Liên kết web
Số lượt truy cập

19

1933620

Chi tiết tạp chíSố 6 - 2011

Một số cách tiếp cận lý thuyết về mối quan hệ vợ chồng trong gia đình

Tác giả: Trần Thị Vân Nương

Trang: 3-15

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết đề cập đến một chủ đề không mới nhưng luôn cần thiết đối với những người nghiên cứu nói chung và nghiên cứu về gia đình nói riêng – đó là cách tiếp cận lý thuyết trong các nghiên cứu xã hội học, cụ thể ở đây là cách tiếp cận lý thuyết trong nghiên cứu mối quan hệ vợ chồng. Mặc dù các cách tiếp cận lý thuyết trong nghiên cứu gia đình đã được nhiều tài liệu đề cập đến, tuy nhiên do tính tản mạn của các nội dung lý thuyết đã được giới thiệu nên việc áp dụng chúng trong nhiều nghiên cứu còn hạn chế. Trong bài viết này, tác giả chú trọng giới thiệu một số cách tiếp cận các trường phái lý thuyết lớn như chức năng cấu trúc, xung đột, trao đổi xã hội và lựa chọn hợp lý, lý thuyết kịch và lý thuyết nữ quyền. Tác giả hy vọng bài viết có thể hữu ích cho bạn đọc trong việc phân tích và lý giải nhiều tình huống xảy ra trong quan hệ vợ chồng hiện nay và góp phần thúc đẩy sự quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng lý thuyết vào nghiên cứu khoa học.

Sự tương đồng trong hôn nhân ở nông thôn Bắc bộ

Tác giả: Trần Mai Hương

Trang: 16-31

File toàn văn đính kèm: Tải về

Ai kết hôn với ai? Lựa chọn người bạn đời là một trong những sự lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời mỗi cá nhân. Con người có xu hướng kết hôn với những người có các đặc điểm tương đồng, ở vị thế xã hội tương đồng hay gần với vị thế xã hội của họ. Tính tương đồng này ám chỉ sự gần gũi trong các đặc điểm về ngoại hình, tâm lý và xã hội giữa người vợ và người chồng. Xem xét sự tương đồng hay khác biệt giữa vợ và chồng một mặt phản ánh những biến đổi trong cơ cấu và nhận thức xã hội; mặt khác, là chỉ báo về mức độ bền vững của hôn nhân trong tương lai. Sử dụng số liệu điều tra trên 1000 người dân tại 3 xã đồng bằng Bắc Bộ, bài viết tìm hiểu tính tương đồng về một số đặc điểm giữa vợ và chồng như tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp. Kết luận cho thấy các cặp vợ chồng thường lấy người bạn đời có chung những đặc điểm này với họ. Tuy nhiên, khuôn mẫu kết hôn có sự khác biệt giữa nam và nữ; và kết hôn liên nhóm (với những người có đặc điểm khác mình) có dấu hiệu phổ biến hơn với những nhóm có trình độ học vấn cao hoặc nghề nghiệp tốt, di động nhiều.

Thực trạng sử dụng rượu bia trong nam thanh thiếu niên Hà Nội

Tác giả: Trần Thị Thanh Loan

Trang: 32-43

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết sử dụng số liệu của cuộc Điều tra tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên Hà Nội năm 2006 để phân tích các nhân tố tác động đến khả năng đã từng sử dụng rượu, bia của nam thanh thiếu niên Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy độ tuổi trung bình lần đầu sử dụng rượu, bia của nam thanh thiếu niên là 18 tuổi. Tác giả cho rằng các yếu tố: độ tuổi, đã từng bị ghi sổ học bạ vì hành vi ứng xử kém trong suốt quá trình học tập và yếu tố nhóm bạn có sự tác động mạnh đến hành vi đã từng sử dụng rượu, bia của nam thanh thiếu niên. Không có sự khác biệt của yếu tố học lực và yếu tố hiện đang đi làm đến khả năng đã sử dụng rượu, bia của nam thanh thiếu niên Hà Nội.

Thực trạng hút thuốc lá của thanh thiếu niên Việt Nam và các yếu tố tác động

Tác giả: Trần Thị Hồng

Trang: 44-57

File toàn văn đính kèm: Tải về

Hút thuốc lá có khả năng gây nguy hại đến tình trạng sức khỏe và gây tổn hại về kinh tế, xã hội nhất là khi đối tượng hút là thanh thiếu niên - lực lượng dân số trẻ của đất nước. Dựa trên số liệu hai cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và 2009 (SAVY1 và SAVY2), bài viết nhận diện thực trạng hành vi hút thuốc lá của thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi 14-25 trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2009. Kết quả cho thấy, mặc dù hiện tượng thanh thiếu niên hút thuốc lá đã giảm, song ở một số nhóm như thanh thiếu niên độ tuổi 14-17, nhóm nữ và dân tộc thiểu số lại có xu hướng gia tăng. Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố làm tăng nguy cơ hút thuốc ở nam thanh thiếu niên bao gồm: sinh sống ở khu vực thành thị, có bạn rủ rê/ép buộc hút thuốc, và có bạn thân hút thuốc. Các yếu tố có ý nghĩa bảo vệ, làm giảm nguy cơ hút thuốc của nam thanh thiếu niên là việc đi học, gia đình có mức sống khả giả. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự thay đổi của các yếu tố tác động tới hành vi hút thuốc lá của nam thanh thiếu niên trong vòng 5 năm qua.

