còn đưa lại những thách thức với vai trò truyền thống của giới.

Đào Hồng Lê