Nghiên cứu và đo lường về tiến bộ bình đẳng giới: Một số cách tiếp cận

Tác giả: Ngô Thị Tuấn Dung

Trang: 58-72

File toàn văn đính kèm: Tải về

Trong nhiều thập kỉ phát triển, các nỗ lực nhằm cải thiện vị thế của phụ nữ, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới ở các lĩnh vực hoạt động cơ bản đã được đặt vào trọng tâm nhiều Chương trình nghị sự phát triển quốc tế toàn cầu và quốc gia. Ngày càng nhiều quốc gia đẩy nhanh việc “nội luật hóa” Công ước CEDAW 1979 bằng các điều luật quốc gia cơ bản về bình đẳng giới, tăng cường nghiên cứu cơ bản và đặc biệt là xây dựng hệ thống các chỉ số, chỉ báo đo lường về những tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới (BĐG) và các yếu tố ảnh hưởng. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu, điều tra đã tiến hành nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, đo lường, đánh giá liên quan đến tiến bộ phụ nữ và BĐG ở từng lĩnh vực và toàn bộ sự phát triển xã hội nói chung. Bài viết trình bày khái quát một số cách tiếp cận đo lường về tiến bộ BĐG trong phát triển trên thế giới và ở Việt Nam, sự cần thiết xây dựng hệ thống dữ liệu giới bao quát mọi chiều cạnh tiến bộ liên quan đến BĐG trong quá trình phát triển.

Nhận thức và thái độ của người dân đô thị đối với người nhiễm HIV/AIDS

Tác giả: Đỗ Thị Thanh Hà

Trang: 73-85

File toàn văn đính kèm: Tải về

Bài viết tìm hiểu thái độ của cộng đồng dân cư đối với những người có liên quan đến HIV/AIDS và nguyên nhân của thái độ kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, dựa trên kết quả nghiên cứu định tính thực hiện năm 2010-2011 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù thái độ đồng cảm, chia sẻ với người không may bị nhiễm HIV/AIDS đã ngày càng tăng, nhưng trên thực tế những người nhiễm căn bệnh này vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của mỗi cá nhân và định kiến coi HIV/AIDS có liên quan đến tệ nạn xã hội càng củng cố thêm thái độ kỳ thị của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Báo cáo Đánh giá giới tại Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Trang: 86-93

File toàn văn đính kèm: Tải về

Báo cáo Đánh giá giới tại Việt Nam (Vietnam Country Gender Assessment, 111 trang, xuất bản năm 2011) là sản phẩm cuối cùng của một loạt các hoạt động hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới với các đối tác phát triển nhằm phân tích các vấn đề giới phục vụ cho đối thoại chính sách với Chính phủ. Báo cáo gồm 5 chương, trong đó trình bày những phân tích về giới trong các lĩnh vực quan trọng như nghèo đói, an sinh xã hội, việc làm, việc tham gia chính trị của nam và nữ và đưa ra những khuyến nghị đối với từng vấn đề đã phân tích. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới - Số 6/2011

Tác giả:

Trang: 1-96

Mục lục số 6 năm 2011 TÁC GIẢ TÊN BÀI TRANG Trần Thị Vân Nương Một số cách tiếp cận lý thuyết về mối quan hệ vợ chồng trong gia đình 3 Trần Mai Hương Sự tương đồng trong hôn nhân ở nông thôn Bắc bộ 16 Trần Thị Thanh Loan Thực trạng sử dụng rượu bia trong nam thanh thiếu niên Hà Nội 32 Trần Thị Hồng Thực trạng hút thuốc lá của thanh thiếu niên Việt Nam và các yếu tố tác động 44 Ngô Thị Tuấn Dung Nghiên cứu và đo lường về tiến bộ bình đẳng giới: Một số cách tiếp cận 58 Đỗ Thị Thanh Hà Nhận thức và thái độ của người dân đô thị đối với người nhiễm HIV/AIDS 73 Nguyễn Phương Thảo Báo cáo Đánh giá giới tại Việt Nam 86 Lê Việt Nga Hội thảo tập huấn “Giới và biến đổi khí hậu: từ nhận thức đến hành động” 94 P.T.H Hội thảo “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: Thực trạng, thách thức và giải pháp” 95